CEO Hội đồng Anh Martin Davidson: 'Giới trẻ hãy tận dụng mọi cơ hội để thành công!'
Ngày 15/1/2010, trong chuyến làm việc một ngày đến
Việt Nam, Tổng giám đốc Hội đồng Anh toàn cầu Martin Davidson đã có một
buổi nói chuyện với sinh viên (SV) Học viện Ngoại giao và một buổi họp
báo giả với SV Học viện Báo chí Tuyên truyền tại Hà Nội về ngoại giao
văn hóa.
Bên lề buổi nói chuyện, VietNamNet đã có một cuộc trao đổi nhỏ với ngài Davidson về vai trò của thế hệ trẻ trong việc kiến tạo “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia.
 |
Martin Davidson |
Phóng viên: Theo ông, vai trò của giới trẻ trong việc tạo ra “sức mạnh mềm”, “sức mạnh thông minh” cho mỗi quốc gia là gì?
Martin Davidson: Giới trẻ là tương
lai của bất cứ quốc gia nào. Một nước muốn phát triển, muốn trở nên
mạnh hơn trên trường quốc tế thì cần phải có lớp trẻ sáng tạo. Trong
một thế giới toàn cầu hóa, các quốc gia phải dựa vào nhau ngày càng
nhiều hơn.
Vì thế, giới trẻ cần phải có kiến thức, có kỹ năng,
sự hiểu biết và điều quan trọng là phải có mong muốn được trở thành một
phần của cộng đồng quốc tế.
Nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa chính là tạo cơ hội
cho giới trẻ có được những cơ hội để thể hiện khả năng đó của mình. Sự
thịnh vượng của quốc gia phụ thuộc vào khả năng của những người trẻ có
thích ứng được với môi trường quốc tế hay không.
Điều đó đúng với nước Anh và tôi nghĩ cũng đúng với Việt Nam.
Vậy những kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết mà người trẻ cần có để thích ứng với môi trường quốc tế là gì, thưa ông?
Qua hai buổi nói chuyện với SV tại HV Ngoại giao và
HV Báo chí Tuyên truyền, tôi nhận thấy các bạn đã đưa ra những câu hỏi
rất hay và sắc sảo. Điều này khiến cho tôi cảm thấy ngạc nhiên về vốn
kiến thức và tầm hiểu biết của các bạn. Theo tôi, đây là một yếu tố
quan trọng để các bạn trẻ VN tự tin tham gia vào quá trình phát triển
của toàn cầu.
Ngoài ra, các bạn cần phải giỏi tiếng Anh và sử dụng
thành thạo internet như những công cụ kết nối cá nhân với mạng xã hội
rộng lớn, thông qua đó tìm kiếm các cơ hội phát triển cho chính mình.
Để thích ứng với môi trường quốc tế phát triển đa
dạng nhưng không ít phức tạp, các bạn cũng cần phải học thái độ lắng
nghe và hiểu biết sâu sắc những nền văn hóa khác biệt, từ đó làm cơ sở
cho sự đối thoại và chung sống hòa bình lẫn nhau.
Sự phát triển internet và các phương tiện truyền
thông khác mang lại nhiều thay đổi tích cực. Nhưng bên cạnh đó cũng có
lo ngại thế hệ trẻ bị “đồng hóa” theo những giá trị bên ngoài mà không
giữ được bản sắc dân tộc mình. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm gì để trở
thành một công dân toàn cầu vẫn giữ được những giá trị độc đáo của dân
tộc?
Theo tôi, vấn đề thế hệ tương lai “bị đồng hóa” hay
còn giữ được bản sắc không phụ thuộc nhiều vào sự phát triển internet
hay các phương tiện truyền thông, kỹ thuật khác.
Rõ ràng là sự phát triển của internet đang tạo ra
những cơ hội rất lớn cho những người trẻ giao lưu với thế giới và qua
đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người của quốc gia họ.
Qúa trình các bạn trẻ sáng tạo trong tất các các
lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, giáo dục hay các lĩnh vực khác của xã
hội dân sự trên nền tảng phát huy những giá trị độc đáo của dân tộc
mình, theo tôi, chính là quá trình “giữ gìn bản sắc dân tộc”.
 |
Sinh viên Học viện Ngoại giao trong buổi đối thoại. |
Ông có nhiều năm kinh nghiệm và hiểu biết về
Trung Quốc. Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, là một xã hội Á đông
với nhiều truyền thống và giá trị bảo thủ. Vậy làm sạo để thúc đẩy sáng
tạo, dám thay đổi trở thành văn hóa ở những quốc gia này?
Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo, quản lý nhà nước, những
nhà làm luật, hoạch định chiến lược, lãnh đạo các chính quyền, sở, ban,
ngành…. sẽ đóng một vai trò quan trong trong quá trình này.
Họ chính là người nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho sự
phát triển cho sáng tạo trở thành văn hóa của các quốc gia bằng những
chính sách, điều luật, cơ chế khuyến khích quá trình này.
Thế còn những người trẻ, họ đóng vai trò như thế nào trong quá trình đó và làm thế nào để thúc đẩy quá trình đó?
Như tôi đã từng nhấn mạnh, giới trẻ là tương lai của
bất cứ quốc gia nào và vì vậy một nước muốn phát triển, muốn trở nên
mạnh hơn trên trường quốc tế thì cần phải có lớp trẻ sáng tạo.
Để thúc đẩy quá trình đó, ngoài việc lớp trẻ được
các nhà quản lý, lãnh đạo và cả xã hội khuyến khích việc sáng tạo, thì
bản thân mỗi cá nhân cũng phải học hỏi, tích lũy những kiến thức và kỹ
năng cần thiết để trở thành mỗi cá nhân sáng tạo.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công của bản thân ông với giới trẻ Việt Nam?
(cười) Đây có vẻ là một câu hỏi khó. Tôi nghĩ vấn đề chính là tận dụng hết sức tất cả các cơ hội mà bạn có.
Với giới trẻ ngày nay có thể là các cơ hội về thông
tin, về giao lưu kết bạn… Chúng ta đã được nghe rất nhiều về những
thanh niên ở tuổi 18 nhưng đã trở thành những doanh nhân, thủ lĩnh
thành đạt chính là nhờ họ đã biết tận dụng mọi cơ hội, đặc biệt là các
cơ hội đến từ mạng internet.
Xin cám ơn ông!
Martin Davidson bắt đầu vai trò Tổng giám đốc Hội đồng Anh toàn cầu
từ tháng 4/2007. Trước đó, ông đã có một quá trình làm việc 16 năm liên
tục tại Trung Quốc, Hồng Kông và ông cũng từng đảm nhiệm nhiều vai trò
quan trọng tại Hội Đồng Anh các khu vực đặc biệt như Đông Á, Trung
Đông, Nam Âu…. Tại buổi lễ nhận chức năm 2007, vị Chủ tịch Hội đồng Anh
ca ngợi ông như một nhân vật của những sáng tạo dựa trên một nền tảng
tri thức, kinh nghiệm sâu sắc. Sở thích của Martin vào lúc rảnh rỗi là
được ngồi trong khoang lái của một chiếc máy bay nhỏ để ngắm cảnh vật
từ không trung. Ông còn là “tín đồ” của những môn thể thao như chạy bộ,
bóng chày.
(Theo Vietnamnet.vn)