Hôm nay (27/2), diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam
|
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam |
Tham dự hội thảo sẽ có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành; Các Viện Nghiên cứu, cơ sở đào tạo; Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hội thảo được tổ chức nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hoá Việt Nam trong 80 năm qua.
Tại Hội thảo, sẽ có 2 phiên nội dung, gồm: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Năm 1943 “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã đi vào lịch sử như một bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam 80 năm qua đã cho thấy ý nghĩa và giá trị mang tầm thời đại của văn kiện này.
Với Đề cương về văn hóa Việt Nam, lần đầu tiên Đảng ta đã trình bày rõ ràng những quan điểm cơ bản của mình về văn hóa; Về vị trí của văn hóa trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc; Về sự tất yếu phải thực hiện cách mạng tư tưởng văn hóa sau khi cách mạng chính trị thành công và định hướng xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam. Cụ thể, Văn hóa “bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”, thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội; Nền tảng kinh tế của một xã hội quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội ấy.
Đảng đã xác định văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa và cách mạng văn hóa.
Thức tỉnh và thu hút, tập hợp giới trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam vào sự nghiệp cứu quốc dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng; Huy động sức mạnh văn hóa trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Định hướng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mới dựa trên 3 nguyên tắc: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Xác định tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam: Dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung.
Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện một cách sâu sắc và dễ hiểu những quan điểm của Đảng về văn hóa và cách mạng văn hóa ở Việt Nam, trên cơ sở những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin.
Những quan điểm đó đã có tác dụng soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn thể dân tộc qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, đóng góp vào thắng lợi chung của cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, những ý nghĩa và giá trị của bản "Đề cương về văn hóa Việt Nam" sẽ vẫn tiếp tục được khẳng định và phát huy.
Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ nhìn lại và khẳng định nền tảng lý luận, giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ đó tìm ra những định hướng, giải pháp góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới nhằm hiện thực hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai có hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và cụ thể hóa lộ trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, hội thảo lần này sẽ không chỉ nhìn lại dấu mốc tự hào ở 80 năm về trước mà chính là một sự tiếp nối. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mong muốn từ sự kiện tầm cỡ quốc gia này, thế hệ những người làm văn hóa hôm nay không chỉ cùng nhau nhìn lại ý nghĩa, tầm nhìn của bản đề cương ra đời từ 80 năm về trước mà còn kỳ vọng sẽ có những bàn thảo, giải pháp thiết thực về phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện nay, hiện thực hóa phát biểu tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất…”.
(Theo Anh Đức/tuoitrethudo.com.vn)
https://tuoitrethudo.com.vn/hom-nay-272-dien-ra-hoi-thao-khoa-hoc-quoc-gia-80-nam-de-cuong-ve-van-hoa-viet-nam-218249.html