GIA ĐÌNH THĂNG LONG - HÀ NỘI - LỊCH SỬ VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
Được “ấp ủ” từ giai đoạn I của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, tuy nhiên phải đến giai đoạn II của Dự án, việc triển khai biên soạn đề tài mới được hiện thực hóa. Đến nay, bản thảo công trình đã hoàn thành và được tổ chức nghiệm thu vào lúc 14h30 ngày 02/10/2017 tại Nhà xuất bản Hà Nội với sự tham gia của Hội đồng nghiệm thu, Ban quản lý Dự án, tác giả công trình - GS.TS. Lê Thị Quý cùng các cộng sự. Cuộc họp do GS.TS. Nguyễn Hữu Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì.
Ngay từ khâu xây dựng đề cương, các nhà nghiên cứu trong Hội đồng nghiệm thu đã nhấn mạnh đây là một đề tài khó - khó ở phạm vi bao quát của đề tài quá rộng trong khi tư liệu trong lịch sử viết về gia đình Thăng Long - Hà Nội lại rất hạn chế. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, GS.TS. Lê Thị Quý đã vượt qua những trở ngại đó, hoàn thành bản thảo đảm bảo tiến độ đề ra - điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của tác giả và các cộng sự. Một cách tổng quát, các thành viên của Hội đồng nghiệm thu khẳng định đây là một công trình được biên soạn công phu, nghiêm túc, với nguồn tư liệu phong phú cung cấp cho người đọc lượng kiến thức rộng lớn vừa mang tính bao quát lại vừa chi tiết, từ đó giúp cho người đọc có cái nhìn đa diện, sâu sắc về gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Thăng Long - Hà Nội nói riêng qua nghìn năm lịch sử.
Tuy nhiên, để công trình có thể đến tay độc giả với chất lượng tốt nhất, các thành viên Hội đồng khoa học cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để tác giả hoàn thiện bản thảo.
Về mặt cấu trúc, cách tổ chức kết cấu của bản thảo hiện nay còn khá dàn trải, dài dòng. Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, GS.TS. Lê Hồng Lý, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ - với mục tiêu tái hiện lại toàn bộ quá trình hình thành phát triển của gia đình Thăng Long - Hà Nội thì nên bố cục nội dung theo các giai đoạn lịch sử (trước 1010; từ 1010 đến 1858; từ 1858 đến 1945; từ 1945 đến 2017). Cách đặt tên các phần, chương, các tiêu đề nhỏ cũng nên chỉnh sửa ngắn gọn, tổng quát và thể hiện chính xác nội dung phản ánh. Tùy thuộc vào nguồn tư liệu, bản thảo nên cố gắng bảo đảm sự nhất quán trong việc trình bày các mục thuộc các phần, để tránh tình trạng cùng một nhóm vấn đề nhưng mỗi mục lại trình bày theo các hướng khác nhau. Mặt khác, những mục trình bày về bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị ở các phần nên rút gọn lại và tập trung trình bày những yếu tố bối cảnh có tính gắn kết, tác động với đặc điểm gia đình. Dung lượng của các phần nên có sự cân đối hợp lý, tránh tình trạng quá chi tiết hoặc quá sơ lược. Theo ý kiến của ông Phạm Quốc Tuấn, một số nội dung có thể cân nhắc đưa vào phần Phụ lục để đảm bảo tính tập trung, cô đọng của phần chính văn.
Về nội dung công trình, các nhà nghiên cứu trong Hội đồng đã có những bản thẩm định, đánh giá và trao đổi góp ý chi tiết, cụ thể. Theo ý kiến của GS.TS. Lê Hồng Lý, PGS.TS. Vũ Tuấn Huy cần khai thác, làm rõ hơn đặc điểm các loại gia đình tiêu biểu, phân biệt được các loại gia đình trong cùng thời kỳ cũng như giữa khác thời kỳ khác nhau, từ đó để khái quát nên đặc trưng văn hóa của xã hội Thăng Long - Hà Nội cũng như xã hội Việt Nam nói chung ở từng thời điểm lịch sử khác nhau.
Từ góc độ của người nghiên cứu tâm lý, xã hội học, PGS.TS. Bùi Thị Hồng Thái lưu ý việc trình bày các hình thức hôn nhân qua các thời kỳ cần cân nhắc sắp xếp hợp lý hơn và cần được đánh giá tập trung hơn nữa. Nhiều ý kiến cho rằng, phần viết về danh nhân Thăng Long - Hà Nội nên rút gọn việc trình bày tiểu sử, hành trạng, thay vào đó cần tập trung khai thác ảnh hưởng của gia đình tác động lên nhân cách, phẩm chất danh nhân.
Ý kiến của PGS.TS. Trần Hậu cho rằng bản thảo cần làm rõ hơn những yếu tố tích cực và tiêu cực về kinh tế, về xã hội tác động đến sự hình thành tính cách con người và gia đình Thăng Long - Hà Nội. Tán thành với quan điểm của nhà nghiên cứu này, PG.TS. Nguyễn Chí Mỳ cũng nhấn mạnh cần đánh giá được thực trạng, xu hướng biến đổi của gia đình Thăng Long - Hà Nội hiện nay dưới tác động của sự phát triển kinh tế, sự hội nhập, giao lưu văn hóa phương Tây từ đó đề xuất giải pháp gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong cuộc sống hôm nay.
Từ góc độ Chủ đầu tư - ông Lê Tiến Dũng - Tổng giám đốc NXB Hà Nội đặc biệt lưu ý đây là cuốn sách phổ biến đến đông đảo bạn đọc do đó cần đảm bảo tính chính xác của thông tin, tư liệu, đặc biệt là các tư liệu liên quan đến lịch sử.
Sau cuộc họp, bản thảo sẽ được rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi chuyển sang công đoạn sản xuất để sớm ra mắt độc giả rộng rãi.
Hoàng Linh