Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Hà nội - thành phố rồng nghìn tuổi |  Bạn đang ở:Trang chủ » Các hoạt động

“HÀ NỘI - THÀNH PHỐ RỒNG NGHÌN TUỔI” 

MỘT GÓC TIẾP CẬN HÀ NỘI ĐỘC ĐÁO

Ngày 18 tháng 8 năm 2007, tại nhà xuất bản Hà Nội, đã diễn ra buổi họp nghiệm thu đề cương đề tài “Hà Nội - Thành phố Rồng nghìn tuổi” do Nhà văn hóa Hữu Ngọc thực hiện. Tham gia hội đồng có các chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa do GS. Phan Huy Lê làm chủ tịch hội đồng.

Nhà văn hoá Hữu Ngọc đã trình bày về ý tưởng biên soạn tập sách như sau: Mặc dù, Nhà xuất bản đặt vấn đề hơi muộn nhưng loại đề tài này ông đã thực hiện từ cách đây 5 năm. Khi đó tác giả hợp tác với Bộ ngoại giao Canada (Kepex) biên soạn một cuốn giới thiệu về Hà Nội, phía Kepex cử chuyên gia chọn ảnh và thực hiện hợp đồng chỉ trong 3 tháng. Kết quả cuốn sách đã ra đời đúng hạn và được đánh giá tốt. Hiện nay, hàng tháng tác giả vẫn có bài viết cho VietnamNews, trong đó không ít bài về Hà Nội. Trên cơ sở 2/3 vốn sẵn có, tác giả sẽ cập nhật và bổ sung những điểm còn thiếu.

Hiện nay, chúng ta có nhiều sách đề cập đến Hà Nội ở nhiều góc độ khác nhau, từ những sách đó tác giả rút ra cách làm sách có ảnh phụ hoạ là dễ tiếp cận nhất. Về nội dung: Tác phẩm sẽ đi vào những điểm nổi bật của lịch sử Thăng Long - Hà Nội từ tiền sử đến lập quốc, thời 900 năm. Đến thế kỷ XX, tác giả sẽ quan tâm đến Cách mạng tháng 8, Hà Nội xây dựng và đổi mới. Về danh thắng Thủ đô sẽ chia: phố cổ, phố Tây, vùng ngoại ô và Hà Nội 20 năm phát triển. Số ảnh khoảng 30 tấm, chú ý chọn ảnh đẹp nhất về các tháp cổ, ảnh phong cảnh, sinh hoạt, tranh vẽ.

          Bà Phạm Chi Lan - một thành viên hội đồng đã nhận xét: Về cơ bản hoàn toàn tán thành các đề mục và các bài đã nêu. Tuy nhiên, đề nghị tác giả lưu ý một số điểm sau: Phần 1: Nên thêm bài về Hồ Gươm; Phần 2: Về các món ăn của Hà Nội, nên bỏ món “Thịt chó” thay bằng món “Bún thang”; bỏ “Cơm bụi” thay bằng món “Chè xanh”. Phần 6: Nên thêm vài bài về con người Hà Nội trải qua những đổi thay trong lịch sử, đặc biệt trong những thập kỷ gần đây. Ví dụ: về tâm hồn người Hà Nội qua thơ văn nhạc hoạ, về người Hà Nội những năm khói lửa, về tri thức và văn nghệ sĩ Hà Nội, về những người con Hà Nội đi sinh sống ở nơi khác (kể cả ở nước ngoài), về phụ nữ Hà Nội…

          Về cấu trúc: Nên chăng có một phần riêng (phần 7) để giới thiệu các sản phẩm văn hoá và các sản vật tiêu biểu của Hà Nội. Trong đó, có các bài giới thiệu về sản phẩm nghệ thuật tạo hình truyền thống và hiện đại, đồ lưu niệm, gốm mỹ nghệ, thêu ren… Đồng thời, sắp xếp lại bố cục của đề cương cho thật phù hợp (Ví dụ: các bài về các món ăn trong phần “Khu phố cổ”, các bài về sơn mài và khảm tre trong phần “Những đổi thay của Hà Nội” cần đưa vào phần 7 này).

Cùng chung các ý kiến, GS. Việt Phương - một thành viên khác của hội đồng cho rằng: Tác giả cần cân nhắc về cách dùng từ trong đề cương “ý đồ” hay “ý định”. Theo tôi nên dùng “ý định” để tránh hàm nghĩa xấu. Về phần 2: Đề nghị tác gải lưu ý mấy vấn đề sau đây:

Cần sửa chữa một số bài đã xuất bản, có một số trường hợp là bổ sung thêm cho cập nhật. Nếu được thì hay và hấp dẫn hơn.

Nếu có thể thì mong muốn có thêm mấy bài, chủ yếu ở phần cuối “Những đổi thay của Hà Nội”: Ban mai Hà Nội; Đêm khuya Hà Nội; Những phố nhỏ và góc khuất Hà Nội; Cây và hoa Hà Nội; Hào hoa thanh lịch Hà Nội trong duyên dáng Việt Nam; Những dịch vụ mới và nghề mới ở Hà Nội; Thế hệ @ 8X, 9X của Hà Nội; Hà Nội thành phố hoà bình; Hà Nội với bạn bè quốc tế;

88 đề mục trong dự thảo đã rất phong phú và tốt. Khổ sách và độ dày của sách là thích hợp. Dự thảo nêu ra là sách khoảng trên 250 trang. Có trên 250 trang một ít cũng không sao. Phần tranh phụ bản rất quý và chắc sẽ được đánh giá cao.

GS. Việt Phương khẳng định đây là một đề cương rất tốt. Nhà văn hoá Hữu Ngọc là người đích đáng nhất để thực hiện đề tài này.

Với tư cách một thành viên hội đồng GS. Lê Hồng Sâm đã phát biểu: Nhà văn hoá Hữu Ngọc là người xứng đáng nhất để làm đề tài này trên cơ sở các công trình đã trình bày từ lâu nên tính khả thi rất cao. Đề nghị bổ sung thêm các chung cư mới thể hiện tính tất yếu phát triển của Việt Nam trong đó có cả mặt hạn chế của đô thị mới. Cần khắc phục bỏ món thịt chó (gây phản cảm với người châu Âu, không phổ quát).

          GS. Phạm Đức Dương cũng có nhiều ý kiến đánh giá về đề cương công trình:         ủng hộ ý đồ của tác giả.

          Đây là thể loại ký văn học nhưng giàu chất thông tin, phần lớn tập hợp những bài đã công bố trên báo chí của nhà văn hoá Hữu Ngọc và một số bạn bè người nước ngoài của ông. Do đó, lần xuất bản này đòi hỏi một trình độ biên tập, sưu tập và nhất là phần minh hoạ bằng tranh ảnh.

          Giáo sư lưu ý tác giả là chú ý phần kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về Hà Nội để góp phần giúp cho đông đảo bạn đọc nhận diện đúng văn hoá Hà Nội.

Với tư cách chủ tịch hội đồng GS. Phan Huy Lê đã tổng kết các ý kiến: Hội đồng nhất trí và rất tin cậy nhà văn hoá Hữu Ngọc sẽ thực hiện rất tốt đề tài này. Đây là tập sách phục vụ đối tượng khá cao.

          Về cụ thể nội dung cuốn sách, hội đồng quan tâm nhiều đến ý tưởng và cách đặt vấn đề cho từng đề tài của tác giả. Về tâm linh: cần kiểm tra lại vấn đề Mỵ Châu, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh gắn với Sông Đà nhiều hơn Sông Hồng. Cấu trúc chùa quá rộng, nên thu về các chùa Hà Nội như: chùa Đồng Cổ, liên quan đến hội thề là chùa lâu đời và đặc trưng Hà Nội. Về khu phố cổ đã có Hồ Gươm ở các mục khác, nên bổ sung Tháp Bút, Đài nghiên. Nên bỏ mục “Thịt chó” (Nhật Bản cấm thịt chó ở nội thành Seun), thêm món “chè xanh”, “Điếu cày”, “Bún Thang”, từ đó có thể rút ra: Hà Nội là nơi quy tụ (hội tụ) các nét văn hoá tiêu biểu của Việt Nam. Cần thêm phần đổi thay của Hà Nội gần đây: phố làng, làng phố, những khu đô thị mới. Sự biến thiên, phân hoá về tình người từ tập thể sang cá thể rất rõ. Được thể hiện qua quá trình chuyển từ khu tập thể sang khu đô thị mới ngày nay (ví dụ: Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Kim Liên xưa kia, đến các Đô thị Siputra, Trung Hoà Nhân Chính... ngày nay).

Về cách viết nên viết theo lối ký văn học, chọn tên cho từng chương hấp dẫn hơn. Ví dụ: “Hà Nội thành phố sông hồ”; “Hà Nội từ ngàn xưa đến ngày nay” v.v... Thêm một phần tranh dân gian Hàng Trống (tranh thờ), một thời phổ biến rộng khắp Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ; mở rộng thêm đời sống văn hoá tâm linh, văn học, giáo dục, thi cử.

          Hội đồng ủng hộ đề tài này của nhà văn hoá Hữu Ngọc để phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tác giả là người đủ khả năng thực hiện.

          Thay mặt chủ đầu tư ThS. Nguyễn Khắc Oánh đã phát biểu ý kiến: Nhà xuất bản xác định tầm quan trọng của việc giới thiệu thương hiệu Hà Nội với bạn bè quốc tế. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp hiếm có trong lịch sử. Những đề tài như của nhà văn hoá Hữu Ngọc đã đáp ứng được mong muốn của Dự án. Nhà xuất bản rất cám ơn nhà văn hoá Hữu Ngọc và các giáo sư đã tham gia vào Hội đồng thẩm định đề cương này, mong các giáo sư góp những ý kiến xác đáng để bộ sách hoàn hảo, phản ánh toàn diện lịch sử phát triển của Thủ đô, nhất là sự đổi mới to lớn mấy chục năm qua.

Nhà xuất bản tin tưởng Nhà văn hóa Hữu Ngọc là người đủ khả năng thực hiện thành công cuốn sách này. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của hội đồng trong việc thẩm định cuốn sách.

          Đối với các ý kiến của hội đồng, của chủ đầu tư Nhà văn hoá Hữu Ngọc đều cố gắng tiếp thu ở mức tối đa. Tuy nhiên ông cũng khẳng định: bản thân đã viết về Hà Nội cách đây 10 năm, nay chọn lọc chỉ được 2/3, phải thêm 1/3 bài mới. Về món “thịt chó” đã có bài đăng trên VietnamNews, báo Curie, bài đó được khen hay. Về vấn đề Thế vận Hội Olimpic cấm Nhật Bản ăn thịt chó, phía Nhật Bản đã nêu quan điểm: không nên lấy tiêu chuẩn của nước mình để áp đặt vào nước khác. Tác giả muốn chứng minh tục ăn thịt chó không dã man như tục ăn một số con vật ở nhiều nước khác. Tuy nhiên nếu Hội đồng đã phân tích nó chưa phổ quát tác giả đồng ý tạm rút lại.

Chủ biên công trình cũng khẳng định sẽ cố gắng hoàn thành bản thảo đúng hạn, phục vụ chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.



Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá