HỌP NGHIỆM THU ĐỀ CƯƠNG
CHI TIẾT ĐỀ TÀI
“TRANG PHỤC THĂNG LONG -
HÀ NỘI, 1000 NĂM VĂN HIẾN”
Ngày 02 tháng 1
năm 2008, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức buổi họp nghiệm thu đề cương đề tài: “Trang
phục Thăng Long - Hà Nội, 1000 năm văn hiến”, do TS. Đoàn Thị Tình chủ
biên. Thành phần tham dự gồm nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh
vực văn hóa và đại diện Hội đồng TVKH, Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách Văn hóa -
Xã hội cùng Ban Quản lý Dự án Tủ sách và các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội.
Mở đầu cuộc
họp, TS. Đoàn Thị Tình trình bày tóm tắt về bản đề cương công
trình cũng như những chỉnh sửa sau khi nhận được ý kiến góp của các nhà nghiên
cứu về bản đề cương sơ thảo. Trước hết về tên đề tài bà tán thành gợi ý của TS. Nguyễn Đình Nhã
nên gọn lại là “Trang phục Thăng Long - Hà Nội”. Đây là cuốn sách nằm trong Dự
án Tủ sách “Thăng Long nghìn năm văn hiến” nên tên đề tài “Trang phục Thăng
Long - Hà Nội” có lẽ đã đủ.
Chương I: Để thống nhất với các chương sau, sẽ có
tên là “Trang phục thời kỳ Hùng Vương đến thời Tiền Lê” (thay cho đề cũ: “Bối
cảnh - môi trường - Tiền đề của văn hoá mặc vùng Thăng Long - Hà Nội”). Nhưng
vẫn giữ nội dung, tinh thần của đầu đề cũ, đương nhiên không đi sâu khảo tả quá
nhiều về trang phục giai đoạn Hùng Vương đến Tiền Lê mà chỉ nêu những nét
chính, tiền đề của văn hoá mặc vì nó là cơ sở để các thời sau kế thừa, phát
triển.
Chương II: Về hai lỗi trình bày ở 2 đề mục trong
chương này, chúng tôi xin được tiếp thu.
- Chương III: PGS.
Lê Văn Lan góp ý: “nên tách giai đoạn 1802 - 1884 còn là thời Nguyễn, không có
nhiều ảnh hưởng phương Tây, đưa lên chương II. Phó giáo sư cho rằng từ 1884 -
1945 là Pháp thuộc. (Biên định lịch sử như vậy nhưng trang phục thì cho đến năm
1945 mới hết cân đai mũ mãng)”. Phần này Phó giáo sư gợi ý cho nhóm biên soạn
lưu ý về sự phân định thời gian và nhấn mạnh những giai đoạn chuyển tiếp sang
Âu hoá. Nhóm biên soạn xin lĩnh hội và chuyển dịch trong quá trình thực hiện
bản thảo cho hợp lý hơn.
Chương IV: Từ những gợi ý của NNC. Nguyễn Vinh
Phúc, nhóm đồng ý với sự góp ý về mục 4 và 5 về các thành phần như Tự vệ thành,
Vệ quốc đoàn và mỗi giai đoạn sẽ bổ sung đầy đủ: đầu tóc, trang sức… Cũng trong
chương này, PGS. Ngô Mạnh Lân có gợi ý là bớt phần đương đại (người mẫu, trình
diễn, cửa hàng…). Thực tế đề tài có chủ trương giới thiệu đương đại cho toàn
diện nhưng không quá nhiều có tính chất điểm qua và nhấn mạnh sự phát triển của
áo dài truyền thống.
Chương V: Tiếp nhận những ý kiến của
NNC. Nguyễn Vinh Phúc, TS. Nguyễn Viết Chức, TS. Nguyễn Đình Nhã, PGS. TS.
Nguyễn Chí Mỳ… nhóm sẽ xử lý như sau: Những trang phục đặc thù, lồng ghép vào
các thời kỳ với quan điểm quán xuyến như trong bố cục của bản đề cương: Trang
phục các tầng lớp trong xã hội sẽ có trang phục cung đình và trang phục nhân
dân. Sẽ có cả trang phục lễ hội, lễ cưới, lễ tang, tôn giáo, quân đội… đều đề
cập đến: đồ đội, đồ mặc, đồ đi, trang điểm, trang sức, tác phẩm tạo hình và
hiện vật khảo cổ (nếu có). Như vậy chương V đầu đề cũ là: “Một số trang phục
đặc thù” không còn nằm riêng một chương nữa.
Phần kết luận: nhóm sẽ tách và điều chỉnh cho rõ ra là
kết luận của sách như PGS. Lê Văn Lan gợi ý.
Phần Tư liệu tham khảo còn
thiếu, xin được bổ sung sớm khi chỉnh sửa hoàn thiện, đề cương chi tiết.
Bên cạnh đó, TS. Đoàn Thị
Tình cũng đưa ra nhiều ý kiến phản biện và bảo lưu quan điểm biên soạn. Về ý
kiến của PGS. TS. Đinh Xuân Dũng cho rằng “phải giới hạn lại đề tài, nếu không
sẽ khó đạt yêu cầu”. Đề tài lại cần năng lực sâu về mặt lịch sử 1000 năm Thăng
Long. Theo quan niệm của chủ biên: đây là cuốn sách chuyên đề về văn hoá mặc,
cần bám sát sự phát triển của trang phục, đương nhiên nó vẫn không thể tách rời
những sự kiện lịch sử, xã hội. Nhưng lịch sử xã hội là cái nền để làm nổi bật
những vấn đề mà đề tài muốn nói chứ không phải đi sâu về mặt lịch sử.
Về ý kiến của TS. Nguyễn
Đình Nhã “chưa thấy sự khác biệt giữa trang phục của người Thăng Long - Hà Nội
với trang phục của cư dân nước ta nói chung”. Bà chia sẻ, trong phạm vi của đề
tài có lẽ có nhiệm vụ bao quát chung của cả nước chưa thực hiện được ở đây. Còn
vùng đồng bằng Bắc Bộ thì đương nhiên vì trong văn hoá mặc, Thăng Long - Hà Nội
là nơi hội tụ tinh hoa, tiếp nhận chọn lọc và có điều kiện kinh tế, văn hoá.
Sau khi tiếp thu chọn lọc và phát triển thì nó sẽ có ảnh hưởng ra khu vực cũng
như toàn quốc.
PGS. Lê Văn Lan phát biểu tại cuộc họp tập trung
vào ba vấn đề chính:
Thứ nhất, ông đồng tình với
việc đề tài sẽ do một tác giả thực hiện bởi lẽ theo ông như thế có thể thống
nhất tập trung lực lượng để thực hiện đề tài cho tốt. (Nhưng mặt khác, trong quá
trình biên soạn cũng như sau khi tác phẩm này ra đời, tác giả sẽ nhận nhiều búa
rìu dư luận).
Tại cuộc họp, PGS. Lê Văn
Lan đã phát biểu và trình bày khá chi tiết về vấn đề kết cấu: Như trong đề
cương trình bày, lịch sử trang phục được điểm qua từ Đinh, Lê, Lý, Trần đến
ngày nay. Có một câu hỏi: lịch sử trang phục có nhất thiết đồ khớp lên lịch sử
dân tộc không? Về lý thuyết, kết cấu của công trình không nhất thiết phải đồ
theo lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, tình hình hiện nay nhiều người chưa quan tâm
đến: hiện ở nước ta đang có hai thực thể ngày càng cách xa nhau. Thực thể thứ
nhất là hằng số ba chữ nông: nông thôn, nông nghiệp, nông dân; thực thể thứ hai
là đô thị và thị dân. Thực tế, chúng ta nhắc nhiều đến hằng số thứ nhất mà quên
mất rằng đô thị và thị dân đang là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm hơn, nẩy sinh
nhiều vấn đề phức tạp hơn. Chúng ta đang vô tình đồng nhất văn hoá nông thôn và
văn hoá đô thị. Ứng vào đề tài này là trang phục Thăng Long - Hà Nội là trang
phục thị dân, đô thị qua các thời chứ không phải trang phục nông dân và nông
thôn. (Trang phục đô thị rất khác trang phục nông thôn). Từ xuất phát điểm này,
chúng ta sẽ tìm ra cái cổ truyền, cái hiện đại, cái lai căng…
Như vậy, về kết cấu của đề
tài bám rất sát vào việc phân kỳ lịch sử. Nhà nghiên cứu này cho rằng không
nhất thiết cứ phải chia nội dung đề tài theo từng thời kỳ lịch sử mà theo sự
chuyển biến của trang phục để phân chia. Ví dụ, về lý thuyết, thời Nguyễn được
tính từ năm 1802, thời Pháp thuộc là năm 1884 (lấy hiệp ước Paternot làm mốc),
tác giả không nên nhập thời Nguyễn vào thời Pháp thuộc. Nếu bám lịch sử trang
phục theo lịch sử dân tộc chúng ta sẽ phải tách ra từng mảng để phân tích. Như
vậy, về kết cấu sách chỗ nào giống lịch sử dân tộc có thể sử dụng, chỗ nào khác
cần lưu ý, có sự nhấn mạnh những thời điểm đặc biệt: ví dụ sự ra đời của áo
dài, khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, phái đoàn ra mắt với trang phục
như thế nào? Về mặt nghiên cứu sẽ rất thú vị: sẽ cho thấy ảnh hưởng bên ngoài
như thế nào? sức kháng cự của dân tộc? Và sản phẩm cuối cùng tạo ra cái gì?
Bên cạnh đó, về các vấn đề chi
tiết, PGS. Lê Văn Lan cũng đã có những ý kiến, góp ý rất cụ thể, tỉ mỉ: Chương
I: Trang phục từ thời Hùng Vương đến Tiền Lê: sẽ có trang phục thời Bắc thuộc
(tác giả nên lấy là trang phục thời Tiền Thăng Long, do khớp với lịch sử),
trang phục thời thập nhị sứ quân…
Về kết cấu công cho rằng các
chương khác cũng nên nghiên cứu lại. Theo ông nội dung Chương III quá lớn, nên
chia thành các phần:
* Phần 1: Trang phục thời Trung cổ, trong phần
này chia thành các chương. Nếu trang phục Lý, Trần khác nhau thì tách chương,
nếu giống nhau thì nhập vào một chương.
* Phần 2: Trang phục thời Cận đại
* Phần 3: Trang phục thời Hiện đại
Ngoài ra có thêm 2 chương:
chương mở đầu là phần đại luận và chương cuối là kết luận.
Từ quan điểm của một họa sĩ, điều đầu tiên
GS. Ngô Mạnh Lân cho rằng
tác giả cần đặc biệt lưu ý về trang phục thời Nguyễn và thời Pháp thuộc. Vì
không phải hai nội dung trùng nhau hoàn toàn.
Về nội dung theo ông phần
mở đầu có nhận định về lịch sử trang phục lâu đời của một quốc gia đa dân tộc,
tác giả nên đưa xuống dưới sẽ hợp lý hơn. Tác giả cũng cần nêu bật được sự khác
nhau của trang phục từng thời kỳ, từng tầng lớp khác nhau. Ít nhất là nêu được
sự khác nhau của các tầng lớp “sĩ, nông, công, thương”. Nếu có thể sưu tầm, mô
tả được thì rất tốt. Điều này, đối với những người làm văn nghệ là rất cần
thiết, cũng là thuận tiện cho người đọc, người sử dụng.
Ông cho rằng việc tác giả
gắn nội dung trang phục với các làng nghề là rất tốt, rất cần thiết. Phần trang
phục đương đại nên bớt không phải do quá dài mà do trang phục chưa định hình,
tác giả nên bám vào cái gốc là cái áo dài. Những điều này sẽ tạo ra cái khác so
với đề cương của tác giả Trịnh Quang Vũ: “Lịch sử trang phục của các triều đại
phong kiến”.
Một vấn đề nữa là, các hình
ảnh, bảng biểu của tác giả đưa ra rất nhiều (500 trang phần Phụ lục), sẽ có tác
dụng rất lớn trong việc minh hoạ. Nhưng cũng chính vì vậy cần bảo đảm (ở mức
tương đối) độ chính xác, tin cậy của những hình ảnh, bảng biểu này. Nếu tác giả
chia phần này ra, đưa vào các chương thì sẽ tiện cho người sử dụng, tính minh
hoa sẽ được rõ hơn. Ông cho rằng với đề tài này, tác giả cần làm được, làm tốt
phần minh hoạ này.
Ngoài ra ông cho rằng việc
tác phẩm ra đời không giống hoàn toàn như đề cương ban đầu là hoàn toàn có thể.
Như trong kịch, tiểu thuyết có cái gọi là “nhân vật nổi loạn”. Nhưng đấy lại là
phạm trù của sáng tác nghệ thuật. Đề cương phải mẫu mực mới thuộc phạm trù
nghiên cứu khoa học. Ông đề nghị tác giả cần phải lưu ý vấn đề này.
TS. Nguyễn Văn Huy nhận định với đề tài
này, ngoài tính nghiên cứu khoa học, nó còn có tính ứng dụng rất cao. Ông đưa
ra yêu cầu là làm thế nào để các ngành khác nhau, sau khi sách ra đời đều có
thể sử dụng được.
Về chương mục, ông cũng
đồng ý với một vài ý kiến khác trong hội đồng, nếu vừa nêu triều đại, vừa nêu
thế kỷ thì không nhất quán, tác giả nên chọn một tiêu chí nhất quán cho cả cuốn
sách. Việc phân chia chương mục cũng không nhất thiết phải theo phân kỳ lịch
sử. Chương V, không nên để mà dàn trải vào các chương khác, như vậy sẽ hợp lý
hơn, dễ tra cứu hơn. Tác giả cũng lưu ý, những cái nào đã biết mới giới thiệu,
những cái chưa có tư liệu thì thôi, không nên quá cầu toàn.
Ông cũng lưu ý tác giả về
cách tiếp cận vấn đề. Theo như đề cương, tác giả mới chủ yếu tiếp cận về mặt
lịch sử và mỹ thuật, ông cho rằng sách sẽ hay hơn nếu tiếp cận trên phương diện
dân tộc học hay nhân học văn hoá - xã hội, kể cả dân tộc học lịch sử, nhân học
văn hoá và nhân học xã hội. Với cách tiếp cận này, tác giả sẽ nghiên cứu, phân
tích nhiều hơn đến các tư liệu báo chí cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Những khía
cạnh này còn ít được nghiên cứu nên tham khảo thêm thư mục ở Thư viện Quốc gia
(các sách của Pháp, báo chí…), chắc chắn sẽ giúp tác giả một cái nhìn sinh động
hơn về trang phục cũng như đời sống trang phục ở Hà Nội.
Nhà
nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc cũng
có một vài ý kiến trao đổi với tác giả về việc phân kỳ. Ông cho rằng việc phân
kỳ rạch ròi từng thế kỷ, từng thời đại là không phù hợp vì có giai đoạn chỉ một
vài năm, chính quyền thay đổi nhưng trang phục của nhân dân không thay đổi.
Nhưng cũng có giai đoạn (như năm 1945) chỉ trong một thời gian ngắn trang phục
trong nhân dân lại thay đổi rất lớn. Thay đổi trang phục có sự tiệm tiến, nên
tác giả cần phân chia kết cấu như thế nào cho thật hợp lý. Nhà nghiên cứu này
tán thành với góp ý của PGS. Lê Văn Lan là hợp lý, nên chia làm 4 phần: Trang
phục thời cổ đại (hay Trang phục Tiền Thăng Long), Trang phục thời trung đại,
Trang phục thời cận đại và Trang phục thời hiện đại. Phần minh hoạ sẽ chia vào
từng phần sao cho hợp lý.
Nhà nghiên cứu này đánh giá
tốt vài tác phẩm tác giả viết về trang phục với sự đầu tư nghiên cứu công phu. Ông
khẳng định việc Nhà xuất bản và Ban Quản lý Dự án giao cho tác giả là hợp lý.
Với tư cách là Trưởng ban TVCM mảng sách Văn
hóa – Xã hội, PGS. TS. Nguyễn Chí Mỳ đánh giá Trang
phục Thăng Long - Hà Nội là tác phẩm có tính ứng dụng cao, vì vậy cần viết làm
sao để cho các thế hệ sau khi động đến vấn đề này đỡ mất công tranh cãi. Ông cho
rằng tác giả đã ý thức được vấn đề cần thiết tạo dựng lại diện mạo của văn hoá
mặc qua các thời đại. Ông lưu ý tác giả: dù là trang phục thị dân hay nông dân
khi đưa ra dư luận bao giờ cũng có sự đánh giá, so sánh với Trung Quốc. Theo ý
kiến của ông trong quá trình viết, ở mỗi một thời kỳ, tác giả thêm vào sự so
sánh với trang phục của Trung Quốc khi đó. Như vậy, vừa phong phú hơn, vừa làm
nổi bật tính đặc thù của trang phục nước ta nói chung, trang phục Thăng Long -
Hà Nội nói riêng.
Điều thứ hai, PGS.TS.
Nguyễn Chí Mỳ nhấn mạnh là việc tác giả phân chia như thế nào cho hợp lý về
chương, mục… nhưng phải đặc biệt lưu ý lý giải sự biến đổi của trang phục. Phải
giải thích được, tại sao lại thay đổi, kiểu áo, hoa văn… Để làm được điều này, ông
cho rằng tác giả phải bám vào lịch sử, vào những chuyển biến của xã hội.
TS. Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh với tác giả, lịch sử văn hoá
nói chung văn hoá mặc nói riêng luôn liền mạch, không có sự cắt khúc đứt đoạn,
nên khi triển khai tác phẩm, tác giả cần giữ quan điểm đúng đắn về sự phân kỳ.
Thời Nguyễn và Pháp thuộc do tính chất phức tạp của lịch sử cần được đặc biệt
chú ý. Ông cũng tán thành ý kiến của PGS. Lê Văn Lan, không nên lấy mốc 1858 để
phân chia (mốc này khá nhạy cảm). Nên chia tác phẩm theo 4 phần: Trang phục Tiền
Thăng Long, Trang phục thời Trung đại, Trang phục thời Cận đại, Trang phục thời
Hiện đại. Tác giả đồng tình bỏ chương V, phân chia vào các phần khác là hợp lý.
Nhưng cũng xin đề nghị tác giả đặc biệt lưu ý tính chính xác, minh bạch của các
tài liệu tham khảo.
Thay mặt Hội đồng thẩm định, TS. Nguyễn Viết Chức
đưa ra các kết luận của cuộc họp:
Thứ nhất, qua một thời gian
dài lựa chọn, Hội đồng đánh giá Chủ đầu tư đã chọn được đúng người, đúng việc.
Mặc dù tác giả đương nhiên chịu trách nhiệm chính nhưng nên tận dụng các ý kiến
tối đa để xây dựng tác phẩm cho đúng. Như GS. Đinh Xuân Dũng có nói: đây là một
tác phẩm rất đồ sộ, khối lượng công việc nhiều, nên tác giả cần tận dụng mọi
nguồn lực, mọi sự giúp đỡ. Tinh thần là cầu thị chứ không cầu toàn.
Thứ hai, về bố cục, ngoài
phần mở đầu và phần kết luận, nội dung tác phẩm nên chia làm 4 phần. Văn hoá
nói chung và văn hoá mặc có sự liền mạch, nhưng những khúc giao thoa lại là độc
đáo nhất, hay nhất. Không chỉ về mặt thời gian, sự giao thoa trong văn hoá mặc
còn hiện diện trong không gian: như giữa Việt Nam và các nước, giữa Hà Nội và các
tỉnh khác…
Về nội dung, do đây mới là
đề cương tổng quát nên chưa nói cụ thể được nhưng tác giả nên quan tâm nhiều
đến trang phục của các tầng lớp trong xã hội, sự biến chuyển về trang phục
trong nhân dân, đặt minh hoạ thế nào cho hợp lý. Những mục nào lặp đi lặp lại,
có thể tránh để sách hợp lý hơn, hấp dẫn hơn.
Hội đồng yêu cầu tác giả bổ
sung thư mục tư liệu tham khảo để khai thác, sử dụng tư liệu được tốt.
Ngoài sự phân kỳ lịch sử,
về mặt tiếp cận, như TS. Nguyễn Văn Huy đã góp ý, Hội đồng đề nghị tác giả nên
tiếp thu trong quá trình xây dựng tác phẩm.
Về sự so sánh, tác giả
không cần phải viết về cả nước mà đặt trang phục Thăng Long - Hà Nội trong một
bức tranh tổng thể, từ đó đưa ra được các kết luận, tìm ra được đặc trưng văn
hoá mặc của Thăng Long - Hà Nội. Như PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ đã góp ý, tác giả lưu
ý tới việc so sánh với trang phục của Trung Quốc trong mỗi giai đoạn.
Hội đồng thống nhất đánh
giá đề cương đạt yêu cầu về chất lượng, tính khả thi và đề nghị chủ đầu tư cho
triển khai sớm.
TGĐ. Nguyễn Khắc Oánh đại diện Chủ đầu tư gửi lời cám ơn hội đồng nghiệm thu cũng như ban tư
vấn chuyên môn đã giúp NXB Hà Nội trong việc thực hiện đề tài này. Ông chia sẻ
đây là đề tài này đặt nhiều tâm huyết và quyết tâm thực hiện.
Ông cho rằng qua buổi
nghiệm thu đã diễn ra có hiệu quả, không chỉ chọn được tên, kết cấu của sách mà
đã suy nghĩ làm thế nào để có một cuốn sách chất lượng cao. NXB sẽ không yêu
cầu tác giả làm đề cương chi tiết sâu hơn nữa mà để cho tác giả phát huy tối đa
tính sáng tạo của mình. Những ý kiến trong buổi nghiệm thu hôm nay có tính chất
xây dựng, tác giả từ đó có thể tiếp thu, lựa chọn.
Về tên sách, Ông Oánh tán
thành đổi tên ngắn gọn như góp ý của Hội đồng nghiệm thu. Ông cũng đánh giá tốt
chất lượng đề cương hiện nay, không yêu cầu phải viết kỹ hơn. Về sản xuất ông
khẳng định chủ đầu tư sẽ có đầu tư thích đáng để sách xuất bản có chất lượng,
in đẹp.
Sau buổi nghiệm thu NXB sẽ
phối hợp với tác giả hoàn thiện đề cương, làm cơ sở cho việc tổ chức biên soạn
bản thảo. Sau khi tác giả hoàn chỉnh đề cương sẽ chuyển cho các thành viên hội
đồng để xin ý kiến nhận xét lần cuối. Với trách nhiệm quản lý dự án, NXB Hà Nội
sẽ làm hết sức mình, tiến hành nhanh để thời gian cho tác giả biên soạn. Ông hy
vọng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục cộng tác trong việc nghiệm
thu bản thảo.
TS. Đoàn Thị Tình cảm ơn các ý kiến đóng góp của Hội đồng. Bên cạnh đó, do khối lượng tư
liệu quá nhiều nên bà cũng đề xuất kéo dài
thêm thời gian để tác phẩm ra đời đạt chất lượng tốt nhất.
Nhà xuất bản Hà Nội
|