Ông Nguyễn Khắc Oánh, Tổng giám đốc NXB Hà Nội
trả lời phỏng vấn báo Văn hóa
1) Xin ông cho biết những nội dung cơ bản (yêu cầu, mục đích) của cuộc vận động Hành trình tìm kiếm sách và tư liệu quý hiếm để xây dựng tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”?
Cuộc vận động Hành trình tìm kiếm (HTTK) do UBND Thành phố Hà Nội chủ trì, giao cho Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức thực hiện.
- Thông qua Hành trình tìm kiếm nhằm phát hiện nguồn sách, thư tịch, tư liệu quý hiếm về Thăng Long - Hà Nội còn đang được lưu giữ trong nhân dân, trong các tàng thư, thư khố, thư viện của các cá nhân, tập thể trong và ngoài nước. Cùng với việc đánh giá, bình xét trao giải, Ban Tổ chức sẽ tổ chức trưng bày, tôn vinh các tác phẩm, tư liệu có giá trị, lựa chọn xuất bản để quảng bá rộng rãi và lưu giữ lâu dài. Kết quả của HTTK sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đây cũng là dịp để những người yêu Hà Nội thể hiện tình cảm với ước muốn được góp sức lực, tinh thần cho công cuộc khơi thông và truyền lưu mạch nguồn văn hiến Thăng Long.
- HTTK cần được tuyên truyền rộng khắp tới đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế, là dịp để chúng ta hệ thống, nắm bắt, đánh giá bộ phận sách, thư tịch, tư liệu quý hiếm nhằm phục vụ việc nghiên cứu, học tập và tìm hiểu về văn hiến Thăng Long. HTTK cần được liên kết thực hiện với các nhiệm vụ khác thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
- Đối tượng tham gia: Nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước, đồng bào Việt Nam đang sống ở nước ngoài, các đơn vị, tổ chức trong nước và bạn bè quốc tế tự nguyện tham gia.
- Thời gian tổ chức:
+ Nhận tác phẩm tham gia: từ 10/10/2007 đến 10/10/2009
+ Sơ kết: Dịp 10/10/2008
+ Tổng kết: Quý I/2010
2. Dự kiến tất cả những tài liệu, hiện vật được người dân đóng góp sẽ được công bố như thế nào?
Sau khi được phân loại, thẩm định, các tài liệu, hiện vật được công bố dưới nhiều hình thức:
- Hệ thống, bổ sung vào Tổng thư mục, thư mục đề yếu, các tuyển tập tư liệu và kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long – Hà Nội và được xuất bản trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
- Tổ chức trưng bày tại nhà trưng bày triển lãm của Thành phố vào các dịp thích hợp (Ví dụ: Ngày giải phóng Thủ đô 10/10 năm 2008, 2009…)
- Tham gia trưng bày tại Hội chợ triễn lãm sách Quốc tế tổ chức tại Hà Nội nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
- Có các bài giới thiệu, đánh giá sơ kết, tổng kết đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Những tác phẩm có giá trị sẽ được xuất bản trong cơ cấu Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, được lưu giữ trong các bảo tàng, thư viện trung ương và địa phương, thư viện các trường đại học lớn trong cả nước.
3. Việc thẩm định phân loại một số lượng tài liệu dự kiến sẽ là khá lớn liệu có quá sức với một NXB, đấy là chưa kể việc bảo quản các tài liệu gốc được gửi tới dự tính như thế nào?
Để đạt được mục đích, yêu cầu của HTTK là một công việc rất phức tạp và khó khăn. Nhà xuất bản Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện chu đáo và có tham khảo ý kiến đóng góp của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lí trên nhiều lĩnh vực. Với vai trò là đơn vị thường trực tổ chức và điều hành, Nhà xuất bản Hà Nội đã tập hợp đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi ở các chuyên ngành để phân loại, thẩm định và đánh giá chính xác giá trị của các tư liệu thu thập được.
Các tài liệu gửi tới tham gia HTTK sẽ được tiếp nhận, phân loại và sắp xếp theo dõi cẩn thận. Tài liệu gửi tới tham gia chỉ yêu cầu là bản sao, thác bản. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có cả bản gốc. Về việc bảo quản đặc biệt với bản gốc, chúng tôi đã tính đến những phương án cụ thể, trong đó có cả việc nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị và chuyên gia chuyên ngành thư viện, lưu trữ và bảo quản tư liệu.
4.Các nhà khoa học sẽ tham gia vào quá trình đánh giá, thẩm định các tài liệu như thế nào?
Để thẩm định, đánh giá các tư liệu tham gia HTTK, Nhà xuất bản Hà Nội mời các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc nhiều chuyên ngành. Việc thẩm định được Hội đồng khoa học thực hiện qua 2 vòng: Sơ khảo và chung khảo.
Hội đồng khoa học thẩm định do GS. Vũ Khiêu - Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - làm Chủ tịch.
Ban Sơ khảo gồm một số nhà khoa học am hiểu chuyên sâu trên các lĩnh vực Hán Nôm, ngoại ngữ, văn bản học, khảo cổ học, khoa học lịch sử, dân tộc học…. và đại diện Ban Tổ chức tham gia.
Ban Chung khảo gồm các thành viên Hội đồng tư vấn khoa học của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Trong trường hợp cần thiết sẽ trưng cầu ý kiến của các Ban tư vấn chuyên môn.
Trước hết tư liệu được sắp xếp, phân loại và thẩm định sơ khảo. Để phục vụ cho công việc này, một khối lượng lớn tư liệu chữ Hán, Nôm, tiếng nước ngoài được biên dịch, thể hiện nội dung tóm tắt của văn bản.
Trên cơ sở đó, Ban Chung khảo sẽ thẩm định, đánh giá chính xác giá trị của các tác phẩm tư liệu.
Sau khi thẩm định, đánh giá, những tác phẩm và tư liệu được xác định là có giá trị, Ban Tổ chức sẽ đề nghị người tham gia chuyển bản gốc tới hoặc tổ chức đoàn thẩm định tại nơi lưu giữ bản gốc để có quyết định cuối cùng.
5. Ngoài lòng nhiệt tình của mọi người, Ban dự án có ý định đầu tư săn tìm những tài liệu quý hiếm thậm chí không loại trừ cả việc mua lại chúng?
Việc tổ chức HTTK chỉ là một hạng mục trong kế hoạch tổ chức điều tra, sưu tầm tư liệu về văn hiến Thăng Long. Qua điều tra, sưu tầm, chúng tôi sẽ xây dựng Tổng thư mục, thư mục đề yếu, tuyển tập tư liệu về các mảng lịch sử, văn hoá, văn học nghệ thuật và thành lập kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long – Hà Nội phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học lâu dài. Các tuyển tập tư liệu thư mục đề yếu sẽ được xuất bản trong cơ cấu Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Để thực hiện tốt công việc đó, chúng tôi đã xây dựng phương án mua bản quyền những tác phẩm, tư liệu quý hiếm, thực sự có giá trị.
|