Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”
sẽ không lỗi hẹn
DUY ANH
Với nhiều người, mỗi một dấu ấn lịch sử, một câu chuyện về tài hoa Hà Thành, một áng văn đẹp, một bài hát hay về Hà Nội đều cần được nâng niu, gìn giữ như những báu vật. Những báu vật ấy đã làm nên một nền văn hiến rực rỡ của đất Thăng Long - Hà Nội trong suốt chiều dài 1000 năm lịch sử. Tất cả vốn quý đó nằm rải rác khắp nơi, trong dân gian, trong các thư tịch cổ, trong các trung tâm lưu trữ, thư viện các viện bảo tàng trong và ngoài nước... Làm sao để vốn quý đó quy tụ lại, đó chính là mục tiêu của Dự án “Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, một trong những công trình hướng tới kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Dự án dự kiến thực hiện trong 4 năm, từ 2006 - 2010. Mục đích của dự án là hệ thống hóa, tổng kết các giá trị về mọi mặt của văn hiến Thăng Long - Hà Nội qua tiến trình 1000 năm lịch sử. Việc xây dựng Tủ sách này cũng đặt cơ sở cho sự tiếp nối nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cũng như của các thế hệ tương lai. Sau hơn một năm triển khai, tủ sách này cũng đã dần được định hình. Tuy nhiên, từ nay đến Đại lễ kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long - HN chỉ còn chưa đầy 900 ngày, trong khi khối lượng công việc còn bộn bề, liệu Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” có kịp ra mắt độc giả đúng hẹn? Ông Nguyễn Khắc Oánh - Tổng Giám đốc NXB HN, đơn vị được UBND TP HN giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện dự án đã có cuộc trao đổi với báo SGGP
* Phóng viên (PV): Sau hơn một năm triển khai Dự án, ông có thể nói gì về tiến độ thực hiện của dự án này?
* Ông Nguyễn Khắc Oánh (NKO): Với trách nhiệm và chức năng, nhiệm vụ của một Nhà xuất bản Tổng hợp duy nhất của Thủ đô, từ cuối năm 2002, chúng tôi đã hình thành ý tưởng xây dựng Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Đây là một dự án có tính đặc thù cao, chưa có tiền lệ nên chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng dự án. Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập hợp ý kiến đóng góp của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý… Qua hàng chục lần chỉnh sửa, tiếp thu các ý kiến đóng góp, thẩm định, nội dung của Dự án mới được hoàn thiện. Đến cuối tháng 8/2006, chúng tôi mới hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án và đầu quý II/2007 mới được phê duyệt dự toán. Tuy nhiên, nhận thức đây là một Dự án quan trọng có ý nghĩa lớn lao, trong điều kiện thời gian không còn nhiều nên từ khi dự án đang trong quá trình xây dựng và chờ phê duyệt, chúng tôi đã chủ động triển khai các công việc chuẩn bị bước đầu. Đến nay, với sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo, các sở ban ngành Thành phố, cùng với sự nhiệt tình, tâm huyết của các nhà khoa học, đến nay chúng tôi đã vượt qua những khó khăn bước đầu. Các hoạt động của Dự án đã vào nhịp, ổn định. Vấn đề còn lại là sự tập trung cao độ cho các nội dung chuyên môn để có được những sản phẩm chất lượng cao cho Tủ sách.
* PV: Trong quá trình xây dựng Tủ sách, làm thế nào để khai thác được nhiều nhất những tư liệu quý hiếm về Thăng Long - Hà Nội, thưa ông?
* NKO: Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” bao gồm nhiều hạng mục với phạm vi rất rộng. Một trong những nội dung trọng tâm của Dự án là công tác Điều tra, sưu tầm tư liệu về văn hiến Thăng Long.
Từ trước đến nay, hoạt động điều tra, sưu tầm đã được một số cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện (các viện nghiên cứu, thư viện, các sở, ngành…). Tuy nhiên, về cơ bản đó mới chủ yếu là những cuộc điều tra, sưu tầm lẻ tẻ, chưa có hệ thống, kết quả còn tản mạn và mới được xử lý bước đầu.
Công tác điều tra, sưu tầm tư liệu trong khuôn khổ Dự án được tiến hành một cách có hệ thống, toàn diện và triệt để. Đến nay, chúng tôi đã và đang triển khai việc điều tra khảo sát, sưu tầm tư liệu về văn hiến Thăng Long tại các Trung tâm lưu trữ, Trung ương và địa phương, các địa phương trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tư liệu sưu tầm được dự kiến sẽ tới hàng trăm nghìn trang.
Trong thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch tổ chức điều tra, khảo sát và sưu tầm tư liệu quý hiếm về Thăng Long - Hà Nội ở một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan… với số tư liệu dự kiến khoảng 8.000 - 9.000 trang.
Bên cạnh đó, nhằm huy động các nguồn lực xã hội cùng xây dựng Tủ sách, chúng tôi tổ chức cuộc vận động Hành trình tìm kiến sách và tư liệu quý hiếm về Thăng Long - Hà Nội (HTTK). HTTK sẽ là một địa chỉ tin cậy cho những người tâm huyết, nhiệt tình muốn đóng góp xây dựng kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long nhân dịp trọng đại này. Tư liệu có giá trị về văn hiến Thăng Long do các gia đình, cá nhân lưu giữ, sở hữu, kế thừa sẽ được tập hợp, bổ sung thêm cho công tác điều tra, sưu tầm.
Từ sản phẩm điều tra, sưu tầm, chúng tôi sẽ xây dựng kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long vừa là một di sản văn hoá Thăng Long, vừa là nguồn tư liệu có giá trị bền vững phục vụ cho nghiên cứu Hà Nội trước mắt cũng như lâu dài.
* PV: Nhiều người lo ngại, với tham vọng quá lớn, thời gian eo hẹp, Tủ sách liệu có không bị lỗi hẹn với đại lễ kỷ niệm?
* NKO: Quả thực, với khối lượng công việc đồ sộ, trong khi thời gian thực hiện rút ngắn hơn so với dự kiến ban đầu, Dự án sẽ là một thách thức lớn với chúng tôi. Để đẩy nhanh tiến độ công việc, chúng tôi tổ chức triển khai đồng loạt nội dung các hạng mục của Dự án. Chúng tôi thực hiện cuốn chiếu các công việc của từng đề tài với các cấp độ khác nhau theo quy trình. Đến nay, trong cơ cấu dự kiến khoảng 100 đầu sách của Tủ sách, đã có 14 đề tài hoàn thành bản thảo, 25 bản thảo đang tổ chức biên soạn, 7 đề tài đã có đề cương chi tiết chuẩn bị nghiệm thu, 9 đề tài đang xây dựng đề cương chi tiết. Bên cạnh đó còn có 12 đề tài đang được biên soạn từ tư liệu tổng hợp của các hạng mục điều tra, sưu tầm. Cùng lúc đó, chúng tôi vẫn tiếp tục bổ sung cơ cấu đề tài cho Tủ sách.
Với sự đồng tâm hiệp lực của các Ban Tư vấn chuyên môn, cùng hội đồng tư vấn khoa học, đứng đầu là GS. Vũ Khiêu, chúng tôi tin tưởng sẽ hoàn thành Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” vào đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
PV: Xin cảm ơn ông!.