Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Giá trị tư liệu từ địa bạ cổ Hà Nội
Thứ tư, 21/05/2014 03:22

Nghiên cứu lịch sử, văn hóa  Thăng Long – Hà Nội đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu quan tâm, xem xét và triển khai trên nhiều phương diện khác nhau như: thần tích, văn khắc Hán Nôm, tư liệu nước ngoài… Tuy nhiên nghiên cứu theo địa bạ là một hướng mà không nhiều nhà nghiên cứu lựa chọn vì đây là hướng nghiên cứu không phải dễ khi mà nguồn tư liệu địa bạ chủ yếu là các tư liệu cổ bằng chữ Hán và chữ Nôm, lại nằm rải rác ở các phường xã xưa kia, việc bảo tồn và lưu giữ không còn được nguyên vẹn. Vẫn biết con đường nghiên cứu khoa học là lâu dài vất vả, đặc biệt là nghiên cứu về địa bạ cổ nhưng GS. Phan Huy Lê và nhóm biên soạn vẫn bền bỉ kiên trì với mong muốn mang đến cho độc giả những tư liệu đặc sắc về Thăng Long – Hà Nội cổ xưa. Tâm huyết của Giáo sư Phan Huy Lê và nhóm biên soạn đã được ghi nhận bởi sự ra đời của bộ sách “Địa bạ cổ Hà Nội hai huyện Thọ Xương ,Vĩnh Thuận”.

 


Cuốn Địa bạ cổ Hà Nội hai huyện Thọ Xương ,Vĩnh Thuận.
Mặc dù các nhà khoa học đã nhận thức được giá trị của địa bạ trong nghiên cứu các vấn đề làng xã nhưng trước những năm 90 của thế kỷ XX chưa có một công trình nào thực sự tập hợp, sưu tầm, biên dịch một cách bài bản hệ thống về kho tư liệu địa bạ đồ sộ, phong phú chưa được khai thác ấy. Các công trình nghiên cứu nhỏ lẻ trước đây chủ yếu hướng về mục tiêu khai thác thông tin địa bạ để nghiên cứu về nông thôn nhất là chế độ ruộng đất, các loại hình sở hữu, sự phân bố ruộng đất tư hữu, quy mô diện tích của các đơn vị hành chính… Từ đó đưa ra nhiều phát hiện mới về đặc điểm của các làng xã vùng nông thôn. Tuy nhiên mảng địa bạ ở các thành thị lại chưa được nhiều nhà nghiên cứu “để mắt” tới. Và chính GS. Phan Huy Lê là người đầu tiên bắt tay “khai thác” kho tư liệu này ở hai huyện Thọ xương và Vĩnh Thuận. Đầu tiên là sự ra đời của bộ Địa bạ cổ Hà Nội, 2 tập, tập 1 xuất bản năm 2005, tập 2 xuất bản năm 2007. Tuy nhiên, GS. Phan Huy Lê cùng nhóm biên soạn vẫn chưa thật sự “hài lòng” với thành quả này, vì vậy giáo sư đã tiếp tục khai thác mảng tư liệu này nhằm bổ sung và hoàn thiện hơn nữa những tư liệu cổ về hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận tức vùng kinh thành Thăng Long xưa. Trong tổng số 293 địa bạ, nhóm biên soạn đã loại trừ những địa bạ trùng hợp, lựa chọn được 160 địa bạ của các thôn phường, trại của hai huyện. Với tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc, tỉ mỉ và cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ, cộng với việc áp dụng phương pháp định lượng hết sức khoa học, nhóm tác giả đã rà soát lại một cách hết sức cẩn thận 160 địa bạ đối chiếu, kiểm tra chính xác lại từng địa danh, từng con số thống kê đến đơn vị nhỏ nhất. Đồng thời hệ thống hóa các tư liệu đó theo các đơn vị tổng, huyện và hai huyện, tổng hợp các số liệu về sở hữu tư điền, tư thổ theo quy mô sở hữu tư nhân và theo dòng họ. Không những thế nhóm biên soạn còn bổ sung những chuyên đề nghiên cứu mới và cập nhật những thông tin mới phù hợp với kết quả nghiên cứu khoa học gần đây.
Trên cơ sở những nghiên cứu đó, bộ sách Địa bạ cổ Hà Nội gồm hai tập. Trong tập 1 độc giả sẽ hiểu hơn những giá trị tư liệu của địa bạ cổ qua bài nghiên cứu của GS. Phan Huy Lê: Địa bạ cổ Hà Nội sưu tập và giá trị tư liệu, và được cụ thể hóa qua bộ sưu tập các địa bạ của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận được nhóm biên soạn dịch sang tiếng Việt và được chú giải rõ ràng.
Tập 2 của cuốn sách là hệ thống các tư liệu và các bài nghiên cứu chuyên đề, tập trung chủ yếu ở 5 chuyên đề:
-         Chế độ sở hữu ruộng đất và cơ cấu đô thị Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX.
-         Hệ thống đơn vị hành chính và tổ chức quản lý Hà Nội.
-         Cảnh quan mặt nước của Hà Nội.
-         Cảnh quan và di tích lịch sử văn hóa – Hà Nội.
-         Dấu tích thành lũy Thăng Long - Hà Nội.
Với khối lượng 160 địa bạ và những thông tin phong phú, cụ thể do địa bạ cung cấp, đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá để nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX trên nhiều phương diện. Những thông tin khai thác từ địa bạ kết hợp với những nguồn tư liệu khai thác góp phần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên của Hà Nội xưa.
Có thể nói cuốn sách “Địa bạ cổ Hà Nội hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận” đã cung cấp tư liệu về một bức tranh của địa bạ cổ Hà Nội. Cuốn sách thật sự là nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học muốn khai thác thông tin trong nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội và những ai quan tâm đến chuyên đề này.

Hoàng Minh
Nhà xuất bản Hà Nội


 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá