Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Làng cổ Hà Nội những giá trị trường tồn
Thứ tư, 21/05/2014 03:35

 

Là một đề tài nằm trong cơ cấu Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II,Làng cổ Hà Nội do TS. Lưu Minh Trị chủ biên là công trình giới thiệu khoảng 100 làng cổ trên địa bàn Hà Nội. Công trình sẽ khảo sát, nghiên cứu về làng cổ Hà Nội ở các mặt: đặc trưng, tiêu chí nhận diện, phương hướng và giải pháp cơ bản về bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Hà Nội.

 


 

Nhóm biên soạn do TS. Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội chủ biên là những người có kinh nghiệm trong việc biên soạn các công trình tương tự đã nhận được tán thành của Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách Kinh tế - Văn hóa - Xã hội và Hội đồng Tư vấn khoa học của Tủ sách. Sự thành công của công trình sẽ góp phần tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng. Với mục tiêu phục vụ bạn đọc rộng rãi, công trình sẽ giới thiệu ngắn gọn, đầy đủ và toàn diện về các làng cổ, nhấn mạnh giá trị tiêu biểu nhất của mỗi làng bằng văn phong dễ hiểu, sinh động. Vậy nên ngay từ bản đề cương, công trình đã nhận được nhiều nhận định, đánh giá và góp ý xác đáng của các nhà khoa học. Sau đây chúng tôi giới thiệu những nhận xét của các nhà khoa học cho bản đề cương chi tiết của đề tài này:

Là người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa, PGS.TS. Bùi Xuân Đính đã có nhận xét, góp ý cùng những lời sẻ chia với bản đề cương chi tiết và nhóm biên soạn đề tài này.

Bản đề cương của nhóm tác giả dù chưa xác định được tên chính thức của đề tài, song tôi hiểu ý đồ của nhóm tác giả là muốn giới thiệu tổng thể hay từng mặt những làng Việt (ở khu vực nông thôn là chính) tương đối điển hình (hay tiêu biểu) thuộc địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay. Trước đây, tôi đã có ý định biên soạn một cuốn sách - như một cuốn từ điển về làng xã Hà Nội (trước khi nhập thêm tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và bốn xã của huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình); song vì nhiều lý do, nên tôi không thể thực hiện được. Nay nhóm tác giả do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên thực hiện ý định này, nên tôi hoàn toàn ủng hộ.

Tuy nhiên, vì đây là một đề tài khoa học, nên nhất thiết phải tuân thủ các nguyên tắc của một đề cương, hơn nữa là đề cương chi tiết (được ghi trong Quyết định về việc thành lập hội đồng thẩm định của Nhà xuất bản Hà Nội), tức là phải có đầy đủ các đề mục.

Trước hết phải làm rõ ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài. Viết như vậy là quá chung chung. Công trình này có ý nghĩa gì đối với việc nghiên cứu về Hà Nội, về văn hiến Thăng Long và nghiên cứu về làng xã. Về ý nghĩa thực tiễn, công trình này có giá trị trong việc tuyên truyền và giáo dục truyền thống, trong chỉ đạo bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống.

Thứ hai, phải xem xét lịch sử nghiên cứu vấn đề, chỉ rõ làng xã Hà Nội (địa bàn trước và sau tháng 8 năm 2008) đã được nghiên cứu đến đâu (thể hiện ở các dạng ấn phẩm đã xuất bản và chưa xuất bản), đánh giá sơ bộ nhưng thận trọng, khách quan những giá trị, những mặt được và những mặt hạn chế, nhất là những “khoảng trống” chưa được nghiên cứu để công trình này có thể kế thừa, khắc phục; không nên đánh giá một cách chủ quan rằng, đề tài của nhóm tác giả “khắc phục được hạn chế của các đề tài, tác phẩm đã có về làng cổ Hà Nội” (hoặc viết rất sâu về một loại hình làng cổ như sách “Các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội”; hoặc quá đơn giản và cũng chỉ một số làng cổ Hà Nội, như sách “Làng xã ngoại thành Hà Nội”). Mỗi cuốn sách, đề tài có một mục đích, nhiệm vụ riêng, do vậy có nội dung riêng, phụ thuộc vào ý đồ, trình độ của người viết (có khi là của bên “đặt hàng”), vào nguồn tư liệu…

Thứ ba, về nội dung nghiên cứu, cần làm rõ một số vấn đề.

1. Về khái niệm cần được làm rõ thế nào “Làng cổ” hay “Làng cổ truyền”; tiêu chí của làng cổ hay làng cổ truyền là gì (có nghề, có nhiều người đỗ đạt, có truyền thống lịch sử, văn hóa, có nhiều vị tướng tài và quan thanh liêm… chưa hẳn đã là những làng cổ. Về thời gian hình thành, đề tài chọn “Làng cổ được nêu chủ yếu là từ đầu thế kỷ 11” chưa phải là làng cổ theo đúng nghĩa của nó. Phải lý giải thỏa đáng hơn; hay đây chỉ là “Làng truyền thống”, tức các làng được hình thành trước Cách mạng Tháng Tám 1945?

2. Đối tượng nghiên cứu là “làng” - đơn vị dân cư, không phải là “xã” - đơn vị hành chính (ví dụ, không phải là làng Đường Lâm mà là xã Đường Lâm gồm bảy làng, như Đông Sàng, Mông Phụ, Phụ Khang...).

3. Phạm vi nghiên cứu là 100 - 110 làng, song cần có tính cân đối cho 18 huyện ngoại thành và các quận nội thành còn nhiều làng đậm tính thôn (cả về kinh tế, cơ sở hạ tầng, xã hội, lối sống…).

4. Về nội dung nghiên cứu, tôi đồng ý đề tài gồm hai phần; song phần giới thiệu về 100 - 110 làng cần thận trọng khi đưa ra nội dung khảo sát và viết, vì làng Việt rất đa dạng về cảnh quan, kinh tế, văn hóa… Cần có một tiêu chí chung về một làng, song lại phải có những gợi ý, những hướng viết cho từng loại hình làng cụ thể, nếu không sẽ rất chung chung, các nét đặc thù, tiêu biểu sẽ không thể hiện được, dễ làm cho người đọc cảm giác “na ná giống nhau”, có thể thay tên làng này cho một làng khác cũng được. Không giải quyết được vấn đề này sẽ lệch hướng điều tra và viết bài.

Thứ tư, về lực lượng tham gia, đây là yếu tố rất quan trọng, thậm chí quyết định đến thành bại của đề tài, cho dù đã có đề cương tốt, ý tưởng khoa học hay. Bản đề cương của đề tài ghi lực lượng tham gia là “Các nhà khoa học; các cán bộ quản lý văn hóa; các cán bộ ở làng, xã. Với các lực lượng này, sẽ cho kết quả đề tài đạt yêu cầu đề ra”. Theo tôi chưa hẳn. Các nhà khoa học ở đây là thuộc ngành nào (sử học, dân tộc học, văn hóa học, văn hóa dân gian…), mỗi ngành có một cách tiếp cận riêng, mỗi người có một năng lực, vốn hiểu biết về làng riêng. Lực lượng tham gia thứ hai là “các cán bộ quản lý văn hóa”, liệu họ có khả năng khảo sát và viết về làng hay không là một dấu hỏi. Lực lượng thứ ba là “các cán bộ ở làng, xã”, vậy cán bộ nào, cán bộ đương chức hay đã về hưu, liệu họ có khả năng đảm đương được nhiệm vụ không.

Theo tôi cần xác định chọn lọc những người thật sự có kiến thức, có kinh nghiệm nghiên cứu về làng; không thể ôm đồm đưa một loạt người không hiểu nhiều về làng xã truyền thống. Đưa nhiều người nhưng chất lượng làm việc kém chỉ dẫn đến thu được một “mớ” bản thảo hỗn độn, sai sót, khó khăn cho người chủ biên, biên tập. Một cuốn sách giới thiệu về “Làng cổ truyền Việt Nam” xuất bản cách đây hơn 10 năm cho thấy điều đó. Một vị Phó giáo sư lão làng tập hợp gần 20 người, hầu hết là giáo viên cấp III tham gia biên soạn, song nhiều người bịa tài liệu, thậm chí có người còn bịa ra một làng chỉ có một người đỗ cử nhân thành một làng khoa bảng có 11 vị tiến sĩ, gây phẫn nộ cho cán bộ và nhân dân cả hai làng. Đây là điều cần hết sức tránh.

Hy vọng, qua hội đồng góp ý này, đề cương chi tiết của đề tài sẽ được hoàn chỉnh đầy đủ hơn để sau khi được xét duyệt có thể tiến hành.

Trước những ý kiến xoay quanh tên đề tài, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ nhất trí với phương án 1: Làng cổ Hà Nội cùng với mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ của đề tài. Ngoài ra ông cũng có những góp ý cụ thể như ở Phần một: Tổng quan về làng cổ mục 1. “Vài nét về làng và văn hóa làng Việt” nên sửa là: Vài nét về làng Việt và những nét đặc trưng của nó (các đặc trưng không chỉ văn hóa mà còn kinh tế, chính trị, môi trường…)

Mục 2. “Các làng cổ Hà Nội, các làng cổ Hà Nội tiêu biểu” nên sửa là: Làng cổ Hà Nội - đặc trưng và tiêu chí nhận diện

Ở phần hai:Các làng cổ Hà Nội tiêu biểu.Theo PGS. TS. Nguyễn Chí Mỳ thì nên giới thiệu làng cổ Hà Nội theo các nhóm đặc trưng tiêu biểu nổi lên: nhóm tiêu biểu về lịch sử - văn hóa; tiêu biểu về khoa bảng - tiến sĩ; tiêu biểu về nghề; tiêu biểu về các tướng tài; tiêu biểu về kiến trúc…Nên có một mục hoặc trong đặc trưng về cổng làng (cổng gắn liền với làng ở những làng có cổng tiêu biểu, đặc sắc). Nên suy nghĩ thêm về tiêu chí làng cổ để bảo đảm tính logic.

Theo PGS.TS. Đỗ Thị Hảo: Làng xã (nhất xã nhất thôn) ở Việt Nam là đơn vị hành chính nhỏ nhất dưới thời phong kiến. Nó là những tế bào để hình thành nên một quốc gia một dân tộc. Làng vừa là một đơn vị hành chính song lại vừa là một địa bàn cư tụ có tính chất cha truyền con nối của người nông dân. Trải qua những biến động xã hội, các tổ chức, quy chế hành chính luôn có sự biến đổi, nhưng cái được tôn trọng và duy trì bền vững trong dân chúng từ đời này qua đời khác là những nếp sinh hoạt cộng đồng có tính truyền thống như cung cách làm ăn, những sinh hoạt văn hóa, ngôn ngữ phong tục tập quán,... đến tinh thần đoàn kết cùng nhau chống thiên tai cũng như chống giặc ngoại xâm. Những nếp sinh hoạt cộng đồng này tuy có thay đổi qua những biến thiên của lịch sử nhưng cái cốt lõi cái tích cực của nó là những truyền thống tốt đẹp thì được dân chúng gìn giữ và phát huy.

Có thể nói bất cứ người Việt Nam nào dù còn ở lại làng xóm nơi chôn nhau cắt rốn của mình hay đã từ làng xã ra đi thì đều gắn bó ít nhiều với các truyền thống đó với quê hương mình vì thế nói rằng có thể mất nước chứ không bao giờ mất làng có lẽ cũng không ngoa.

Hà Nội từ đầu thế kỷ XI đã trở thành kinh đô của cả nước song nó là "Kẻ Chợ" của những "Kẻ Quê" là nơi hội tụ của những thôn dã xóm làng. Vì thế tìm hiểu về làng cổ Hà Nội chính là tìm về căn cốt của Hà Nội từ xưa còn lại đến hôm nay nhằm phát huy và làm giàu thêm truyền thống văn hiến, nếp sống thanh lịch của người Hà Nội.

Đây là một đề tài hay và có ý nghĩa thực tiễn cao, nếu đề tài được thực hiện theo đúng mục đích yêu cầu đề cương đã nêu ra thì sẽ giúp cho mọi người có một cái nhìn tổng thể hệ thống và cụ thể về làng cổ Hà Nội.

Tôi cho rằng đây là một loại "địa chí" về một làng hay một xã (nhất xã nhất thôn) nội dung nghiên cứu về từng làng rất đa dạng và phong phú. Ngoài việc kế thừa những thành quả khá đồ sộ của những người đi trước, các tác giả cũng cần và nên khai thác kho "xã chí" hiện được lưu giữ tại viện nghiên cứu Hán Nôm. Cùng với việc phải đi sưu tầm, điền dã, chắc chắn đề tài này phải tốn rất nhiều thời gian và công sức, đây cũng là một thử thách lớn đối với tập thể tác giả đặc biệt đối với chủ biên TS. Lưu Minh Trị.

Sau khi đọc kỹ đề cương chi tiết đề tài "Làng cổ Hà Nội" tôi thấy nên chăng các tác giả cần lưu ý một vài điều như sau:

- Cần làm rõ khái niệm giữa "Làng cổ Hà Nội" và "Làng cổ truyền Hà Nội" phân biệt nó giống và khác nhau ở chỗ nào.

- Trong số 1.900 làng (Hà Nội cũ: 600 làng, Hà Tây 1.300 làng) nên phân chia cụ thể đó là làng theo loại hình gì? Ví dụ: Làng nông, làng nghề, làng khoa bảng (văn), làng buôn, làng chài... Nếu chỉ nói "độc đáo" hay "đặc biệt" thì e rằng còn chung chung và sẽ khó trong việc triển khai đề tài.

- Theo đề cương, đề tài dự kiến nghiên cứu từ 100 đến 110 làng cổ của Hà Nội. Tôi nghĩ rằng chỉ cần 50 hay 60 làng song thật cụ thể, đầy đủ, chính xác, thì cũng đã vĩ đại và rất có giá trị rồi.

Theo ông Đặng Văn Tu nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Tây: Với kết cấu, nội dung như vậy với riêng ông thấy rất khó nhận xét đề cương chi tiết về “Làng cổ Hà Nội” như ông tổng giám đốc yêu cầu. Bởi vì, ngay ở phần IV nói về đề cương chi tiết cũng chỉ đề cập đến “nội dung đề cương đề tài” đâu có nói là đề cương chi tiết. Do vậy, vấn đề đặt ra là, trên cơ sở nội dung đã có nên xây dựng bố cục điều chỉnh sắp xếp bản đề cương chi tiết Làng cổ Hà Nội đúng với yêu cầu của một đề tài khoa học.

Tuy nhiên với trách nhiệm người được mời tham gia Hội đồng nghiệm thu đề cương chi tiết “Làng cổ Hà Nội”, ngoài nhận xét nêu trên tôi tham gia một số ý kiến trên cơ sở bản báo cáo như sau:

1. Nhất trí lấy tên đề tài theo phương án I: “Làng cổ Hà Nội”.

Tên gọi này cần gọi một cách nhất quán, chứ không như ở mục 2 lại nói “Tiêu chí làng cổ truyền đưa vào cuốn sách”.

2.     Phần II mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ

 Cần nhấn mạnh mục đích, coi đó là mục đích hàng đầu. Đó là, đề tài Làng cổ Hà Nội góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết những giá trị sâu sắc về lịch sử văn hoá, để làng đã và đang trở thành phố, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cái hồn cốt của làng trước xu thế đô thị hoá, những giá trị về làng cổ vẫn không bị mai một.

- Về đối tượng phục vụ, ngoài những đối tượng đã nêu, còn có khách du lịch văn hoá muốn tìm hiểu về văn hoá Việt Nam, làng cổ Việt Nam, qua đó quảng bá thương hiệu Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hoá.

1.     Phạm vi nghiên cứu tiêu chí làng cổ Hà Nội

Cần chú ý cả đối tượng, phạm vi nghiên cứu là tổng gồm nhiều làng, lớn hơn xã và nhỏ hơn huyện có mối quan hệ liên kết các làng trong tổng với nhau. Khi giới thiệu tổng chọn ra một số làng tiêu biểu.

- Về tiêu chí làng cổ: Thống nhất với tiêu chí đã nêu. Cần chú trọng khai thác… và đưa thành một tiêu chí ở làng có kiến trúc cổ, cảnh quan, môi trường có gái trị. Kiến trúc cổ là đình chùa, đền miếu, cổng làng, nhà thờ họ. Đặc biệt là những làng có di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Làng có cây cổ thụ, những cây được xếp hạng là cây di sản, có giếng nước, xưa vừa phục vụ đời sống vừa thể hiện quan niệm phong thuỷ của làng. Làng có tập quán, lễ hội độc đáo…

2.     Nội dung đề cương đề tài

Sử dụng những phần đã có của bản báo cáo, trên cơ sở tham gia những nội dung trên, tôi đề xuất bố cục, đề cương chi tiết đề tài “Làng cổ Hà Nội” như sau:

Phần mở đầu

Đưa các nội dung của báo cáo đã thể hiện, gồm:

 I- Tên đề tài

 II- Mục đích ý nghĩa và đối tượng phục vụ

 III- Phạm vi nghiên cứu làng cổ Hà Nội ở phần II, III cần bổ sung những nội dung đã tham gia.

Phần thứ nhất: Tổng quan về làng cổ Hà Nội

I/ Nghiên cứu tổng quan về làng cổ Hà Nội

II/ Đánh giá về những công trình về làng, làng cổ Hà Nội

- Tên làng xã Việt Nam (phần liên quan đến Hà Nội)

- Làng xã ngoại thành Hà Nội

- Các làng khoa bảng Thăng Long

- Người Hà Tây trong làng khoa bảng

- Những làng nghề những làng văn

- Đánh giá về những cuốn sách trên chỉ nêu những vấn đề có liên quan đến làng, làng cổ.

III/ Tiêu chí làng cổ Hà Nội

- Lấy các tiêu chí đã nêu trong báo cáo và bổ sung như đã nêu ở phần trên

Phần thứ hai: Các làng cổ tiêu biểu của Hà Nội

Sắp xếp các làng cổ tiêu biểu theo các tiêu chí:

1. Làng cổ có lịch sử văn hoá toàn diện

2. Làng cổ có những mặt truyền thống lịch sử văn hoá đặc sắc

3. Làng cổ là làng nghề

4. Làng cổ có kiến trúc, cảnh quan môi trường có giá trị. Đó là:

- Kiến trúc nhà cổ, cổng làng.

- Di tích lịch sử văn hoá; đình, chùa, đền miếu, nhà thờ họ được xếp hạng quốc gia. Đặc biệt là các di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

- Cây cổ thụ những cây được xếp hạng cây di sản.

- Giếng nước xưa gắn với đời sống và quan niệm phong thuỷ của làng.

Làng cổ có phong tục tập quán và lễ hội độc đáo.

Phần thứ ba: Giải pháp bảo tồn, phát huy làng cổ

I. Giải pháp về giới thiệu tuyên truyền, nâng cao nhận thức về làng cổ.

II. Giải pháp quản lý nhà nước

III. Giải pháp bảo tồn các giá trị làng cổ

- Các di tích lịch sử, văn hoá

- Các giá trị kiến trúc

- Bảo vệ môi trường cảnh quan

- Tổ chức lễ hội truyền thống và giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp.

Phần kết luận

-  Vị trí của làng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô hiện nay.

- Khái quát giá trị làng cổ Việt Nam trong di sản văn hoá dân tộc.

- Làng cổ trong bối cảnh đô thị hoá của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
- Trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ.


- Và cuối cùng là bản kê tài liệu tham khảo.

 

Ngoài những ý kiến nhận xét đánh giá mà chúng tôi giới thiệu ở trên thì bản đề cương chi tiết còn được Hội đồng tư vấn khoa học đánh giá cao cùng với những ý kiến đóng góp xác thực nhằm nâng cao chất lượng đề tài. 


Đàm Ly (Tổng hợp)

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá