Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập Địa chí
Thứ tư, 21/05/2014 03:48

Từ thực tế trong kho thư tịch cổ có một mảng tư liệu đặc biệt quý giá dùng để nghiên cứu địa lý, lịch sử, diên cách địa danh và nhiều mặt khác của Hà Nội, đồng thời kế thừa kết quả của hạng mục “Điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” của Nhà xuất bản Hà Nội, TS. Nguyễn Thúy Nga và PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn đã đồng chủ trì tuyển dịch, giới thiệu và chú giải bộ sách Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập địa chí. Sự ra đời của bộ sách nhằm cung cấp cho người nghiên cứu cũng như độc giả những tư liệu gốc về Thăng Long - Hà Nội xưa.

Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, Thăng Long - Hà Nội đã để lại một khối lượng đồ sộ thư tịch, bi ký Hán Nôm hiện còn lưu trữ tại các thư viện lớn. Đặc biệt trong đó là các sách địa chí. Sách địa chí ghi chép nhiều lĩnh vực như: địa danh, diên cách, thành trì, núi sông, danh lam cổ tích, nhân vật, đường sá, bến đò…, trong đó có một số quyển kê được tên địa danh đến cấp thôn xóm. Đây cũng chính là nguồn tư liệu mà các tác giả đã tuyển dịch, giới thiệu và chú giải trong bộ sách Tuyển tập địa chí này.


Bộ sách Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập Địa chí
 
Bộ sách dày trên 3000 trang, được chia thành 03 tập. Ngoài phần giới thiệu tổng quan về diên cách của Thăng Long - Hà Nội, gồm hai vấn đề: một là địa dư Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, hai là các nguồn địa chí cổ viết về Hà Nội và giá trị của nguồn tư liệu này, các tác giả tuyển dịch, giới thiệu và chú giải 30 văn bản. Các tác giả đã lấy mốc chính để viết về địa dư tỉnh Hà Nội là trước và sau cải cách hành chính Minh Mệnh 12 (1831). Với cái nhìn bao quát, đưa ra những dẫn dắt gợi mở, qua bài tổng quan bạn đọc sẽ dễ tiếp cận hơn với phần công bố các bản dịch địa chí. Những văn bản được tuyển chọn ở đây, nhóm tuyển dịch xem là tiêu biểu nhất trong số trên 60 tư liệu địa chí Thăng Long – Hà Nội. Ba mươi văn bản được chọn bao gồm cả quốc chí và địa phương chí, trong đó có tài liệu mang tính tổng hợp, có tài liệu ghi chép riêng về từng lĩnh vực.

Về kết cấu, bố cục thì cách sắp xếp các tác phẩm dịch ở đây rất hợp lý, theo trật tự xếp tài liệu viết riêng về Hà Nội lên trước, theo thứ tự năm tháng biên soạn, sau đó đến tài liệu chung, trong đó có Hà Nội, cũng theo niên đại trước sau. Với cách sắp xếp khoa học này rất tiện dụng trong tra cứu cũng như tìm hiểu vấn đề muốn biết. Đối với những tài liệu nào không xác định được niên đại thì các tác giả xếp theo thứ tự ABC. Đặc biệt, trước mỗi bản dịch, các tác giả đều dành riêng một phần giới thiệu về văn bản, đánh giá giá trị của văn bản, điều này giúp cho độc giả có cái nhìn, cách tiếp cận đa diện, khách quan và tạo nên cái mới ở mỗi tác phẩm. Tiếp đó là phần dịch của 30 tác phẩm địa lý đạt chất lượng vào loại tốt, thể hiện trên hai phương diện, là dịch phần chính văn và chú thích cho phần chính văn. Riêng phần chú thích rất có giá trị, bởi nó phản ánh kiến thức chuyên sâu về mảng Địa chí Hà Nội mà tác giả lĩnh hội được.

Xuyên suốt các bản dịch, trang nào các tác giả cũng dành một thời lượng thích đáng để chú giải các địa danh nên trong phần chính văn, với các yếu tố như quy đổi địa danh từ cũ sang mới, đặc biệt là các địa danh do kiêng húy hoặc do trùng với từ tôn kính. Qua đó giúp độc giả, các nhà nghiên cứu xác định được khá nhiều địa danh đã bị thay đổi vì những lý do gì, trong khoảng thời gian nào. Đây cũng là những gì mà các tác giả muốn có sự đóng góp mới, đồng thời tạo ra chất lượng của bản dịch tốt hơn trong Tuyển tập địa chí này.

Bộ sách được thực hiện bởi những tác giả có nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu cũng như với phương pháp khoa học nên các văn bản địa chí được tuyển đều đã qua khảo cứu văn bản tỉ mỉ, có giới thiệu chung, giới thiệu về niên đại, tác gia, có phiên âm, dịch nghĩa và chú giải. Với sự đầu tư về kinh phí của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến trong lần xuất bản này, các tác giả in cả nguyên văn chữ Hán, đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu trực tiếp văn bản gốc.

Khép lại bộ sách, bạn đọc, các nhà nghiên cứu dễ nhận thấy các tác giả đã hoàn thành mục tiêu của mình là thông qua việc sưu tầm, thẩm định tài liệu, chọn lọc trong kho tàng địa chí cổ các văn bản tiêu biểu, tiến hành khảo cứu, phiên âm, dịch nghĩa, để giới thiệu cho độc giả một nguồn tư liệu rất quý giá về Thăng Long – Hà Nội. Đây chắc chắn là nguồn tư liệu quý giá không chỉ ở hiện tại mà còn mai sau trong việc lưu giữ, công bố những nguồn tài liệu quý của đất Thăng Long – Hà Nội và hơn thế nữa còn mở ra cho nhiều ngành nghiên cứu khác trong khai thác tìm hiểu văn hóa, văn hiến của mảnh đất nghìn năm.


Đàm Ly

Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá