Bộ sách Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập Địa chí
Từ khi Lý Thái Tổ xuống chiếu dời đô thì Thăng Long trở thành kinh đô của cả nước, phủ Ứng Thiên là đất phụ quách kinh thành. Đến đời Lê, Quang Thuận thứ 10 (1469) đổi tên phủ Ứng Thiên thành phủ Phụng Thiên, lĩnh 2 huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương (huyện Vĩnh Xương sau đổi là Thọ Xương, huyện Quảng Đức năm Gia Long 4 (1805) đổi tên là Vĩnh Thuận). Đời Tây Sơn gọi là Bắc Thành. Năm Gia Long 4 (1805) đổi tên phủ Phụng Thiên thành phủ Hoài Đức, lĩnh 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Như vậy trong nhiều thế kỷ, địa dư của thành Thăng Long vẫn chỉ bao gồm phần đất đai thuộc 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận.
Năm Minh Mệnh 12 (1831) cải cách hành chính cả nước, bỏ trấn chia tỉnh hạt thì tỉnh Hà Nội cũng ra đời. Đến thời gian này, phạm vi Hà Nội mới bắt đầu được mở rộng và liên tục thay đổi. Các tác giả của bộ sách Tuyển tập địa chí đã lấy mốc này để chia thành 2 giai đoạn chính:
- Giai đoạn 1: từ cải cách năm 1831 trở về trước. Ở giai đoạn này theo sử sách hiện còn chỉ cho chúng ta biết kinh kỳ thời Lý – Trần gồm hai huyện chia thành 61 phường, đến đời Lê chia thành 36 phố phường.
- Giai đoạn 2: từ năm 1831 về sau. Giai đoạn này việc thay đổi địa dư diễn ra nhiều và liên tục, nhất là sau khi thành phố Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp năm 1888. Có 3 lần thay đổi:
+ Từ năm 1831 đến 1887 Đồng Khánh 2
Theo tài liệu Hà Nội địa bạ và Đồng Khánh địa dư chí lục kê tỉnh Hà Nội lúc này gồm 4 phủ là Hoài Đức (3 huyện: Từ Liêm, Thọ Xương, Vĩnh Thuận), Thường Tín (3 huyện: Thượng Phúc, Thanh Trì, Phú Xuyên), Ứng Hòa (4 huyện: Sơn Minh, Hoài An, Chương Đức, Thanh Oai) và Lý Nhân (5 huyện: Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục, Nam Xương). Tổng cộng 15 huyện, 127 tổng, 1.104 xã, thôn, phường.
Thời gian này tỉnh Hà Nội có phạm vi rộng nhất, gồm toàn bộ đất đai khu vực nội thành, huyện Từ Liêm và 2 tỉnh Hà Đông, Hà Nam ngày nay.
+ Năm 1888 Đồng Khánh 3. Thời gian này tỉnh Hà Nội vẫn gồm 4 phủ: Lý Nhân, Ứng Hòa, Hoài Đức và Thường Tín. Tổng cộng 14 huyện, 113 tổng và 992 xã thôn.
So với địa dư từ 1831 đến 1887, năm này tỉnh Hà Nội có thêm huyện Đan Phượng nhưng bớt 2 huyện Hoài An và Chương Đức.
+ Năm 1889 – 1890 đời Thành Thái. Theo tài liệu Danh mục làng xã Hà Nội năm 1890 thì tỉnh Hà Nội lúc này chỉ còn 11 huyện là Thượng Phúc, Thanh Trì, Phú Xuyên, Từ Liêm, Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Sơn Lãng, Thanh Oai, Kim Bảng, Duy Tiên và Đan Phượng. Tổng cộng 95 tổng, 750 xã thôn.
Thời gian này, địa dư tỉnh Hà Nội đã thu hẹp đáng kể, từ chỗ mở rộng 15 huyện, nay chỉ còn 11 huyện: năm 1888 cắt 2 huyện Hoài An, Chương Đức; 3 huyện Thanh Liêm, Bình Lục và Nam Xương cắt về thành lập phủ Liêm Bình thuộc tỉnh Nam Định; năm 1890 phủ này cùng 2 huyện Kim Bảng, Duy Tiên còn thuộc tỉnh Hà Nội chuyển về thành lập tỉnh Hà Nam.
Ngoại vi thành phố vẫn còn 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận nhưng đã thay đổi nhiều. Huyện Thọ Xương chỉ còn 12 phường, thôn trại chia làm 3 tổng đó là: Hòa Lạc, Phúc Lâm và Thanh Nhàn. Huyện Vĩnh Thuận vẫn gồm 4 tổng (Thượng, Trung, Nội và Hạ), 29 xã, thôn, phường, trại.
Đến ngày 1 tháng 8 năm 1899 có thư của trưởng ban I thuộc phủ Thống sứ Bắc Kỳ gửi Giám đốc Sở các công việc bản xứ của phủ về việc xóa bỏ huyện Vĩnh Thuận rồi lấy nốt phần đất còn lại của 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận và một số xã thôn của hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì lập một huyện mới có tên là huyện Hoàn Long, làm huyện ngoại thành thành phố Hà Nội.
Đến năm 1902 tỉnh lỵ Hà Nội chuyển về xứ Cầu Đơ, gọi là tỉnh Cầu Đơ, sau đó đổi tên thành tỉnh Hà Đông. Ngày 1 tháng 1 năm 1915 bãi bỏ vùng ngoại ô Hà Nội với tư cách là đơn vị hành chính riêng biệt trực thuộc Đốc lý Hà Nội và sáp nhập huyện Hoàn Long vào tỉnh Hà Đông.
Theo như nhóm tác giả TS. Nguyễn Thúy Nga thì tỉnh Hà Nội cuối thời Nguyễn chỉ còn lại nội thành với các phố mang tên Pháp. Đến năm 1951 theo Nghị định số 138-NĐ ngày 28 tháng 2 năm 1951 của Thị trưởng Hà Nội bỏ tên Pháp, đặt tên mới các phố trong thành phố (Danh sách này bạn đọc xem trong sách Lịch sử Hà Nội qua tư liệu lưu trữ. Tập 1: Địa giới hành chính Hà Nội từ 1873 đến 1954. Cục Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2000, tr. 120-132).
Sự thay đổi địa dư của Hà Nội trong lịch sử đã thể hiện sự vận động không ngừng của một đô thị, tỉnh thành trong việc nhập, tách... Với những khái lược trên, bạn đọc có một cái nhìn khái quát về sự thay đổi địa dư thành phố Hà Nội trong lịch sử mà cụ thể là hai giai đoạn trước và sau cải cách hành chính năm Minh Mệnh 12 (1831).
Khánh Chi
Nhà xuất bản Hà Nội