Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Năm trăm lịch Việt Nam cùng với giá trị khoa học mới mẻ
Thứ tư, 21/05/2014 04:57

Một đề tài trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến có liên quan đến cuộc sống của mọi người, nhất là các nhà khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hoá tâm linh, y khoa, dược khoa v.v.... Đó chính là nội dung của cuốn sách Năm trăm lịch Việt Nam - kết quả bao tâm huyết và công phu trí tuệ của một chuyên gia lịch pháp hiếm hoi PGS.TS. Lê Thành Lân. Cuốn sách do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.

 

Như chúng ta đều biết lịch pháp là một trong những khoa học ra đời sớm trên thế giới và Việt Nam. Lịch liên quan đến đời sống con người trong cả 3 thời: quá khứ, hiện tại và tương lai. Đã có nhiều nhà nghiên cứu có những công trình đóng góp nhiều trong lĩnh vực khí tượng, thuỷ văn hoặc biên soạn phổ biến lịch, hoặc xa hơn một ít là các nhà sử học ứng dụng lịch để làm biên niên sử.
 
Cuốn Năm trăm năm Lịch Việt Nam.
 
Cuốn sách với 1032 trang, ngoài Lời giới thiệu, Lời nói đầu và phần phụ lục thì nội dung được chia làm 4 chương. Chương I: Các vấn đề chung về lịch và lịch Việt Nam. Để cho bạn đọc, các nhà nghiên cứu có những khái niệm cơ bản trước khi dùng sách thì ở mục I của chương I này tác giả đã trình bày khái quát giúp người đọc nắm được những khái niệm về lịch, lịch pháp, lịch cổ, lịch sử lịch... Có sự trình bày này cũng bởi vì là vấn đề khoa học nên không phải ai cũng đọc và hiểu ngay được tất cả các mục vậy nên với nội dung của mục I cùng với những khái niệm sẽ như chìa khóa để tìm hiểu các vấn đề kế tiếp. Đến các mục tiếp theo là quá trình phát hiện và khảo cứu theo văn bản học ba cuốn lịch cổ, từ đó tìm ra lịch của các triều đại, các giai đoạn lịch sử. Phần cuối của chương I, tác giả trình bày một vài điều rút ra được từ việc nghiên cứu lịch và lịch sử Việt Nam, điều này giúp cho chúng ta có cái nhìn khoa học và chính xác hơn một số sự kiện lịch sử từ lịch học.
 
Chương II: Lịch Việt Nam từ 1544 đến 2043. Đây là phần chính của tác phẩm, biểu hiện bằng những con số, rất ít từ ngữ. Với các bảng đối chiếu từng ngày lịch Âm – Dương từ năm Giáp Thìn – 1544 đến năm Quý Hợi – 2043 với lịch Dương. Đó là 2 lịch hay dùng nhất và thường phải đổi qua, đổi lại. Nội dung của phần này được xem là công cụ tra cứu hữu ích của người đọc, nhà sử học, nhà khí tượng thuỷ văn, nhà nông học, nhà văn hoá dân gian, nhà văn hoá tâm linh, nhà gia phả học, nhà báo, biên tập viên...
 
Chương III: Niên biểu lịch sử Việt Nam: Nội dung phần này là một niên biểu liệt kê các niên hiệu và niên thứ tăng dần từng năm, có ghi ngày cải nguyên. Ngoài ra, còn ghi ngày lên ngôi của các vị vua cùng với miếu hiệu của họ đặt trong ngoặc đơn để phân biệt với niên hiệu.
 
Chương IV: Các Lịch Vĩnh cửu và ngày tiết khí của 100 năm (1944 – 2043) gồm 3 mục: nhập đề - Lịch Can chi vĩnh cửu và - Lịch “sao” và tuần lễ vĩnh cửu. Các mục này rất cần đối với những người khảo cứu văn bản.
 
 Phụ lục: Những phát hiện mới về Niên đại học Việt Nam, viết bằng 2 thứ ngữ là Anh ngữ và Hán ngữ hiện đại giúp cho người nước ngoài có điều kiện thuận lợi khi tìm hiểu về lịch Việt. Nội dung của phần phụ lục còn hay ở chỗ giới thiệu nguyên bản ba cuốn lịch cổ đó là Nguyên bản cuốn Bách trúng kinh (bản in quãng nửa đầu thế kỷ XVIII), Nguyên bản cuốn Khâm định vạn niên thư (in thời Tự Đức, thế kỷ XIX) và Một số trang niên lịch sau hiệu đính của cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh. Ba cuốn này không chỉ bổ sung cho vốn tư liệu còn thiếu của nước ta về lịch mà còn là một đóng góp quan trọng, thật sự có ý nghĩa khoa học mới mẻ, làm cơ sở vững vàng để tác giả Lê Thành Lân khôi phục lại lịch Việt Nam được dùng từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX. Ý nghĩa từ ba cuốn sách này không chỉ ở sự tìm kiếm, phát hiện ra mà là những gì đã nghiên cứu, giám định về mặt văn bản học, để từ đó làm luận chứng khoa học xác lập một nền tảng lịch Việt Nam khác lịch Trung Quốc, được Nhà nước phong kiến Việt Nam nói chung dùng phổ biến dưới triều Lê - Trịnh, chính quyền của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, triều Tây Sơn và triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX.
 
Khép lại cuốn sách bạn đọc cũng như những nhà nghiên cứu có thể thấy đây là một tác phẩm có giá trị khoa học mới mẻ, có sức hấp dẫn ở nguồn tài liệu lịch pháp cổ mới được phát hiện và nghiên cứu một cách công phu, trình bày một cách hết sức thuyết phục. Sự ra mắt của cuốn sách Năm trăm lịch Việt Nam (1544 – 2043) thêm một lần nữa khẳng định đây là sách công cụ rất cần thiết, là công cụ rất bổ ích và cần thiết cho các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhiều ngành khoa học liên quan, cho sinh viên, nghiên cứu lịch sử, văn hóa Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
 
 
Ly Đàm

Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá