Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội
Thăng Long xưa, Hà Nội nay là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa vật thể với đầy đủ các loại hình di tích (loại hình di tích khảo cổ, loại hình di tích lịch sử - văn hóa, loại hình di tích danh lam thắng cảnh). Kho tàng di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội gắn bó chặt chẽ với quá trình hình thành phát triển của Thăng Long – Hà Nội, với tư cách là một thành thị, một đô thị đã trải qua 1000 năm là một kinh đô, di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội.
Di sản văn hóa vật thể của Thăng Long – Hà Nội qua 1000 năm lịch sử là một tài sản vô giá mà các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ chúng ta hôm nay. Giá trị của các di sản cũng như vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản ấy là những vấn đề lớn, đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư công sức, trí tuệ của nhiều người.
Cuốn Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: A.Minh.
Cuốn sách “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội”có kết cấu gồm 5 chương, mỗi chương sẽ đi sâu vào nghiên cứu một nội dung cụ thể:
Chương I. Nhìn lại tình hình nghiên cứu di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội. Nội dung đề cập đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa nói chung và tình hình nghiên cứu các di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội.
Chương II. Những vấn đề lý luận về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể. Chương này tập trung làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn kinh nghiệm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể Thăng Long - Hà Nội, tiếp thu những quan điểm mới về quản lý di sản của một số nước trên thế giới để vận dụng vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể của Thăng Long - Hà Nội.
Chương III. Giá trị của di sản văn hóa vật thể của Thăng Long – Hà Nội. Nội dung tập trung làm rõ giá trị của di sản văn hóa vật thể Thăng Long - Hà Nội từ góc tiếp cận di sản văn hoá, bao hàm cả vật thể lẫn phi vật thể trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, để xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên địa bàn Hà Nội.
Chương IV. Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể qua các thời kỳ lịch sử. Từ những kết quả nghiên cứu thực tế, vận dụng cơ sở lý luận, quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị của di tích và di sản, đánh giá và làm rõ những nguy cơ, thách thức của công cuộc bảo tồn di sản văn hoá trong bối cảnh đô thị hoá ở thủ đô; vai trò của chủ thể văn hoá trong công cuộc bảo tồn di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội.
Chương V. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội trong giai đoạn hiện nay. Khẳng định vai trò của di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Định hướng quan điểm và các giải pháp bảo tồn phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc khuyến nghị của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới; và vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta vào sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa vật thể tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội, hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thăng Long – Hà Nội là thành phố có 1000 năm tuổi. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, dâu bể của cuộc đời, các thế hệ đã xây dựng ở nơi đây những di sản văn hóa vật thể giàu có, đa dạng. Đó là những “thông điệp” – chữ dùng của GS. TSKH. Lưu Trần Tiêu. Có thể thấy, cùng với việc đánh giặc, bảo vệ kinh thành, giữ đất, giữ làng, giữ từng ngôi nhà góc phố, cùng với việc xây dựng kinh đô/thủ đô, các thế hệ tiền nhân đã xây dựng những đền đài, cung điện, đình chùa... Đến nay, đó là những di sản văn hóa vật thể gắn bó với các vương triều, được xây cất, trùng tu, rồi hư hại, biến đổi, đã gắn với cộng đồng dân cư làng xã trở thành di sản văn hóa vật thể phố phường. Tất cả đều hàm chứa những giá trị văn hóa, lịch sử và khoa học sâu lắng, đậm đà, đều sáng lên niềm tự hào trong tâm khảm mỗi người dân Thủ đô, người dân Việt Nam trong nước hay kiều bào ở nước ngoài.
Do đó, những di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội luôn là đối tượng thu hút nhiều thế hệ nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Tất cả những nghiên cứu ấy đã khẳng định giá trị trên nhiều phương diện của kho tàng di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội. Từ sau năm 1945 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương chính sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị những di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu.
Cuốn sách là một công trình tổng kết lịch sử mang tính chất nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, đã làm rõ giá trị và kinh nghiệm bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa – cách mạng tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Cuốn sách là món quà ý nghĩa, thiết thực về mặt nghiên cứu và ứng dụng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể cho các thế hệ hiện tại và tương lai của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn vật.
Minh Trang
Nhà xuất bản Ha Nội