Nghiên cứu, vận dụng bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội
Nằm trong tổng thể Chương trình khoa học KX.09 “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”, đề tài KX.09.04 “Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội” là một đề tài có phạm vi nghiên cứu rất lớn và tính chất nghiên cứu khá phức tạp. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã bám sát mục đích nghiên cứu là làm rõ những chiến công, sự kiện tiêu biểu, đóng góp của các tài năng, anh hùng, nhân vật lịch sử quân sự, tổng kết bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội, từ đó dự báo tình hình, đề xuất định hướng giải pháp phát huy những giá trị văn hóa – lịch sử quân sự để bảo vệ thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới. Vận dụng cơ sở lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, đề tài dựa trên những cứ liệu thực tiễn của lịch sử đã được tổng kết, kế thừa các công trình khoa học có liên quan và dựa trên kết quả khảo sát thực tiễn trong và ngoài nước cũng như điều tra xã hội học.
Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đóng vai trò quan trọng trong lịch sử tồn tại và phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước, trong đó có cả các cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ đất nước. Nghiên cứu lịch sử là ngẫm về quá khứ để phục vụ cho hiện tại và tương lai. Do đó, việc nghiên cứu về lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội nói riêng phải bằng lý luận khoa học tổng hợp, đồng thời là vấn đề mang ý nghĩa chính trị và đạo lý sâu sắc.
Cuốn “Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội”
Cuốn sách“Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội” với 400 trang gồm 3 phần nội dung được bố cục khoa học, logic đi từ cơ sở lý luận, phương pháp luận đến nghiên cứu lịch sử và bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội để phát huy bài học kinh nghiệm trong bối cảnh thời đại ngày nay.
Phần thứ nhất. Cơ sở lý luận và phương pháp luận: gồm chương I, chương II
Chương I. Những vấn đề lý luận chung về sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội.
Chương II. Hệ thống khái niệm, phạm trù cơ bản trong tiếp cận khoa học sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội.
Phần thứ hai. Lịch sử và bài học kinh nghiệm: Gồm 5 chương từ chương III đến chương VII
Chương III. Sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội trong thời đại phong kiến.
Chương IV. Sự nghiệp bảo vệ, giải phóng thủ đô Hà Nội thời kỳ Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp.
Chương V. Sự nghiệp bảo vệ thủ đô Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chương VI. Sự nghiệp bảo vệ thủ đô Hà Nội thời kỳ cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chương VII. Tổng quan bài học kinh nghiệm lịch sử - hệ giá trị văn hóa – lịch sử quân sự của sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội.
Phần thứ ba. Bối cảnh thời đại và phát huy bài học kinh nghiệm: Gồm 2 chương, chương VIII và chương IX
Chương VIII. Bối cảnh thời đại – kinh nghiệm và những nhân tố mới tác động đến sự nghiệp bảo vệ thủ đô Hà Nội.
Chương IX. Định hướng giải pháp về phát huy những bài học kinh nghiệm lịch sử để bảo vệ thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới.
Thăng Long – Hà Nội có vị trí chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng do các nhân tố nền gốc quy định địa – quân sự, sử - quân sự, kinh tế - quân sự, chính trị - quân sự và văn hóa xã hội - quân sự. Tất cả những điều kiện tự nhiên và kết quả phát triển lịch sử của miền đất địa linh nhân kiệt này, với tầm nhìn bao quát và quyết định có ý nghĩa lịch sử của nhà Lý trong định đô ở Thăng Long đã mở ra một thời đại mới trong nghìn năm văn hiến Thăng Long – Hà Nội và của dân tộc. Sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội chính là sự hội tụ và tỏa sáng truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam. Nghiên cứu những bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp đó là khẳng định hệ giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam mang những dấu ấn đặc thù của miền đất nghìn năm văn hiến, địa linh – nhân kiệt.
Có thể thấy, cuốn sách góp phần làm sâu sắc vị trí chiến lược quân sự và tầm quan trọng của sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội dưới góc độ văn hóa quân sự, đồng thời xác định hệ thống khái niệm, phạm trù cơ bản trong tiếp cận, đưa ra quan niệm khoa học về bảo vệ Thủ đô của Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó góp phần hệ thống hóa những chiến công và sự kiện tiêu biểu, làm sáng tỏ những đóng góp đặc sắc về thực tiễn và lý luận quân sự của các tài năng, anh hùng, nhân vật lịch sử quân sự xuyên suốt lịch sử bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội từ thời dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cuốn sách tập trung khái quát hệ thống bài học kinh nghiệm mang giá trị đa tầng, từ những bài học kinh nghiệm từng thời kỳ lịch sử đến các bài học kinh nghiệm lịch sử xuyên suốt, có tính quy luật với tính cách hệ giá trị văn hóa – lịch sử, vừa phản ánh tính phổ biến của văn hóa quân sự Việt Nam, vừa mang nét đặc sắc của văn hóa quân sự Thăng Long – Hà Nội. Ngoài ra, cuốn sách đã đặt ra sự nghiên cứu lịch đại của sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long – Hà Nội trong sự tích hợp với nghiên cứu đồng đại về những vấn đề lý luận và thực tiễn bảo vệ thủ đô một số nước trong thời đại ngày nay; đề xuất định hướng giải pháp phát huy giá trị văn hóa – lịch sử quân sự nhằm bảo vệ thủ đô Hà Nội.
Cuốn sách là một tập trong bộ sách 11 tập thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến tổng kết một thiên niên kỷ xây dựng và bảo vệ Thăng Long – Hà Nội. Bộ sách này là món quà vô cùng ý nghĩa thuộc Chương trình KX09 “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” hướng đến kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010 đúng dịp Đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.
Pham Quốc Minh
Nhà xuất bản Hà Nội