Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long – Hà Nội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể đóng vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của Thăng Long – Hà Nội, đó không chỉ là tài sản của cư dân Thăng Long – Hà Nội mà còn là tài sản của quốc gia đã tạo nên bản sắc văn hóa và hệ giá trị của văn hóa dân tộc và của đất nước. Di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long – Hà Nội bao gồm nhiều loại hình như: Văn học dân gian, di sản Hán Nôm, nghệ thuật biểu diễn, phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa ẩm thực, nghề thủ công truyền thống…
Di sản văn hóa phi vật thể với đặc thù tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng và nhất là trong bối cảnh thủ đô Hà Nội công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, giao lưu, hội nhập toàn diện đã tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội nơi đây. Do đó, di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long – Hà Nội đang chịu sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, sự tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, nhất là trong lĩnh vực thông tin đã làm thay đổi rõ rệt đời sống xã hội cũng rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng.
Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội được bồi đắp không ngừng trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, phản ánh tập trung nhất, tiêu biểu nhất di sản văn hóa Việt Nam. Do đó, phát huy không chỉ là cách bảo tồn tốt nhất, mà còn giúp nó thêm phong phú hơn, đa dạng hơn và giàu có hơn. Vấn đề đặt ra đối với thế hệ ngày nay phải bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể này đối với sự phát triển toàn diện Thủ đô, để di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long – Hà Nội tiếp tục tỏa sáng, đó là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Cuốn “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long – Hà Nội”
Cuốn sách “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long – Hà Nội” tiếp thu thành quả của các thế hệ đi trước, tiếp tục làm sáng tỏ các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long – Hà Nội (văn học dân gian, tiếng Hà Nội, di sản Hán Nôm, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, trò chơi, trò diễn, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực và nghề truyền thống), chỉ ra được kinh nghiệm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên cơ sở tổng kết lịch sử, kinh nghiệm của các nước và thực tế của Hà Nội hiện nay để đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long – Hà Nội.
Qua những kết quả nghiên cứu thực tế của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.09 với 7 đề tài nhánh: “Văn học dân gian Hà Nội và tiếng Hà Nội”; “Di sản thư tịch Hán Nôm Thăng Long – Hà Nội”; “Tôn giáo tín ngưỡng, lễ hội và phong tục Thăng Long – Hà Nội”; “Bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật biểu diễn Thăng Long – Hà Nội”; “Ẩm thực Hà Nội”; “Giá trị tinh túy của làng nghề, phố nghề Hà Nội”; “Kinh nghiệm, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long – Hà Nội, cuốn sách gồm 4 chương với 296 trang cung cấp những tri thức cần thiết cho những người muốn tìm hiểu về di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn, đồng thời là tài liệu hữu ích cho các nhà quản lý, các cấp, các ngành của Thủ đô tham khảo, vận dụng sáng tạo vào sự bảo vệ, phát triển bền vững Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Chương I. Cơ sở lý luận và thực tiễn của bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Chương II. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long – Hà Nội
Chương III. Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long – Hà Nội
Chương IV. Các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long – Hà Nội.
Cuốn sách cho thấy, di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long – Hà Nội kết tinh nhiều giá trị (giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật). Văn hóa phi vật thể ở Thăng Long – Hà Nội chứa đựng nhiều nét kỹ thuật tinh xảo và tinh tế. Đó là những sáng tạo đặc sắc và mẫu mực về nghệ thuật, mãi mãi vượt không gian và thời gian, nâng cao tầm vóc của dân tộc với bạn bè quốc tế. Và hơn hết đó là nguồn nguyên liệu vô tận cho mọi hoạt động sáng tạo nghệ thuật, để tạo nên những tác phẩm mới vừa phong phú, đa dạng vừa mang bản sắc dân tộc trong thời đại hiện nay.
Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và thành phố đã có những chủ trương đúng đắn trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đạt nhiều thành tựu trong điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long – Hà Nội rất cần sự đầu tư của Nhà nước và UBND Thành phố, vì thế theo tập thể tác giả, Nhà nước và chính quyền Thành phố cần tìm ra những chính sách liên kết đa ngành, có chính sách, cơ chế đầu tư ưu đãi đối với mọi hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô, tiếp tục tạo ra và hoàn thiện cơ chế, chính sách hợp lý giữa văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế.
Minh Huy
Nhà xuất bản Hà Nội