Lịch sử chính quyền thành phố Hà Nội – Gợi mở và suy ngẫm
Với dung lượng hơn 300 trang, nội dung cuốn sách được chia làm 5 chương theo các thời kỳ lịch sử của Thủ đô từ năm 1945 đến nay. Chương 1 giới thiệu quá trình thành lập và sự vận hành của chính quyền cách mạng thành phố Hà Nội từ những ngày đầu còn non trẻ. Đây là thời kỳ khó khăn của cách mạng nước ta nói chung của thủ đô Hà Nội nói riêng. Bởi trong “tình thế ngàn cân treo sợi tóc” chính quyền cách mạng non trẻ của Thủ đô phải chiến đấu chống lại ba thứ giặc “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Tuy nhiên trong tình thế cách mạng ấy chính quyền Thành phố đã từng bước xây dựng các tổ chức và thiết chế để tổ chức để quản lý một đô thị có vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước. Mặt khác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.
Cuốn “Lịch sử chính quyền thành phố Hà Nội 1945-2005”
Từ chương 2 đến chương 5 nhóm biên soạn đã trình bày cụ thể những thay đổi của chính quyền thành phố về cả nhiệm vụ và mô hình tổ chức. Ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, do yêu cầu của lịch sử, chính quyền thành phố đã có những thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Có thể nói, lịch sử hình thành và phát triển của chính quyền cách mạng thành phố Hà Nội đã tô đậm thêm truyền thống ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội. Trải qua 6 thập niên chính quyền thành phố Hà Nội hình thành và phát triển trong nhiều bối cảnh khác nhau có cả hòa bình và chiến tranh, kháng chiến và xây dựng. Ra đời sau khi cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền thành phố phải đối phó với thù trong giặc ngoài chống phá quyết liệt. Trong tình thế này, chính quyền thành phố trở thành địa bàn tương tác quyền lực giữa các bên tham chiến, do đó chính quyền phải rút vào hoạt động bí mật, và có những điều chỉnh về mô hình cho phù hợp với yêu cầu chỉ đạo kháng chiến. Trong thời gian từ 1954-1975, do hoàn cảnh miền Bắc hòa bình nhưng miền Nam vẫn có chiến tranh, Hà Nội phải hứng chịu những đợt chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trong bối cảnh đó, chính quyền thành phố phải thường xuyên thay đổi các mô hình tổ chức để phù hợp với tình hình. Do đó mô hình tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội đã được thể nghiệm rất đa dạng. Phải đến sau khi đất nước thống nhất chính quyền thành phố Hà Nội mới chính thức đi vào vận hành theo đúng quỹ đạo của nó.
Trong cuốn sách này nhóm biên soạn đã cố gắng trình bày cặn kẽ những thay đổi, cũng như những bước đi của chính quyền thành phố trong những lát cắt của lịch sử từ khi thành lập đến nay. Đồng thời cũng chỉ ra sự khác biệt của chính quyền thành phố Hà Nội với các đô thị thuộc trung ương khác trong cả nước, đó là chính quyền thành phố được thiết lập, tổ chức và vận hành gắn với đặc trưng của một đô thị đóng vai trò trung tâm chính trị, hành chính đất nước. Dù thường xuyên đối diện với khó khăn thách thức, nhiều lần phải thay đổi theo yêu cầu của lịch sử nhưng chính quyền thành phố Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ của mình đó là hoàn thành việc triển khai thực hiện các chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương trên các các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Những chuyển biến lớn của thủ đô Hà Nội hơn 6 thập niên qua không thể tách rời với vai trò điều hành quản lý của chính quyền thành phố. Không chỉ đảm đương chức năng quản lý của địa phương, chính quyền thành phố Hà Nội còn góp phần vào việc nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ chính quyền Trung ương, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Biên soạn lịch sử chính quyền thành phố Hà Nội là một công việc hoàn toàn không dễ dàng, bởi do nguồn tư liệu lưu trữ không nhiều. Hơn nữa vấn đề được nghiên cứu bị chi phối từ đặc trưng quản lý và phát triển Thủ đô. Mặc dù vậy, nhóm biên soạn đã rất cố gắng để thể hiện được tương đối toàn diện những góc cạnh khác nhau trong lịch sử chính quyền thành phố, góp phần làm sáng rõ hơn lịch sử của Thăng Long – Hà Nội nói chung.
Hoàng Nhi
Nhà xuất bản Hà Nội