“Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh
Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa
Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng Khu Cháy
Hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vần
Sông Tích sông Đà giăng lụa mênh mông”
Nhằm giới thiệu về lịch sử, con người, cuộc sống của mảnh đất quê lụa, kế thừa những bộ địa chí đã có từ lâu đời viết về nơi đây như Sơn Tây dư đồ, Sơn Tây địa chí, Sơn Tây tỉnh chí, Sơn Tây quận hiệu khảo, Hà Đông tỉnh các phủ huyện tổng xã thôn danh hiệu,... Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây đã tổ chức biên soạn Địa chí Hà Tây vào năm 1995. Đến năm 1999, nhằm chỉnh sửa, bổ sung những từ liệu phù hợp với nhu cầu của tình hình mới, Địa chí Hà Tây đã được triển khai biên soạn, chỉnh lý, bổ sung do tác giả Đặng Văn Tu - Nguyễn Tá Nhí chủ biên cùng sự tham gia của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu có tên tuổi. Ngày 1/8/2008, Hà Tây chính thức trở thành một phần quan trọng của kinh đô ngàn năm tuổi và trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một lần nữa, cuốn Địa chí Hà Tây được tái bản nhằm cung cấp cho người dân Thủ đô và cả nước cái nhìn đầy đủ hơn về diện mạo của một Hà Nội mới rộng lớn, phong phú và giàu đẹp hơn.
Cuốn Địa chí Hà Tây.
Kế thừa những công trình được xuất bản, tái bản từ trước, ngoài phần Lời giới thiệu và Phụ lục sách Địa chí Hà Tây được cấu trúc theo 5 phần lớn:
Chương I: Thiên nhiên và dân cư. Ở chương này, các tác giả đem đến cho người đọc cái nhìn toàn diện về tỉnh Hà Tây trên các phương diện từ địa lý hành chính, địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, đất đai, thực vật, động vật cho đến dân cư và dân số. Tìm hiểu những phần mục trên người đọc có thể hình dung được sự thay đổi của mảnh đất này qua thăng trầm của thời gian, qua đặc điểm về địa mạo, địa chất... - những yếu tố đóng vai trò chi phối chính đến đặc điểm của cư dân nơi đây.
Hà Tây là vùng đất cổ, trải qua quá trình hình thành và kiến tạo lâu đời nên ở chương II Lịch sử truyền thống các tác giả đã phác họa tiến trình lịch sử của con người và mảnh đất này. Qua các thời đại khảo cổ học, quá trình gây dựng, phát triển của người Hà Tây từ Bắc thuộc, qua các triều đại phong kiến đến khi kiên cường đấu tranh với thực dân, tiến hành Cách mạng tháng Tám, tham gia đánh Pháp rồi kháng chiến chống Mỹ, đất và người Hà Tây bao giờ cũng sôi nổi đóng góp sức người, sức của cùng cả nước đấu tranh giành hòa bình, độc lập cho non sông. Và cũng từ hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà nơi đây đã sản sinh ra những danh nhân ở khắp các lĩnh vực từ quân sự đến văn hóa, khoa học. Không chỉ vậy, Hà Tây còn là mảnh đất của những danh lam thắng tích nổi tiếng xa gần, nức tiếng cả nước. Tất cả đã làm nên những đặc trưng riêng cho địa danh nằm ở cửa ngõ Thủ đô.
Chương III: Kinh tế cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quát về tình hình của Hà Tây qua các ngành kinh tế chính là Nông ngiệp, Công nghiệp, Điện lực, Thủ công nghiệp, Thương nghiệp, Giao thông vận tải, Du lịch. Qua phần này, người đọc có thể bao quát được tình hình phát triển kinh tế của Hà Tây với những thay đổi nhanh chóng, hòa nhập cùng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, đồng thời, vẫn giữ được nét truyền thống qua những ngành nghề thủ công đã có từ bao đời. Đây chính là cơ hội để đất và người nơi đây phát huy thế mạnh góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
Không chỉ có kinh tế, trong những yếu tố cấu thành nên một địa danh, một mảnh đất phải kể đến văn hóa xã hội. Ở Hà Tây, từ phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, các tôn giáo đến xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục, thể thao, văn học đều mang nét riêng đặc trưng cho một địa phương của đồng bằng Bắc Bộ. Những nét đặc trưng này được các tác giả tập trung miêu tả, tái hiện, phân tích trong chương IV: Văn hóa xã hội. Đây là chương sách mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người đọc khi tìm hiểu về nét riêng biệt cũng như những yêu tố mang tính hòa đồng với văn hóa vùng, văn hóa đất nước của Hà Tây.
Chương V: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hà Tây là một phần mục khá đặc biệt trong cuốn Địa chí Hà Tây bởi nó đi sâu vào mối quan hệ mật thiết, gắn bó và những kỷ niệm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với mảnh đất quê lụa. Với 61 lần được đón Hồ Chủ tịch về thăm, ở và làm việc, Hà Tây tự hào là nơi được Bác dành nhiều thời gian, tình cảm cùng sự chỉ bảo ân cần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương. Đồng thời, Đảng bộ và nhân dân Hà Tây luôn ghi sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vẫn không ngừng nỗ lực để đáp ứng được sự mong mỏi của Bác Hồ.
Khép lại sách là phần Phụ lục giới thiệu về hình ảnh những di tích, thắng cảnh nổi tiếng của Hà Tây như chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, đình Chu Quyến, làng cổ Mông Phụ, Ao Vua,... Đây là những hình ảnh không chỉ quen thuộc với nhân dân địa phương mà còn trở thành nét riêng, đáng nhớ của Hà Tây với bè bạn trong nước và quốc tế.
Như chính tác giả Đặng Văn Tu tâm sự: “Biên soạn Địa chí là một công việc khó khăn phức tạp đòi hỏi phải vừa cẩn trọng, công phu, tỉ mỉ lại phải vừa có sự tư duy sáng tạo. Các soạn giả trong nhóm biên soạn đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, tập trung dành nhiều thời gian công sức hoàn thành bản thảo Địa chí Hà Tây dày gần 900 trang khổ lớn”. Chính sự công phu, tâm huyết, và những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ tác giả mà Địa chí Hà Tây thực sự trở thành một công cụ hữu ích cho những nhà quản lý, những nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc xa gần.
Nguyễn Dung
Nhà xuất bản Hà Nội