Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020
Chủ đề của cuốn sách đề cập khá phức tạp, có liên quan chặt chẽ giữa nhiều lĩnh vực khác nhau, đan xen; có lịch sử vận động, biến đổi không ngừng theo thời gian trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Bởi vậy, các tác giả đã gặp phải rất nhiều khó khăn từ việc xử lý, khai thác các nguồn tư liệu sao cho hợp lý đến cách thức thể hiện. Nhưng với kiến thức khoa học uyên bác trên các lĩnh vực, và lòng nhiệt huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu, GS.TS Phùng Hữu Phú cùng các cộng sự tìm ra cách tiếp cận, giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất, giải quyết hài hòa mối quan hệ: Lịch sử - Hiện tại và Tương lai.
Trên cơ sở sàng lọc, xử lý cẩn thận, khai thác nghiên cứu một cách khoa học hệ thống tư liệu, tài liệu tích lũy, các tác giả một lần nữa góp phần khẳng định: Lịch sử vùng đất Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến, với tiềm năng to lớn, lợi thế của vùng “thắng địa”, “nằm ở trung tâm trời đât”, xứng tầm kinh đô muôn đời. Các nguồn lực và lợi thế của Thăng Long – Hà Nội có sự kết hợp hài hòa giữa con người với các yếu tố môi trường tự nhiên, xã hội mà cộng đồng người Thăng Long – Hà Nội chính là chủ thể khai thác, phát huy chúng nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân, cộng đồng và phục vụ cho sự phương trưởng của Kinh đô – Thủ đô và đất nước. Quá trình tổng kết những thành tựu và hạn chế, khó khăn trong nhận thức tiềm năng và sử dụng, phát huy các nguồn lực của các thế hệ đi trước, nhóm biên soạn góp phần đúc kết, khái quát thành những bài học lịch sử kết tinh trí tuệ sáng tạo của các thế hệ người Thăng Long – Hà Nội qua suốt một nghìn năm. Những bài học đó tập trung vào những vấn đề cơ bản: Nhận diện chuẩn xác các tiềm năng, nguồn lực, lợi thế của Kinh đô – Thủ đô; Định hình những tư tưởng chủ đạo có giá trị định hướng cho toàn bộ quá trình khai thác, sử dụng các nguồn lực; Không ngừng hoàn thiện các chủ thể quản lý, sử dụng các nguồn lực trên địa bàn. Việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa “nguồn lực, chính sách và con người” này sẽ phục vụ trực tiếp mục tiêu phát triển bền vững của thủ đô Hà Nội trong tương lai.

Cuốn "Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa
phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020"
Trên nền tảng bề dày lịch sử phát triển 1000 năm, Hà Nội cần tiếp tục định hướng phát triển theo hướng bền vững, phát huy hơn nữa vị trí đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, giao lưu quốc tế... của cả nước. Bằng phông kiến thức sâu, rộng của mình, tập thể tác giả luôn đặt sự phát triển Thủ đô trong mối quan hệ tác động qua lại với các vùng, miền, địa phương để tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt; đồng thời, đặt Hà Nội trong dòng chảy của thời đại, cập nhật những tri thức, kinh nghiệm có giá trị trên thế giới làm “chất xúc tác” kích thích các yếu tố đổi mới, hiện đại và phát triển toàn diện Thủ đô. Đánh giá hiện trạng, thời cơ và thách thức; dự báo xu thế, triển vọng phát triển của thủ đô Hà Nội năm 2020, những năm giữa thế kỷ XXI cho thấy nhu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả và phát huy các nguồn lực một cách hợp lý, tránh lãng phí có ý nghĩa hàng đầu. Đồng thời, căn cứ vào tiềm lực thực tại và triển vọng, bằng tầm nhìn xa tích cực, để thực hiện những mục tiêu chiến lược của Hà Nội trong tương lai, các tác giả bước đầu đề xuất một hệ thống những quan điểm, định hướng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt trên tất cả các lĩnh vực nhằm phát huy tối đa các nguồn lực nội tại của Thủ đô, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài vào sự phát triển. Theo đó, các nhóm giải pháp rất toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học – cộng nghệ, giáo dục – đào tạo, đối ngoại, an ninh – quốc phòng, về quy hoạch tổng thể... nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa các tiềm năng, nguồn lực và lợi thế để phát triển bền vững, toàn diện thủ đô Hà Nội đến năm 2020 cũng được đưa ra.
Quả thực, cuốn sách là sự tập trung trí tuệ và tâm huyết của rất nhiều nhà khoa học, quản lý trong và ngoài nước thông qua hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm quốc gia và quốc tế. Những giá trị lý luận và thực tiễn của cuốn sách góp phần đóng góp vào thành công chung của bộ sách 11 tập – tổng kết thành tựu nghiên cứu của Chương trình khoa học cấp nhà nước, mã số KX.09: “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”. Là sự hiện thực hóa chủ trương: “Cần thực hiện Chương trình khoa học nghiên cứu – tổng kết và phát huy các giá trị, các kinh nghiệm lịch sử quý báu của Thăng Long – Hà Nội” đề ra tại Chỉ thị số 32 – CT/TW về việc kỷ niệm 990 năm và 1000 năm Thăng Long – Hà Nội của Bộ Chính trị. Cuốn sách còn là tài liệu có giá trị, hứa hẹn sẽ cung cấp cho đông đảo bạn đọc những kiến thức ở cả khía cạnh vĩ mô và vi mô trong quá trình phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa phục vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2020 một cách bền vững.
Đặng Thị Tình
Nhà xuất bản Hà Nội