Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Cổ Loa – một không gian của lịch sử văn hóa Thăng Long
Thứ hai, 02/06/2014 02:21

Cổ Loa – địa danh thân thuộc với tất cả những người dân Việt Nam ngay từ khi còn ấu thơ qua những bài học đầu tiên về lịch sử dân tộc. Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, Cổ Loa nay vẫn còn tồn tại với tư cách là một địa danh, một đơn vị hành chính thuộc thủ đô Hà Nội. Nhưng ẩn đằng sau địa danh ấy là cả một bề dày truyền thống, một kho sử xanh của lịch sử dân tộc từ thời kỳ đầu dựng nược. Để thế hệ hôm nay hiểu được phần nào những trang sử hào hùng của dân tộc trong buổi đầu dựng nước ấy, đồng thời góp phần làm sáng tỏ những trang sử vẻ vang của Thăng Long nghìn năm văn hiến, nhóm biên soạn do PGS. TS. Nguyễn Quang Ngọc và PGS.TS. Vũ Văn Quân đồng chủ biên đã gửi đến độc giả cuốn sách “Địa chí Cổ Loa”.

Cuốn sách là sự kế thừa và phát triển công trình “Địa chí Cổ Loa” năm 2007. Trên cơ sở những kết quả đã có, nhóm biên soạn đã tiếp tục “thâm canh” trên mảnh đất đầy tiềm năng, chứa đựng nhiều bí ẩn hết sức thú vị này để mang đến cho độc giả một cuốn tư liệu với diện mạo mới mẻ và hoàn thiện hơn. Địa chí Cổ Loa được biên soạn lần này là sự tổng hợp kết quả nghiên cứu về vùng đất Cổ Loa của giới khoa học trong và ngoài nước suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Cuốn “Địa chí Cổ Loa”

Cuốn sách gồm 4 phần được chia thành 10 chương nhỏ. Phần I giới thiệu với bạn đọc địa lý tự nhiên, hành chính của vùng đất Cổ Loa xưa, mà ở đó bạn đọc sẽ hiểu thêm về đặc điểm địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, đất đai, sinh vật, của vùng đất này. Cùng với những đặc điểm về địa lý tự nhiên là địa lý hành chính và các hình thức liên kết cộng đồng, nhóm biên soạn đã phân tích một cách đầy đủ về cấu trúc địa chất - kiến tạo, về hoàn cảnh địa lý của vùng đất Cổ Loa trước kia. Qua đây chúng ta biết được lịch sử hình thành và phát triển về vị trí địa lý của vùng đất đã được An Dương Vương chọn để xây dựng kinh đô và những lý giải về việc chuyển dịch kinh đô thời các vua Hùng từ Phú Thọ về Cổ Loa trong phạm vi đỉnh tam giác châu thứ hai của đồng bằng sông Hồng.

Phần thứ hai với 4 chương sẽ giới thiệu với bạn đọc những trang sử của Cổ Loa từ thời kỳ tiền sử cho đến nay. Mảnh đất Cổ Loa là sự ngưng đọng của cả mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trải qua các thời kỳ lịch sử với những thay đổi về địa lý, hành chính, dân cư… nhưng Cổ Loa vẫn mang trong mình những dấu tích oai hùng của truyền thống Thăng Long. Toàn bộ lịch sử ấy kết tinh trong những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của mảnh đất này.

Phần thứ ba của cuốn sách sẽ phần nào giới thiệu với độc giả về sự phát triển kinh tế - xã hội Cổ Loa từ thuở sơ khai của loài người, và sự biến đổi của nó trong lịch sử từ một nền kinh tế truyền thống cho đến nay. Cùng với đó là những biến chuyển về văn hóa, giáo dục, đời sống xã hội của cư dân Cổ Loa qua những thay đổi của lịch sử, xã hội.

Nghiên cứu về địa chí Cổ Loa không thể bỏ qua một nội dung rất quan trọng đó là tầng văn hóa tiềm tàng của mảnh đất truyền thống này. Trong phần bốn của cuốn sách nhóm biên soạn đã giới thiệu một cách toàn diện về di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng của Cổ Loa. Lòng đất Cổ Loa là nơi ẩn giấu nhiều tầng văn hóa từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn, trở thành nơi hội tụ của văn minh sông Hồng, với hàng loạt di chỉ khảo cổ trên địa bàn trung tâm và vùng phụ cận, trong đó có không ít di chỉ đã đi vào bản đồ khảo cổ học Việt Nam nổi tiếng trong nước và thế giới. Trên mặt đất Cổ Loa là tòa thành đồ sộ kết lớp của đất đá mà cũng là kết lớp của mồ hôi, nước mắt, máu xương của bao thế hệ người Việt Nam, khi hăm hở thời buổi đầu dựng nước, khi tủi nhục dưới ách thời đô hộ, khi quyết tâm giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Không chỉ vậy, Cổ Loa còn lưu lại nhiều di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng, là dấu ấn cho những trang sử hào hùng và vẻ vang của dân tộc. Bên cạnh đó là những công trình tưởng niệm, những đình, chùa, đền miếu mạo… là những dấu tích của đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của cư dân Thăng Long xưa và người Hà Nội hôm nay. Tất cả những yếu tố đó đã ngưng kết thành các “tầng” văn hóa Thăng Long, tồn tại và phát triển cho đến hôm nay.

Ngoài bốn phần chủ yếu, nhóm biên soạn cũng dành một phần không thể thiếu của cuốn sách để giới thiệu với bạn đọc những hình ảnh, bảng biểu về các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất Cổ Loa xưa và nay… để bạn đọc có thể tra cứu khi cần thiết.

 

Có thể nói, những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Cổ Loa mang những ý nghĩa hết sức lớn lao trong dòng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những giá trị văn hóa đó đã tồn tại hàng nghìn năm, và cho đến hôm nay nó sẽ còn sống mãi trong tâm thức của người dân vùng đất này nói riêng, của người dân Việt Nam nói chung. Đó cũng là sức sống của lịch sử, là sự trường tồn của truyền thống Thăng Long – Hà Nội, để các thế hệ hôm nay phải biết gìn giữ, trân trọng và phát huy cho truyền thống ngàn năm sáng mãi.


Hoàng Minh

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá