Mạch nguồn văn hoá Thăng Long trong Tuyển tiểu thuyết Thăng Long – Hà Nội
Khi thực hiện công trình này nhóm biên soạn đã rà soát danh mục các tiểu thuyết từ thời trung đại đến nay để chọn ra những tác phẩm tiêu biểu viết về Thăng Long – Hà Nội. Do vậy Tuyển tiểu thuyết Thăng Long – Hà Nội là sự hội tụ của những tiểu thuyết xuất sắc do các nhà văn ở mọi miền đất nước viết về Thăng Long - Hà Nội. Dù là người con của mảnh đất này hay ở những miền đất khác của Tổ quốc họ đều có điểm chung thống nhất đó là dành tình yêu trọn vẹn cho Thủ đô ngàn năm văn hiến. Với mong muốn để độc giả có được một cái nhìn xuyên suốt về sự phát triển của tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử nhóm biên soạn đã tuyển chọn các truyện ngắn Thăng Long - Hà Nội theo dòng chảy của lịch sử từ thời kỳ trung đại đến nay. Tuy nhiên, hướng tuyển chọn này khiến nhóm biên soạn gặp rất nhiều khó khăn do phải đối diện với một danh sách dài các tác phầm thời kỳ trung đại, mà đặc trưng các tác phẩm văn học thời kỳ này thường là thể loại “văn, sử, triết bất phân”, đồng thời một tác phẩm có thể gọi là ký, có thể là truyện ngắn, là tản văn mà cũng có thể là tiểu thuyết. Do đó nhóm biên soạn phải hết sức cân nhắc, xác định kỹ về mặt thể loại trong từng tác phẩm để lựa chọn sao cho hợp lý.
Tuyển tiểu thuyết Thăng Long – Hà Nội gồm 8 tập, nội dungđược phân chia thành ba phần theo phân kỳ lịch sử: thời kỳ trung đại (tính từ khởi thuỷ đến cuối thế kỷ XIX); và thời kỳ hiện đại từ 1900-1945, và tiểu thuyết thời kỳ mới sau năm 1945 đến nay. Mặc dù cách phân chia như vậy chưa thật sự thể hiện hết sự phát triển của tiểu thuyết Thăng Long – Hà Nội qua lịch sử, nhưng đã cho người đọc một cái nhìn rõ nét về sự phát triển của tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội trong từng lát cắt của lịch sử, đặc biệt là cái nhìn chân thực về lịch sử, xã hội cũng như đời sống văn hoá của người dân đất Kinh kỳ.
Phần Tiểu thuyết Thăng Long thời Trung đại được biên soạn trong tập 1 của bộ sách. Trong phần này, ngoài việc lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu, nhóm biên soạn đã giới thiệu với độc giả bài nghiên cứu hết sức công phu của PGS. Trần Nghĩa có tiêu để “Tổng quan tiểu thuyết Thăng Long – Hà Nội thời trung đại”. Trong bài viết này PGS. Trần Nghĩa đã bàn đến một số khía cạnh của tiểu thuyết trung đại đó là: quan niệm về tiểu thuyết cổ Thăng Long – Hà Nội; phân loại tiểu thuyết, nguồn gốc của tiểu thuyết cổ Thăng Long – Hà Nội, nội dung tiểu thuyết cổ Thăng Long Hà Nội. Đặc biệt trong phần này nhóm biên soạn đã giới thiệu với độc giả 5 tác phẩm tiêu biểu của tiểu thuyết Thăng Long – Hà Nội trung đại đó là: Hoàng Lê nhất thống chí, Việt Lam xuân thu, Hoa viên kỳ ngộ, Việt Nam kỳ phùng sự lục, Nam thiên trân dị tập. Qua đây chúng ta có thể biết được những bước ngoặt của lịch sử dân tộc cũng như của Thăng Long – Hà Nội được phản ánh cụ thể qua tiểu thuyết. Bên cạnh đó độc giả còn biết đến những danh nhân lịch sử, văn hoá của dân tộc, các tầng lớp xã hội Việt Nam thời phong kiến, sự giao thoa của các tư tưởng Nho, Phật, Lão trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ta…
Phần 2 là tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội hiện đại từ 1900-1945. Đây được coi là thời kỳ nở rộ của văn học Việt Nam nói chung tiểu thuyết nói chung. Thăng Long – Hà Nội thật sự là nơi hội tụ của những gương mặt tiêu biểu cho văn xuôi quốc ngữ nước ta như: Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Đặng Trần Phất, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân… Sự nở rộ của tiểu thuyết hiện đại không chỉ về số lượng mà còn ở sự đa dạng về đề tài về nhân vật, mà ở đó đất và người Thăng Long – Hà Nội hiện lên với sự đa dạng về chiều sâu nhân cách, sự phong phú về lối sống, về tư tưởng… Tất cả hoà quyện tạo nên những nét đặc trưng của văn hoá Thăng Long, nét thanh lịch nho nhã của người Tràng An. Cũng có lúc, ở đâu đó có những hình ảnh, những con người đi “trái chiều” nhưng nhìn chung mạch ngầm văn hiến Thăng Long, cái cốt cách tài hoa của con người đất Kinh kỳ vẫn luôn luôn chảy mãi trong tiểu thuyết Thăng Long hiện đại.
Từ năm 1945 đến nay, tiểu thuyết tập chung vào đề tài chiến tranh và thời kỳ đổi mới của đất nước. Tiểu thuyết thời kỳ này với những tác giả nổi tiếng như: Nguyễn Đình Thi, Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Minh Châu. Thời kỳ đổi mới ghi nhận những thành tựu của tiểu thuyết trong việc phản ánh những xung đột giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại… Tất cả tạo nên sự đa dạng và phong phú về đề tài trong tiểu thuyết Thăng Long – Hà Nội sau năm 1945.
Có thể nói Thăng Long – Hà Nội – trung tâm chính trị văn hoá của cả nước, là nơi hội tụ những khát khao phát triển và đổi mới thành tựu của tiểu thuyết trong ngót một ngàn năm lịch sử của nó để đến với những cái đích mới. Tin chắc rằng, Tuyển tiểu thuyết Thăng Long – Hà Nội sẽ là tư liệu văn chương quý giá đối với những ai yêu thích văn học nói chung, văn học Thăng Long – Hà Nội nói riêng.
Hoàng Minh
Nhà xuất bản Hà Nội