Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Từ văn hiến Thăng Long đến hào khí Đồng Nai và thành đồng Tổ quốc
Thứ hai, 09/06/2014 11:21

Sinh ra, lớn lên ở thành Nam nhưng lại lập nghiệp và tỏa sáng trên đất Thăng Long – đó là Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu. Giáo sư là một nhà trí thức đã có nhiều đóng góp cho ngành khoa học xã hội của Việt Nam. Dù ở cương vị nào, ở đâu ông cũng dành hết tâm huyết, trí lực để phục vụ nhân dân, đất nước. Ở giáo sư Vũ Khiêu hội tụ những đức tính quý giá của một nhà nghiên cứu, một nhà khoa học uyên bác, chân chính. Để bày tỏ sự tôn kính và biết ơn đối với Giáo sư vũ Khiêu và ghi nhận những đóng góp to lớn của giáo sư cho ngành khoa học nước nhà nói chung, cho mảnh đất Thăng Long – Hà Nội và vùng đất phương Nam của Tổ quốc nói riêng, một số học trò, bằng hữu của giáo sư đã tuyển chọn một số bài báo, bài thơ, bài văn và những trang sách của giáo sư qua nhiều thời kỳ để in thành cuốn sách Từ văn hiến Thăng Long đến hào khí Đồng Nai và thành đồng Tổ quốc.

“Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.” Hai câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ đã nói lên phần nào tinh thần xuyên suốt của cuốn sách này, đó là sự hội tụ và lan toả của văn hiến Thăng Long trên khắp mọi miền của đất nước. Văn hiến Thăng Long không chỉ là sản phẩm của những con người hiện tại sống trên địa bàn Thủ đô, mà được xây dựng, gìn giữ và phát huy qua ngàn năm của cả dân tộc Việt Nam. Có thể nói văn hiến Thăng Long là sự hoà quyện những giá trị vật chất và tinh thần của mọi miền đất nước đặc biệt là Phú Xuân – Huế và Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, đó là những nơi tiếp nối Thăng Long – Hà Nội trở thành những trung tâm mới của cả nước. Sự giao thoa đó đã tạo nên một nền văn hiến dân tộc vừa thống nhất vừa đa dạng, vừa có những nét chung của cả dân tộc vừa có những nét riêng của các địa phương trong cả nước.

Với tinh thần như trên, cuốn sách gồm 3 phần chính. Trong phần 1 (Từ văn hiến Thăng Long đến Phú Xuân và Gia Định) bạn đọc sẽ thấy được những nét chung riêng của văn hiến Thăng Long trong những giá trị văn hoá truyền thống của xứ Huế mộng mơ và Sài Gòn náo nhiệt, sôi động. Nếu như mảnh đất xứ Huế có rất nhiều những nét đặc sắc đóng góp không ngừng vào việc phát triển nền văn hiến Việt Nam trên cả phương diện vật chất và tinh thần; là niềm tự hào của cả dân tộc, là nơi tiếp nối đầy sáng tạo những truyền thống lâu đời của dân tộc và là nơi chắp cánh cho những giá trị đó thì Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 300 năm tuổi lại là một bản trường ca hùng tráng về tâm hồn và khí phách của bao nhiêu thế hệ con người Việt Nam. Hơn ba trăm năm hình thành và phát triển từ một vùng đất hoang vu nơi đây đã trở thành một trung tâm kinh tế – văn hoá lớn của đất nước, với sự đổi mới về cả tự nhiên, con người và xã hội. Mảnh đất phì nhiêu này hẳn đã kéo dài sự hoang vu nếu không có tâm hồn rộng lớn, trí óc thông minh và sáng tạo của con người Việt Nam qua hơn ba trăm năm xây dựng và bảo vệ. Đó là những con người phát huy khí phách anh hùng, tinh hoa hoa truyền thống của dân tộc để khai phá mảnh đất này. Có lẽ vì thế mà hơn ba trăm năm qua, những người con miền Nam vẫn không thể nào quên được hai câu thơ: Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Thương nhớ Thăng Long là thương nhớ quê cha đất tổ, là nơi lắng đọng các tình cảm thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Phần 2 của cuốn sách (Từ hào khí Đồng Nai đến Thành đồng Tổ quốc) sẽ cho bạn đọc những cảm nhận khác nhau về Hào khí Đồng Nai và Thành đồng Tổ quốc. Đó là khí phách anh hùng, kiên cường của của con người Việt Nam trên mảnh đất phương Nam này qua những thăm trầm của lịch sử từ những buổi đầu khai phá cho đến những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Nơi đây là quê hương của rất nhiều anh hùng giải phóng dân tộc: Nguyễn Hữu Huân, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu – người đã chiến đấu và hy sinh để quyết giữ thành Hà Nội, Nguyễn Trung Trực với câu nói bất hủ: Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây; hay là một phật tử bất khuất trong phong trào chống giặc cứu nước – Thiện Chiếu. Nơi đây còn là nơi sản sinh ra nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà văn hoá lớn của dân tộc như: nhà thơ, người trí thức lớn của nhân dân Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Hữu Huân, Phan Văn Trị… Họ là những tấm gương sáng suốt và kiên cường, là những trí thức đã góp phần tạo nên những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, tác giả dành trọn Phần 3 (Bác Hồ mãi mãi trong lòng miền Nam) để nói về tình cảm của nhân dân miền Nam với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Những tình cảm tha thiết dành cho Bác Hồ luôn trào dâng trong trái tim của đồng bào miền Nam. Cho đến hôm nay Người vẫn sống mãi trong lòng dân tộc, trong muôn triệu trái tim Việt Nam. Qua các bài viết, Giáo sư muốn gửi gắm đến đông đảo bạn đọc những thông điệp quý giá về việc giữ gìn và phát huy truyền thống tinh thần và đạo đức quý giá của của dân tộc Việt Nam. Đồng thời Giáo sư cũng đưa ra một số kiến nghị và giải pháp để các nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo và quản lý xem xét trước sự xuống cấp nghiêm trọng của các giá trị đạo đức tinh thần hiện nay.

Ngoài ba phần chính, nhóm sưu tầm cũng dành một phần phụ lục để giới thiệu những bài viết của Giáo sư Vũ Khiêu về những người thân, người bạn, người đồng chí thân mến của mình và những bài viết về Giáo sư Vũ Khiêu.

Qua cuốn sách này bạn đọc sẽ thấy toát lên ở Giáo sư Vũ Khiêu không chỉ là một trí thức tài hoa, mà còn là một nhân cách cao thượng, một tâm hồn thanh cao. Giáo sư đã dành trọn cả cuộc đời cho khoa học, cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, khoa học xã hội của dân tộc Việt Nam. Chúng ta thấy được ở Giáo sư một tấm gương về sự uyên bác, sự miệt mài, cần mẫn và cả sự chân thành giản dị trong lối sống. Đó là những điều mà thế hệ trẻ hôm nay cần học tập và noi theo.


Hoàng Tâm

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá