Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một cách hiểu thêm về bản sắc văn hóa xứ Đoài qua “Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội”
Thứ ba, 10/06/2014 02:20

Đi sâu khám phá những giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của con người xứ Đoài thông qua một phương diện của văn học - nghệ thuật - thể loại tản văn - đó chính là hướng đi của đề tài “Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội” do Nhà thơ Bằng Việt chủ biên thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Tiếp nối bộ sách “Tuyển ký - tản văn Thăng Long - Hà Nội” đã được biên soạn, xuất bản trong giai đoạn I của Dự án Tủ sách, đề tài này được đánh giá cao về ý nghĩa, tính cần thiết nhất là trong bối cảnh Thủ đô đã mở rộng địa giới hành chính, những vùng đất thuộc xứ Đoài xưa nay đã trở về “trong lòng Hà Nội”. Thông qua những tác phẩm tản văn xuất sắc, tiêu biểu từ thời cổ trung đại đến nay của vùng văn hóa xứ Đoài, cuốn sách nhằm giới thiệu đến độc giả những giá trị văn chương đặc sắc, những khía cạnh phong phú trong thế giới tinh thần của con người nơi đây, từ đó để hiểu thêm những bản sắc văn hóa của vùng đất xứ Đoài qua các giai đoạn lịch sử.


Hội đồng thẩm định, nghiệm thu đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện chất lượng đề cương:

* NNC. Lại Nguyên Ânđánh giá đây là đề cương cho một hợp tuyển văn học gồm các tác phẩm của các tác giả vùng xứ Đoài, tức là vùng Hà Đông, Sơn Tây cũ, nay đã được nhập vào địa dư hành chính của thủ đô Hà Nội. Tán thành với đề xuất dự án về đầu sách này, ông góp ý thêm về một số nội dung cụ thể:

A. Về phạm vi bộ tuyển, tên công trình truyển      

1. Về dấu hiệu thể tài để tập hợp văn liệu vào hợp tuyển:

- Dấu hiệu “tản văn” thích hợp với văn chương Hán Nôm hơn văn chương Quốc ngữ, vì gần như nó gồm những gì không viết bằng thơ, tức là không viết bằng những câu có vần có nhịp;
 

- Đối với văn chương từ thời đại Quốc ngữ trở đi, dùng dấu hiệu “văn xuôi” sẽ thích hợp hơn, vì không chỉ gồm các thể truyện mà còn gồm các thể ký, tản văn, tạp văn, thậm chí có thể mở ra đến nghị luận (hiểu như tiểu luận, essay, tùy bút, tạp văn);

2. Về dấu hiệu vùng đất, địa phương của tác giả:

- Xác định “xứ Đoài” là chính xác, vì có độ bao hàm mờ so với “Sơn Tây”, “Hà Đông”, vốn gắn với các thời điểm phân giới hành chính mà người ta thường không dễ nhớ; xứ Đoài thật ra là gồm toàn bộ Hà Nội ở hữu ngạn sông Hồng, tức là gồm cả các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.

- Dấu hiệu phụ “trong lòng Hà Nội” có thể gây chút ít mặc cảm nào đó cho một số ít tác giả và độc giả vốn tự hào về đặc sắc riêng của vùng đất Hà Đông, Sơn Tây cũ (cho rằng không cần vào “trong lòng Hà Nội”, nó vẫn rất đặc sắc);

3. Về dấu hiệu thể tài bộ sách:

- Lâu nay người ta hay dùng từ “tuyển”, nhưng “tuyển” chỉ nên dùng với những khu vực chất liệu tương đối thuần nhất, ví dụ một thể tài, một tác gia, một thời kỳ ngắn;

- Nên dùng từ “Hợp tuyển” vì ở đây phạm vi tác gia là từ trung đại đến đương đại, phạm vi thể văn là tất cả những tác phẩm không viết bằng văn vần, tóm lại là do mức độ phức hợp của các dấu hiệu nội dung tuyển chọn;

4. Tóm lại, tên công trình biên khảo nên là: “Hợp tuyển văn xuôi và tản văn xứ Đoài”, phụ đề “trong lòng Hà Nội” hoặc “trong lòng thủ đô Hà Nội” nếu buộc phải có thì xin để chữ nhỏ, rất nhỏ thôi.

B. Về các nội dung cụ thể trong bộ tuyển

1. Về các tác gia trung đại:

Ít nhất thì nên tìm để có tác phẩm văn của Dương Khuê, Dương Lâm (liên lạc với ông Dương Thiệu Tống, có cuốn sách đã xuất bản: Tâm trạng Dương Khuê, Dương Lâm, Nxb. Văn học, 1995, Nxb. KHXH., 2005, trong có nhắc đến một số bài văn của Dương Lâm)

2. Về giai đoạn 1900-1945:

- Tác gia Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925): bổ sung bài “Thức tỉnh đồng bào: Quốc dân ta nên đi con đường nào” (công bố trên tuần báo “Cười” ở Huế, 1938), viết bằng cách ghép các lời tục ngữ Việt.

- Đề nghị bổ sung thêm một số tác gia:

+ Ngô Giáp Đậu (1853-?) quê Tả Thanh Oai, có thể trích “Hoàng Việt long hưng chí” (1899) đã dịch và xuất bản.

+ Ngô Vi Liễn (1894-1945) tác giả nhiều công trình địa phương chí có giá trị, có thể trích một số chương địa chí Bình Lục, Quỳnh Côi, Cẩm Giàng, hoặc cuốn nào đó trong 7 tên sách của tác giả này tại TVQG. Tìm sách sưu tập: Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ / Ngô Vi Liễn. - H. : Văn hoá Thông tin, 1999. - 118tr ; 24cm. - (Tuyển tập các công trình địa chí Việt Nam ; T.1) 

+ Nguyễn Giang (1900-1969): con Nguyễn Văn Vĩnh, có một số bài văn xuôi nghị luận, tiếng Pháp hoặc tiếng Việt, đăng trên “Đông Dương tạp chí” (1937-1942) do ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút; một số nhà nghiên cứu Mỹ đánh giá tốt quan điểm xã hội của Nguyễn Giang thể hiện trên tờ báo này. Ví dụ bài “Chương trình tờ tạp chí này” (ĐDTC, s. 33, ngày 25.12.1937).

+ Nguyễn Nhược Pháp (1914-38): là nhà thơ, nhưng cũng có kịch và truyện ngắn; ít nhất tôi biết 2 truyện đăng “Đông Dương tạp chí” là “Một ngày ở Huế” và “Mẹ và con”.

+ Vũ Trọng Can (1915-43), quê Yên Thái, Nghĩa Đô, Từ Liêm, có truyện ngắn, truyện dài, có thể tìm trên “Tiểu thuyết thứ năm” qua sưu tầm và tái công bố của Anh Chi.

+ Vũ Đình Long (1896-1960) quê Thanh Oai; có một số tiểu luận, nghị luận, nên tuyển. (Phê bình “Truyện Kiều”, Nam Phong; Luận về nghề nghiệp, Hữu thanh).

Nói chung, chúng ta hãy còn chưa nắm vững về các tác giả viết trước 1945, do chưa có điều tra cơ bản, theo các nguồn địa chí hay kiểm kê thư tịch. Đề nghị nhân việc làm tuyển này, có thể tìm hiểu thêm, nếu phát hiện được tác gia nào có quê gốc xứ Đoài cũ thì nên đưa vào tuyển.

3. Về giai đoạn 1945-2010:

Đề nghị bổ sung:

+ Thế Mạc (1934-2009) là nhà thơ nhưng có văn xuôi, nên tuyển.

+ Lương Hiền (s. 1934) quê Minh Cường, Thường Tín, hội viên Hội nhà văn VN, tác giả văn xuôi, biên khảo

+ Dương Thụ (s. 1943) nhạc sĩ, có tập tạp văn “Cà phê mưa” (2010)? 

+ Nguyễn Đình Chính (s. 1946) con Nguyễn Đình Thi, vậy quê gốc cũng là Phú Xuyên như bố chứ? N.Đ. Chính là tác giả nhiều truyện vừa, truyện dài.

+ Nguyễn Đỗ Phú (s. 1938) quê Kim Lũ, Thanh Trì, hội viên HNVVN, tác giả nhiều tập truyện ngắn.

+ Nguyễn Huy Thiệp (s. 1950) quê Khương Đình, Từ Liêm. Phải tính Thiệp vào quê xứ Đoài chứ?

+ Nguyễn Khắc Dực (1917-73) quê Tòng Bạt, Bất Bạt, hội viên HNVVN, có truyện ngắn “Mở nông giang”

+ Nguyễn Như Phong (s. 1955) quê Ứng Hòa, tác giả nhiều ký sự, phóng sự

+ Nguyễn Thị Ngọc Hà (s. 1949) quê Phú Xuyên, hội viên HNVVN, làm thơ, có viết truyện ngắn

+ Phạm Duy Nghĩa (s. 1973), quê Thanh Oai, hội viên HNVVN, có truyện ngắn

+ Trần Lê Văn (1920-2005) công tác nhiều năm ở Ty VTTT Hà Sơn Bình, có viết văn xuôi

Theo tôi, nên đề xuất nguyên tắc: các hội viên hội nhà văn VN có viết văn xuôi thì đều nên đưa vào hợp tuyển xứ Đoài này.

4. Về những tác giả hoạt động văn học ở vùng đô thị miền Nam 1954-75. Theo tôi nên đưa vào tuyển để thể hiện một cách nhìn không định kiến. Do vậy cần tuyển những tác giả như:

(theo bảng kê tác giả tác phẩm, trong sách Võ Phiến “Hai mươi năm văn học miền Nam, 1954-1975”, Westminster, CA, 1986):

Chu Tử (1917-?) Chu Văn Bình, quê gốc Sơn Tây

Doãn Quốc Sỹ (1923-?)

Dương Nghiễm Mậu (s. 1936), đã có trong đề cương

Nguyễn Hiến Lê (1912-84), đã có trong đề cương

Đinh Hùng (1920-67) đã có trong đề cương

Giản Chi (1905-?) quê Yên Quyết, Từ Liêm,

Lê Tất Điều (s. 1942) đã có trong đề cương

Nguyễn Thị Vinh (1924-?) quê Thường Tín, tham gia Tự Lực văn đoàn, viết truyện ngắn, di tản Na-uy

Phan Lạc Tiếp (1933-?) quê Sơn Tây, có tập “Bờ sông lá mục” (1969)

Phan Lạc Tuyên (1928 – 10/11/2011), quê Thạch Thất, từng làm việc ở CQ đại diện MTDTGPMNVN tại Hà Nội, có viết một số tác phẩm ký, nghiên cứu dân tộc học

Trọng Lang (1905-?) đã có trong đề cương

Trùng Dương (1944- ) quê Sơn Tây, tác giả nhiều tập văn xuôi, truyện.

5. Về một số điểm khác:

Ban tuyển chọn và biên soạn nên:

- Có ghi chú vắn tắt về tiểu sử văn học của tác giả

- Cuối các văn bản tác phẩm được tuyển nên ghi năm tháng sáng tác, năm tháng công bố (đăng báo, in sách) lần đầu của sáng tác ấy.

* PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn đánh giá cao về giá trị khoa học của đề tài. Ông cho rằng đề tàiTản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nộithuộc hệ đề tài lịch sử văn học, bao quát nội dung các công việc sưu tập, tuyển chọn, hệ thống hóa, biên soạn và viết dẫn luận. Công trình đặt ra yêu cầu cần đọc, thẩm định số lượng lớn các tác phẩm văn xuôi xứ Đoài trải suốt mười thế kỷ (Trung - Cận đại), từ đó lọc lựa, tinh tuyển các tác phẩm thuộc thể tản văn và được trình bày theo một số tiêu chí, chuẩn mực nhất định. Việc khảo sát mối quan hệ văn hóa - văn học (cụ thể ở đây là di sản tản văn) giữa vùng văn hóa xứ Đoài với Thăng Long - Hà Nội có ý nghĩa khơi mở, khai thác những quan hệ tương đồng và khác biệt, những xu thế hướng tâm và ly tâm, tứ trấn và kinh đô cả trong quá khứ cũng như hiện tại, nhất là khi xứ Đoài đã trở thành một vùng địa - văn hóa thống nhất của một Hà Nội hiện đại.

Về qui mô, phạm vi, cấu trúc: Đề tài hướng đến bao quát, tổng hợp các tác phẩm tản văn cả bằng văn tự Hán Nôm và Quốc ngữ Latinh viết về Thăng Long - Hà Nội rộng dài suốt mười thế kỷ, kể từ khoảng thế kỷ X đến thời cận đại, hiện đại và đương đại. Phạm vi tư liệu cần khảo sát hết sức phong phú, rộng lớn, trên cơ sở đó tinh tuyển các tác phẩm thuộc về tản văn, đòi hỏi cả thời gian, công sức, khả năng và sự tinh tế trong cách tuyển chọn. Đề cương có cấu trúc gồm hai phần rõ ràng, phân định và sắp xếp các tác phẩm tản văn theo lịch trình thời gian (Trung - cận đạiTừ đầu thế kỷ XIX đến nay (đúng là từ đầu thế kỷ XX - tr.8). Nhìn chung, cấu trúc đề tài hợp lý, giúp người đọc theo dõi thuận lợi cả tiến trình thể loại tản văn.

Việc tổ chức bản thảo và xuất bản sách Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nộivừa góp phần quảng bá di sản văn học truyền thống thủ đô với giới nghiên cứu, giảng dạy và đông đảo công chúng yêu văn học hiện nay.

Từ nội dung đề cương viết sách cũng như thực tiễn kinh nghiệm hoạt động quản lý, nghiên cứu, sáng tác của chủ biên, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn tin tưởng nhóm soạn giả sẽ hoàn thành tốt công trình, góp phần bổ sung nguồn tài liệu văn học truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Mặc dù chủ biên và các soạn giả đã ý thức việc nội dung tuyển tập “có thể còn được điều chỉnh thêm” (tr.3) song đề cương chi tiết đã được chuẩn bị kỹ, có đầy đủ dự kiến về nguồn tác giả và tác phẩm (tr.3-30) kèm theo phần Tài liệu tham khảo (tr.31-33) sẽ là một đảm bảo vững chắc cho thành công của bộ sách.

Bên cạnh đó ông cũng đưa ra một vài góp ý, cụ thể:

- Chú ý giới thuyết và xác định rõ hơn khái niệm, phạm vi của thể tản văn. Chẳng hạn, có nên tuyển cả tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí,truyện ngắn Phạm Duy Tốn, Phùng Cung, Đỗ Bảo Châu hoặc loại truyện giai thoại vào thể tản văn?

 - Chú ý dung lượng. Với 100 tác giả hiện đại và đương đại nhân số trang đã rất lớn, trong khi dự kiến, trong khi dự kiến dung lượng khoảng 1200 trang (tr.2).

- Nên điều chỉnh nhan đề, thay chữ “trong lòng”? Chú ý thống nhất cách định danh hai phần theo thời đại hay niên đại?

* PGS.TS. Vũ Thanh nêu bật những đóng góp và đánh giá cao nội dung được trình bày trong bản Đề cương chi tiết. Ông cho rằng đây là một cuốn sách lớn, công phu về văn xuôi của một vùng văn học có truyền thống lâu đời, nơi sản sinh ra nhiều nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trải qua trường kỳ lịch sử của dân tộc. Đề cương được trình bày khá chi tiết, bài bản, công phu. Phần tuyển chọn đã giới thiệu được những tác giả và tác phẩm tiêu biểu nhất của văn xuôi xứ Đoài qua các thời kỳ văn học từ cổ chí kim.

Nhà nghiên cứu này cũng đề xuất một vài ý kiến góp ý:

Về khái niệm “tản văn” trong đầu đề tập sách, PGS.TS. Vũ Thanh cũng nhận định các tác giả Đề cương đã mở rộng khái niệm này tương đương với khái niệm văn xuôi. Thực ra khái niệm tản văn có nghĩa hẹp hơn văn xuôi, không bao gồm các loại truyện hư cấu như truyện ngắn, tiểu thuyết. Theo ông nên chăng đổi thành “Văn xuôi xứ Đoài trong lòng Hà Nội” thì sẽ chính xác hơn. Còn nếu để chữ “tản văn” thì cần giới thuyết ở Lời nói đầu cuốn sách cho thật chặt chẽ, bởi có người thì tuyển chọn tản văn, trong khi tản văn không phải thế mạnh của họ, có người thì buộc phải chọn truyện ngắn, tiểu thuyết bởi họ không có tản văn...

PGS.TS. Vũ Thanh nhấn mạnh cần phải có một Quy cách tuyển chọn và quy cách biên soạn được nêu lên ngay từ đầu cuốn sách. Trong Quy cách cũng cần phải nói rõ những tác giả như thế nào thì được tuyển chọn tác phẩm. Nếu mở rộng ra cả những người không phải gốc xứ Đoài nhưng có nhiều năm sinh sống, làm việc, đóng góp nhiều cho xứ Đoài cũng được tuyển chọn thì những tác giả như Trần Lê Văn cần phải có mặt. Trong Đề cương thấy thiếu ông, một người hết sức gắn bó với xứ Đoài, ông sống, làm việc và sáng tác ở đây trong nhiều năm.

Nếu các tác giả Đề cương đã phân chia thành văn học cận đại (1900 đến 1945) và đương đại (1945 đến 2010) thì nên phân chia một cách cụ thể hơn nữa theo cách phân kỳ lịch sử văn học được chấp nhận hiện nay trong giới học thuật và đông đảo bạn đọc. Đó là giai đoạn từ 1945 đến 2010 còn được chia nhỏ hơn thành hai giai đoạn: 1) Văn học hiện đại từ 1945 đến 1954; 2) Văn học từ 1954 đến nay (có thể tạm dừng ở 2010). Nếu các tác giả Đề cương không chấp nhận cách phân chia này thì nên gọi chung văn học từ 1945 đến 2010 là văn học hiện đại. Văn học đương đại là bộ phận văn học đang diễn ra, còn nhiều tác giả từ 1945 đã qua đời từ lâu, tác phẩm của họ ra đời cách chúng ta đã 40-50 năm rồi thì không còn là đương đại nữa.

Việc ghi đầu đề các phần mục cũng cần phải thống nhất cho có hệ thống. Đầu đề Phần I: Tản văn xứ Đoài (Trung - Cận đại)Phần II: Từ đầu thế kỷ XIX đến nay là không thống nhất về cách đặt tên các phần. Mục A của Phần II lại ghi Giai đoạn 1900 đến 1945 (Cận đại) như vậy là lịch sử Việt Nam có 2 thời cận đại chăng ? 

Ở Phần I: Tản văn xứ Đoài (trung - cận đại) ở mục 2. TRẦN THẾ PHÁP -VŨ QUỲNH - KIỀU PHÚ nên thay dấu gạch ngang bằng dấu phảy. Nếu trích tuyển cả 3 tác giả này thì cần phải ghi rõ lấy từ văn bản nào, vì Lĩnh Nam chích quái có rất nhiều bản khác nhau. Có văn bản của Trần Thế Pháp, có văn bản đã nhuận sắc bổ sung của Vũ Quỳnh, có văn bản sửa chữa lại của Kiều Phú. Nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia văn học cổ trung đại về vấn đề này.

- Mục 3. NGUYỄN TRÃI nên tuyển thêm cả Băng Hồ di sự lục.

- Phần I cũng nên tuyển thêm văn của Ngô Thì Sĩ, một tác giả lớn người Tả Thanh Oai.

Ở phần II: Từ đầu thế kỷ XIX đến nay nên ghi rõ là Từ đầu thế kỷ XIX đến 2010 vì ngay từ đầu đã thống nhất xác định rõ là chỉ chọn đến 2010, mặt khác khoảng sau vài năm nữa khi sách ra đời và tái bản thì độc giả không rõ “đến nay” là đến bao giờ.

A. Giai đoạn 1900 đến 1945: Mục 1. NGUYỄN BÁ HỌC nên tuyển thêm Chuyện Ông Lý Chắm, một truyện ngắn rất hay và có ý nghĩa viết về tục dâng chim sâm cầm cho vua của dân Hồ Tây.

B. Giai đoạn từ 1945 đến 2010: các mục 6,7; 9,10; 24,25 xếp chưa đúng trật tự ABC tiếng Việt. (Lê Cận phải xếp trước Khánh Châm, Đỗ Bảo Châu phải trước Phùng Cung, Tô Hoài phải trước Kiều Thu Hoạch…).

Cuốn sách nên có các bảng tra cứu tên tác giả, tác phẩm và tranh ảnh minh họa.

* Theo nhận định của PGS.TS. Vũ Tuấn Anh đề cương đã cho thấy toàn cảnh công trình văn xuôi xứ Đoài: tác giả, tác phẩm tiêu biểu của vùng đất văn hóa Xứ Đoài đã được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội kể từ 2008. Các phần Nhóm tuyển chọn - biên soạn- biên tập; Nội dung chính; Định hướng- Tiêu chí tuyển chọn; Kết cấu được nêu khá cụ thể. Cách trình bày sáng sủa, khoa học cho thấy Bản Đề cương đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đáng tin cậy. Những người thực hiện công trình đều là những người am hiểu văn chương, đồng thời cũng hiểu biết về văn chương xứ Đoài, về văn học Hà Nội. Cấu trúc bộ sách hợp lý. Vài nét Bài Dẫn luận cũng hứa hẹn một cách viết hàm súc và nội dung đầy đủ về tản văn xứ Đoài.

Phần Tuyển tập tác giả, tác phẩm đã được làm chi tiết, nêu đầy đủ tên các tác giả được lựa chọn, một số nét cơ bản về tiểu sử, tên các tác phẩm (đầy đủ?) cùng tên tác phẩm dự định lựa chọn.

Theo PGS.TS. Vũ Tuấn Anh, cuốn sách đã bao gồm được các tác giả tiêu biểu từ trung đại đến hiện đại, giới thiệu khá đầy đủ danh mục tác phẩm của họ (có thể bổ sung sửa chữa thêm trong quá trình thực hiện). Chọn lọc 2-3 tác phẩm hoặc đoạn trích là một công việc khó khăn, chắc chắn sẽ còn có những điều chỉnh. Tiêu chuẩn những tác phẩm tiêu biểu nhất, hay nhất sẽ là rất khó khăn cho Ban tuyển chọn. Tuy vậy, những tác phẩm được lựa chọn bước đầu này cũng đã tỏ ra đạt được phần nào tiêu chuẩn nói trên.

Một vài điều PGS.TS. Vũ Tuấn Anh lưu ý nhóm biên soạn cân nhắc thêm:

- Tên Tản văn Xứ Đoài đã được công trình thuyết minh kỹ chứng tỏ đã có nhiều cân nhắc. Tuy vậy, liệu có nên đặt là VĂN XỨ ĐOÀI- khái quát hơn, chính xác hơn và để người đọc hình dung rõ hơn toàn bộ Tuyển tập?

- Tên gọi của sách là Tuyển tập có nghĩa mục tiêu chủ yếu là chọn tác phẩm. Việc chọn tác giả cũng tỏ ra rất quan trọng, nhấn mạnh tiêu chuẩn “địa phương” là cần thiết, nhưng cũng cần đi theo nó là những tác phẩm hay, xứng đáng có tính chất đại diện. Cân đối hai tiêu chuẩn này là điều không dễ dàng và qua Đề cương, có cảm giác rằng điều này cần được tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hơn.

 - Có thể bỏ sót 1-2 tác giả.

- Phần Tiểu sử trình bày chưa thật nhất quán, chưa cho thấy rõ nó sẽ có diện mạo như thế nào trong sách. Cần có format thống nhất.

* PGS.TS. Hà Văn Đứcnhận định từ năm 2008, vùng đất văn hóa xứ Đoài, bao gồm Hà Đông, Sơn Tây và các vùng giáp ranh vốn thuộc vùng đất xứ Đoài xưa được sáp nhâp với Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, việc Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức biên soạn cuốn Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội là một sự bổ sung cần thiết, và có ý nghĩa về nhiều mặt.

Nhà nghiên cứu này đánh giá định hướng và tiêu chí tuyển chọn của đề tài rõ ràng và hợp lý:  "là tác phẩm tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam của tác giả vốn quê gốc ở xứ Đoài hoặc đã từng song và gắn bó nhiều năm với xứ Đoài, kể từ cổ, Trung đại cho đến đương đại, kéo dài 10 năm đầu của Thế kỷ XXI". Kết cấu đề cương hợp lý, khoa học , bảo đảm tính thống nhất với các bộ sách trước đó của dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Dự kiến các tác giả và tác phẩm được tuyển chọn là khác đầy đủ, tiêu biểu (Tất nhiên trong quá trình tuyển chọn, còn phải có sự điều chỉnh thêm).

Điều băn khoăn lớn nhất của PGS.TS. Hà Văn Đức nêu lên cũng tập trung vào vấn đề tên công trình Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội. Với tên gọi này, thể loại tuyển chọn được xác định rõ là tản văn, nhưng trong phần tuyển chọn lại có cả truyện ngắn, tiểu thuyết v.v… Điều này là bất cập và không có tính khoa học. Bởi vậy theo ông, nếu giữ nguyên tên gọi này thì chỉ nên chọn đúng thể loại Ký - tản văn; còn giữ sách tuyển chọn như hiện tại thì nên gọi là Văn xuôi xứ Đoài trong lòng Hà Nội thì phù hợp hơn.

Về cách sắp xếp tác giả, tác phẩm: Những người biên soạn dự định ở phần I từ cổ, trung đại đến hết thế kỷ XIX, các tác giả, tác phẩm được sắp xếp theo niên đại. Nhưng ở phần II, từ năm 1900 đến 1946 sắp xếp theo niên đại, còn từ năm 1945 đến 2010 sắp xếp theo vần ABC để tiện tra cứu. Theo ông cách sắp xếp như vậy rất bất cập, thiếu thống nhất. Nên chăng ở phần I sắp xếp theo niên đại, còn phần II tất cả sắp xếp theo thứ tự ABC.

Ngoài ra bộ sách này khá dày (khoảng 1200 trang) vì vậy theo nhà nghiên cứu này thì nên có bảng hướng dẫn tra cứu theo tên tác giả, hoặc tác phẩm.

* PGS.TS. Nguyễn Bá Thành đánh giá sau tập “Tuyển tập ký - tản văn Thăng Long Hà Nội” (PGS TS Nguyễn Đăng Điệp chủ biên, Nxb Hà Nội 2009) thì tuyển tập Tản văn xứ Đoài là một điều bổ sung cần thiết vì sự mở rộng của quản lý hành chính của Thủ đô đã bao gồm thêm toàn bộ xứ Đoài từ 2008.

Nhà nghiên cứu này cũng thống nhất với quan điểm của các thành viên Hội đồng về tên gọi của tuyển tập: Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội chứng tỏ đây sẽ là tuyển tập chuyên về một thể loại văn học ở một vùng quê thuộc Hà Nội. Vấn đề ở đây là xác định khái niệm thể loại gọi là “Tản văn”, và “Xứ Đoài” cho thật rõ và thích hợp với đối tượng được tuyển chọn. Về tên gọi thể loại: “Tản văn” được tác giả đề cương xác định là “các thể văn và tạp cảm”, “là tác phẩm tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam của các tác giả quê gốc ở xứ Đoài hoặc đã từng sống và gắn bó nhiều năm với xứ Đoài”. Về thời đại, được xác định là từ cổ, trung đại đến thời đương đại, kéo dài đến 10 năm đầu của thế kỷ XXI. Tên gọi đó cũng đồng thời là tiêu chí tuyển chọn. Tiêu chí tuyển chọn sẽ phụ thuộc vào quan niệm về Tản văn và Xứ Đoài. Đề cương chứng tỏ quan niệm xứ Đoài là khá rộng (“Hà Đông, Sơn Tây và các vùng giáp ranh thuộc vùng đất văn hóa xứ Đoài xưa”), và Tản văn là toàn bộ các thể loại của văn xuôi. Nếu đã gọi là “một tuyển tập văn mang tính tập đại thành” thì không nên gọi là tản văn, dễ bị định kiến về mặt thể loại, và sẽ gây ý kiến tranh luận. Hơn nữa, việc giải thích trong phần phàm lệ, tổng luận sẽ rất dài dòng. Thực tế, trong đề cương đã chọn khá nhiều tác phẩm sử học, dư địa chí, truyện ngắn, chích quái,… Do đó chữ tản văn chắc chắn là không thích hợp. Để tránh được sự định kiến về thể loại như vậy, có thể đặt lại tên cho công trình. Theo gợi ý của nhà nghiên cứu này thì có thể gọi đây là “Hợp tuyển Văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội”.

Về dung lượng: Đề cương chi tiết chứng tỏ một qui mô khá đồ sộ của cuốn sách. Với 100 tác giả phần hiện đại và 9 tác giả thời trung đại với những tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Chú…thì con số dự kiến 1200 trang in là khó đảm bảo, mà chắc chắn là vượt nhiều, bởi vì nhiều tác giả được chọn hai tác phẩm. Và theo thuyết minh đề cương là: “Tác phẩm được in kèm nguyên bản Hán Nôm, bên cạnh phần dịch thuật, dẫn giải, chú thích”. Trong trường hợp đó nếu tác phẩm chỉ được trích dẫn một số đoạn cho phù hợp với số trang quy định thì chắc chắn sẽ giảm mất giá trị.

Về cấu trúc, theo PGS.TS. Bá Thành phần hiện đại như vậy không tương xứng với phần trung đại. Một đằng là những tác giả lớn, rất lớn, một đằng bao gồm nhiều tác giả rất mới, sự nghiệp văn chương chưa có gì đặc sắc. Chất lượng toàn bộ công trình tuyển chọn sẽ bị giảm nhiều vì các tác giả mới này.

Về phần tiêu chí chọn là tác phẩm tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam của các tác giả quê gốc xứ Đoài hoặc đã từng sống và gắn bó với xứ Đoài là mới nói về “tác giả”, nên có một tiêu chí về “tác phẩm” (ngoài cái tiêu chí “tác phẩm tiêu biểu” là chưa có nội dung), đó là tác phẩm phải viết về con người và quê hương xứ Đoài hoặc Thăng Long Hà Nội.

Theo quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Bá Thành nếu đã coi đây là tập “bổ sung” cho bộ “Tuyển tập ký - tản văn Thăng Long Hà Nội” (3 tập do PGS TS Nguyễn Đăng Điệp chủ biên) thì cần tránh sự trùng lặp, nghĩa là không trích những tác phẩm và tác giả mà bộ sách trên đã tuyển chọn, nhất lại là của cùng một nhà xuất bản.

Về vấn đề trình bày, ông lưu ý nhóm biên soạn cần thể hiện sự thống nhất trong cách sắp xếp theo niên đại. Nếu phần trung đại đã xếp theo niên đại mà phần hiện đại xếp theo ABC chỉ nhằm “để tiện tra cứu” thì không cần thiết. Bởi vì để tiện tra cứu thì sẽ làm thêm một bảng tra cứu bao gồm tên tác giả và tác phẩm đã được tuyển chọn để ở cuối sách là được.

Phần chọn các tác giả người xứ Đoài có một số đã xa quê rất lâu, cần chọn những tác phẩm gắn với quê hương xứ Đoài. Chẳng hạn tác giả Nguyễn Hiến Lê, Con đường thiên lý là tác phẩm nên cân nhắc lại khi tuyển vào. Bởi vì trong một trang mạng có tên Bảo vệ cờ vàng đã coi nhân vật Lê Kim trong tác phẩm là người Việt tỵ nạn đầu tiên trên đất Mỹ

Nhận định chung, PGS.TS. Nguyễn Bá Thành khẳng định đây là một tuyển tập có ý nghĩa. Nếu hoàn thành và xuất bản được, sẽ làm cho độc giả hình dung về một xứ Đoài có rất nhiều truyền thống và tinh hoa văn hóa quý báu. Ngày nay, xứ Đoài đã hòa nhập vào Hà Nội, nó đã đóng góp thêm cho Hà Nội những hương sắc mới, nhưng nó vẫn duy trì những nét riêng của một vùng văn hóa lâu đời.


Hoàng Thị Thùy Linh tổng hợp

Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá