Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX qua nguồn sử liệu “Thanh thực lục”
Thứ ba, 10/06/2014 03:04
Trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I, cuốn “Thanh thực lục: Quan hệ Thanh - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX ” ra mắt năm 2010 nhận được sự đón nhận của đông đảo bạn đọc, đặc biệt là sự đánh giá rất cao của giới nghiên cứu chuyên môn. Những tư liệu của công trình trên được trích dịch từ “Thanh thực lục” - một bộ sử đồ sộ của triều đại nhà Thanh - đã giúp cho độc giả có thêm những nhận thức khách quan về lịch sử Việt Nam trong một giai đoạn nhiều biến động. Tuy nhiên do hạn chế về thời gian cũng như kinh phí, Dự án giai đoạn I chỉ mới khai thác và giới thiệu được một phần tư liệu từ bộ sử lớn nói trên. Nhận thức tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tiếp tục khai thác khối tư liệu “Thanh thực lục”, trong Dự án giai đoạn II, Nhà xuất bản Hà Nội đã phối hợp với tập thể những người biên soạn do Ông Nguyễn Bá Dũng làm chủ trì tổ chức biên soạn đề tài “Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII đầu thế kỷ XX”. Đây có thể coi là một công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, đặc biệt đóng góp thiết thực cho công tác nghiên cứu về mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc nói riêng và về lịch sử Việt Nam nói chung.

 

Đánh giá cao về kế hoạch tổ chức biên soạn đề tài này trong khuôn khổ Dự án Tủ sách giai đoạn II của NXB Hà Nội, các nhà nghiên cứu trong Hội đồng thẩm định, nghiệm thu đề cương cũng đưa ra một số đánh giá, nhận định và góp ý cho đề tài:

* PGS.TS. Đào Tố Uyênđánh giá cao tính thời sự, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của công trình. Bà nhận định Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ lịch sử và gần gũi về địa lý. Từ xa xưa mối quan hệ này đã thể hiện trên nhiều lĩnh vực kể cả giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội và xung đột chiến tranh. Hiểu biết về lịch sử Trung Quốc cũng giúp chúng ta hiểu hơn về lịch sử Việt Nam cũng như quan hệ trong bang giao giữa hai nước. Từ lịch sử Trung Quốc, đặc biệt là giai đoạn triều Thanh sẽ giúp cho các nhà khoa học có cách nhìn đúng đắn hơn về thái độ cũng như quan hệ Trung Quốc - Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử dân tộc. Trong khi đó lâu nay chúng ta mới chủ yếu nghiên cứu những tài liệu của Việt Nam. Bà nhấn mạnh công trình sẽ giúp cho những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập không chỉ giai đoạn lịch sử từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX mà còn cho những người muốn tìm hiểu về lịch sử bang giao giữa hai nước.

Về kết cấu của công trình, theo PGS.TS. Đào Tố Uyên những nội dung mà tác giả đưa ra là cần thiết để người đọc thấy được văn bản gốc mà tác giả sử dụng để dịch. Từ đó sẽ thấy được tính khoa học và độ tin cậy của văn bản, đặc biệt là những ưu điểm và hạn chế của Thanh thực lục.

Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam qua Thanh thực lục có thể coi là một công trình riêng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn tốt. Tuy nhiên, để làm được công việc này, PGS.TS. Đào Tố Uyên nhấn mạnh cần có sự đối chiếu với cả sử liệu Việt Nam, vì thế nên chăng công trình cũng cần xác định rõ phạm vi nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu này đánh giá đề cương đã đưa ra những nội dung cần thiết, hợp lý và nêu được những nguyên tắc cơ bản của công tác phiên dịch tư liệu.
Nhìn chung, bà khẳng định đề cương của công trình đã phản ánh được những nội dung cơ bản của công trình sẽ xuất bản. Công trình ra đời sẽ có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn tốt, phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử và cả các ngành có liên quan đặc biệt trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam và xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.

* Năm 2010, Nhà xuất bản Hà Nội đã xuất bản và phát hành cuốn Minh Thực lục - quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV - XVII. Cuốn sách đã được độc giả đón nhận, đánh giá cao. Tiếp tục tinh thần này, Dự án dịch và giới thiệu sách Thanh Thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX mà các tác giả đã xây dựng đề cương chi tiết, theo nhận định củaPGS.TS. Nguyễn Công Việt là một công việc có ý nghĩa khoa học, văn hóa và sự cần thiết. Ông đánh giá dịch giả Hồ Bạch Thảo và những người biên tập Phạm Hoàng Quân, Trần Văn Chánh, Nguyễn Bá Dũng là những người có trình độ Trung văn, tri thức lịch sử và kinh nghiệm dịch thuật mà Minh Thực lục - quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV - XVII là minh chứng cụ thể. Đồng thời với đề tài qua đề cương chi tiết nói trên, tất cả đã nói lên tính khả thi của công trình dịch thuật giới thiệu này.

Tuy nhiên để Dự án được thực hiện một cách hoàn chỉnh, có trình tự đảm bảo tính logic PGS.TS. Nguyễn Công Việt có một vài ý kiến trao đổi:
- Cần nêu rõ phương pháp thao tác được sử dụng trong Dự án dịch và giới thiệu này. Ở đây là những phương pháp cơ bản là phương pháp văn bản học và phương pháp luận sử học.

- Một tác phẩm dịch thường có hai phần chính là phần Giới thiệu và phần Dịch chú. Phần giới thiệu trước khi nói về sơ lược nội dung văn bản Thanh Thực lục thì cũng cần nói riêng về vấn đề văn bản với ý nghĩa văn bản học có thể với một vài dị bản mà cần đối chiếu so sánh để chọn bản dịch là bản có đủ các tiêu chí nhất định.

- Nội dung chủ yếu của bản dịch là phần Quan hệ Trung - Việt, do đó đề cương cũng có thể giới thuyết kỹ hơn.

- Phần dịch nên đặt làm một mục riêng, đặc biệt lưu ý đến những chú thích, đây là tiêu chí quan trọng góp phần vào giá trị văn bản dịch.

- Tên sách có thể đặt là Thanh thục lục - Quan hệ Trung Quốc từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX cho đảm bảo về ngữ nghĩa.

* PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn đánh giá Thanh thực lục là bộ sử rất đồ sộ, ghi chép trình bày các hoạt động của triều đại nhà Thanh trên rất nhiều mặt, nhiều lĩnh vực suốt độ dài thời gian trên dưới 300 năm. Bộ sử này không chỉ ghi chép các hoạt động của nhà Thanh trong nội địa Trung Quốc mà còn đề cập tới rất nhiều vấn đề bang giao, quan hệ với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ lâu nhiều nhà nghiên cứu quan hệ Việt - Trung và nghiên cứu Việt Nam đã sử dụng bộ tư liệu quan trọng này phục vụ cho công tác nghiên cứu. Bộ sử này đã được trích tuyển một phần giới thiệu tại Việt Nam bằng tiếng Việt từ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Việc tiếp tục khai thác, phiên dịch và giới thiệu các tư liệu của bộ sử này có liên quan tới Việt Nam vẫn là công việc hết sức có ý nghĩa, có giá trị nhiều mặt. Theo PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, các phần thuyết minh về giá trị tài liệu, tình hình văn bản và truyền bản, nội dung của bộ sử, phương pháp chọn tuyển và định hướng khai thác giới thiệu được trình bày rõ ràng, súc tích nhưng khá đầy đủ; nguyên tắc phiên dịch và trình bày hợp lý. Bản thảo dự kiến gồm trên 2.000 trang cả chính văn chữ Hán và dịch thuật cho thấy sự phong phú của tư liệu và quy mô đồ sộ của cuốn sách sẽ xuất bản. Tuy nhiên theo ông Sơn bản chữ Hán cộng khoảng 1050 trang trong khi bản dịch nghĩa tiếng Việt là khoảng 1000 - 1100 trang là không hợp lý, với số trang bản gốc chữ Hán như vậy, bản dịch phải khoảng gấp 1,5 lần, quy mô như vậy bộ sách sẽ phải chia làm 2 tới 3 tập.

Nhà nghiên cứu này cũng nhấn mạnh đề cương cần nói rõ nhóm tác giả có khai thác tài liệu Loại toản, tức chọn lọc theo vấn đề đã được Trung Quốc cho tiến hành trong khoảng 15 năm trở lại đây hay hoàn toàn dựa theo bản toàn văn Thanh thực lục toàn văn để tìm và chọn. Điều này rất quan trọng vì nếu dựa trên bản loại toản đỡ được thời gian rất lớn, tiết kiệm được nhiều năm để làm tư liệu, nhưng lại có khả năng tam sao thất bản, bỏ sót, hoặc sai lệch. Trong thực tế cả Minh Thực lục và Thanh thực lục đều đã được làm Loại toản như vậy. Trong cách thức làm sách, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn đề nghị nhóm tác giả nên tăng cường các chú thích của dịch giả để tiện theo dõi và tăng giá trị khoa học, tính định hướng cho người đọc phổ thông và giá trị tham khảo của bộ sách có tính phức tạp này. Về tính khả thi của đề án, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn đánh giá nhóm công tác đã từng có kinh nghiệm làm các bộ sách tương tự và đã xuất bản chứng tỏ năng lực giải quyết công việc tốt. 

* PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn cho biết nguồn sử liệu cổ Trung Quốc ghi chép về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, đầy đủ, phong phú nhất là Thanh thực lục. Thanh thực lục có tàng trữ ở kho sách Trường Viễn Đông bác cổ Hà Nội. Kể cả Thanh thực lục - Việt Nam, Miến Điện, Thái Quốc, Lão Qua sử liệu trích sao, do Sở Nghiên cứu lịch sử tỉnh Vân Nam biên soạn, cũng có trong tủ sách tư nhân của một nhà nghiên cứu lịch sử. Tiếc rằng những tài liệu quý giá này nằm trong Thanh thực lục, ở Việt Nam từ trước đến nay gần như chưa được khai thác (ngoại trừ Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm đã sử dụng một số tư liệu Thanh thực lục để viết Quang Trung anh hùng dân tộc). Vì vậy, ông cho rằng việc Nhà xuất bản Hà Nội phối hợp chủ trì để cho dịch thuật và in bản dịch bộ Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XX là một việc làm thật sự có ý nghĩa cần thiết, đóng góp rất nhiều cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong hơn 3 thế kỷ qua với biết bao biến cố, đặc biệt là giai đoạn lịch sử cận đại, từ khi thực dân Pháp đến Việt Nam và mối quan hệ phức tạp Việt Nam - Pháp - Trung Hoa.
 
PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn đánh giá bản đề cương chi tiết đã giới thiệu được rõ ràng, cụ thể về văn bản Thanh thực lục cũng như giá trị nội dung phản ánh quan hệ Trung - Việt của bộ sách này. Cấu tạo nội dung bản dịch cũng như các nguyên tắc dịch thuật sách Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XX đã được trình bày rõ ràng, mang tính khả thi cao.

* Thanh thực lục là bộ sách quý hiếm, trong đó có nhiều thông tin quan trọng viết về quan hệ Trung Quốc - Việt Nam từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Nhà xuất bản Hà Nội đã cho dịch và xuất bản Thanh thực lục giai đoạn viết về quan hệ giữa nhà Thanh với nhà Tây Sơn do dịch giả Hồ Bạch Thảo thực hiện (Nxb. Hà Nội: 2007 và 2010). Nay Thanh thực lục được Nhà xuất bản Hà Nội tiếp tục đưa vào chương trình dịch thuật và xuất bản trong tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, theo PGS.TS. Trần Thị Vinh là rất đúng hướng, vì bộ sách này sẽ được dịch và công bố tiếp về quan hệ Trung Quốc - Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XX. Việc dịch thuật và công bố toàn bộ về bộ sách này rất cần thiết và hữu ích cho những nhà nghiên cứu Việt Nam khi chưa có điều kiện tham khảo trực tiếp từ nguyên tác. Đề cương chi tiết do ông Nguyễn Bá Dũng thay mặt nhóm dịch thuật thể hiện khá đầy đủ về những điều cần thiết như: Giới thiệu chung về bộ sách (nội dung văn bản, nội dung liên quan đến quan hệ Trung - Việt, những nghiên cứu sử liệu liên quan đến Việt Nam...). Về nội dung công việc: Ngoài trên 1.100 trang dịch có kèm bản nguyên văn tiếng Trung là rất tốt để người sử dụng có thể đối chiếu khi cần thiết. Theo PGS.TS. Trần Thị Vinh cuốn dịch thuật nên cần có cả một bài nghiên cứu tổng quan về bộ sách trước khi vào nội dung văn bản như đề cương trình bày cũng rất tốt. Phần cuối có Tài liệu tham khảo và Index cũng rất cần. Về nguyên tắc phiên dịch cũng được đề cương vạch ra khá chi tiết và đầy đủ.

Nhà nghiên cứu này đánh giá về thực hiện dự án: Việc dịch thuật mang tính khả thi cao, vì đội ngũ dịch thuật, đội ngũ biên tập...  đều là những nhà nghiên cứu có trình độ.

* PGS.TS. Phạm Xuân Hằng cho rằng cuốn sách có ý nghĩa trong nghiên cứu lịch sử bang giao giữa nhà Thanh với Quang Trung, với nhà Nguyễn, với chính quyền thực dân Pháp. Trong khoảng thời gian lịch sử nêu trên của cuốn sách, thì từ 1789 đến đầu thế kỷ XX, kinh đô Đại Việt đặt ở Phú Xuân. Tác giả đề cương cho biết, sau sự kiện 1789, tư liệu về hoạt động của quân Trung Hoa hoạt động chủ yếu ở Bắc kỳ. Nhưng đây mới chỉ là hoạt động quân sự. PGS.TS. Phạm Xuân Hằng đề nghị các tác giả làm rõ số lượng tài liệu trong cuốn sách này đề cập Thăng Long, Bắc Thành và ý nghĩa của những tài liệu đó.

 


Hoàng Thị Thùy Linh tổng hợp

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá