Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Biên soạn và xuất bản khối tư liệu EIC và VOC và kỳ vọng về những “hiện tượng xuất bản” mới
Thứ ba, 10/06/2014 03:17
Kế thừa và phát huy những thành quả của chuyến khảo sát, sưu tầm tư liệu các Công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan năm 2008, đặc biệt là sau thành công của cuốn sách “Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” được ra mắt nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong Dự án Tủ sách giai đoạn II, NXB Hà Nội và PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn tiếp tục xây dựng kế hoạch khai thác tư liệu từ các kho lưu trữ quốc gia Hà Lan và Anh. Chuyến khảo sát tư liệu của PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn năm 2013 đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, bổ sung vào bộ tư liệu hết sức đồ sộ lên tới 1,5 vạn trang của các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh liên quan đến Kẻ Chợ và Đàng Ngoài đã được tổng hợp và lưu trữ tại Nhà xuất bản Hà Nội. Đây chính là cơ sở để tác giả chủ trì tổ chức biên soạn hai đề tài bổ sung vào mảng sách Tư liệu - Tổng hợp thuộc Dự án giai đoạn II: “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” và “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII”.
 
Đề cương hai đề tài được biên soạn công phu, khoa học, thể hiện tính khả thi cao, được kỳ vọng sẽ lại là những “hiện tượng xuất bản” trong lần ra mắt tới. Và quan trọng hơn cả, các công trình sau khi hoàn thành sẽ là những công cụ đắc lực cho bạn đọc rộng rãi đặc biệt là giới nghiên cứu chuyên môn trong việc tìm hiểu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội cũng như lịch sử Việt Nam.
 
Sau đây một số đánh giá, nhận định và góp ý cho đề tài của các nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng thẩm định, nghiệm thu:

* GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đánh giá rất cao cuốn “Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” xuất bản năm 2010 trong Dự án Tủ sách giai đoạn I. Tuy nhiên do hạn chế về thời gian và kinh phí mà cuốn sách này không tránh khỏi những hạn chế như “chưa sưu tầm hết nguồn tài liệu của công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài” và “chưa khai thác được sâu hơn những thông tin cụ thể về tình hình Kẻ Chợ - Đàng Ngoài trong các báo cáo thường niên của Công ty Đông Ấn Hà Lan”. Đúng như tác giả đánh giá nguồn tài liệu giới thiệu trong sách còn chưa mang tính hệ thống tổng thể và “mới chỉ dừng lại ở việc hệ thống thư mục và giới thiệu bước đầu những thông tin chính đã khảo cứu được từ lề văn bản gốc”.

Để khắc phục những hạn chế đó, sau khi hoàn tất công việc sưu tầm và bổ sung tư liệu (khảo sát, khai thác năm 2013), tác giả đã tập trung vào biên soạn thư mục đề yếu bổ chú (gồm hệ thống tổng thể tư liệu, lược đọc và tóm lược các văn bản, hiệu đính, bổ chú bản dịch và xây dựng bản thảo).

Về kết cấu của các công trình, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc cho rằng nếu chỉ đánh giá công trình theo yêu cầu xuất bản tư liệu của công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh thì kết cấu hiện tại là khoa học, bài bản và khách quan. Tuy nhiên theo ông, nếu làm sách để “phục vụ rộng rãi các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đồng thời cung cấp tư liệu lịch sử đặc biệt quý giá cho giới nghiên cứu sử học, văn hóa học trong và ngoài nước”, thì bố cục này sẽ khó sử dụng, nhất là đối với các độc giả chỉ có nhu cầu hiểu biết về về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII, mà không cần thiết phải đi sâu tìm hiểu về các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh.

Nhà nghiên cứu này khẳng định cái đắt giá của các cuốn sách này chính là “nó góp phần làm sáng tỏ nhiều khía cạnh lịch sử - văn hóa và kinh tế - xã hội của kinh đô Thăng Long xưa vốn chưa từng được biết đến trong các nguồn sử liệu khác. Những thông tin quý giá về đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, các phong tục cổ truyền, cấu trúc phố phường... của Thăng Long xưa có thể cung cấp những bằng chứng lịch sử sinh động, góp phần thiết thực cho thực tiễn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay”. Trên tinh thần này, theo GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đưa ra gợi ý, nếu giữ nguyên cấu trúc cũ thì cần thiết phải có một nghiên cứu khá cụ thể, chi tiết về các nội dung tư liệu phản ánh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Bằng không tác giả trực tiếp sắp xếp và giới thiệu tư liệu phản ánh về đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, các phong tục cổ truyền, cấu trúc phố phường... của Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII thì sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu của đông đảo bạn đọc.

* Theo nhận định củaPGS.TS. Đào Tuấn Thành, đây là một đề tài nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Nếu đề tài này được triển khai, sau khi hoàn thành, kết quả của đề tài được xuất bản thành sách tham khảo sẽ góp phần nhận thức toàn diện và sâu sắc về vị thế của Đàng Ngoài nói chung, kinh thành Thăng Long nói riêng trong hệ thống thương mại châu Á và thế giới thời Cận đại. Những tư liệu gốc của các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh - những công ty thương mại hàng đầu thế giới vào các thế kỷ XVII - XVIII chắc chắn sẽ cung cấp cho giới nghiên cứu Việt Nam và bạn đọc Việt Nam những thông tin quý báu và bổ ích về xã hội Đàng Ngoài thế kỷ XVII và các thế kỷ tiếp theo. Thông qua việc khai thác tư liệu lưu trữ của Lưu trữ Quốc gia Hà Lan và Thư viện Quốc gia Anh, nhóm nghiên cứu sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin quí, được dịch sang tiếng Việt có liên quan đến lịch sử kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ và vương quốc Đàng Ngoài trong giai đoạn nửa sau thế kỷ XVII, vốn chưa từng biết đến trong các nguồn sử liệu khác. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cung cấp cho giới nghiên cứu Việt Nam những bằng chứng lịch sử sinh động, góp phần làm sáng tỏ nhiều khía cạnh lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội… của kinh đô Thăng Long xưa, vốn chưa được biết đến nhiều trong các nguồn sử liệu khác, nhất là của phương Tây, góp phần thiết thực cho thực tiễn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của thủ đô trong giai đoạn hiện nay. Kết quả nghiên cứu của đề tài khi hoàn thành, xuất bản thành sách chắc chắn sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích, cung cấp tư liệu nghiên cứu không chỉ cho các nhà chuyên môn mà còn cho đông đảo nhân dân cả nước có mong muốn tìm hiểu toàn diện về lịch sử Thủ đô thân yêu qua các giai đoạn phát triển.

PGS.TS. Đào Tuấn Thành đánh giá các đề cương nghiên cứu được xây dựng công phu, có tính khả thi, được thực hiện bởi một người đã có kinh nghiệm trọng lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về thương mại biển, lại có lòng đam mê nghiên cứu nên khả năng thành công là rất lớn. Các phương pháp nghiên cứu chính mà nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng trong quá trình triển khai đề tài là phù hợp. Các nội dung hợp tác quốc tế và tiềm năng của các đối tác chính có thể giúp chủ nhiệm đề tài và cộng sự triển khai được ý tưởng của mình. Dự kiến kết cấu bản thảo là phù hợp. Tiến độ thực hiện mà chủ nhiệm đề tài và cộng sự xây dựng có tính khả thi.

- Làm nổi bật những sự kiện vênh nhau, trái chiều, mâu thuẫn nhau giữa sự ghi chép truyền thống và ghi chép của Lưu trữ. Liệu có thể đối sánh, nghiên cứu văn bản để đi đến kết luận hoặc đề nghị phân giải ai đúng ai sai hoặc vì sao lại có sự khác biệt đó không? Và như nếu chưa làm cặn kẽ được việc khảo chứng, đính ngoa thì chí ít cũng nên nêu lên những dị bản, tồn nghi trong chú thích để độc giả tham khảo và những giới học thuật tiếp tục nghiên cứu thêm.

- Lập một thư mục đề yếu về bộ sưu tập lưu trữ là cần thiết. Nhưng cần hơn, là việc dịch toàn văn một số tư liệu quan trọng, có giá trị, những “tài liệu đinh” của cuốn sách. Vì trong toàn văn những tư liệu ấy, có thể ẩn náu những chi tiết nhỏ, mới đọc có thể cho là ít giá trị, dễ bị bỏ qua, nhưng thực ra lại là những đồ cổ quý giá nằm lẫn, bị bỏ quên trong đống đồng nát lộn xộn.

- Cuốn sách trước của tác giả có liệt kê một danh mục khá dài những tư liệu viết bằng tiếng Hà Lan cổ, mà phần lớn những nhà nghiên cứu Việt Nam, già cũng như trẻ, đều không đọc được thậm chí cũng không biệt nội dung cơ bản của tài liệu đó nói về vấn đề gì. Nếu được, tốt nhất là chủ biên nên dịch qua các đầu đề đó ra tiếng Việt. Nếu không có khả năng, đề nghị giao việc đó cho các đồng nghiệp cộng sự Hà Lan dịch giúp, thì mới đem lại lợi ích thiết thực cho người đọc.

Đối với nguồn tư liệu của Công ty Đông Ấn Anh, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ cho rằng trong giai đoạn II này, Công ty Đông Ấn Anh được dành cho một quyển riêng, chắc chắn sẽ là một việc làm bổ ích được độc giả, nhất là giới nghiên cứu hoan nghênh. Việc ghi tên các cộng tác viên người nước ngoài tham gia đề tài cũng có thể là một yếu tố bảo đảm cho chất lượng cuốn sách.

Vấn đề nên chú ý ở đây là cách tiếp cận và những nhận định khái quát về những tư liệu lưu trữ phản ánh tình hình EIC và những hoạt động giao thương của Công ty ở Thăng Long - Kẻ Chợ trong khoảng gần 2 thập kỷ cuối thế kỷ XVII, để có thể giúp chúng ta định hướng và khai thác tư liệu. Có một thực tế mà nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có tác giả Hoàng Anh Tuấn, nêu lên là tính chất hạn chế của các hoạt động buôn bán của Thương điếm Anh ở Kẻ Chợ so với Công ty VOC của Hà Lan cũng như so với các địa bàn khác trong khu vực Đông Á và châu Á nói chung.

Trong bản Đề cương chi tiết, tác giả Hoàng Anh Tuấn có nói đến 30 trang tư liệu của EIC nói về Thăng Long - Kẻ Chợ và Đàng Ngoài trước 1672, nghĩa là trước khi Công ty Đông Ấn Anh vào Đàng Ngoài với chuyến đi của Gyfford trên tàu Zant. Người ta không biết rõ nội dung của những tư liệu này. Nếu đúng là những tư liệu trực tiếp thì quả là rất đáng quý, nhưng chúng ta có quyền ngờ rằng đó chỉ là những tư liệu gián tiếp từ các thương điếm nước ngoài với những thông tin sơ sài ít chất lượng.

Mặc dù có tiềm lực mạnh hơn so với VOC, nhưng ở Đàng Ngoài và Kẻ Chợ, EIC bộc lộ một số điểm yếu đễ nhận thấy. Công ty Anh đến Kẻ Chợ sau Hà Lan khá muộn (35 năm), lại là lúc cuộc chiến Trịnh - Nguyễn chấm dứt ít nhất là trong một thế kỷ sau đó. Nhu cầu giao thương với phương Tây của nhà cầm quyền Lê - Trịnh để mua các vật liệu và thiết bị chiến tranh cũng giảm sút hẳn. Hơn nữa, thời kỳ sung sức buổi đầu của Công ty này lúc còn ở Phố Hiến khi chuyển lên Kẻ Chợ (từ 1879, thương điếm chính thức có trụ sở năm 1683) cũng đã sa sút nhiều. Thời gian hoạt đông thực tế của EIC ở kinh thành chỉ chưa đầy 15 năm ngắn ngủi, chưa kể đến những sự lục đục nội bộ về tổ chức xảy ra trong Thương điếm.

Về địa bàn, thương điếm EIC chỉ là một mắt xích, một trạm trung chuyển của mạng lưới giao thương Anh ở châu Á, kết nối với các thị trường khác như Ấn Độ, Siam, Indonesia, Đài Loan, Philippin, Nhật Bản và nhất là Trung Quốc, một trọng tâm được nhiều quan tân chú ý. Vì vậy, trong những thế kỷ sau, ta thấy rất rõ là người Anh đã gần như lãng quên Đàng Ngoài mà xoay trục vào Đàng Trong cũng như hướng tới miếng mồi béo bở là thị trường Trung Hoa.

Trong tình hình như vậy, theo PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ, cách tiếp cận khôn ngoan là nên chắt lọc để đãi cát tìm vàng. Theo ông nên chăng vấn đề trọng tâm để chúng ta nghiên cứu qua việc khai thác các tư liệu lưu trữ của EIC là chính sách và hành xử về kinh tế đối ngoại của nhà nước Lê - Trịnh lúc này đối với người Anh nói riêng và các nước phương Tây nói chung đã thể hiện và diễn biến như thế nào? Đó là một ý thức “hội nhập toàn cầu” để phát triển nền kinh tế quốc dân hay chỉ là một chủ nghĩa trục lợi thực dụng? Và yếu tố cản trở quan hệ giao thương đó chỉ là sự tham nhũng mang tính chất cá nhân của một số những quan chức hải quan, cai bạ tàu buôn hay là một tệ đoan mang tính hệ thống của thể chế, chủ trương bao che cho việc tìm kiếm lợi nhuận tối đa từ những thương nhân người nước ngoài? Nếu đó không phải là một chủ nghĩa trọng thương đích thực mang tính chiến lược, mà chỉ là những thủ đoạn vụ lợi mang tính cơ hội, thì sự trở về một chủ nghĩa kinh tế nhà nước, chủ nghĩa biệt lập đóng cửa trong những thế kỷ sau này của Việt Nam cũng là một điều dễ hiểu.

Về kỹ thuật biên soạn cuốn sách, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ cho rằng cũng nên làm tương tự như đối với cuốn về Công ty Đông Ấn Hà Lan. Nên dịch toàn văn một số tư liệu quan trọng mang nhiều ý nghĩa, có thêm phần bình luận tổng hợp càng tốt. Nên tăng cường ở mức có thể những chú giải mở rộng, khảo chứng dị bản và những vấn đề tồn nghi. Bớt đi những tư liệu rườm rà loãng thông tin và không liên quan đến Thăng Long - Kẻ Chợ, Đàng Ngoài hoặc đã được nói tới trong cuốn sách xuất bản lần trước trong giai đoạn I.

* Trong cơ cấu “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, mảng sách Tư liệu - Tổng hợp có một vị trí hết sức quan trọng. Đó sẽ là phần lớn các nguồn tư liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội, bao gồm nhiều ngôn ngữ khác nhau, được hình thành qua một quá trình lịch sử dài nhiều trăm năm. Đối với nguồn tư liệu được viết bằng chữ phương Tây đã có hai bộ thư mục, một giới thiệu về nguồn tư liệu của hai công ty Đông Ấn của Anh và Hà Lan, một giới thiệu về các nguồn tư liệu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I đã được xuất bản năm 2010 và đã gây được tiếng vang lớn. Theo PGS.TS. Vũ Văn Quân nay PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn muốn tiến thêm một bước nữa: cụ thể hơn, đầy đủ hơn về mảng tư liệu này là rất đáng hoan nghênh.

Nhà nghiên cứu này đánh giá đây là những đề tài rất cần thiết của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Tác giả đề cương đã thuyết minh có sức thuyết phục về mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ của hai đề tài; đã phân tích, đánh giá được những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của tác phẩm, công trình nghiên cứu đi trước và các yếu tố, các nội dung cần đặt ra ở hai đề tài này. Dự kiến kết cấu công trình theo đánh giá của PGS.TS. Vũ Văn Quân nhìn chung hợp lý, tương thích với mục đích, nội dung đặt ra.

PGS.TS. Vũ Văn Quân lưu ý với Chủ biên về tên các đề tài: Đề tài là “Tuyển tập tư liệu Công Ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” và“Tuyển tập tư liệu Công Ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII”. Theo PGS.TS. Vũ Văn Quân “tuyển tập” thường được quan niệm là tư liệu toàn văn, trong khi đó đây chỉ là trích yếu. Vấn đề này chủ biên cần có sự giới thuyết rõ hơn.

* TS. Nguyễn Liên Hương đánh giá cao mục đích, ý nghĩacủa đề tài. Bà cho rằng nghiên cứu lịch sử Kinh đô Thăng Long rất cần có các nguồn tư liệu, sử liệu đa dạng, phong phú, nhất là từ các tác gia nước ngoài. Tài liệu lưu trữ gốc sẽ cung cấp cho nhà nghiên cứu những thông tin cấp 1, có độ tin cậy, độ chính xác cao. Kết quả của đề tài được xuất bản sẽ là cuốn sách có giá trị tra cứu, giá trị thông tin tốt, hữu ích đối với người nghiên cứu, đặc biệt những người không có điều kiện kinh tế và thời gian đi khảo sát nước ngoài. Do đó việc thực hiện đề tài là cần thiết, đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của các nhà nghiên cứu. Bà cũng nhấn mạnh đề tài có tính khả thi cao vì chủ nhiệm đề tài đã có công trình liên quan được xuất bản trước đó, đã có điều kiện đi nước ngoài và chuẩn bị “nguyên liệu” tương đối tốt.

Theo TS. Nguyễn Liên Hương, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của đề tài. Việc hợp tác với các nhà khoa học người Hà Lan, Anh là cần thiết. Tuy nhiên, việc đọc, dịch nguyên bản tiếng Hà Lan cổ và tiếng Anh cổ, đặc biệt là việc đối chiếu so sánh với các tư liệu thương điếm khác rất công phu và chiếm nhiều thời gian, công sức. Do vậy, chủ nhiệm đề tài nên đề xuất nhóm nghiên cứu (trong và ngoài nước) cụ thể, có tính đến số lượng, năng lực, thời gian tham gia đề tài…

Về thời gian thực hiện: theo TS. Nguyễn Liên Hương nếu đối chiếu với khối lượng và yêu cầu công việc thì khoảng thời gian dự kiến có thể sẽ gây áp lực lớn cho chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu. Nên cân nhắc và có thể kéo dài thêm thời gian để đảm bảo chất lượng bản thảo sách.

TS. Nguyễn Liên Hương đánh giá kết cấu bản thảo hợp lý, phù hợp với cách tiếp cận và mục tiêu nghiên cứu. Tuy nhiên, cần xem lại tiêu đề (Trích lược tư liệu?) và giới thiệu nội dung các phần (tóm lược các thông tin cơ bản?) nên cụ thể, rõ ràng hơn.

* Thẩm định về đề cương của hai đề tài, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng cho rằng các đề tài sẽ định hướng cho những ai quan tâm nghiên cứu về giao thương kẻ chợ với nước ngoài ở thế kỷ XVII. So với cuốn “Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng ngoài thế kỷ XVII” đã được xuất bản, cái mới của lần xuất bản này là bổ sung thêm khối tư liệu mới thu thập trong năm 2013 và nghiên cứu, khai thác, giới thiệu sâu hơn những thông tin về Thăng Long - Kẻ Chợ (mà cuốn trước chưa đậm nét).Trực tiếp đi khai thác, sưu tầm tư liệu, khảo cứu, hơn nữa, lại tiếp thu kết quả công bố lần trước, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng tin tưởng chắc chắn tác giả thực hiện tốt đề tài này.

 

 
 

 

  

Hoàng Thị Thùy Linh tổng hợp

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá