Hình ảnh Thăng Long - Hà Nội qua “Hà thành thi sao” và một số thư tịch Hán Nôm
Trên cơ sở cuốn “Hà thành thi sao” và các thư tịch Hán Nôm hiện có nhóm biên soạn sẽ tiến hành khảo cứu tuyển chọn, dịch chú các bài thơ về Thăng Long - Hà Nội một cách hệ thống, khoa học và đáng tin cậy. Qua đó đề tài không chỉ giúp cho người đọc hiểu về đất Thăng Long, người Thăng Long cụ thể hơn, sâu sắc hơn, mà còn giúp cho người nghiên cứu những tư liệu phong phú, sinh động và chân xác hơn về Thăng Long - Hà Nội.
Hội đồng thẩm định, nghiệm thu đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện đề cương như sau:
* PGS.TS. Hoàng Thị Ngọđánh giá cao ýnghĩa của đề tài. Bà cho rằng trong kho di sản Hán Nôm, mảng đề tài thơ viết về Thăng Long - Hà Nội rất phong phú. Các tổng tập, tuyển tập văn học Việt Nam thời trung đại, các công trình tuyển dịch thơ, các bài báo khoa học, luận văn, luận án cũng đã giới thiệu nhiều các tác phẩm thơ viết về Thăng Long Hà Nội và các tác giả Hán Nôm Thăng Long Hà Nội. Nhưng trong kho di sản Hán Nôm vẫn còn khá nhiều những tác phẩm chưa được khai thác, giới thiệu đến người đọc, trong đó có cả tác phẩm của các tác gia nổi tiếng. Đề tài do PGS.TS Đỗ Thị Hảo làm chủ biên đã chú ý đến những tác phẩm này. Chủ đề của đề tài theo PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ là hoàn toàn phù hợp với Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Kết quả của đề tài sẽ có những đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn không chỉ cho Tủ sách mà còn bổ sung cho văn học Việt Nam thời trung đại nhiều tác phẩm thơ của các tác giả Hán Nôm có sự khảo sát, nghiên cứu tin cậy về văn bản, tác gia và tác phẩm.
PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ cũng đánh giá cao tính khả thi của đề tài. Bởi chủ biên đề tài PGS.TS. Đỗ Thị Hảo là người có trình độ hiểu biết sâu, rộng về văn học Việt Nam thời trung đại; có khả năng, nhiều kinh nghiệm tổ chức biên soạn thực hiện các đề tài về văn học qua nghiên cứu phiên dịch từ chữ Hán và chữ Nôm. Bản đề cương đã được viết trên cơ sở có sự tiếp cận, khảo sát, tìm hiểu rõ nguồn tư liệu Hán Nôm và những thành tựu nghiên cứu dịch thuật bằng tiếng Việt nên tác giả nắm rất vững nội dung, yêu cầu của đề tài. Do vậy đề tài có tính khả thi cao.
Qua bản đề cương và tên đề tài có thể thấy tác giả muốn giới thiệu với độc giả một cuốn sách có chủ đề về thơ về Thăng Long - Hà nội của các tác gia Nôm văn học trung đại Việt Nam. Cũng qua bản đề cương có thể thấy dự định của tác giả là khảo cứu, phiên dịch 7 tác phẩm viết về Thăng Long Hà Nội. Trên cơ sở khảo sát tình hình văn bản của các tác phẩm văn học Hán Nôm PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ cho rằng bản đề cương tập trung khảo cứu, phiên âm, dịch nghĩa, chú giải tác phẩm Hà thành thi sao của Vân Đình Trần Duy Vôn và 6 tác phẩm thơ ca vịnh về Hà thành; cả 7 văn bản tác phẩm hiện đều nằm trong thư viện Viện NC Hán Nôm. Trong đó, chỉ mới có 25 bài thơ trong La thành cổ tích vịnh của Trần Bá Lãm đã được khảo cứu, phiên dịch, chú giải trong 1 luận án Tiến sĩ (Cao Việt Anh) và được công bố trong Các tác gia Hán Nôm Thăng Long Hà Nội (Phạm Văn Thắm chủ biên, Nxb. KHXH, 2009). Số còn lại chỉ mới được dịch, giới thiệu lẻ tẻ trong một số công trình bài viết. Trong 7 tác phẩm được tuyển dịch và trong danh mục các bài thơ ở cuối bản đề cương có khá nhiều bài thơ chưa được độc giả biết đến. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Hán Nôm này thì ngoài việc dịch các bài mới cũng cần phải rà soát lại những bài đã được dịch và công bố dựa trên trên văn bản Hán Nôm để hoàn thiện thêm về phần chú giải và chất lượng bản dịch. Bà cũng nhấn mạnh tác phẩm Hà thành thi sao chỉ có một văn bản VHb.319 nhưng thơ của các tác giả được cụ Trần Duy Vôn sưu tập, sao chép đều có thể tra cứu được nguồn gốc, bởi vậy rất cần có sự khảo dị văn bản Hán Nôm một cách khoa học để làm rõ các vấn đề văn bản và có thể công bố bản phiên dịch từ một văn bản đáng tin cậy nhất.
Bên cạnh đó PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ cũng đề xuất chủ biên nên cân nhắc thêm tên của đề tài bởi trong 6 tác phẩm được nêu thì hầu như đều là thơ ca vịnh, kể cả thêm số bài được sao chép trong Hà thành thi sao thì số lượng cũng rất xa với tổng số thơ ca Hán Nôm viết về Hà Nội.
* PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn nhận xét đề tàiThơ Hán - Nôm về Thăng Long - Hà Nộithuộc hệ đề tài lịch sử văn học, bao quát nội dung các công việc khảo cứu - dịch và chú thích văn bản, trong đó phần khảo sát văn bản Hán Nôm và tuyển chọn, dịch thuật chiếm vị trí quan trọng. Khác với các bộ sách có ý nghĩa giới thiệu chân dung tác gia, công trình này tập trung giới thiệu diện mạo thơ Hán - Nôm (chủ yếu là thơ văn dưới thời trung đại) viết về Thăng Long - Hà Nội. Điều này tạo nên cấu tứ và “tính vấn đề” của công trình, giúp cho đề tài khác biệt với nhiều công trình cùng nghiên cứu, khảo sát, biên soạn, giới thiệu về văn học truyền thống Thăng Long - Hà Nội từ trước đến nay. Ông đánh giá việc tổ chức bản thảo và xuất bản sách Thơ Hán - Nôm về Thăng Long - Hà Nộivừa là nhu cầu của các nhà Hà Nội học vừa góp phần quảng bá di sản văn học truyền thống thủ đô với đông đảo giới nghiên cứu và giảng dạy văn học hiện nay.
Về qui mô, phạm vi, cấu trúc, ông Nguyễn Hữu Sơn cho rằng đề tài hướng đến bao quát, tổng hợp các thi phẩm Hán Nôm viết về Thăng Long - Hà Nội rộng dài suốt mười thế kỷ. Sự gợi ý và cũng là phần thư tịch Hán Nôm hạt nhân ở đây là văn bản Hà thành thi sao (Sao chép các bài thơ về thành Hà Nội) của nhà Hán học - soạn giả Nhàn Vân Đình Trần Duy Vôn (?-1979). Trên thực tế, văn bản Hà thành thi sao lưu giữ tại Thư viện Hán Nôm (ký hiệu VHb. 319) được nhà Hán học Trần Duy Vôn biên tập năm 1975, trong đó sưu tập các bài thơ viết về Hà Nội từ các sách Hoàng Việt thi tuyển, Truyền kỳ lục, Thăng Long cổ tích khảo... của các nhà thơ nổi tiếng như Trần Nguyên Đán, Phạm Sư Mạnh, Phạm Công Trứ, v.v... Tính chuyên sâu và sự đổi mới, khác biệt rõ nét trong cấu trúc công trình theo nhà nghiên cứu này là chỉ tập trung tuyển chọn các bài thơ trực diện viết về Thăng Long - Hà Nội, tái hiện chân thực cuộc sống và cảnh quan Thăng Long - Hà Nội qua suốt ngàn năm. Điểm nhấn đặc biệt quan trọng ở đây là dịch giả xác định: “Hầu hết các tác phẩm trên từ trước đến nay chưa từng được dịch chú và giới thiệu”.
Qua bốn mươi năm chuyên tâm với công việc nghiên cứu Hán Nôm, PGS. TS. Đỗ Thị Hảo đã công bố nhiều công trình dịch thuật Hán Nôm. Từ nội dung đề cương viết sách cũng như thực tiễn hoạt động nghiên cứu chuyên ngành Hán Nôm của PGS. TS. Đỗ Thị Hảo, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn tin tưởng chủ biên sẽ hoàn thành công trình Thơ Hán - Nôm về Thăng Long - Hà Nội, góp phần bổ sung nguồn tài liệu văn học truyền thống Thăng Long - Hà Nội.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn cũng lưu ý nhóm biên soạn cần giới thiệu và xác định rõ mối quan hệ giữa sách Hà thành thi sao (VHb 319) do Trần Duy Vôn biên tập năm 1975 với 7 nguồn văn bản Hán Nôm còn lại.
* Theo PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí, vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến là nguồn cảm hứng bất tận cho bao thế hệ thi nhân Việt Nam, nhờ thế mà ngày nay chúng ta có được hàng ngàn bài thơ viết về Thăng Long - Hà Nội ghi bằng chữ Hán chữ Nôm. Do vậy khai thác mảng tư liệu quý giá này sẽ giúp cho bạn đọc cả nước có được những hiểu biết sâu sắc hơn về đất và người Hà Nội, càng làm tăng thêm tình cảm của mọi người đối với Thủ đô. Tập thơ hoàn thành chắc chắn sẽ được đông đảo bạn đọc hoan nghênh, đặc biệt là các Hội viên Câu lạc bộ thơ ca Hán Nôm ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Đây có thể xem là ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn của đề tài Thơ Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội của nhóm tác giả do PGS.TS Đỗ Thị Hảo làm chủ biên.
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí đánh giá bản đề cương chi tiết đã được nhóm tác giả thực hiện công phu hoàn hảo, các khâu công việc như điều tra khảo sát tư liệu, có phương pháp tiến hành đều được trình bày rõ ràng mạch lạc, giúp cho người khác đặt niềm tin vào khả năng hoàn thành công việc của cả nhóm. Chủ biên công trình PGS TS Đỗ Thị Hảo là cán bộ nghiên cứu Hán Nôm có bề dày kinh nghiệm, hiểu biết rất tường tận về kho sách Hán Nôm nên đã nhận ra văn bản Hà Thành thi sao là cuốn sách Hán Nôm ghi chép đầy đủ nhất số lượng thơ Hán Nôm viết về Thăng Long - Hà Nội, nhiều đến con số kỷ lục 350 bài. Ngoài ra 7 văn bản Hán Nôm khác được nhóm tác giả đề cập tới như Thăng Long tam thập vịnh, Thăng Long hoài cổ thập tứ thủ, Long Biên bách nhị vịnh… cũng đều là những văn bản Hán Nôm chép nhiều thơ Hán Nôm viết về Hà Nội, rất xứng đáng được tuyển chọn.
* PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn cho rằng việc Nhà xuất bản Hà Nội chủ trương sẽ cho in một tuyển tập thơ chữ Hán, chữ Nôm viết về Thăng Long - Hà Nội từ thế kỷ XIII (đời Trần) đến đầu thế kỷ XX (triều Nguyễn) là chủ trương rất đúng, vì đề tài này vừa mới mẻ, vừa hữu ích và chắc chắn người đọc sẽ thích thú. Theo ông đề tài này do PGS.TS. Đỗ Thị Hảo làm chủ biên cũng là thích đáng, bởi PGS.TS. Đỗ Thị Hảo làm công tác nghiên cứu Hán Nôm lâu năm ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mới có điều kiện tiếp xúc toàn bộ nguồn thư tịch ở kho sách Thư viện Hán Nôm có chép thơ chữ Hán, chữ Nôm viết về Thăng Long - Hà Nội hàng tám, chín thế kỷ qua.
Bản đề cương chi tiết đề tài Thơ Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội đã được viết tốt, giới thiệu tóm tắt được ý nghĩa của đề tài, tình hình văn bản các sách có chép thơ chữ Hán, chữ Nôm viết về Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là Hà thành thi sao, công trình sưu tập phong phú, công phu, nghiêm túc của nhà Hán học lão thành Trần Duy Vôn, tức Nhàn Vân Đình, một người đã làm cho Báo Nam Phong trước kia. 7 tác phẩm thơ về Thăng Long - Hà Nội được chọn để khảo cứu và dịch chú là chuẩn xác. Việc tuyển chọn hơn 300 bài thơ viết về Thăng Long - Hà Nội có thể nói là tiêu biểu, đã phản ánh được khá rõ diện mạo nhiều vẻ của Thăng Long - Hà Nội xưa, cũng như tình yêu của bao thế hệ tao nhân mặc khách đối với đất Kinh Kỳ.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn đề nghị cần bổ sung thơ của Đoàn Nguyễn Tuấn, thi gia đời Tây Sơn có nhiều bài thơ tả về các làng nghề ở Thăng Long - Hà Nội đặc sắc, như Giặt lụa ở Hồ Tây (Hồ Tây cán ty), Khói phủ làng Bát Tràng (Bát Tràng Lung yên), Lò đúc tiền ở Trúc Bạch (Trúc Bạch tiền lô),Rượu sen phường Thụy Khuê (Thụy phường liên tửu), và nhiều bài thơ khác viết về Thăng Long thế kỷ XVIII rất đặc sắc, trong đó có bài nổi tiếng Quá Nhĩ Hà quan Bắc binh cố lũy (Qua sông Nhĩ Hà ngắm lũy cũ của quân phương bắc, tức quân Tôn Sĩ Nghị). Ninh Tốn (nhà thơ đời Tây Sơn) có bài Nhĩ Hà (Sông Nhĩ, tức sông Hồng) cũng rất hay. Phan Huy Ích có bài thơ Mới nghe tin Tổng đốc họ Tôn rút quân về Xương Giang, ngẫu hứng làm bài thơ (Sơ văn Tôn Tổng đốc thoái sư Xương Giang ngẫu phú) không thể không tuyển.
Ngoài ra trong số các bài thơ từ thời Trần đến thời Nguyễn, có hai bài phú là Tây hồ phong cảnh phú của Ngô Thì Sĩ và Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng. Theo PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn hai bài phú này rất hay nhưng không phải là thơ. Ông cho rằng nếu đưa cả phú vào đây thì không thể thiếu Phụng thành xuân sắc phú của Nguyễn Giản Thanh (thế kỷ XVI). Ông cũng lưu ý nhóm biên soạn về việc nên đưa 8 bài thơ của Ngụy Tiếp người Trung Quốc đời Thanh vịnh Thăng Long (An Nam kinh đô bát cảnh - Xuất xứ trong Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn) ở phần Phụ lục.
* Theo Nhà thơ Bằng Việt trong di sản thơ về Thăng Long - Hà Nội, tác phẩm của các tác giả Hán Nôm cổ điển rất phong phú và quý giá, mà công trình Tuyển thơ trong Dự án giai đoạn I chưa đủ điều kiện tìm hiểu thật sâu và khai thác cho hết. Sự thiếu hụt đó đã được bổ khuyết trong giai đoạn II với Đề cương rất thú vị và khá đầy đặn của PGS.TS Đỗ Thị Hảo chủ biên: “Thơ Hán Nôm về Thăng Long - Hà Nội”. Nhà thơ Bằng Việt đánh giá nhóm biên soạn này đã công phu tìm ra được 6 đầu sách quý, đều là các tác phẩm thơ được tuyển chọn khá công phu qua nhiều thời kỳ, của nhiều tác giả và soạn giả khác nhau như: “La thành cổ tích vịnh” (của Trần Bá Lãm), “ Thăng Long tam thập vịnh” (của nhiều tác giả),” Thăng Long thập cửu vịnh” (của Phạm Đình Hổ), “Thăng Long hoài cổ thập tử thủ” (của Vũ Tông Phan), “Long Biên bách nhị vịnh” (của Bùi Cơ Túc), và “Long Biên ái hoa hội” (của nhiều tác giả, do Hoàng Cao Khải khởi xướng). Đặc biệt, riêng cuốn sách “Hà thành thi sao” (của Trần Duy Vôn tuyển và sao chép lại) có số lượng nhiều nhất, tập hợp được đến 350 bài thơ về Thăng Long - Hà Nội qua nhiều thời, có thể nói, bản thân nó cũng đã xứng đáng là cuốn tập đại thành của thơ viết về Hà Nội thời Trung đại. Với thái độ rất trân trọng, các soạn giả trước tiên dựa vào văn bản cuốn “Hà thành thi sao” của cụ Trần Duy Vôn, sau nữa sẽ lọc thêm ở 6 cuốn tuyển thơ khác còn lại (như trên đã có điểm qua), để có được một tuyển thơ Hán Nôm về Thăng Long - Hà Nội độc đáo, không trùng lặp với cuốn thơ nào, lại sáng sủa và hoàn chỉnh nhất, đồng thời khá đầy đủ và tiêu biểu đối với các tác giả cổ điển nước ta. Làm được điều đó - theo Nhà thơ Bằng Việt - là sự bổ khuyết hợp lý và xứng đáng cho cả bộ “Tuyển thơ Thăng Long - Hà Nội 10 thế kỷ” ở giai đoạn I trong Tủ sách.
Hoàng Thị Thùy Linh tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội