Tiếp tục khai thác những tiềm năng từ nguồn tư liệu nước ngoài về Thăng Long - Hà Nội (qua đề cương “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945”)
Trên cơ sở khai thác sâu hơn, đầy đủ hơn và bổ sung những hạn chế của công trình do chính nhà nghiên cứu này đã thực hiện trong giai đoạn I, đề tài sẽ tiến hành sưu tầm khai thác, biên những tài liệu viết bằng tiếng phương Tây có liên quan đến mọi mặt lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội, cảnh quan và quy hoạch đô thị của Thăng Long - Hà Nội và các vùng phụ cận nay thuộc địa bàn Thủ đô mở rộng, giới hạn trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Qua đó công trình nhằm phác họa mô hình cấu trúc và diễn trình vận hành cũng như những đặc điểm của Thăng Long - Hà Nội, với tư cách là một kinh đô, thủ phủ miền Bắc và thủ đô Liên bang Đông Dương, góp phần phục vụ cho công tác nghiên cứu toàn diện về Thăng Long - Hà Nội.
Hội đồng thẩm định, nghiệm thu đánh giá cao chất lượng của bản đề cương và tin tưởng vào tính khả thi của đề tài. Sau đây là cụ thể một số ý kiến ghi nhận, đóng góp của Hội đồng:
* Theo GS.TS. Đỗ Thanh Bình,việc sưu tầm, khai thác, biên dịch cung cấp cho những người đọc, nghiên cứu, giảng dạy và học tập một khối tư liệu gốc về văn hiến Thăng Long- Hà Nội từ nguồn tư liệu phương Tây (chủ yếu là tiếng Pháp) trước năm 1945, có liên quan đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử,... của Thăng Long - Hà Nội và vùng phụ cận nay thuộc địa bàn Hà Nội là điều cần thiết. Nếu cuốn sách về tuyển tập tư liệu này được xuất bản sẽ bổ sung cho cuốn Tư liệu văn hiến Thăng Long- Hà Nội đã có từ trước, thì những người quan tâm đến mảng tư liệu này sẽ có một tài liệu khá đầy đủ và trọn vẹn, thuận lợi cho công việc của mình (những người Việt Nam thông thạo về tiếng Pháp hiện nay không nhiều), cũng như người đọc có một cái nhìn về Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử đầy đủ hơn, Tủ sách về Thăng Long - Hà Nội sẽ trọn vẹn hơn.
Để hoàn thành cuốn tư liệu này, GS.TS. Đỗ Thanh Bình cho rằng việc dự kiến sử dụng hai cách tiếp cận: Thực chứng và đa diện là cần thiết, phù hợp và sẽ mang lại chất lượng cho công trình. Bởi vì nó đảm bảo tính khách quan, trung thực cũng như tính toàn diện về các mặt trong lịch sử xây dựng và phát triển của Hà Nội. Đây là điều mà các nhà nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội mong đợi.
Về danh mục các tư liệu mà tác giả đưa ra là phong phú, toàn diện với 63 đầu tài liệu và tư liệu bằng tiếng Pháp. Đối với bản danh mục tài liệu này, ông Đỗ Thanh Bình có vài ý kiến như sau:
- 7 tài liệu đầu (cũng có thể coi là tư liệu) rất cần thiết được dịch, bởi trong đó có thể tìm được nhiều thứ quan trọng liên quan đến Hà Nội về dân số, về kinh tế, hành chính, giáo dục, y tế, xuất bản,về đời sống của thị dân và công nhân bằng những con số và cứ liệu cụ thể.
- 2 tài liệu tiếp theo (8 và 9) là tuyển tập những bức thư của giáo sĩ phương Tây gửi về trong quá trình đi truyền giáo (thế kỷ XVI- XVII) ở châu Á, chủ yếu là ở Trung Quốc, Trung Cận Đông, Ấn Độ (Việt nam không được đề cập nhiều lắm) và được tập hợp lại xuất bản.Hai tài liệu này được Giáo hội Công giáo Việt Nam dịch và sử dụng rất nhiều trong việc biên soạn các bộ lịch sử Công giáo. Nếu tác giả đề tài trích dịch để giới thiệu thì nên tham khảo các bản dịch của Giáo hội Công giáo Việt Nam để so sánh. Đây là nguồn tài liệu có giá trị cao, cần được chọn lọc và dịch.
- Các tài liệu còn lại đa số có liên quan đến Hà Nội và Hà Nội mở rộng. Còn một số tài liệu ở phông rộng hơn (Bắc Kỳ, Đông Dương,...) thì nên chọn lọc những nội dung liên quan đến Hà Nội để dịch hoặc tổng thuật.
- Có thể tìm thêm những tư liệu gốc, nhất là những tư liệu liên quan đến những hoạt động, chính sách của Chính phủ Pháp đối với Bắc Kỳ có liên quan đến Hà Nội.
- Có thể bổ sung thêm công trình của Andre Masson, Hanoi pendantla période héroique (1873- 1888), Paris, 1929 (Hà Nội trong giai đoạn hào hùng (1873- 1888), lưu trữ tại Viện khảo cổ). Công trình này có nhiều tư liệu về Hà Nội.
* Đánh giá về tính cấp thiết và ý nghĩa khoa học của đề tài, PGS.TS. Đào Tuấn Thành cho rằng đây là một đề tài hay và có ý nghĩa thực tiễn cao. Việc sưu tầm, khảo cứu, hệ thống hóa các tư liệu phương Tây, đặc biệt là nguồn tư liệu gốc bằng tiếng Pháp có liên quan đến lịch sử, văn hóa, quy hoạch đô thị, văn kiện chính quyền nhà nước thuộc không gian Thăng Long - Hà Nội trước năm 1945 là điều hết sức cần thiết nhằm giúp cho chúng ta có sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về Thăng Long - Hà Nội trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa v.v… nhất là giai đoạn trước năm 1945.
Theo nhà nghiên cứu này, người chủ trì đề tài là một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng đã được công bố, vì vậy đây là một bản đề cương được xây dựng công phu, có ý tưởng khoa học rõ nét, có tính khả thi cao nếu được phê duyệt. Phần đề cương liên quan đến “Nội dung và bố cục” được xây dựng công phu, thể hiện rõ ý tưởng khoa học cũng như ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài. Kết cấu của cuốn sách làm ba phần: Tiểu luận nghiên cứu, Những tư liệu dịch và Phụ lục là hợp lý.
Với tư cách là thành viên Hội đồng thẩm định, GS.TS. Đào Tuấn Thành đề nghị Hội đồng chấp nhận và thông qua đề cương chi tiết để đề tài sớm được triển khai, xuất bản thành sách, đáp ứng sự mong đợi của giới chuyên môn và bạn đọc quan tâm đến Lịch sử thủ đô.
* Là một chuyên gia về lịch sử phương Tây, PGS.TS. Nguyễn Văn Kim đã có những nhận định về chủ đề cũng như nội dung cụ thể của đề cương:
Trong lịch sử nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội, với tư cách là kinh đô lớn, phát triển tương đối liên tục và lâu đời nhất ở Đông Nam Á, kinh đô Thăng Long tự thân nó đã chứa đựng một chiều sâu lịch sử và nguồn tư liệu phong phú, đa dạng. Trong quá trình lịch sử đó, từ thế kỷ XVI-XVII trở đi, dưới thời chính quyền Lê - Trịnh và sau đó là thời Nguyễn, Thăng Long là nơi đón tiếp các sứ đoàn, thương nhân các nước châu Á, châu Âu.
Trong khoảng 350 năm, nhiều nhà thám hiểm, truyền giáo và thương nhân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… đã trực tiếp đến Thăng Long - Đàng Ngoài để truyền giáo, thực hiện các sứ mệnh ngoại giao hay tiến hành các thương vụ. Từ nửa sau thế kỷ XIX đến năm 1945, thay vì mối quan hệ đa phương, Pháp đã đánh chiếm Bắc Kỳ, chiếm Thăng Long, lập nên Hà Nội và trực tiếp cai quản đô thị này. Để phục vụ cho chính sách quản lý, cai trị, nô dịch, giới chức Pháp đã tiến hành nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu. Trong quá trình đó, nhiều ghi chép, mô tả, nghiên cứu của giới chức quản lý và các nhà khoa học Pháp cũng đã được thực hiện. Nói như vậy để thấy, những khác biệt về nguồn tư liệu giữa hai thời kỳ lịch sử của người phương Tây về Thăng Long - Hà Nội cũng như tính chất và nội dung các nguồn tư liệu mà người phương Tây nói chung, người Pháp nói riêng đã để lại ở Việt Nam cũng như trong các kho lưu trữ ở nước ngoài. Trong những công trình đó, có nhiều công trình khảo cứu, số liệu điều tra về Thăng Long - Hà Nội là rất cơ bản, có giá trị tham khảo quan trọng đối với nhiều lĩnh vực chuyên môn, quản lý của chúng ta ngày nay. Vì lẽ đó, việc PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ xác định 3 mục tiêu cơ bản để tiếp tục chọn dịch, giới thiệu là rất chuẩn xác và có ý nghĩa cần thiết.
Những năm gần đây, đặc biệt là dịp chúng ta kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã có nhiều công trình nghiên cứu sử dụng nguồn tư liệu phương Tây. Bên cạnh đó, cũng đã có một số công trình dịch thuật của các nhà khoa học, chọn lọc, dịch, xuất bản, giới thiệu về nguồn tư liệu này. Nhưng, như tác giả đã chỉ ra, số lượng tư liệu vẫn còn khiêm tốn. Điều cần chú ý là, những tư liệu mang tính chuyên đề, chuyên sâu và những văn kiện chính thức của nhà nước (mà cụ thể là nguồn tư liệu của chính quyền Pháp) vẫn chưa được nghiên cứu, giới thiệu một cách hệ thống. Điều đó cũng có nghĩa là, các nguồn tư liệu đó chắc chắn sẽ góp phần bổ khuyết nhiều thông tin quan trọng cho công tác nghiên cứu và quản lý đô thị cũng như phát triển ngành đô thị học của chúng ta. Chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng rằng, các nguồn tư liệu được giới thiệu, bổ sung lần này sẽ được nghiên cứu, giới thiệu một cách hệ thống, trên tinh thần khoa học, tôn trọng sự thật lịch sử khách quan. Do vậy, đề án của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ sẽ tiếp tục tạo nên một bước tiến quan trọng nữa, góp phần lấp đi một khoảng trống trong nhận thức của chúng ta về Thăng Long - Hà Nội trước những thăng trầm, biến động của lịch sử.
Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Văn Kim, cấu trúc đề cương khoa học và hợp lý. Về nội dung, ông cũng đồng ý với quan điểm toàn diện của tác giả trong việc chọn lọc, giới thiệu tư liệu nhằm bảo đảm tính toàn diện trên ba nguyên tắc:
1. Toàn diện về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa;
2. Toàn diện, cân đối giữa các thời kỳ lịch sử;
3. Toàn diện giữa các nguồn tư liệu chính thức và không chính thức (những nguồn tư liệu của nhóm, cá nhân);
4. Toàn diện về các giai tầng xã hội...
Tuy nhiên nhà nghiên cứu này cũng nhấn mạnh, cùng với việc dịch thuật, biên dịch, trong những trường hợp cần thiết, tác giả và nhóm tác giả cần có sự bổ khuyết, chú giải để các nhà nghiên cứu (và đặc biệt là bạn đọc đông đảo) có thể hiểu đúng, hiểu sâu thêm về thông tin, nhận định, nhận xét và giá trị của công trình. Các công trình, tư liệu được tác giả đề án giới thiệu là những nguồn tư liệu có giá trị cao về học thuật.
* PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi cho rằng loại sách dịch từ trước đến nay vẫn luôn luôn là sách quý hiếm. Năm 2010, Nxb Hà Nội đã ấn hành cuốn: “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây” do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên dịch, hiệu đính đã lần đầu tiên cung cấp nhiều tài liệu có giá trị. Nay bản đề cương cuốn: Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945 do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ trì và biên dịch. Công trình nhằm “bổ khuyết những thiếu sót” của tập sách trước. Tức là tiếp tục dịch, cung cấp nhiều tư liệu hiếm quý, nhất là các tư liệu lịch sử, văn hoá, quy hoạch đô thị và những văn kiện chính quyền nhà nước trước 1945. PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi khẳng định với mục đích như trên cộng với người chủ biên dịch có uy tín, giỏi về chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm dịch, thông thạo nhiều ngoại ngữ như PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ thì việc hoàn thành cuốn sách là trong tầm tay. Cuốn sách được hoàn thành sẽ cung cấp nguồn tài liệu rất quý từ chủ yếu là tiếng Pháp được dịch ra Quốc ngữ về Thăng Long - Hà Nội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá. Đây hẳn sẽ là cuốn sách rất có giá trị tham khảo và trích dẫn.
Nhà nghiên cứu này cũng hoàn toàn tán thành định hướng nghiên cứu cũng như kết cấu công trình như bản đề cương đã nêu rõ.
Bên cạnh đó, bà cũng đề xuất một vài ý kiến trao đổi cùng chủ trì đề tài như: Bản đề cương mặc dù được đề cập đầy đủ các mục nhưng không có số thứ tự. Tài liệu dịch nếu được đánh số sẽ dễ theo dõi và hình dung hơn; Phần Kết cấu cuốn sách cần chi tiết hơn trong các mục 1 và 2.
* PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn - một chuyên gia trong lĩnh vực khai thác nguồn tư liệu phương Tây về lịch sử Việt Nam đánh giá cao về vai trò quan trọng của khối tư liệu này trong việc nâng cao nhận thức của chúng ta về lịch sử của thủ đô giai đoạn từ cuối thời kỳ trung đại đến cách mạng tháng Tám năm 1945. Tuy nhiên, theo ông, có một thực tế là, việc sử dụng nguồn tư liệu quan trọng này vẫn chủ yếu giới hạn ở một bộ phận nhỏ các nhà nghiên cứu; các nội dung được khai thác cũng thường phiến diện, hướng về những chủ đề mà người nghiên cứu quan tâm tìm hiểu. Bức tranh toàn cảnh về Thăng Long - Hà Nội qua phác họa của người phương Tây vì thế chưa được thể hiện một cách hoàn chỉnh và rõ nét. Phải đến năm 2010, với việc triển khai đề tài và xuất bản cuốn Thăng Long - Hà Nội, tuyển tập tư liệu văn hiến: Tư liệu phương Tây” do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên, một hệ thống tư liệu bước đầu về Thăng Long - Hà Nội thời kỳ trung - cận đại mới được công bố, bước đầu cung cấp cho giới nghiên cứu và độc giả xa gần những thông tin bổ ích và hấp dẫn về nhiều mặt của chốn kinh đô xưa. Nói là “bước đầu” bởi vì dù với dung lượng lên tới nghìn trang, cuốn sách kể trên cũng mới chỉ tập hợp được những khối tư liệu nhất định, chứ chưa thể bao quát hết những nguồn tư liệu phương Tây hiện có, trong đó có những tư liệu vô cùng đặc sắc về kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ thời tiền cận đại. Trước thực tế đó và trong khuôn khổ giai đoạn II của Dự án tủ sách “Thăng Long nghìn năm văn hiến” do Nhà Xuất bản Hà Nội tổ chức, việc tổ chức biên soạn cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” có một ý nghĩa lớn trên cả phương diện khoa học và thực tiễn xây dựng - phát triển thủ đô. Về khoa học, cuốn sách hứa hẹn sẽ cung cấp sâu hơn một bước khối tư liệu quý - hiếm cho đến nay phần lớn giới nghiên cứu chưa được tiếp cận trực tiếp. Về thực tiễn, nhiều thông tin khoa học về phố phường, di tích, phong tục - tập quán… có thể đóng góp hữu hiệu cho việc hoạch định phát triển thủ đô, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần…
Theo nhận định của PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn bản đề cương được biên soạn công phu, nội dung ngắn gọn, súc tích, nêu rõ định hướng nghiên cứu và cách tiếp cận. Ông tán thành với chủ ý của nhóm tác giả về cách tiếp cận thực chứng và đa diện bởi đối với loại hình sách tư liệu (biên dịch) thì không có cách tiếp cận nào tốt hơn cả. Ngoài ra, việc các tác giả chủ trương sưu tầm và biên dịch cả khối tư liệu thuộc địa bàn Hà Nội mở rộng hiện nay theo ông cũng rất đáng khuyến khích và ủng hộ.
Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng bố cục của cuốn sách là hợp lý. Phần “Tiểu luận nghiên cứu” là rất cần thiết bởi phải có phần tiểu luận (thực ra là nghiên cứu tổng luận của tác giả) thì độc giả mới có được nhận thức tổng quan về khối tư liệu, kết cấu, nội dung… Phần “Tư liệu dịch” là phần cốt lõi của tinh thần cuốn sách chắc chắn sẽ được tác giả quan tâm xây dựng (như cách tác giả đã làm ở cuốn sách thuộc giai đoạn I); cách phân chia khối tư liệu dịch này thành hai nhóm (Trước và Trong thời Pháp thuộc), theo tôi, là hoàn toàn thuyết phục. Cách đặt vấn đề phân chia linh hoạt, vừa theo chủ đề, vừa theo nhận vật, diễn trình… là rất hợp lý. Phần “Phụ lục” bao gồm tranh ảnh, bản đồ, bản vẽ… là cần thiết và sẽ bổ trợ hữu hiệu cho nội dung của cuốn sách.
Danh mục hơn 60 đầu tài liệu dự kiến dịch toàn văn và tuyển dịch nhìn chung đặc sắc (tất nhiên tác giả sẽ còn chọn lọc bổ sung hoặc cắt giảm trong quá trình thực hiện). Tôi đồng ý với cách đặt vấn đề của tác giả rằng có những văn bản thì chỉ trích dịch, có những văn bản nên được dịch toàn văn… và điều này sẽ được tác giả và nhóm biên soạn quyết định trong quá trình triển khai.
Đề cương chưa đề cập đến thời gian triển khai cũng như kinh phí. Từ quan điểm cá nhân, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng, Nhà xuất bản nên đầu tư thời gian tương đối để tác giả có thể thực hiện với chất lượng cao nhất, và với mức kinh phí tốt nhất có thể bởi có nhiều văn bản cổ (trung đại - cận đại) đòi hỏi phải có chuyên gia thực thụ, nếu không muốn nói có những phần nhiều khả năng phải viện đến chuyên gia bản ngữ…
Một cách khái quát, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn khẳng định “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ là một đề tài hay, khả thi, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao cũng như khả năng hoàn thành đúng hạn nhờ sự tham gia của một đội ngũ các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Ông thể hiện sự kỳ vọng sau khi được hoàn thành, bản thảo được xuất bản sẽ góp phần quan trọng trước hết vào sự thành công của tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn hai, đồng thời góp phần quan trọng vào nhận thức của giới nghiên cứu và tìm hiểu, phát huy, bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa của vùng đất thủ đô ngàn năm văn vật.
* Theo PGS.TS. Phạm Xuân Hằng việc sưu tầm, biên dịch tài liệu gốc, từ nhiều nguồn khác nhau của phương Tây về Thăng Long - Hà Nội trước năm 1945, phục vụ cho công tác nghiên cứu toàn diện về Thăng Long - Hà Nội là việc làm có ý nghĩa cho việc bổ sung cho nghiên cứu mảng “Việt Nam dưới nhãn quan của người phương Tây”. Tuy cuốn Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội của chính tác giả đã công bố, nhưng theo tác giả vẫn còn bỏ sót rất nhiều tư liệu hiếm quý, nhất là các tư liệu thuộc về mảng lịch sử, văn hóa, quy hoạch đô thị và những văn kiện chính quyền nhà nước. PGS.TS. Phạm Xuân Hằng cho rằng đề tài sẽ cố gắng bổ khuyết những thiếu sót đó. Nhà nghiên cứu này khẳng định đề tài có tính cấp thiết trong việc cung cấp nhãn quan của người phương tây về Thăng Long - Hà Nội trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, qui hoạch đô thị… trước 1945.
Hoàng Thị Thùy Linh tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội