Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVI-XVIII qua “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng”
Thứ ba, 10/06/2014 03:50
Trong mảng sách Lịch sử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, bên cạnh những đề tài có tính chất tổng hợp, xuyên suốt lịch sử Thăng Long - Hà Nội lại có những công trình tập trung khắc họa, đào sâu những lát cắt, những thời kỳ lịch sử cụ thể trên diễn trình nghìn năm hình thành và phát triển của Thủ đô. Đề tài “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng” do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên là một trong số đó. Cuốn sách tập trung mô tả và phân tích toàn diện các mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa của Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng (1527-1789).  Với quan điểm tiếp cận của tác giả (cố gắng nghiên cứu khai thác từ nhiều khía cạnh và góc nhìn một thực thể xã hội đã mất qua những dấu vết còn tồn đọng, nhằm phục dựng lại thực thể lịch sử đó trong mức độ trung thực có thể với độ sai biệt nhỏ nhất) công trình sẽ giúp người đọc có được những nhận thức chân xác và sinh động về mảnh đất Thăng Long - Kẻ Chợ. Cùng với các đề tài khác thuộc mảng sách Lịch sử trong Dự án Tủ sách, công trình sẽ góp phần tái diện lại một diện mạo đầy đủ, toàn diện về lịch sử của Thủ đô nghìn năm tuổi qua các chặng đường lịch sử.
 
Đề cương đề tài nhận được sự ủng hộ, đánh giá rất cao của Hội đồng thẩm định, nghiệm thu. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng đây sẽ là một công trình tiêu biểu của Dự án Tủ sách giai đoạn II. Sau đây là một số ý kiến đánh giá cụ thể:

* PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi cho rằng sau “Kinh tế - xã hội đô thị thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” và “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây”, do tác giả PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ trì được xuất bản năm 2010 bởi Nxb. Hà Nội (Chưa kể công trình “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX”, Hội Sử học Hà Nội xuất bản năm 1993, đã được dịch sang tiếng Anh gần đây) đến nay đề tài: “Thăng Long - Hà Nội thời Mạc và Lê Trung hưng” cũng do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Chuyên gia hàng đầu về Thăng Long - Hà Nội trong các thế kỷ XVII - XIX chủ biên - thì tính khả thi là không có gì phải bàn. Tuy nhiên, trong tình hình đã có nhiều công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội trên các lĩnh vực trong các thế kỷ nêu trên, Chủ biên đã nhấn mạnh định hướng nghiên cứu trong đề tài này: “vẫn còn rất nhiều tư liệu mới có thể bổ sung, nhất là mảng tư liệu cũ còn bỏ sót, các tư liệu mới cập nhật, các tư liệu nước ngoài và các tư liệu khảo sát thực tế. Nhìn chung vẫn còn thiếu tính hệ thống, toàn diện và chuyên sâu”. Vì thế trong đề tài này, chủ biên xác định “các mặt đời sống” của Thăng Long - Kẻ Chợ trong thời Mạc và Lê Trung Hưng (1527-1789). Qua định hướng đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi khẳng định những nội dung triển khai trong đề tài này là thêm một bước nghiên cứu sâu sắc và toàn diện về Thăng Long - Kẻ Chợ dưới thời Mạc và Lê Trung Hưng.

Nhà nghiên cứu này đánh giá cấu trúc đề tài hợp lý; tiêu đề các chương rõ ràng, thông dụng, đầy đủ. Tuy nhiên bà cho rằng đề cương này dường như triển khai các vấn đề theo trục thời gian - các thế kỷ hơn là hai vương triều Mạc và Lê Trung hưng. Ngoài ra bà cũng yêu cầu chủ biên bổ sung danh sách các cộng sự và thời gian thực hiện.

* Theo PGS.TS. Đào Tố Uyên, thời Mạc - Lê Trung hưng là một giai đoạn lịch sử đáng được quan tâm nghiên cứu, bởi nó gắn liền với thời kỳ phát triển kinh tế hàng hóa đầy sôi động của Đại Việt bên cạnh những biến động về chính trị. Công trình hoàn thành sẽ bổ sung nguồn tư liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu, giảng dạy và muốn tìm hiểu về lịch sử dân tộc cũng như văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ thời kỳ này; góp phần cho các nhà hoạch định xây dựng, quy hoạch thủ đô trong giai đoạn hiện nay.

PGS.TS. Đào Tố Uyên đánh giá cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứuđược mô tả trong đề cương phù hợp với đề tài, vừa mang tính hiện đại, vừa cập nhật được những thành tựu mới đạt được trong thời gian gần đây.Bố cục và tên chương cũng như các tiểu mục trong các chương tương đối hợp lý. Tuy nhiên theo ý kiến của nhà nghiên cứu này thì nên thay đổi tiểu mục (2) của chương 4 thì sẽ hợp lý hơn. Tên của tiểu mục là “Đời sống trí thức” thì chưa bao quát được nội dung tiểu mục.

* Nhận định về đề tài này, PGS.TS. Trần Thị Vinh cho rằng thời Mạc - Lê Trung hưng nằm trong thời kỳ đất nước có nhiều biến động lớn về chính trị - xã hội, là một trong những nơi chịu tác động mạnh mẽ của hai cuộc chiến tranh Trịnh Mạc và Trịnh Nguyễn kéo dài tới gần một thế kỷ, đồng thời cũng là nơi hội tụ những điều kiện tốt cho sự phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước. Vì vậy, một công trình khoa học nghiên cứu đầy đủ về Thăng Long - Kẻ Chợ trong giai đoạn lịch sử này được xuất bản thực sự là rất cần thiết, mang tính phục vụ thực tiễn cao. Đây là lĩnh vực mà PGS.TS.Nguyễn Thừa Hỷ tâm đắc từ nhiều năm nay đồng thời cũng là thế mạnh của ông. Vì vậy, đề tài mang tên Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng là phù hợp với hướng nghiên cứu của chủ biên, đồng thời cũng phù hợp với một công trình xuất bản trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến  giai đoạn II của Nhà xuất bản Hà Nội.

Bà đánh giá đề cương chi tiết được chủ biên xây dựng công phu, định hướng nghiên cứu và phương pháp tiếp cận rõ ràng, khoa học, nhiều ý tưởng hay, mang tính khả thi cao. Trong các chương hàm chứa đầy đủ những yếu tố về chính trị, các hoạt động về kinh tế, các kết cấu về xã hội và những bức tranh sinh động về đời sống văn hóa của kinh thành Thăng Long trải qua hai vương triều lớn là Vương triều Mạc (1527 - 1592) và vương triều Lê - Trịnh (1593 - 1788). Trong công trình sẽ còn có mục, tuyển chọn một số gương mặt tiêu biểu của kinh đô Thăng Long đương thời cùng với những đóng góp nổi trội của họ với kinh đô Thăng Long (như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm...), như vậy sẽ làm cuốn sách tăng thêm giá trị và có hồn.

Nhà nghiên cứu này khẳng định với đề cương nghiên cứu này và với chủ biên là PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - người đã có thâm niên và nhiều nghiên cứu có giá trị về Thăng Long - Hà Nội (trong đó có công trình đã được nhận Giải thưởng Nhà nước) thì chắc chắn PGS.TS. Nguyễn Thừa Kỷ sẽ đạt tới một công trình tầm cỡ, toàn diện và sâu sắc hơn về giai đoạn lịch sử này của Thăng Long Hà Nội. Tuy nhiên, công trình trước khi tiến hành có lẽ cần được bổ sung đầy đủ những thông tin cần thiết về đội ngũ thực hiện, thời gian và tiến độ thực hiện theo quy định của Nhà xuất bản. 

* Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật cho đến nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội đã được xuất bản, nhất là trong dịp Thăng Long - Hà Nội trong 1.000 năm tuổi. Tuy vậy, với mảnh đất ngàn năm văn hiến này, vẫn còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và phổ biến. Riêng đối với tác giả - PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ, đã biên soạn và cho công bố khá nhiều công trình liên quan đến chủ đề này. Đó là các công trình: “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX”, “Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” và “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây”. Qua các công trình trên, chứng tỏ một điều rằng PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ thực sự là một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, do vậy có thể khẳng định công trình "Thăng Long- Kẻ chợ thời Mạc -Lê trung hưng" mà tác giả đăng ký biên soạn là có tính khả thi cao.

 Về mục đích của công trình, trong bản Đề cương, Chủ biên đã nhấn mạnh định hướng nghiên cứu trong đề tài này: Bổ sung nhiều tư liệu mới, nhất là mảng tư liệu cũ còn bỏ sót, các tư liệu mới cập nhật, các tư liệu nước ngoài và các tư liệu khảo sát thực tế; khắc phục tình trạng các công trình nghiên cứu toàn diện nhưng chưa chuyên sâu, và các công trình nghiên cứu chuyên sâu lại chưa thực toàn diện. Công trình mới này sẽ nghiên cứu sâu sắc và toàn diện về Thăng Long - Kẻ Chợ dưới thời Mạc và Lê Trung Hưng. PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật nhấn mạnh nếu đạt được mục đích như vậy, công trình sẽ có nhiều đóng góp về khoa học.

Nhà nghiên cứu này cũng đánh giá cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu như tác giả nêu trong đề cương là phù hợp và khoa học; bố cục đề cương hợp lý, tiêu đề các chương rõ ràng và đầy đủ.

* Nhân dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, sách Vương triều Lý do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc làm Chủ biên đã được biên soạn và ra mắt bạn đọc trong cơ cấu Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến và được đón nhận nồng nhiệt và được bạn đọc đánh giá cao. PGS.TS. Vũ Văn Quân rất hoan nghênh Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến Giai đoạn II tiếp tục định hướng này khi cho biên soạn tiếp các sách Vương triều Trần, Vương triều Lê và ở đây là Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung Hưng rồi Hà Nội thời cận đại, để đưa đến người đọc một cái nhìn liên tục dòng chảy lịch sử của kinh thành Thăng Long, của Đại Việt trải nghìn năm.

PGS.TS. Vũ Văn Quân tin tưởng công trình do PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên - một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII, đặc biệt để tâm nghiên cứu về Thăng Long - Kẻ Chợ thời kỳ này từ nhiều chục năm nay và đã có nhiều công trình nghiên cứu về cùng chủ đề được công bố, rất có giá trị, được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao - sẽ có chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ.

Về cơ bản những định hướng cấu trúc sách được thể hiện trong bản đề cương là hợp lý (duy chỉ có điều, ở từng chương, các tiết nhỏ được thể hiện bằng các dấu gạch ngang thì cần xem xét lại). PGS.TS. Vũ Văn Quân nhấn mạnh với sự hiểu biết sâu sắc, luôn cập nhật và tự mình cũng luôn tìm tòi phát hiện, lối tiếp cận cụ thể với nhân vật và sự kiện, cuốn sách sẽ rất hấp dẫn người đọc, thuộc nhiều đối tượng.

* Theo GS.TSKH. Vũ Minh Giang đây là một cuốn sách viết về một thời kỳ lịch sử rất đáng được đầu tư nghiên cứu, bởi lẽ đây không chỉ là thời kỳ phát triển kinh tế rực rỡ không chỉ của riêng Thủ đô mà còn là của cả nước. Đây cũng là thời kỳ lịch sử có nhiều tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có các sử liệu phương Tây với cách nhìn thực chứng, đa chiều rất cần được bổ sung, khai thác để hiểu sâu hơn về lịch sử Thăng Long - Kẻ Chợ.

GS.TSKH. Vũ Minh Giang đánh giá nội dung cuốn sách với 4 chương đã bao quát khá đầy đủ về Thăng Long - Kẻ Chợ trên các mặt chính trị, kinh tế - xã hội và văn hoá đặt trong bối cảnh lịch sử từ đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII. Những tiểu mục trong từng chương về cơ bản là hợp lý. Và ông cũng cho rằng như mô tả trong đề cương, phương pháp tiếp cận và các nguồn tư liệu là đáng tin cậy và hứa hẹn về chất lượng của công trình.

Với kỳ vọng về những điều mới mẻ của cuốn sách, nhà nghiên cứu này cũng nêu ra một số điều để tác giả đề cương tham khảo:

- Trong phần Mục đích nên đưa thêm ý góp phần xây dựng ngành Hà Nội học, một định hướng quan trọng của Lãnh đạo Hà Nội.

- Thời kỳ XVI - XVIII của lịch sử Việt Nam từ trước tới nay thường được mô tả như một thời kỳ rối ren với nhiều cuộc chiến tranh phe phái. Tình trạng đó dẫn tới những hệ quả tiêu cực về nhiều mặt. Nhưng trên thực tế đây lại là thời kỳ kinh tế hàng hoá và đô thị phát triển mạnh mẽ. Tác giả nên đầu tư lý giải hiện tượng dường như là “nghịch lý” này.

- Mạc và Lê Trung hưng thời kỳ trị vì của chính quyền quân sự mà mặt tích cực của nó là sự quyết đoán. Đặc điểm chính trị này có tác động gì đến tình hình hình Thăng Long - Kẻ Chợ hay không, với tư cách là nhà nghiên cứu, tôi rất trông những giải thích của tác giả.

- Trong chương III, mục 1. Đời sống văn hóa vật chất, nên chỉnh lại Đời sống (sinh hoạt) vật chất hoặc Văn hóa vật chất thì có lẽ chuẩn hơn. Mục 3. Đời sống trí thức nên đổi là Giáo dục (Vì thực chất là nói về giáo dục, cho dù có đề cập đến Kẻ sĩ Thăng Long thì cũng là sản phẩm của giáo dục). Hơn nữa đặt tên tiểu mục như vậy sẽ tương thích với mục 4. Văn học nghệ thuật và khoa học kỹ thuật.


Hoàng Thị Thùy Linh tổng hợp

Nhà xuất bản Hà Nội

 

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá