Bản đề cương chi tiết do PGS.TS. Vũ Văn Quân và nhóm biên soạn trình bày đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá xác đáng cùng những góp ý thiết thực của các nhà nghiên cứu sử. Sau đây chúng tôi xin được tổng hợp và giới thiệu các ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu và đó cũng là sự thể hiện góc nhìn của mỗi người từ một đề tài.
PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã nhận xét: Trước hết, có lẽ nên thống nhất về một quan điểm trong tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” để tiện cho việc nhận xét đề cương cũng như sau này cho việc biên soạn của tác giả hoặc nhóm tác giả. Đó là dù có thể có sự tương đồng giống nhau trong kết cấu của một số quyển sách, nhưng phải coi đó là những công trình độc lập, riêng rẽ, mà không phải là một bộ sách, một série những quyển sách cùng viết theo một mục đích, bố cục và phong cách như nhau.
Nói như vậy để chúng ta có thể bàn tiếp về đề cương chi tiết cuốn sách “Vương triều Trần ” dự kiến xuất bản, do PGS.TS. Vũ Văn Quân làm chủ biên. Nó có thể phần nào giống quyển “Vương triều Lý” của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên) đã được biên soạn và xuất bản trước đó trong giai đoạn I, nhưng có thể sẽ khác những cuốn sẽ xuất bản sau đó trong giai đoạn II. Theo PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ , tên đề tài “Vương triều Trần” là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, trong lời tựa, phần mở đầu hoặc phần kết luận, chủ biên có thể nói rõ hơn về quan điểm biên soạn công trình.
Có lẽ cần xác định rằng cuốn sách mà bố cục được trình bày trong đề cương không phải là một cuốn sách tổng hợp toàn diện về lịch sử Việt Nam thời Trần (vì phạm vi không đủ rộng, thí dụ không đề cập đến mối quan hệ Đại Viêt - Chămpa). Nó cũng không phải là chuyên khảo về kinh thành Thăng Long thời Trần (vì không tập trung vào Thăng Long với độ sâu của nghiên cứu đô thị). Và như vậy, cuốn sách “Vương triều Trần”, hoặc “Về Vương triều Trần”, hoặc “Nghiên cứu về Vương triều Trần”, với lời giới thiệu trong đề cương là “một cuốn sách mang tính tổng hợp các thành tựu nghiên cứu và trình bày Vương triều Trần, lịch sử Việt Nam thời Trần trong mối gắn bó với kinh thành Thăng Long” tỏ ra phần nào thỏa đáng.
Xét về bố cục, chủ biên và dàn tác giả khá đông đảo của những nhà nghiên cứu trẻ, năng động và nhiệt tình ghi trong đề cương, người ta có thể hy vọng và tin tưởng rằng cuốn sách sẽ đem lại nhiều thành tựu nghiên cứu mới về nội dung, đánh giá, phương pháp viết sử và khai thác tư liệu của một vương triều lớn và cũng và đầy nghịch lý trong lịch sử Việt Nam này. Những vấn đề đặt ra gây tranh cãi nhưng cũng chưa đi đến nhất trí. Đó là một vương triều tập quyền hay tản quyền, một vương triều Phật giáo hay Nho giáo, một thể chế phong kiến hay tiền phong kiến, mô hình hay tiền mô hình? Tất nhiên, chúng ta không thể và cũng không cần đi đến nhất trí, nhưng việc nêu ra vấn đề, gợi mở và phần nào làm sáng tỏ vấn đề vẫn sẽ là rất bổ ích. Chúng ta mong được thấy các tác giả sẽ nêu lên được tính phức hợp đan xen quá độ của vương triều kéo dài gần 2 thế kỷ này, mâu thuẫn và xu thế chuyển hóa của vương triều, nguyên nhân và tác động hệ quả của những chuyển hóa đó.
Chúng ta có thể đi sâu một chút để phân tích rút ra được những đặc trưng của vương triều qua sự so sánh lịch đại: triều Trần có gì giống và khác triều Lý trước đó? có gì giống và khác triều Lê sơ sau đó? Cũng có thể tiến hành một so sánh đồng đại, giữa một Đại Việt với những bước đi từ từ nhưng khá vững chắc, hội nhập vào quỹ đạo mô hình Trung Hoa, trong khi các nước Đông Nam Á khác lại chọn mô hình Ấn Độ. Có thể nêu lên những nguyên nhân và hệ quả của lộ trình hội nhập này (tích cực và tiêu cực), và thủ phạm phải chăng chính là hệ tư tưởng Nho giáo hay còn những nhân tố nào khác?
Một điều hy vọng nữa về cuốn sách là bên cạnh những luận điểm phân tích sâu sắc, người đọc có thể tiếp cận được những trang sách hấp dẫn theo kiểu “đại tự sự” đậm màu sắc sinh động về những sự biến, nhân vật lịch sử, những hiện tượng văn hóa cùng những giai thoại lịch sử thú vị và đầy ý nghĩa. Công trình này là một cuốn sách về lịch sử, nhưng không phải là một cuốn thông sử, càng không phải là chính sử. Xác định như vậy, các người chấp bút có quyền khai phóng trong lối viết với những phong cách đa dạng, tự do, lôi cuốn người đọc, miễn là dựa trên một nền tảng lịch sử trung thực, nói có sách mách có chứng, và tốt nhất là có thể gợi mở cho độc giả qua những câu chuyện hấp dẫn những vấn đề để họ tự suy nghĩ. Một lối viết sử không giáo điều áp đặt khô cứng, đa chiều thanh thoát, thực chứng và phức hợp có thể tạo hứng thú và suy tưởng, góp phần giảm thiểu phần nào tấn bi kịch lịch sử của môn Lịch sử trong xã hội hiện nay chăng?
Dù xác định là một nội dung thông thoáng đa phong cách, nhưng nên chăng các tác giả cũng gia công thêm những phần nói về kinh thành Thăng Long thời Trần, diện mạo đô thị và đời sống đô thị, cả trong cung đình lẫn ngoài phường phố. Cũng có thể nói thêm về Chămpa, ảnh hưởng và sự tích hợp của nền văn hóa này vào văn hóa Đại Việt thời Trần, những quan hệ kịch tính Việt - Chăm trong cả những thời đoạn tốt đẹp cũng như đau buồn, nhất là các sự cố diễn ra ở kinh thành Thăng Long.
Hệ thống tư liệu tham khảo của cuốn sách khá phong phú. Có thể thêm vào những tư liệu nước ngoài liên quan đến thời đại này để tận dụng khai thác như các cuốn An Nam chí lược của Lê Trắc, Việt Kiệu thư của Lý Văn Phượng, Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm, Nguyên sử và khá nhiều tư liêu phương Tây nói về đế quốc Mông - Nguyên và những cuộc xâm lược của đế quốc đó trên thế giới, đặc biệt là những cuộc xâm lược Đại Việt.
Tóm lại, xét về đề cương đề tài, mục đích và cấu tạo cuốn sách cũng như về nhóm tác giả, tôi thấy rằng đề tài và cuốn sách hoàn toàn có thể triển khai được tốt, với sự chỉ đạo và điều phối tích cực của chủ biên. Hy vọng rằng chúng ta lại sẽ có trong tay một cuốn sách hay, giá trị.
Với cách trình bày khoa học, nghiêm túc, đề tài cũng nhận được những đánh giá cùng góp ý của PGS.TS. Đào Tố Uyên:
Vương triều Trần trong lịch sử Việt Nam đã từng là một vương triều có nhiều công hiến và được biết đến như một trong những trang sử huy hoàng của dân tộc. Tìm hiểu, nghiên cứu và dựng lại bức tranh toàn diện về vương triều Trần đương nhiên không chỉ là công việc bổ sung những tư liệu quý giá về vương triều này mà còn đóng góp cho việc nghuên cứu lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử thời Trần nói riêng.
Cuốn sách ra đời sẽ phục vụ tốt cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập giai đoạn lịch sử cổ trung đại Việt Nam ở các viện nghiên cứu, các trường Đại học, cao đẳng sư phạm và các trường phổ thông.
Góp phần tìm hiểu thêm về Thăng Long - Hà Nội với hơn 1000 năm lịch sử để từ đó có chính sách đúng đắn trong xây dựng và phát triển thủ đô hiện nay.
Nội dung và bố cục của cuốn sách gồm 2 phần:
Phần thứ nhất: Vương triều Trần theo dòng thời gian, gồm 4 chương:
Chương 1: Vương triều Trần thành lập
Chương 2: Thời kỳ anh hùng
Chương 3: Tiếp tục ổn định và phát triển
Chương 4: Thời kỳ suy vong
Phần thứ hai: Vương triều Trần, quốc gia Đại Việt, kinh đô Thăng Long thế kỷ XIII - XIV, gồm 5 chương:
Chương 5: Thể chế chính trị
Chương 6: Một nền kinh tế năng động
Chương 7: Những năm tháng hào hùng
Chương 8: Văn minh Đại Việt - Văn hóa Thăng Long
Chương 9: Đại Việt - vương triều Trần cuối thế kỷ XIV
Ngoài ra còn có phần phụ lục gồm các công trình tuyển chọn liên quan đến nội dung sách:
Theo thuyết minh của đề tài thì kết cấu của cuốn sách nên xem lại để tránh trùng lặp giữa tiêu đề của phần thứ nhất và phần thứ hai của cuốn sách.
- Nội dung của các chương ở 2 phần cũng nên chỉnh sửa, tránh trùng lặp các nội dung
- Có thể kết cấu lại cho hợp lý hơn.
- Cần bổ sung và nói rõ thêm về cách tiếp cận và phương nghiên cứu.
- Kết cấu các chương trong nội dung có thể chỉnh sửa cho phù hợp tránh nặng nề và trùng lặp. Đồng thời nội dung cần nêu bật được những đóng góp cũng như những trang sử huy hoàng của Đại Việt thời Trần.
- Có thể ghi rõ thời gian ở tên cuốn sách.
Với những nhận định, đánh giá cùng góp ý thì GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ cho rằng:
Vương triều Trần (1226-1400) là một trong những vương triều có những dấu ấn đặc sắc với những cống hiến nổi bật trên nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng. Quân dân nhà Trần đã ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, để lại những bài học kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Nghiên cứu về Vương triều Trần dưới góc độ lịch sử, vì vậy đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều học giả trong nước và nước ngoài. Đã có khá nhiều luận án tiến sĩ, thạc sĩ viết về Vương triều Trần được hoàn thành và bảo vệ thành công trong thời gian qua. Một số công trình chuyên khảo và tham khảo, tiếp cận từ những góc độ khác nhau, phản ánh những mặt, những chiều riêng lẻ về nước Đại Việt thế kỷ XIII - XV cũng đã được biên soạn và ra mắt bạn đọc. Tuy vậy cho đến nay, các nghiên cứu hình như cũng mới chỉ dừng lại ở những lát cắt rời rạc, thiếu đầy đủ và hệ thống về một trong những vương triều được coi là hiển hách nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam. Đây cũng có thể coi là một món nợ lớn của các nhà sử học chúng ta đối tiền nhân và hậu thế.
Với suy nghĩ như vậy, GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ cho rằng Nhà Xuất bản Hà Nội cho triển khai đề tài viết về Vương triều Trần (1226 - 1400) thuộc dự án xây dựng và hoàn thiện Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến là một chủ trương đúng đắn.
Đề tài do PGS. TS. Vũ Văn Quân chủ trì với đội ngũ đối tác và cộng tác viên có trình độ chuyên môn tốt tham gia, hoàn toàn có cơ sở để triển khai và hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng cao nhất.
Về nội dung đề cương đề tài:
Trên cơ sở điểm lại những thành tựu nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội … nhóm tác giả cho rằng, những nghiên cứu về Vương triều Trần cho đến nay còn rất thiếu và khiêm tốn, đặc biệt là phần viết về lịch sử Việt Nam thời Trần trong mối quan hệ gắn bó với kinh thành Thăng Long. Từ đó, nhiệm vụ của đề tài đặt ra là: nghiên cứu, phản ánh những tác động bên trong và bên ngoài đối với quá trình kiểm soát quyền lực, xây dựng và bảo vệ đất nước, mở mang văn hóa cũng như quá trình suy yếu rồi sụp đổ cử Vương triều Trần. Nói cách khác, mục tiêu của đề tài đã phản ánh tổng thể bức tranh toàn cảnh về Vương triều Trần, kể từ thi được thành lập đến khi bị suy yếu, sụp đổ và nhà Hồ lên thay.
Ngoài những vấn đề có tính chất thông sử, đề tài sẽ tổng hợp, bổ sung thêm nguồn sử liệu để làm sáng tỏ thêm những nhận thức mới về một số vấn đề và nhân vật lịch sử thời nhà Trần.
Theo dự định, đề tài sẽ biên soạn 1 bộ sách gồm 2 phần
Phần 1: Vương triều Trần - Theo dòng thời gian, có 4 chương
Chương 1: Vương triều Trần thành lập
Chương 2: Thời kỳ anh hùng
Chương 3: Tiếp tục ổn định và phát triển
Chương 4: Thời kỳ suy vong
Phần 2: Vương triều Trần, Quốc gia Đại Việt, Kinh đô Thăng Long thế kỷ XIII - XV, phần này có 5 chương
Chương 5: Thiết chế chính trị
Chương 6: Một nền kinh tế năng động
Chương 7: Những năm tháng hào hùng
Chương 8: Văn minh Đại Việt - văn hóa Thăng Long
Chương 9: Đại Việt - Vương triều Trần thế kỷ X I V
Có thể nói, cấu trúc các chương, mục và các tiểu mục được đề xuất trong bộ sách là hợp lý, đủ để chuyển tải những nội lịch sử cần thiết về vương triều Trần. Hy vọng bộ sách sẽ đáp ứng yêu cầu bạn đọc, thuộc những đối tượng khác nhau, nhất là học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu và những người yêu thích môn lịch sử.
Đề cương nên có dự kiến số trang viết cho từng phần, dự định tiến độ thời gian và dự trù kinh phí tương ứng.
Đề tài có tính khả thi cao. Kính đề nghị đơn vị chủ quản phê duyệt để đề được triển khai và hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Với cách nhìn nhận ngắn gọn, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ đã có nhận định, đánh giá chung toàn diện đề tài:
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài rõ ràng, cụ thể. Về tổng quan nghiên cứu: đã tổng thuật khá đầy đủ những công trình nghiên cứu trước đó liên quan đến Vương triều Trần và quốc gia Đại Việt, Kinh đô Thăng Long trong hai thế kỷ XIII-XIV.
Đề cương trình bày gọn, nêu đầy đủ nội dung cần thể hiện. Bố cục cuốn sách gồm hai phần, tổng cộng 8 chương. Phần I chủ yếu trình bày về các triều vua Trần (từ Thần Thái tông đến Trần Thiếu đế), những thành tựu, hạn chế của vương triều, của quốc gia Đại Việt nói chung và kinh đô Thăng Long nói riêng dưới sự trị vì của từng vị vua. Nội dung phần I trình bày theo lối biên niên, phù hợp với tiêu đề chính của phần I là: Vương triều Trần - Theo dòng thời gian.
Phần II chủ yếu trình bày những thành tựu cơ bản mà vương triều Trần và quân dân Đại Việt đã giành được trong 175 năm, trong đó đề cập đến những thành tựu văn hoá, kinh tế, chính trị, những võ công oanh liệt trong các cuộc kháng chiến giữ nước. Sự tồn tại phát triển của quốc gia Đại Việt dưới triều Trần gắn bó mật thiết với kinh đô Thăng Long. Đây cũng là một chủ đề quan trọng được cuốn sách đề cập đến.
Về cơ bản, phần thuyết minh đề cương đạt chất lượng khoa học, tính khả thi cao.
Cuối cùng là cách nhìn nhận, đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật:
Vương triều Trần là một trong những vương triều có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam. Chính vì công lao và sự đóng góp to lớn của nhà Trần mà đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về nhà Trần dưới các góc độ khác nhau đã được công bố. Tuy vậy các công trình đã công bố mới dừng lại ở những khía cạnh khác nhau, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện vấn đề này.
Trong bản Đề cương, Chủ biên đã nêu rõ mục tiêu là trình bày toàn diện các mặt xã hội Việt Nam thời Trần từ quá trình thiết lập, tình hình chính trị, đời sống kinh tế, đời sống tư tưởng - văn hóa, sự nghiệp kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc.
Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu như tác giả nêu trong đề cương là phù hợp và khoa học.
Về tài liệu: Trong phần Tổng quan nghiên cứu cũng như phần các công trình tuyển chọn, tác giả đã tổng thuật lại khá đầy đủ những công trình nghiên cứu trước đó liên quan đến Vương triều Trần và quốc gia Đại Việt, Kinh đô Thăng Long trong hai thế kỷ XIII - XIV.
Về đề cương: Đề cương trình bày ngắn gọn, nêu đầy đủ nội dung cần thể hiện. Bố cục cuốn sách gồm hai phần, tổng cộng 8 chương. Phần I chủ yếu trình bày về các triều vua Trần (từ Trần Thái Tông đến Trần Thiếu Đế), những thành tựu, hạn chế của vương triều, của quốc gia Đại Việt nói chung và kinh đô Thăng Long nói riêng dưới sự trị vì của từng vị vua. Nội dung phần I trình bày theo lối biên niên, phù hợp với tiêu đề chính của phần I là: Vương triều Trần - Theo dòng thời gian.
Phần II chủ yếu trình bày những thành tựu cơ bản mà Vương triều Trần và quân dân Đại Việt đã giành được trong 175 năm, trong đó đề cập đến những thành tựu văn hóa, kinh tế, chính trị, những võ công oanh liệt trong các cuộc kháng chiến giữ nước. Sự tồn tại phát triển của quốc gia Đại Việt dưới triều Trần gắn bó mật thiết với kinh đô Thăng Long. Đây cũng là một chủ đề quan trọng được cuốn sách đề cập đến.
Về cơ bản, phần thuyết minh đề cương đạt chất lượng khoa học, tính khả thi cao.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật thì đề cương công trình chưa thật khoa học và hợp lý, từ phần đến các chương và tên gọi. Nên bố trí lại cho khoa học và hợp lý hơn.
Chủ biên và tập thể các tác giả là những nhà khoa học có trình độ và có nhiều năm, nhiều công trình đã công bố liên quan đến đề tài.
Đề cương đề tài: Vương triều Trần do PGS.TS. Vũ Văn Quân làm chủ biên được soạn thảo với nội dung tốt, đáp ứng mục đích, nội dung đề tài đặt ra.
Hy vọng cuốn sách được hoàn thành và xuất bản sẽ là một trong những sách tham khảo có giá trị khoa học tốt.
Mỗi nhà nghiên cứu đều đưa ra những nhận định riêng theo cách nhìn của mình nhưng đều có cái chung đó là đánh giá ý nghĩa, mục đích của đề tài, nội dung và cách thức thực hiện của nhóm biên soạn khoa học. Các ý kiến đều tin tưởng đây không chỉ là một đề tài hay mà còn là một cuốn sách hấp dẫn và mang ý nghĩa lớn.
Đàm Ly (Tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội