Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập Tộc ước gia quy. Từ góc độ khai thác tư liệu Hán Nôm
Theo PGS.TS. Bùi Xuân Đính: Đây là vấn đề cần được nghiên cứu vì tộc ước là di sản Hán Nôm chứa đựng nhiều giá trị về xã hội và văn hóa, phản ánh các mối quan hệ gia đình, dòng họ, truyền thống giáo dục của người Việt. Nghiên cứu tộc ước không chỉ để có hướng bảo tồn nguồn tài liệu Hán Nôm mà còn đề ra các giải pháp phát huy các giá trị truyền thống trong việc giáo dục gia đình, xây dựng đời sống gia đình trong bối cảnh đạo đức xã hội đang bị xuống cấp hiện nay.
Tuy nhiên, để đề tài có thể đứng được, cần thiết phải xem xét một số điểm sau.
Trước hết, cần làm rõ ý nghĩa khoa học và thực tiễn của việc nghiên cứu vấn đề.
Thứ hai, cần làm rõ lịch sử nghiên cứu vấn đề, đánh giá một cách khách quan vấn đề này đã được nghiên cứu đến đâu, còn những gì chưa được nghiên cứu hoặc chưa được làm rõ, hay còn mâu thuẫn, để đề tài của nhóm tác giả có thể kế thừa và tiếp tục nghiên cứu.
Thứ ba, xem xét lại các khái niệm, vì liên quan đến khả năng mở rộng nghiên cứu của đề tài.
Theo PGS.TS. Bùi Xuân Đính với khái niệm “Tộc ước” (quy ước của dòng tộc). Văn bản này có tương đối phổ biến trong các dòng họ khoa bảng, quyền thế; song ông băn khoăn vì khái niệm “gia quy” (quy định, quy ước của gia tộc hay gia đình?) - loại văn bản không phổ biến, nếu như không muốn nói là “hiếm”.
Cần phân biệt rõ quy ước của dòng họ với quy ước của cộng đồng làng với các khái niệm “Hương ước”, “Khoán ước”, “Điều lệ”, “Khoán lệ”… Các quy ước của cộng đồng làng có nội dung rộng hơn rất nhiều so với các quy ước dòng họ vì làng có cơ cấu tổ chức đa dạng hơn, cuộc sống có nhiều khía cạnh và mối quan hệ hơn, Vì thế, một bản hương ước làng có thể lên đến vài chục, thậm chí hàng trăm điều khoản về đủ các khía cạnh của đời sống, trong khi tộc ước chỉ gồm một số ít điều về giữ gìn gia phong, tôn ty trật tự dòng họ và duy trì cơ sở và các nghi lễ thờ cúng.
Tộc ước không phải hoặc chưa hẳn là luật tục. Các nhà Dân tộc học cho rằng, luật tục là các phong tục có dáng dấp của pháp luật của một cộng đồng, thường được cố định bằng văn vần, có nội dung rộng (liên quan đến nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội), phạm vi điều chỉnh rộng (cho một làng hay nhiều làng); luật tục tương đối độc lập với pháp luật nhà nước, nên thường chỉ có ở các tộc người thiểu số; làng người Việt không có luật tục, chỉ có hương ước và văn bản này chỉ có giá trị trong phạm vi từng làng, các quy định của nó không được vượt quyền pháp luật. Tộc ước có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn, chỉ trong một dòng họ, chủ yếu là các điều răn dạy, các quy định ứng xử phù hợp với luân lý Nho giáo và pháp luật của nhà nước phong kiến.
Tộc ước cũng khác với Gia huấn ca, là những lời thơ, lời ca mang tính khuyên răn con người giữ đạo hiếu và gia phong, không hẳn mang tính bắt buộc, chế tài.
Một đặc điểm nổi bật khác của tộc ước là thường có nội dung rất ngắn gọn và được chép ở đầu hoặc ở cuối của các bản gia phả (vả lại, số bản gia phả có chép tộc ước cũng không nhiều); số bản tộc ước đứng độc lập chép trên giấy, khắc trên bia đá, khắc hoặc viết chữ trên gỗ rất ít.
Sau những nhận xét, đánh giá rất cụ thể, chi tiết của PGS.TS. Bùi Xuân Đính thì với PGS. TS. Phạm Xuân Hằng có những nhận xét hết sức ngắn gọn tập trung vào ý nghĩa của công trình: Với ý đồ nghiên cứu về luật tục thành văn trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội xưa, tác giả đã trung trung khảo cứu khối tư liệu tộc ước, quy ước với không gian rộng lớn, bao gồm Thăng Long và xứ Đoài. Mảng tư liệu này có giá trị không phải chỉ phục vụ nghiên cứu văn hóa, lịch sử làng xã, dòng họ…, mà rất có giá trị giúp tìm ra câu trả lời câu hỏi tiếp thu cái gì từ văn hóa truyền thống để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh (vốn đang lúng túng trước bao ứng xử xô bồ, bon chen, đố kỵ của thời mở cửa).
Đề tài có tính khả thi cao, đơn giản là nhóm nghiên cứu này không phải bắt đầu từ bây giờ.
Một lần nữa khẳng định ý nghĩa cũng như sự cấp thiết của đề tài, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ cho rằng: Đây là đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn về nhiều mặt. Giới thuyết đề tài rõ ràng, giải thích các khái niệm thuật ngữ đầy đủ và cụ thể.
Nguồn tài liệu phục vụ triển khai đề tài đa dạng và phong phú, đó là nguồn tài liệu Hán Nôm lưu trữ tại các thư viện; gia phả của các dòng họ lớn trên địa bàn Hà Nội, văn bia và các loại hình văn bản khác.
Đề tài tập trung khảo cứu, phiên âm, dịch nghĩa, công bố văn bản gốc bằng chữ Hán Nôm từ hai loại hình văn bản là văn bản giấy và văn bản trên đá. Theo tôi được biết, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có một số văn bản (Gia phả) được biên chép trên biển gỗ, các tác giả nên lưu ý về loại hình văn bản này khi triển khai đề tài.
Là người có nhiều công trình nghiên cứu sử liệu và có sự cộng tác thường xuyên với Nhà xuất bản Hà Nội, PGS.TS. Vũ Văn Quân đã đánh giá, góp ý với công trình:
Trong mảng sách Tư liệu tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, với nguồn tư liệu Hán Nôm, đã có các tuyển tập về văn khắc, hương ước, thần tích thần sắc, địa chí, nhưng như thế vẫn là chưa đủ, cần phải tiếp tục bổ sung thêm, trong đó có tộc ước, gia quy. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn đã nói từ lâu về nguồn tài liệu này và mong muốn có một cơ hội để triển khai thành một đề tài nghiên cứu.
PGS.TS. Vũ Văn Quân thể hiện sự tin tưởng ở chủ biên và các cộng sự về việc hoàn thành công trình này đúng tiến độ và có chất lượng tốt (ở Giai đoạn I của Tủ sách, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn đã là đồng chủ biên công trình ba tập Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập địa chí được đánh giá cao). Hơn thế, các cộng sự đã có sự quan tâm, sự chuẩn bị và giờ đây, với sự hỗ trợ kinh phí của Dự án, cơ hội đó đã trở thành hiện thực.
Bản thuyết minh Đề cương chi tiết công trình được viết bài bản. Ông Quân đồng ý với cách đặt vấn đề về giá trị của nguồn tài liệu này, cũng đồng tình với cách xác định đối tượng và phạm vi của đề tài (định nghĩa về tộc ước, gia quy; chỉ chọn nghiên cứu những luật tục thành văn; phạm vi không gian là Hà Nội mở rộng nhưng tập trung ở vùng lãnh thổ truyền thống…), các nhiệm vụ khoa học cần giải quyết đã hình dung được một cách cụ thể các công việc cần phải thực hiện (sưu tầm, điều tra, khảo sát; thẩm định, khảo tả, phiên âm, dịch nghĩa; giới thiệu, nghiên cứu giá trị về nội dung và hình thức của từng văn bản cũng như toàn bộ khối tài liệu nói chung). Cấu trúc, dung lượng dự kiến của sách cơ bản hợp lý.
Tuy nhiên, cũng có một vài điểm PGS.TS. Vũ Văn Quân muốn trao đổi, góp ý với tác giả.
Không thấy thuyết phục khi lý giải về sự tập trung loại tài liệu này tại địa bàn kinh đô Thăng Long - Hà Nội là vì các gia tộc ở đây có ý thức gia tộc cao, có nhiều người thuộc tầng lớp trí thức quan lại nên đã đầu tư trí tuệ, công sức vào việc củng cố gia tộc.
Trong phần giới thiệu, công bố tư liệu (tức phần chính của cuốn sách), phân biệt thành hai khối: văn bản giấy và văn bản trên đá (văn bia), theo tôi cần cân nhắc thêm (cần lưu ý, cuốn sách này chú trọng ở nội dung văn bản, không phải ở hình thức văn bản; việc sắp xếp như thế nào thì tùy tác giả nhưng phải căn cứ vào thực tế văn bản). Có thể chọn cách theo thời gian (từ xa đến gần), hay theo không gian (nội thành - có thể bao gồm cả hai huyện xưa là Thọ Xương và Vĩnh Thuận và ngoại thành; hay kinh đô với xứ Nam và xứ Đoài).
Cuối cùng PGS.TS. Vũ Văn Quân hoàn toàn ủng hộ việc Ban Quản lý Dự án đặt tộc ước, gia quy như một loại hình tư liệu cần được tập hợp, nghiên cứu và tuyển chọn để giới thiệu, đồng tình với việc chọn PGS.TS Nguyễn Kim Sơn làm chủ biên công trình này và tán thành về cơ bản với bản Đề cương chi tiết này. Mong Ban Quản lý Dự án sớm đưa vào kế hoạch triển khai.
Qua các ý kiến nhận xét, đánh giá, các nhà nghiên cứu đều tin tưởng vào tính khả thi của đề tài cũng như đội ngũ tác giả thực hiện. Từ công trình này chúng ta sẽ một lần nữa thấy những nét đặc sắc văn hiến kinh đô và các vùng phụ cận qua đối tượng tộc ước gia quy từ góc độ khai thác tư liệu Hán Nôm.
Đàm Ly (Tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội