Đông Kinh Nghĩa Thục và văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục – cuốn sách ra đời từ niềm đam mê và tâm huyết
Đông Kinh Nghĩa Thục xuất hiện ở Hà Nội 3/1907 đến tháng 12/1907 dưới hình thức một trường học hợp pháp và mở rộng hoạt động ra các tỉnh xung quanh trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, xã hội, kinh tế… như một phong trào cải cách tư tưởng – văn hoá và xã hội góp phần quan trọng vào công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Tuy chỉ tồn tại trong 9 tháng nhưng Đông Kinh Nghĩa Thục đã xốc lên một phong trào yêu nước mạnh mẽ ở Bắc Kỳ mà trung tâm là Hà Nội. Hoạt động công khai và nổi bật và lan rộng nhất của Đông Kinh Nghĩa Thục là trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng. Cùng với những hoạt động cụ thể, các thành viên Đông Kinh Nghĩa Thục đã có những sáng tác, những tác phẩm thơ văn thể hiện những tư tưởng tiến bộ, cải cách trên tất cả các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, kinh tế…. Đó là nguồn tư liệu quý giá mà Đông Kinh Nghĩa Thục đã để lại cho các thế hệ mai sau.
Để cuốn sách này có thể đến được với độc giả một cách trọn vẹn tác giả đả góp nhặt những tư liệu quý hiếm về Đông Kinh Nghĩa Thục, Phó giáo sư Chương Thâu đã miệt mài tìm kiếm, đích thân đến những trung tâm tư liệu trong và ngoài nước như: Kho lưu trữ của Phủ thống sứ Bắc Kỳ, trung tâm lưu trữ hải ngoại của Pháp ở Aixen Provene, kho lưu trữ Bộ Ngoại giao Nhật Bản tại Tokyo, thư viện Viễn Đông Bác Cổ tại Paris và Hà Nội, cùng những thư viện những kho sách nhỏ lẻ của các cá nhân, các địa phương trong cả nước.
Bộ sách “Đông Kinh Nghĩa Thục và văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục”.
Cuốn sách gồm 2 phần chính, trong đó tác giả dành phần 1 để khái quát quá trình ra đời, hoạt động và ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục đến phong trào yêu nước của nước ta đầu thế kỷ XX cũng như tác động đến các lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, giáo dục của nước ta. Phó giáo sư Chương Thâu đã đứng trên lập trường và quan điểm duy vật lịch sử để trình bày sự hình thành và những diễn biến giai cấp trong xã hội thực dân nửa phong kiến đầu thế kỷ XX dưới tác động của tình hình thế giới. Những thay đổi sâu sắc trong xã hội là cơ sở của sự hình thành hai khuynh hướng đấu tranh tồn tại song song, hoà lẫn vào nhau trong xã hội đó là khuynh hướng cải cách ôn hoà và khuynh hướng cách mạng bạo động. Trong bối cảnh đó Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ là phong trào của các sĩ phu đầy tinh thần yêu nước, những người tiếp thu tư tưởng bên ngoài mà còn là một phong trào có quan hệ với cả hai khuynh hướng trên. Do vậy nên tầm ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục trong xã hội nước ta là rất rộng lớn. Để làm rõ sự hình thành, quy mô hoạt động, tầm ảnh hưởng và sự phong phú mới mẻ trong tư tưởng trong các tác phẩm của Đông Kinh Nghĩa Thục tác giả đã chia phần này thành các chương nhỏ. Bằng những quan điểm về lịch sử và sự phát triển Phó giáo sư Chương Thâu phân tích cho độc giả thấy sự ra đời và phát triển của Đông Kinh Nghĩa Thục là sự phát triển tất yếu của lịch sử nói chung và phong trào yêu nước nói riêng. Nó là cơ sở và tiền đề cho sự phát triển của các phong trào yêu nước khác.
Trong phần 2 - Tổng tập văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục tác giả đã cung cấp cho bạn đọc tương đối đầy đủ các di sản của Đông Kinh Nghĩa Thục bằng cả chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ trên cả phương diện sách giáo khoa dạy trong nhà trường, các thơ văn của các thành viên Đông Kinh Nghĩa Thục. Đồng thời bổ sung thêm một số thơ ca và nhiều bài viết của các tác giả trong Đông Kinh Nghĩa Thục và một số tác giả dù không hoạt động trong phong trào này nhưng có những quan điểm đồng tình, ủng hộ như: Nguyễn Phan Lãng, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh. Ngoài ra, cuốn sách còn có phần thơ ca của tác giả khuyết danh từng được phổ biển rộng rãi trong hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục. Có thể nói đây là một khối lượng văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục được sưu tập đầy đủ và dịch chú cẩn thận nhất từ trước đến nay, đây là nguồn tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu.
Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng tư tưởng và tinh thần Đông Kinh Nghĩa Thục thì không thể dập tắt được trong tâm trí của người dân Việt Nam. Cuốn sách này ra đời là món quà tri ân nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Qua cuốn sách, tác giả và Nhà xuất bản mong rằng độc giả sẽ tìm thấy cho mình những tư tưởng, những tiếng nói đồng cảm từ trong bộ sách quý giá này.
Hoàng Minh
Nhà xuất bản Hà Nội