Ghi nhận qua một đề tài viết sử mới về Vương triều Lê (1428-1527)
Nếu như các công trình đã có thiên về trình bày và đánh giá vương triều Lê theo phương pháp quy nạp, tổng hợp theo từng vấn đề hay từng lĩnh vực thì đề tài do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên trong lần xuất bản này lại chọn một hướng đi khác, đó là tập trung nghiên cứu trình bày các nội dung theo từng triều vua để người đọc có thể hình dung vừa tổng thể, vừa cụ thể những nội dung lớn và quan trọng nhất của toàn bộ vương triều. Qua đó công trình hướng tới giới thiệu một cách khách quan và toàn diện lịch sử của một vương triều đánh dấu một chặng đường phát triển rực rỡ về võ công, văn trị của kinh đô Đông Kinh và văn minh Đại Việt.
Với nguồn tư liệu quý, Vương triều Lê (1428-1527) hứa hẹn là một cuốn sách sử đầy hấp dẫn, không chỉ là công cụ phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức, cảm nhận của những độc giả yêu và say mê với lịch sử Thủ đô và Việt Nam nói chung.
Hội đồng thẩm định, nghiệm thu đã có những ghi nhận, đánh giá cao đồng thời cũng đã có những ý kiến hữu ích nhằm bổ sung, hoàn thiện chất lượng đề cương công trình. Sau đây là một số nhận định cụ thể:
Theo PGS.TS. Đào Tố Uyên cho đến nay đã có nhiều công trình, bài viết, giáo trình các trường đại học viết liên quan đến triều Lê (1428 - 1527). Tuy nhiên một công trình đầy đủ, hệ thống, toàn diện và sâu sắc về một vương triều võ công văn trị thời đại văn hóa Thăng Long thì đang còn thiếu. Công trình ra đời không những sẽ giúp những nhà nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử hiểu biết một cách toàn diện về vương triều Lê mà còn phục vụ tốt cho các ngành liên quan. Công trình cũng có giá trị thực tiễn tốt khi chúng ta đang xây dựng một thủ đô văn minh, hiện đại của đất nước Việt Nam đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
PGS.TS. Đào Tố Uyên đánh giá theo thuyết minh của chủ biên với mục tiêu biên soạn sách và chủ đề của công trình thì đề cương biên soạn như vậy là hợp lý, vừa dựng lại được một cách hệ thống, toàn diện về các công việc, chính sách trong trị vì, quản lý đất nước của các vua vương triều Lê trong 100 năm trị vì (1428 - 1527) vừa cho người đọc thấy được bức tranh sinh động của Đại Việt trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội trong một thế kỷ và cả vị thế của Đại Việt trong khu vực lúc bấy giờ.
Từng tham gia Hội đồng nghiệm thu công trình “Vương triều Lý (1009-1226)”, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi cho rằng với thành công của cuốn sách này sau khi ra mắt năm 2010 thì nay đề cương đề tài: “Vương triều Lê (1428-1527)“ cũng do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc làm chủ biên là hoàn toàn “đúng” và “chuẩn”. Đề tài này được thực hiện vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn, góp phần nghiên cứu hệ thống, toàn diện về vương triều Lê sơ trong lịch sử. Nhà nghiên cứu lịch sử này đánh giá cấu trúc đã nêu trong đề cương là chặt chẽ và nhất trí về các nội dung của tập sách.
Bà cũng đưa ra một vài ý kiến, đánh giá cụ thể như:
- Chương 1: Nên thay Lê Thái Tổ bằng Lê Lợi. Vì lúc đó Lê Lợi chưa lên ngôi và chưa được đặt là Lê Thái Tổ.
- Mục 1.6. Định hướng phát triển đất nước và chế độ quân chủ tập quyền. Dùng từ “định hướng” mới quá và cũng chưa thật sát thực tế lịch sử. Nên chăng thay từ “Định hướng…” bằng “Xây dựng…”. Bởi vì Lê Lợi lên ngôi vua mới được hơn 5 năm thì băng hà. Chưa kể việc một số công thần còn bị Ông nghi ngờ rồi đi đến sát hại.
- Chương 2, 3: Các tiết đề ra trong chương vừa cụ thể vừa mang tính chuyên sâu và mới trong cách thể hiện, không lặp lại những công trình đã xuất bản.
Hai mục 3.8: Một thời đại thái bình, thịnh trị và 3.9. Đất nước độc lập, thống nhất và hùng cường, nếu viết không khéo sẽ trùng nhau. Bởi “hùng cường” bao gồm cả “thái bình, thịnh trị”. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi nên chăng gộp hai mục này làm một.
- Mục 4.2. Lê Uy Mục (1505-1510): Vua Quỷ và bước suy yếu của vương triều. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi không nên để từ “Vua Quỷ”, mặc dù trong chính sử chép đúng là vua Quỷ nhưng để thành một mục thì sẽ chỉ thấy bộ mặt “Quỷ” của vị vua này, trong khi cả vương triều trong 5 năm tại vị của vua Lê Uy Mục khá chú trọng đến thi cử. Đã có 2 kỳ thi Hội được tổ chức vào các năm 1505; 1508 và 01 kỳ thi lại môn bằng thi toán vào năm 1507.
Tương tự như vậy, mục 4.3. Lê Tương Dực (1510-1516): Vua Lợn dẫn vương triều đến nguy vong. PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi cho biết Lê Tương Dực được Đại Việt sử ký toàn thư chép là: “Vua khi mới lên ngôi, ban hành giáo hoá, cẩn thận hình phạt, cũng đáng gọi là có làm. Song ham chơi mà không quyết đoán, việc thổ mộc bừa bãi, nhân dân thất nghiệp, trộm cướp nổi lên, đến nguy vong, là bởi ở đấy” (Tập IV, Nxb. KHXH, Hà Nội 1973, tr.57).
Nhà vua cũng mong muốn củng cố, xây dựng vương triều thịnh trị. Ngay sau khi lên ngôi ông đã cho thi Hội vào tháng 3 năm 1511, khoa thi tiếp theo vào tháng 3-1514. Nhà vua ngự thi Điện vào 1 tháng sau đó. Vua còn cho soạn sách “Trị bình bảo phạm” gồm 50 điều ban trong nước để mong đất nước đạt đến thịnh trị. Trong lời Dụ, viết: “Thần thứ các người đều phải thể theo lòng trẫm, học lấy mà làm, đề cùng đến thịnh trị, để hưởng phúc thái bình muôn đời, để bền cơ đồ lâu dài ức năm…” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV, sđd, tr.65). Nhà vua cũng khuyến khích sản xuất nông nghiệp - Vua cày ruộng tịch điền; Cho dựng bia Tiến sĩ v.v… Tiếc rằng không được bao lâu, nhà vua làm nhiều việc thổ mộc, hết kiệt tiền của quốc gia và hao kiệt sức dân v.v… Tóm lại, trong 6 năm ở ngôi vua, Lê Tương Dực cũng làm được một số điều tốt đẹp, vì thế theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi cũng không nên dùng chữ “Vua Lợn”.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật nhận định Vương triều Lê là một trong ba vương triều rạng rỡ nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam, Vương triều có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước Đại Việt cũng như đối với Thăng Long - Hà Nội. Chính vì công lao và sự đóng góp to lớn của Nhà Lê mà đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Nhà Lê dưới các góc độ khác nhau đã được công bố. Tuy vậy các công trình đã công bố mới dừng lại ở những khía cạnh khác nhau, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện vấn đề này. Với bản đề cương, PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật đánh giá chủ biên đã nêu rõ mục tiêu là trình bày toàn diện về Vương triều Lê và qua đó tìm ra bài học kinh nghiệm cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, phát triển Thủ đô trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công cuộc CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu như tác giả nêu trong đề cương là phù hợp và khoa học.
Nhà nghiên cứu lịch sử này cũng cho rằng trong phần Tổng quan nghiên cứu cũng như phần các công trình tuyển chọn, tác giả đã tổng thuật khá đầy đủ những công trình nghiên cứu trước đó liên quan đến Vương triều Lê và quốc gia Đại Việt, Kinh đô Thăng Long trong hai thế kỷ XV - XVI.
Theo đánh giá của ông hiện nay có một số công trình viết về các triều đại trong lịch sử dân tộc. Bố cục như thế nào để đề tài vừa đảm bảo tính tính khoa học, vừa có những nội dung phong phú, phù hợp và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử dân tộc, lịch sử Thăng Long - Hà Nội cho các đối tượng khác nhau. Đề cương đề tài Vương triều Lê, theo ông đã đảm bảo được một cách hợp lý hai yêu cầu trên. Đề cương trình bày gọn, nêu đầy đủ nội dung cần thể hiện. Bố cục công trình hợp lý, vừa theo dòng thời gian, vừa nêu bật được vai trò, vị trí và những đóng góp của các triều Vua đối với lịch sử đất nước và đối với Thăng Long - Hà Nội. Tác giả dành Chương 5 Tổng thuật vai trò và đóng góp của Vương triều Lê trong tiến trình lịch sử đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Về cơ bản, phần thuyết minh đề cương đạt chất lượng khoa học, tính khả thi cao.
Đánh giá chung của PGS.TS. Tạ Ngọc Liên là bản đề cương chi tiết đã phản ánh được đúng yêu cầu, mục đích của nhóm tác giả đề ra là “Tập hợp, tổng hợp và tổng kết một cách tương đối đầy đủ, khách quan và chuẩn xác về một thế kỷ Vương triều Lê…” (tr. 1). Các chương, mục trong nội dung công trình Vương triều Lê (1428 - 1527) được trình bày rõ ràng, hợp lý theo từng đời vua với những sự kiện lịch sử chính yếu, giúp cho người đọc hiểu được lịch sử 100 năm của Vương triều Lê, một vương triều lớn, để lại một dấu ấn rất quan trọng trong cả tiến trình lịch sử dân tộc cũng như lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Một vài góp ý của PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn để tác giả tham khảo:
- 4.2. Lê Uy Mục (1505 - 1510): Vua Quỷ và bước suy yếu của vương triều.
Theo ông không nên dùng từ “Vua Quỷ”, vì đây là từ khinh miệt vua Lê Uy Mục của viên sứ thần nhà Minh Hứa Thiên Tích.
- 4.3. Lê Tương Dực (1510 - 1516): Vua Lợn dẫn vương triều đến nguy vong.
Theo PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn cũng không nên dùng từ “Vua Lợn” để chỉ vua Lê Tương Dực. Ông cho rằng đối với vua Lê Tương Dực cần đánh giá lại cho công bằng hơn. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu lịch sử này Lê Tương Dực vẫn là vị vua có những mặt khả thủ, có những việc làm đáng được ghi nhận như: biết nghe ý kiến điều trần của đại thần nói về việc trị nước; quan tâm tới phát triển văn hóa, giáo dục. Đồng thời dưới triều Lê Tương Dực có nhiều người giỏi, như Nguyễn Thì Ung, Đàm Thận Huy, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bá Thuyên, Vũ Quỳnh, Đặng Minh Khiêm (nhà thơ vịnh sử), v.v…
- Trong chương 5, PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn cho rằng cần giải thích thế nào là “quân chủ tập quyền Nho giáo” và “Xác lập mô hình chế độ phong kiến Việt Nam”. Nếu theo văn cảnh này, người đọc sẽ hiểu đến thế kỷ XV - XVI, với Vương triều Lê ở Việt Nam mới xác lập mô hình chế độ phong kiến. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu này nếu hiểu “chế độ phong kiến” là chế độ “phong hầu kiến ấp” (ở Trung Quốc phổ biến vào thời Tần - Hán) thì ở Việt Nam thời Lý - Trần là điển hình cho chế độ phong tước và cắt đất cho quản lý.
PGS.TS. Trần Thị Vinh đánh giá Vương triều Lê (1428-1527) là vương triều phát triển cực thịnh, đánh dấu thời kỳ phát triển rực rỡ của đất nước nói chung và của kinh đô Đông Kinh nói riêng. Để tăng cường hơn nữa sự hiểu biết về những đóng góp của vương triều Lê với đất nước và kinh đô Thăng Long thời Lê, thì một công trình mang tính tổng hợp về mọi lĩnh vực được xuất bản là hết sức cần thiết và bổ ích. Năm 2010, Nhà xuất bản Hà Nội đã cho ra mắt công trình “Vương triều Lý (1009-1226)” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên nằm trong chương trình Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I. Nay nối tiếp công trình “Vương triều Lê (1428-1527)” cũng do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên, giai đọan II là việc làm hết sức có ý nghĩa về khoa học, vì công trình được xuất bản chắc chắn sẽ mang tính phục vụ cao không chỉ cho giới nghiên cứu mà còn đối với nhiều độc giả muốn hiểu biết về một vương triều võ công hiển hách, có những vị vua sáng, tôi hiền trong lịch sử.
Ngoài phần nội dung, có thêm phần phụ lục vừa tuyển chọn 30 công trình nghiên cứu trong và ngoài nước viết về triều Lê lại vừa có phần danh mục các công trình nghiên cứu về triều Lê, như vậy là rất tốt, giúp cho độc giả dễ dàng tra cứu khi cần thiết.
Theo nhận xét của PGS.TS. Trần Thị Vinh đề cương chi tiết do chủ nhiệm đề tài xây dựng gồm hai phần, đã hàm chứa đầy đủ những sự nghiệp của vương triều Lê trong 100 năm tồn tại ở kinh đô Thăng Long - Đông Kinh. Ngoài chương cuối (chương 5) mang tính tổng kết lại toàn bộ thành tựu xây dựng đất nước của vương triều Lê thì 4 chương đầu tập trung nghiên cứu về các vị hoàng đế triều Lê trải qua những bước thăng trầm của lịch sử từ khi triều Lê chưa xuất hiện đến khi triều Lê hình thành qua các giai đoạn gắn liền với các vị vua, trong đó có 2 chương riêng viết về một vị vua anh minh tài ba nhất của Vương triều là Lê Thánh Tông đến những ông ươn hèn kéo theo sự sụp đổ của vương triều như vua quỷ, vua lợn...
PGS.TS. Vũ Văn Quân bày tỏ sự hoan nghênh khi Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến Giai đoạn II tiếp tục định hướng đưa đến người đọc một cái nhìn liên tục dòng chảy lịch sử của kinh thành Thăng Long, của Đại Việt trải nghìn năm qua việc tiếp tục tổ chức biên soạn các sách Vương triều Trần, Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung Hưng, và đây là Vương triều Lê (1428 - 1527), rồi Hà Nội thời cận đại nối tiếp Vương triều Lý (1009-1226) trong giai đoạn I.
Tin tưởng vào chủ biên công trình GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, người đã để tâm nghiên cứu về vấn đề này từ nhiều chục năm nay cùng đội ngũ cộng tác viên có nhiều người trẻ nhưng đã nhiều năm lăn lộn với lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội và cũng đã có thành tựu bước đầu đáng ghi nhận, PGS.TS. Vũ Văn Quân khẳng định công trình sẽ rất có chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ.
Theo ông về cơ bản những định hướng cấu trúc sách được thể hiện trong bản đề cương là hợp lý duy chỉ Phần II tuyển chọn một số bài viết về chủ đề thì cần tinh lọc hơn.
PGS.TS. Vũ Văn Quân cho rằng với bút pháp khoa học văn chương cùng với những phát hiện khoa học gần đây, lối tiếp cận cụ thể với nhân vật và sự kiện, đây sẽ là công trình hấp dẫn người đọc, thuộc nhiều đối tượng.
Hoàng Thị Thùy Linh tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội