“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử
Đề tài “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” do PGS.TS. Trịnh Vương Hồng chủ biên sau khi hoàn thiện bản đề cương chi tiết đã nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ, góp ý của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu, đặc biệt là những nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử. Sau đây là tổng hợp, giới thiệu những nhận xét, đánh giá và đó cũng là góc nhìn của các nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử về đề tài “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - PGS.TS. Phạm Xuân Hằng đã đánh giá: Kết cấu, nội dung và cách tiếp cận sự kiện của tác giả cho thấy, đây là một chuyên khảo nghiên cứu sâu về “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”, trong đó thể hiện quan điểm, phương pháp nghiên cứu và phương pháp trình bày của tác giả.
Tác phẩm này không phải là công trình sưu tầm, giới thiệu tư liệu liên quan đến sự kiện trên. Tư liệu ấy là các văn kiện và các loại hình tư liệu của ta, của địch trực tiếp, gián tiếp phản ánh (qua nhiều ngôn ngữ) sự kiện 12 ngày đêm năm 1972 từ nguyên nhân, diễn trình, kết quả của sự kiện, kể cả hậu quả sau sự kiện.
Cách tiếp cận trên, cơ bản là hợp lý dưới góc nhìn từ tư liệu của Việt Nam. Phải chăng, trong Chương 1 nên khai thác tư liệu của phía Mỹ - ngụy trong giai đoạn Việt Nam hóa chiến tranh đến hội đàm Paris và âm mưu của Mỹ qua 4 năm tại hòa đàm Paris. Khai thác nhóm tư liệu trên sẽ có điều kiện làm rõ hơn “Con đường dẫn tới cuộc đối đầu lịch sử vào tháng 12/1972”.
Là người nhiều năm gắn bó nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng có góp ý nên chăng (và quan trọng là có tư liệu hay không) thêm một mảng trình bày về nhận định, đánh giá của nước ngoài về sự kiện Mỹ tập kích không quân đánh phá Hà Nội (đầu não chính trị - hành chính quốc gia) trong 12 ngày đêm năm 1972 trong mối liên hệ với sự thật lịch sử của sự kiện được thể hiện trong đề tài. Có như thế người đọc sẽ nhận thức được, công trình mới có sức thuyết phục về mục đích: “góp phần trao đổi khoa học với nhận thức của các tác giả nước ngoài rằng có thể tránh được cuộc ném bom bằng B.52 của Hoa Kỳ” (Đề cương. Phần Mục đích, tr. 1).
Trong phụ lục, chủ yếu là nêu về lực lượng không quân của địch và lực lượng phòng không của ta trong cuộc đối đầu chiến lược này. Song, hình như tác giả chưa đề cập lực lượng không quân của ta, một lực lượng không thể bỏ qua trong chiến dịch này.
Việc có phụ lục về sự thiệt hại của hai phía, chứ không chỉ dừng ở thành tích bắn rơi máy bay. Sự kiện đã lùi xa gần nửa thế kỷ, việc công bố thiệt hại về người và các phương tiện chiến tranh của Mỹ ta đã công bố từ lâu, nay cần hiệu chỉnh theo mức độ có thể có từ tư liệu; về phía ta, chưa công bố con số thiệt hại về người và của một cách đầy đủ theo khả năng thống kê được, dù con số ấy của cả hai phía chỉ là tương đối, nhưng có tính hệ thống hóa cao hơn. Ý nghĩa của việc công số liệu thiệt hại ấy thể hiện ở chỗ, xét cho cùng cả hai bên đều bị mất mát nặng nề, nhất là sinh mạng con người; cuối cùng chỉ có chính nghĩa chiến thắng nhưng phải trả giá bằng sinh mạng con người từ hai phía. Điều đó nhắn nhủ mọi người trên trái đất này hãy cùng nhau đối thoại, chấm dứt đối đầu bằng đạn bom. Đó cũng là tiêu chí sống văn minh của mọi quốc gia trong thời đại hôm nay.
Dưới góc độ của các nhà sử học và hàng ngày làm công tác nghiên cứu và giảng dạy sử học, sau khi đọc bản đề cương chi tiết đề tài “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” do PGS.TS. Trịnh Vương Hồng chủ biên thì PGS.TS. Vũ Văn Quân - Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã nhận định:
Trong tiến trình lịch sử đất nước và lịch sử Thăng Long - Hà Nội, những ngày cuối tháng 12 năm 1972 là một trong những dấu mốc đặc biệt quan trọng, là những ngày giờ thật đau thương và bi hùng. Viết về trận “Điện Biên Phủ trên không” này, từ cả hai phía, và từ cả những người không đứng về phía nào, là rất nhiều, ngay sau sự kiện đó, hay mỗi khi đến dịp kỷ niệm năm chẵn (5, 10…) sự kiện này, và đến nay vẫn dường như không có dấu hiệu dừng lại. Sở dĩ vậy là vì tầm vóc lớn lao của sự kiện, và vì cả những điều mà sự lý giải vẫn chưa làm ta thỏa mãn. Cuốn sách này (Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không), một mặt sẽ góp thêm về một cách nhìn nhận vấn đề, mặt khác, cũng có tính tổng kết những thành tựu nghiên cứu đi trước.
Người được mời làm chủ biên cuốn sách này là PGS.TS. Trịnh Vương Hồng. Ông là Thiếu tướng, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, chuyên về lịch sử quân sự rồi, nhưng chuyên sâu hơn về thời kỳ hiện đại. PGS.TS. Vũ Văn Quân đã có nhiều dịp tiếp xúc với ông, chủ yếu trên các diễn đàn học thuật, nghe ông trình bày, lý giải về các vấn đề, các sự kiện liên quan đến lịch sử Việt Nam hiện đại, nhất là trên phương diện quân sự, thấy rõ là ông lúc nào cũng như là “người trong cuộc”. Tại sao ông lại có được điều này? Có người bảo vì ông là Thiếu tướng nên được biết nhiều. Ông Quân cho rằng nghĩ trước hết ông là nhà sử học, bao giờ cũng nghiêm túc như người lính vậy. Vậy nên, mời ông chủ biên sách này là quá đúng rồi, và chắc chắn sách sẽ hoàn thành đúng tiến độ và với chất lượng tốt.
Đề cương này đã nói ngắn gọn nhưng rõ ràng về mục tiêu, ý nghĩa của đề tài. Dự kiến cấu trúc cuốn sách cơ bản là hợp lý. Câu chuyện về “Điện Biên Phủ trên không” được kể có đầu có cuối, nhưng không sa đà vào những đánh giá tổng kết, mà hôi hổi những sự kiện và cả cái không khí hào hùng xen lẫn bi thương. Thực ra, người đọc thuộc nhiều đối tượng cần là cần một cuốn sách như thế.
Qua bản đề cương này PGS.TS. Vũ Văn Quân thấy có phần rườm rà, cấu trúc chương, mục, tiểu mục đôi chỗ chưa rõ (nghĩa là có thừa - hay chưa cần thiết, và có thiếu). Gọi là “Đại thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - nghe chưa quen…
Sau những nhận định, đánh giá, góp ý nhà sử học kết luận đây là một đề cương được chuẩn bị nghiêm túc, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu nghiên cứu biên soạn.
Đề tài “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử đã có tính khách quan, yêu cầu đề tài phải thể hiện tính nhân văn sâu sắc.
Còn theo TS. Nguyễn Danh Tiên - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã đưa ra cách nhìn nhận, đánh giá của mình.
Chiến dịch Linebacker II từ 18/12 đến 30/12/1972 do không quân Mỹ tiến hành, là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom Linebacker diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10/1972. Tiến hành chiến dịch này, Hoa Kỳ đã sử dụng lực lượng không quân chiến lược với B-52 làm nòng cốt ném bom rải thảm huỷ diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh.
Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai mà đỉnh cao là trận tập kích Hà Nội, Hải Phòng bằng B52 là bước phiêu lưu quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam.
Được chuẩn bị từ sớm về tư tưởng, tổ chức, lực lượng, phán đoán đúng âm mưu, hành động của địch nên ngay từ đầu, quân dân Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương miền Bắc đã giành thế chủ động, đánh trả mãnh liệt.
Lần đầu tiên trong lịch sử gần 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng Tổ quốc, quân dân ta đã tiến hành một chiến dịch phòng không quy mô lớn chống lại một cuộc tập kích chiến lược bằng B52. Đây cũng là một chiến dịch đầu tiên trên thế giới tiêu diệt lớn máy bay chiến lược B52 của Mỹ, giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử xâm lược của nó. Thất bại này của Mỹ là thất bại chiến lược toàn diện cả quân sự và chính trị.
Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không đã buộc đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán, kí văn bản Hiệp định Pari, thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết chấm dứt dính líu quân sự, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam. 40 năm đã qua đi nhưng âm hưởng hào hùng của chiến thắng ấy vẫn là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Với tầm vóc lịch sử vô cùng lớn lao đó, việc nghiên cứu nhằm phục dựng một cách toàn diện, khách quan, sâu sắc hơn lịch sử trận “Điện Biên Phủ trên không”, nhằm nêu bật vai trò của quân dân Hà Nội, lực lượng phòng không; khẳng định ý nghĩa thắng lợi; làm sáng tỏ thêm những bài học vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân vào bảo vệ Tổ quốc hiện nay, là hết sức có ý nghĩa.
- Về bố cục: Đề cương chi tiết gồm phần Mở đầu, kết luận, thư mục tài liệu tham khảo, phụ lục số liệu, ảnh, sơ đồ, nội dung chính kết cấu 4 chương. Chương 1 về bối cảnh chung và những yếu tố dẫn đến cuộc đối đầu lịch sử trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972. Chương 2 về quá trình chuẩn bị chiến đấu của Hà Nội, lực lượng phòng không quốc gia. Chương 3 về diễn biến cuộc chiến đấu đánh bại cuộc tập kích bằng không quân chiến lược của Mỹ của Hà Nội và quân dân miền Bắc. Chương 4 về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” với việc ký kết Hiệp định Pari. Đây là một bố cục hợp lý, bao quát, thể hiện được tính liên kết giữa các chương, cũng như nội dung của cuốn sách, như mục tiêu nhiệm vụ đặt ra.
- Về nội dung: Qua đề cương chi tiết, từng nội dung quan trọng được thể hiện khái quát, tương đối rõ về những vấn đề liên quan; đồng thời, thể hiện được những nội dung cần được nghiên cứu sâu, hoặc còn có ý những kiến nhận định, đánh giá chưa thống nhất.
Chương 1: gồm 2 tiết khái quát tình hình chiến tranh cách mạng ở miền Nam và những tác động đến chính trường Hoa Kỳ, tính toán của Mỹ trong chiến dịch ném bom rải thảm này.
Chương 2: gồm 3 tiết, về sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quá trình chuẩn bị của quân dân Hà Nội, của Quân chủng Phòng không - Không quân.
Chương 3: gồm 4 tiết về diễn biến cụ thể của cuộc chiến đấu, cũng như các hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phối hợp, khắc phục hậu quả.
Chương 4: gồm 4 tiết điểm lại diễn trình đàm phán Pari, tác động của chiến thắng với việc ký Hiệp định. Phần kết luận đánh giá ý nghĩa thắng lợi, sự chỉ đạo chiến lược của Đảng, nghệ thuật tác chiến, đánh giá của quốc tế.
Nội dung thể hiện như trên là khách quan, khoa học, thể hiện được những sự kiện quan trọng, cả những nội dung mới cần được làm rõ, đánh giá.
Để trao đổi thêm với chủ biên, TS. Nguyễn Danh Tiên có đưa ra một số vấn:
Chương 1, có thể bổ sung thêm tình hình chung về cách mạng thế giới, về quan điểm các nước đối với chiến tranh xâm lược của Mỹ đến thời điểm này, về tình hình cách mạng Việt Nam nói chung (bổ sung thêm vài nét về miền Bắc), về phong trào nhân dân thế giới, nhân dân Mỹ chống chiến tranh.
Chương 2, thể hiện rõ thêm về tinh thần, tư tưởng của quân dân Hà Nội trong quá trình chuẩn bị cũng như trong toàn bộ cuộc chiến đấu.
Chương 3, thể hiện rõ thêm kết quả nghiên cứu mới về con số thiệt hại của ta, thiệt hại của Mỹ.
Chương 4, thể hiện cụ thể hơn đánh giá, nhận xét ở tiết 4.
Sau những nhận xét, đánh giá, góp ý cả về mục đích, ý nghĩa đến kết cấu, nội dung mà bản đề cương chi tiết của đề tài đã thể hiện, ông có kết luận:Mặc dù còn một số vấn đề cần phải bổ sung, điều chỉnh cho đầy đủ, toàn diện hơn, song bản đề cương đề tài “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chứa đựng sự tâm huyết của tác giả. Bản đề cương có tính khả thi cao. Đề nghị Hội đồng nghiệm thu và cho phép tiến hành biên soạn cuốn sách để đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo bạn đọc.
Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, mong muốn chủ biên phải chọn cách thể hiện sao cho mềm mại, súc tích và truyền cảm hứng tới đông đảo độc giả. Đồng thời phải phục dựng được những ngày chiến đấu oanh liệt của quân và dân Thủ đô trong tiêu diệt máy bay B52 góp phần làm nên chiến thắng to lớn buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán, kí văn bản Hiệp định Pari, thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết chấm dứt dính líu quân sự, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Ngọc Linh (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội