“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” qua góc nhìn của lịch sử quân sự.
Từ ý nghĩa, mục đích cùng với đội ngũ đảm nhiệm đề tài đã tạo nên sự cuốn hút với các nhà nghiên cứu lịch sử nói chung và lịch sử quân sự nói riêng. Vậy nên, sau khi bản đề cương chi tiết được gửi đến các nhà nghiên cứu khoa học, đề tài đã nhận được nhiều ý kiến, đánh giá xác đáng. Sau đây là tổng hợp và giới thiệu những nhận xét đánh giá, góp ý từ góc độ của các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự.
* Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng - Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân: Đề tài đã nêu bật vai trò của quân và dân Hà Nội, lực lượng phòng không quốc gia và các tỉnh miền Bắc trong chiến thắng tháng 12/1972 trên bầu trời Hà Nội; Làm sáng tỏ một số bài học về chiến tranh nhân dân, chủ động chuẩn bị thế trận và lực lượng, nghệ thuật tác chiến sáng tạo;… Nội dung phát triển mới (trao đổi khoa học với tác giả nước ngoài về khả năng tránh được cuộc ném bom bằng B52 của Hoa Kỳ).
Đề cương chi tiết thể hiện cơ bản ý tưởng của các tác giả muốn tái hiện một giai đoạn hào hùng của quân và dân Thủ đô chiến thắng cuộc tập kích chiến lược trên bầu trời Hà Nội, đồng thời mang ý nghĩa khoa học, nhất là những bài học rút ra qua các tư liệu, tài liệu và dưới góc nhìn hiện nay về một sự kiện đã diễn ra hơn 40 năm qua.
Thiếu tướng Hồng Quân có góp ý:
Về bố cục: Mở đầu và 4 chương: về cơ bản là phù hợp; tuy nhiên có thể rút xuống thành 3 chương. Cân nhắc việc có thể ghép chương III và chương IV để tránh trùng lắp khi viết. Trong trường hợp này, cần phân bố lại các ý chính.
Tên chương I, nên thay từ “con đường” dẫn đến cuộc đối đầu lịch sử bằng từ khác (phù hợp hướng diễn giải nguyên nhân dẫn đến cuộc tập kích chiến lược bằng đường không),
Ở chương I. Mục 1. Chiến tranh cách mạng ở miền Nam và những tác động đến chính trường Hoa Kỳ
Nên đề cập đầy đủ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam (cả hai miền, không đạt được mục tiêu) và những tác động đến Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực (không riêng chính trường) chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại, nhất là tác động đến vị thế lãnh đạo thế giới phương Tây của Hoa Kỳ, ảnh hưởng của Hoa Kỳ giảm sút trên thế giới v.v…, từ đó thấy nhu cầu của Hoa Kỳ muốn rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Nên phân tích theo tác động từng mặt để bạn đọc dễ theo dõi.
Nên làm rõ thỏa hiệp (nếu có) giữa Mỹ - Trung, Mỹ - Xô qua các chuyến thăm năm 1972 (Đây là điểm mới và có giá trị thời sự hiện nay, cần khai thác các tư liệu để làm rõ).
Mục 2. Tính toán của Mỹ trong sử dụng không quân chiến lược tập kích Hà Nội, Hải Phòng và nhiều mục tiêu khác ở miền Bắc.
Trọng tâm của mục này là phân tích rõ các tính toán (a, b, c, d…) của Mỹ, vì vậy cần làm rõ các tính toán ấy là gì?
Có thể không nêu lại tình hình Hội nghị Paris bế tắc, nội tình quan hệ Mỹ và chính quyền Sài Gòn (nếu mục 1 đã nêu).
Chương II. Hà Nội cùng quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích bằng không quân chiến lược của Mỹ, cuối tháng 12/1972.
Nên cân nhắc ghép mục 3. Chương IV. Quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không (như đã trình bày), Hội nghị họp lại vào Chương II; như vậy sẽ tránh trùng lắp.
Chương III. Trong chương này, có thể và nên đưa thêm một mục Tuyên truyền quốc tế để nêu cao chính nghĩa của ta, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế. Mục này rất có ý nghĩa, để thấy chính nghĩa của Việt Nam, càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta đang phải đối mặt với tình hình hiện nay và những năm sắp tới trên biển Đông; mục này có thể để ở cuối chương.
Chương IV. Đại thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” với việc ký kết Hiệp định Paris.
Có thể bổ sung ý nghĩa chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” làm vô hiệu hóa phần nào thỏa hiệp giữa các nước lớn, làm sáng ngời chính nghĩa của ta.
Đề nghị xem xét có thể nêu những tổn thất của ta, để các thế hệ sau hiểu rõ hơn những hy sinh, cống hiến của ông cha.
Có phần bàn luận, trao đổi ý kiến với một số học giả nước ngoài về khả năng “tránh” cuộc đối đầu này (như một trong các mục đích đề ra của công trình?)
Nên thống nhất dùng từ “Hoa Kỳ” thay cho từ “Mỹ” trong toàn bộ đề tài.
Ở Phụ lục nên có một số hình ảnh tư liệu thế giới ủng hộ Việt Nam trong trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, hình ảnh về “Hà Nội – Thành phố Hòa bình”.
* Với Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam Đại tá, PGS.TS. Hồ Khang - người có nhiều nghiên cứu sâu một số chủ đề liên quan tới hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã đưa ra cách nhìn nhận, đánh giá của mình, trước hết là những ưu điểm chính qua bản đề cương chi tiết:
Thứ nhất, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến ra đời, nhằm xuất bản những cuốn sách hệ thống hóa, thâu tóm và bổ sung cho hàng ngàn, vạn công trình, sách báo, tư liệu đã xuất bản từ trước đến nay, phản ánh một cách hoàn chỉnh bộ mặt tinh thần của Thăng Long - Hà Nội. Trong nỗ lực đó, việc nhìn nhận, đánh giá và nhận rõ tầm vóc những sự kiện lịch sử liên quan trực tiếp tới Thủ đô Hà Nội là hết sức cần thiết, góp phần mang lại những hình dung chân thực, đầy đủ hơn diện mạo của mảnh đất ngàn năm lịch sử, nơi hội tụ tinh hoa, khí tiết đất nước, dân tộc.
Thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, đề tài “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, nếu được biên soạn tốt, có những tư liệu và quan điểm tiếp cận mới, có thể làm rõ những vấn đề còn đang tranh cãi…sẽ không chỉ có những đóng góp quan trọng đối với lịch sử, văn hoá Thăng Long - Hà Nội, mà còn đối với khoa học lịch sử nói chung.
Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam hoàn toàn đồng ý và hết sức hoan nghênh, cổ vũ cho việc Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức nghiên cứu đề tài “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
Thứ hai, ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Thư mục và Phụ lục, đề tài được bố cục thành bốn chương, 13 mục, ôm trùm toàn bộ khung thời gian của vấn đề nghiên cứu. Chúng tôi cho rằng, đó là một kết cấu hợp lý, gọn, rõ, cho phép giải quyết tốt những nội dung nghiên cứu cơ bản.
Thứ ba, đề cương đề tài đã tập trung đề cập đến những vấn đề như: Bối cảnh lịch sử, nguyên nhân trận chiến, sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chuẩn bị của quân dân Hà Nội, của lực lượng Phòng không – không quân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của trận đánh… Đó là những vấn đề, như chúng tôi quan niệm, bao quát được những nội dung chính nhất, trọng yếu nhất của Hà Nội trong 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu chống lại chiến dịchLinebacker II của Mỹ, thể hiện đầy đủ sắc diện của sự kiện lịch sử.
Một cách tổng quát, chúng tôi cho rằng, đề cương chi tiết đề tài Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không được thực hiện công phu, nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu là nền gốc, là rường cột định hình toàn bộ nội dung, hình khối cho đề tài sau này.
Đồng quan điểm với Thiếu tướng. PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, PGS.TS. Hồ Khang cho rằng về bố cục ở Mục 1 và 2 của chương 4 nên gộp làm một và chủ yếu trình bày các nội dung sát với khung thời gian của sự kiện 12 ngày đêm chống B52, bởi vì ở Mục 2, chương 1 đã có điểm về “tình hình Hội nghị Paris cho đến cuối năm 1972”.
Ở phần Mở đầu, ngoài việc khảo cứu, phân tích những công trình nghiên cứu có liên quan, cần trình bày thêm mục đích nghiên cứu của công trình và khái quát những vấn đề sẽ được giải quyết trong phần nội dung.
Trong Mục 1, chương I, cũng nên thêm tình hình thế giới, nhất là những vấn đề có liên quan đến chiến tranh Việt Nam.
Mục 2, chương I, nên thêm nội dung về sự chuẩn bị mọi mặt của Mỹ cho chiến dịchLinebacker II, nhằm đưa Hà Nội trở về “thời kỳ đồ đá”.
Mục 1, chương II, chỉ nên đặt là Sự chỉ đạo của Đảng Lao động Việt Nam.
Mục 3, chương 4 nên đổi thành: “Thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” và việc ký kết Hiệp định Paris”.
Trong Kết luận có đề cập đến “sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế” – để đảm bảo logic, nội dung này cũng phải được đến trong nội dung của các chương.
Tên chương, mục nên đặt lại sao cho chuẩn xác, gọn rõ, mềm mại, giầu chất văn hơn. Không nên sử dụng cụm từ “Ngụy”. Diễn đạt của người viết nên thể hiện là người đứng giữa, quan sát, mô tả và phân tích, đánh giá khách quan.
* Sau những nhận định, đánh giá và góp ý của Thiếu tướng. PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân và PGS.TS. Hồ Khang thì Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - PGS.TS. Trần Ngọc Long đã đưa ra quan điểm của mình:
Về tính cấp thiết, ý nghĩa của đề tài: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, thắng lợi của quân và dân miền Bắc trong việc đánh bại cuộc tập kích chiến lược đầy tham vọng của Mỹ cuối tháng 12 năm 1972 là một sự kiện lịch sử quan trọng, góp phần cùng với thắng lợi của quân và dân miền Nam làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh. Thắng lợi đó đã buộc Đế quốc Mỹ phải chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Có thể khẳng định, nếu không có những thắng lợi ở trên cả hai miền Nam - Bắc, đặc biệt là thắng lợi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12 năm 1972, thì không thể có được kết quả trong Hội nghị 4 ben tiến tới Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Pari và cũng không có điều kiện để quân và dân ta hoàn thành sứ mệnh “đánh cho Mỹ cút”, tiến tới “đánh cho Ngụy nhào”.
Mặc dù hơn 40 đã trôi qua và đã có khá nhiều công trình nghiên cứu nhưng sự kiện “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Chính vì vậy việc triển khai nghiên cứu một cách có hệ thống vấn đề này là hết sức cần thiết; nó không chỉ có ý giá trị khoa học mà còn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Những gì được nêu trong phần Mục đích, ý nghĩa của đề cương tuy còn ở dạng khái lược nhưng đã thể hiện được những mục đích chủ yếu khi triển khai thực hiện đề tài này.
Về bố cục: Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục, đề tài được kết cấu làm 4 chương, tôi cho là tương đối hợp lý. Tuy nhiên cũng có thể nghiên cứu một kết cấu khác (sẽ trình bày ở mục Một số vấn đề trao đổi sau). Tên các chương nhìn chung là tạm chấp nhận được.
Về nội dung: Những nội dung được phản ánh trong Đề cương về cơ bản đã bao trùm được những vấn đề chủ yếu cần thể hiện của Đề tài. Hay nói cách khác là Đề cương đã phản ánh được khá đầy đủ các vấn đề đặt ra, thuộc về hoặc liên quan đến sự kiện “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Cũng đồng quan điểm với hai vị trên, PGS.TS. Trần Ngọc Long góp ý thay vì 4 chương như trong Đề cương, có thể tổ chức lại thành 3 chương. Theo đó, sẽ đưa mục 4 của Chương 4 “ Nhận xét về tác động của thắng lợi trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và kết quả Hiệp định Parris” thành mục 5 của Chương 3; nội dung của các mục 1 và 2 đưa lên gộp vào Chương 1; nội dung mục 3 nên lược bỏ vì đã được nêu trong Chương 3.
Nội dung của mục 4 (Chương 4) nêu như trong Đề cương là còn quá sơ lược, cần được bổ sung thêm. Tương tự như vậy, trong Kết luận cũng cần bổ sung thêm nội dung khái quát về âm mưu, chủ trương của Mỹ khi quyết định mở cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972 và tác động của thắng lợi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không “ đối với cục diện của cuộc chiến tranh.
Trong phần Mở đầu nên xác định rõ đối tượng, phạm vi không gian, nhiệm vụ nghiên cứu…
Trong Chương 2 cần bổ sung một số nội dung như: Hà Nội chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; xây dựng các phương án phòng tránh, đánh trả…
Ông cho rằngmặc dù còn một số vấn đề cần tiếp tục được trao đổi như đã nêu ở trên, song nhìn chung, Đề cương đã đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra.
Dưới góc nhìn của các nhà lịch sử quân sự thì đề tài phải có tính toàn diện, đầy đủ, các dữ kiện lịch sử đưa ra phải chuẩn xác và bổ sung thêm những vấn đề mới nhằm sáng tỏ lịch sử mang tính khách quan.
Đàm Ly (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội