Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tản Đà – ngôi sao sáng trên văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ XX
Thứ bảy, 05/07/2014 10:23
Tản Đà tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 29 tháng Tư năm Mậu Tý, là người con của vùng Xứ Đoài nay thuộc Hà Nội. Ông là một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông. Theo nhìn nhận và đánh giá của các nhà nghiên cứu, Tản Đà là một nhà thơ có vị trí lớn, được coi là hiện tượng đánh dấu mốc chuyển tiếp trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông cũng là gương mặt kiệt xuất của văn hoá Xứ Đoài – Hà Tây nay đã thành một bộ phận hữu cơ không thể thiếu của toàn bộ nền văn hoá Thăng Long – Hà Nội mở rộng. Do đó đề tài “Tuyển tập Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939)” do GS.TS. Trần Ngọc Vương chủ biên là công trình nghiên cứu, tuyển chọn tác phẩm Tản Đà qua việc tinh tuyển tác phẩm tiêu biểu để thấy chân dung một nhân vật xuất sắc của Hà Nội, cung cấp tư liệu giá trị cho giới nghiên cứu và đông đảo bạn đọc quan tâm, nghiên cứu về Tản Đà.


Trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ XX, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Ông đã dành thời gian đi khắp miền đất nước và để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Nguyễn Khắc Hiếu đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam và là "gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại".

Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn giỏi trong việc dịch Thơ Đường thành thơ lục bát và được biết đến như một người dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt hay nhất. Di sản văn học của ông góp phần làm nên diện mạo của văn hoá Thăng Long – Hà Nội trong một giai đoạn nhất định. Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu là một chân dung trí thức và nhà văn hoá tiêu biểu của Hà Nội đã góp phần làm sáng tỏ vai trò của Hà Nội với tư cách là trung tâm đào luyện, hội tụ những giá trị và điển phạm văn hoá.

Trên cơ sở kế thừa và hướng tới khắc phục những thiếu sót của các công trình đi trước về Tản Đà, đề tài “Tuyển tập Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939)” sẽ triển khai trên những nội dung sau:

1. Tuyển chọn các trước tác quan trọng nhất bao quát các lĩnh vực trước tác chính của Tản Đà.

2. Đem đến một hình dung tổng thể về sáng tác của Tản Đà – một điểm nhấn, gạch nối giữa hai thế kỷ.

3. Tuyển chọn những bài nghiên cứu bình luận có giá trị nhất về Tản Đà.

Với 3 nội dung này, đề tài được biên soạn, xuất bản sẽ là một cuốn sách vừa bao quát vừa chi tiết về sáng tác của Tản Đà, đem đến một cái nhìn trọn vẹn về một tác giả văn học tiêu biểu của Hà Nội để bạn đọc dễ hình dung và dễ cảm nhận.

Đây là một tuyển tập được biên soạn công phu, tinh tuyển tập trung vào di sản sáng tác đa dạng, toàn diện của Tản Đà, cung cấp một nguồn tư liệu hết sức cần thiết giúp bạn đọc định vị được vị trí của Tản Đà trong đời sống đương thời và cũng như trong tiến trình lịch sử văn học, qua đó cung cấp thêm nguồn tư liệu cho thấy tầm ảnh hưởng của Tản Đà với người đương thời, người thời nay và khẳng định sự tiếp nhận di sản văn học của Tản Đà từ phía giới nghiên cứu và phê bình văn học. Mặc dù đã có toàn tập về Tản Đà của Nguyễn Khắc Xương được xuất bản năm 2002 và một số tác phẩm tuyển tập về Tản Đà được xuất bản những năm cuối thế kỷ XX được giới nghiên cứu và phê bình ghi nhận, nhưng ở đề tài này chúng ta vẫn thấy được tính mới thông qua việc bổ sung những tư liệu mới chưa xuất hiện trong cuốn toàn tập trước đây. Với kết cấu ba phần chính (Tổng luận, Tuyển chọn tác phẩm, Tuyển các bài nghiên cứu), bố cục của tuyển tập này được Hội đồng nghiệm thu đề cương đánh giá là phù hợp trên cả bình diện tổng thể cũng như cấu trúc phần sáng tác của Tản Đà. Hơn nữa, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của đề tài đảm bảo khoa học và đáng tin cậy.

Đây là cuốn sách theo mô hình tác giả và dư luận, kèm theo một tổng luận nghiên cứu chuyên sâu thuộc đề tài nghiên cứu chuyên biệt do đó đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về hoạt động sưu tập văn bản, khảo chứng, chú giải cũng như sự hiểu biết rất chuyên sâu về văn bản và lịch sử nghiên cứu Tản Đà. Bởi thế mà Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến tin tưởng khi chọn GS.TS. Trần Ngọc Vương - chuyên gia hàng đầu về văn học trung đại, đã có 40 năm nghiên cứu về tác giả Tản Đà kể cả văn nghiệp và những mối quan hệ xung quanh nhà nho tài tử này làm chủ biên cuốn sách này.

Bài Tổng luận do chính GS.TS. Trần Ngọc Vương chấp bút với sự đầu tư kỹ lưỡng hứa hẹn sẽ là một điểm nhấn của công trình. Cùng với việc hệ thống và tuyển chọn những tác phẩm đặc sắc của Tản Đà trên nhiều thể loại, đặc biệt với sự cố gắng tuyển một số tác phẩm trước nay vẫn bị bỏ qua hoặc thất lạc, công trình được Hội đồng đánh giá sẽ là sự bổ sung quan trọng cho các toàn tập, tuyển tập về Tản Đà đã có trước đây. Với sự tin tưởng và kỳ vọng của Hội đồng Tư vấn khoa học, Ban Quản lý Dự án – Nhà xuất bản Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu đối với một đề tài tuyển tập về Tản Đà, đây sẽ là một trong những tài liệu tham khảo có hệ thống và giá trị về Tản Đà phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của đông đảo bạn đọc và giúp cho độc giả có được cái nhìn sâu sắc về một tác gia văn học tiêu biểu đầu thế kỷ XX.
 

Trần Thảo Linh

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá