Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
"Tuyển tập Tản Đà" qua con mắt của các Nhà nghiên cứu
Thứ bảy, 12/07/2014 11:55

Tản Đà là một tác giả có vị trí, vai trò đặc biệt bậc nhất của văn học Việt Nam giai đoạn giao thời. Khi mà xã hội đang thay đổi văn hóa từ Hán học chuyển sang Tây học, từ nông thôn chuyển lên thành thị. Ông chính là nhà văn đô thị đầu tiên, là nhà thơ nho học cuối cùng và là “người đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ”[1] trong lịch sử văn chương Việt Nam.

 

Nói đến ấn phẩm tiêu biểu tuyển chọn vể Tản Đà những năm trước cách mạng, đáng phải kể đến là cuốn: “Tản Đà vận văn”, do Nguyễn Mạnh Bổng tuyển chọn, Nhà xuất bản Hương Sơn ấn hành năm 1944. Mãi đến năm 1986, Nhà xuất bản Văn học mới in “Tuyển tập Tản Đà”. Như vậy là hơn 30 năm, từ năm 1954 cho đến năm 1986, người đọc mới được tiếp cận lại với những tác phẩm của Tản Đà, dù chưa thật đầy đủ. Không phải tự nhiên mà việc tuyển chọn và nghiên cứu về Tản Đà lại có một khoảng lặng như vậy. Chính là bởi Tản Đà là một “khối mâu thuẫn lớn[2], không phải ai cũng hiểu đúng và hiểu rõ về ông. Có một thời, giá trị văn học của Tản Đà bị xem nhẹ, thậm chí là bị đánh giá gay gắt. Người ta cho rằng ông đã hờ hững với phong trào yêu nước, thỏa hiệp với chính quyền Pháp, nương tựa vào giới tư bản thuộc địa, sống và làm thơ theo lối hưởng thụ trong một giai đoạn truân chuyên của đất nước. Hay nói cách khác thì Tản Đà bị xếp vào đại biểu hàng đầu của dòng văn học lãng mạn thoát ly và tiêu cực.

Hiện nay, khi chiến tranh đã qua đi, người ta lại nhìn ông bằng cái nhìn tích cực và công bằng hơn. Người ta lại nhận thấy được những giá trị đóng góp đáng kể của ông đối với nền văn học Việt Nam. Về văn, Tản Đà là một trong số ít nhà nho đầu tiên đưa văn xuôi vào văn học. Về thơ, Tản Đà tuy không hẳn đứng vào những tác giả thơ mới nhưng chính ông đã đưa luồng gió mới vào thi ca Việt Nam. Bởi thế mà, đương thời nhà thơ Xuân Diệu đã bất chấp những quan niệm của thời đại và luôn đánh giá cao những trước tác của Tản Đà.

Đến những năm gần đây, nhà văn Nguyễn Khắc Xương, con trai trưởng của Tản Đà đã cho ra mắt cuốn “Tản Đà trong lòng thời đại”, năm 1997 và đặc biệt là bộ 5 tập “Tản Đà toàn tập” in năm 2002 tại Nhà xuất bản Văn học. Hai bộ sách đã cung cấp cho độc giả không chỉ tư liệu mà còn cả những trước tác của Tản Đà. “Tản Đà toàn tập” được xem là công trình biên soạn đầy đủ nhất về toàn bộ văn nghiệp Tản Đà. Nhà văn Nguyễn Khắc Xương đã dành nửa đời người để thâu lượm tất cả những trước tác hiện còn về người cha của mình. Tuy nhiên, vì ở dạng thâu lượm nên cuốn sách có phần tản mạn, không thấy được điểm nhấn và tinh hoa tiêu biểu cho phong cách Tản Đà. Bên cạnh đó, một số tác phẩm vẫn còn bị bỏ sót như “Tản Đà thực phẩm”, “Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện”.

Không chỉ có vậy, viết về Tản Đà còn có “Tản Đà về tác giả tác phẩm” của TS. Nguyễn Đức Mậu, in năm 2001, là tư liệu tham khảo cung cấp các bài bình luận nghiên cứu chính về Tản Đà, nhưng cuốn sách không trích tuyển các sáng tác. Một số khác lại tập trung nghiên cứu một lĩnh vực sáng tác của Tản Đà, hoặc một đặc trưng văn nghiệp hoặc tuyển một số tác phẩm của ông v.v...

Tất cả đều không đưa ra được một hình dung đầy đủ về tác giả văn học này. Chính vì thế, để có thể cung cấp những trước tác quan trọng, chính yếu của Tản Đà, để có thể viết lại những ngổn ngang trong quá trình đánh giá về ông, chúng ta - Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” vẫn rất cần có một “Tuyển tập Tản Đà” nữa ra đời. “Tuyển tập Tản Đà” lần này vừa là sự chắt lọc những công trình đi trước vừa là bổ sung những cái mới. Nhờ đó, toàn bộ văn nghiệp của Tản Đà sẽ được phục dựng lại một cách toàn diện. Người đọc sẽ có được sự hình dung trọn vẹn về Tản Đà - một dấu gạch nối giữa hai thế kỷ, một tác giả văn học tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội.

Tuyển tập Tản Đà” trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II lần này được biên soạn bởi GS.TS. nhà giáo Trần Ngọc Vương. Ông là người đã có trên dưới 40 năm nghiên cứu và cũng có không ít những công trình sâu rộng về Tản Đà. Bởi thế mà giáo sư đã và sẽ viết về Tản Đà như người trong cuộc. GS.TS. Trần Ngọc Vương - chủ biên công trình đã đưa ra một bản đề cương khá hoàn chỉnh gồm ba phần chính:

Phần một: Tổng luận: cung cấp thông tin với độ tin cậy cao về tiểu sử, quá trình sáng tác, danh mục và thời điểm công bố những tác phẩm chính của Tản Đà; đưa ra những nhận định, đánh giá mới nhất về Tản Đà.

Phần hai: Tuyển chọn tác phẩm: Tuyển chọn những trước tác tiêu biểu của Tản Đà theo các lĩnh vực: thơ, văn xuôi, dịch thuật và nghiên cứu.

Phần ba: Tuyển chọn các bài bình luận nghiên cứu về Tản Đà.

Về bố cục của tuyển tập là tương đối hợp lý xét trên bình diện tổng thể cũng như cấu trúc phần sáng tác của Tản Đà. Tuy nhiên, để bản đề cương được hoàn thiện hơn, một số nhà khoa học cũng đã đưa ra một vài nhận định và ý kiến đóng góp như sau:

* Theo nhà thơ Bằng Việt: Đây là một đề tài rất cần thiết và xứng đáng được bổ sung vào Giai đoạn II “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” do NXB Hà Nội làm chủ đầu tư, vì Tản Đà là nhà thơ có vị trí lớn, là hiện tượng đánh dấu mốc chuyển tiếp trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX ở giai đoạn từ thơ ca cổ điển sang thơ ca hiện đại. Ông cũng là gương mặt kiệt xuất của văn hóa Xứ Đoài/Hà Tây - nay đã thành một bộ phận hữu cơ không thể thiếu của toàn bộ nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội mở rộng. Cần thiết phải dành cho ông một công trình nghiên cứu và tuyển chọn tác phẩm xứng tầm. Công trình của GS.TS. Trần Ngọc Vương đã làm rất phù hợp với yêu cầu và cũng rất kịp thời.

Trong các danh mục tác phẩm có để lại dấu ấn riêng của Tản Đà, như chúng ta biết, còn ghi nhận có ba cuốn: “Tản Đà xuân sắc”, “Còn chơi”, “Thần tiên”, soạn giả cần xem xét để chọn tuyển. Và cả quyển “Quốc sử huấn mông” của Tản Đà, tuy có thể chưa đạt chuẩn một quyển giáo khoa thư về Quốc sử, nhưng tràn đầy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, vì vậy có thể cũng nên chọn trích một số đoạn chăng?

Nhà thơ Bằng Việt cũng đồng tình với ý định của soạn giả muốn tìm cho được 4 kịch bản của Tản Đà viết cho các Rạp tuồng Nguyễn Đình Kao (Hải Phòng) và Sán Nhiên Đài (Hà Nội): Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, Dương Quý Phi, Tây Thi, Người cá. Đây cũng là một bổ sung cần thiết cho phần sáng tác còn ít người biết của Tản Đà. Nhưng không rõ khả năng hiện nay có thể tìm ra được các văn bản này không? Nhất trí với việc đưa phần “Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện” vào tuyển tập vì ít có ở các tuyển tập khác, nhất là trong hoàn cảnh đặc biệt sang năm 2015 và 2016 (nhân dịp kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du).

* PGS.TS. Vũ Thanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học, cho rằng đây là một cuốn sách bề thế về một tác giả lớn, vì vậy nên có phần Niên biểu về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, phần Sách dẫn của công trình và Thư mục tài liệu tham khảo về nhà thơ. Công trình cũng nên có phần Quy cách biên soạn, trình bày quan điểm của các soạn giả về việc lựa chọn tác phẩm của Tản Đà, giới thuyết việc vì sao lại chọn tác phẩm này và không chọn tác phẩm khác, vì sao thể loại này lại chỉ chọn một nửa tác phẩm, cũng như trình bày những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tập hợp hoặc dịch thuật tư liệu v.v… Điều đó sẽ giúp cho cuốn sách thêm công phu, bề thế và như một sự tổng kết của giai đoạn hiện nay về cuộc đời và sự nghiệp của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

Mặc dù được gọi là Đề cương chi tiết nhưng nếu ở một số phần đề cương được trình bày chi tiết hơn nữa thì người đọc sẽ có được những nhận xét cụ thể hơn. Ví dụ nếu Phần một: Tổng luận được trình bày chi tiết hơn bao gồm các ý chính, các luận điểm chính của tác giả Tổng luận về cuộc đời, sự nghiệp Tản Đà thì mọi vấn đề sẽ rõ hơn. Cũng vậy, ở Phần hai: Tuyển chọn tác phẩm, nếu trình bày cụ thể hơn nữa việc lựa chọn tác phẩm, cũng như thực trạng văn bản hiện có của cuốn sách thì người đọc sẽ dễ bề góp ý cho bản Đề cương hơn.

* Ý kiến của TS. Trần Văn Toàn: Tản Đà là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của văn học giao thời. Về bản chất, văn học giao thời là sự tha hóa của văn học nhà Nho trong môi trường đô thị. Nguyễn Khắc Hiếu lên Hà Nội học trường Quy Thức năm 1907. Từ 1916, ông lấy bút hiệu Tản Đà và chính thức trở thành người làm báo viết văn chuyên nghiệp. Ông mất tại Ngã Tư Sở năm 1939. Trong toàn bộ cuộc đời mình, dù kinh lịch qua nhiều không gian khác nhau (trải suốt hai miền Nam Bắc) thì Hà Nội chắc chắn vẫn là không gian quan trọng nhất tham dự vào việc hình thành nên phong cách, cá tính sáng tạo độc đáo của Tản Đà. Việc biên soạn công trình “Tuyển tập Tản Đà” trong khuôn khổ Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”vì thế là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Nếu làm tốt, công trình này chẳng những cung cấp một chân dung trí thức và văn hóa tiêu biểu của Hà Nội mà còn góp phần làm sáng tỏ vai trò của Hà Nội với tư cách là trung tâm đào luyện, hội tụ những giá trị và điển phạm văn hóa.

Bên cạnh đó, tập thể biên soạn cần làm rõ khả năng tìm kiếm được các văn bản kịch của Tản Đà, bao gồm: Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, Dương Quý Phi, Người cá, Tây Thi. Mục tuyển chọn văn xuôi: nên bỏ “Đàn bà Tầu”. Phần ba (tuyển chọn các bài nghiên cứu): nên có một thư mục nghiên cứu về Tản Đà, góp phần làm rõ hơn về Tản Đà trong lịch sử tiếp nhận.

* Ý kiến của TS. Nguyễn Đức Mậu: Nhìn chung nội dung rất tốt, có thuyết minh cụ thể, nói lên đúng cái cần thiết của sự lựa chọn, các loại lí do, ý tưởng đều có ý nghĩa, người tuyển cũng là người rất đáng tin cậy và cũng cần khẳng định đây là sự lựa chọn đúng của Nhà xuất bản. Dù vậy, với số trang 1200 trang cũng cho thấy thêm một tinh thần khác, cảm giác số trang vượt giới hạn một tuyển tập, mặc dù chắc không ai quy định số trang cụ thể.

Phần ngoài tác phẩm Tản Đà (300 trang) bằng 1/3 tác phẩm Tản Đà (900 trang) tạo cảm giác pha loãng trọng tâm. Nên chăng bỏ phần nghiên cứu phê bình mà chỉ lấy phần Hồi ức, kỉ niệm rất hay và quan trọng hơn, là nó rất liên quan trực tiếp với quan hệ cá nhân Tản Đà.

Nên đưa thêm Nhàn tưởng, đây là những đoạn, những câu rất hay, và thêm một cách để hiểu thơ văn, quan niệm, tư tưởng Tản Đà.

Nên đưa bài Văn Hoa Tiên và Văn Kiều của Tản Đà vào tuyển, đây là bài phê bình hay, hiếm - một nhà thơ rất nổi tiếng bình hai tác phẩm rất nổi tiếng, mà rất tiếc không có trong các tuyển và cả Toàn tập Tản Đà. Bài này nằm trong Phụ nữ tân văn, số xuân năm 1934, hiện nay Thư viện quốc gia không còn số báo này. Nếu đi sâu thêm vào cụ thể các bài thì có thể góp ý thêm, ví dụ, nên đưa các lời bình giải của chính Tản Đà vào các bài hát nói của ông vì chính ông nói rằng muốn giải nghĩa trực tiếp cho các cô đầu ở Hải Phòng, ông gọi là Bình Khang tân thanh. Những chi tiết như thế nói lên gốc nguồn bài hát nói, mục đích sáng tác, cùng đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hoá của một nhà thơ nổi tiếng vào đầu thế kỉ XX.

* Ý kiến của TS. Phạm Xuân Thạch: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là một tác gia văn học, một nhà báo, nhà văn hoá mà gần như toàn bộ cuộc đời hoạt động gắn với vùng văn hoá Thăng Long, Hà Nội. Di sản văn học của ông góp phần làm nên diện mạo của văn hoá Thăng Long, Hà Nội trong một giai đoạn nhất định. Cho đến nay, toàn bộ sự nghiệp của Tản Đà đã được tâp hợp trong một toàn tập, hình thức tập hợp di sản đầy đủ nhất và toàn tập Tản Đà cũng là một trong những toàn tập được làm chu đáo nhất trong số các toàn tập tác giả được nhà nước tài trợ. Với tư cách là một tập hợp tài liệu nghiên cứu, toàn tập là một công trình có giá trị, dẫu vậy, xét từ góc độc phổ biến di sản văn học đến đông đảo bạn đọc thì toàn tập vẫn có những hạn chế nhất định và vẫn cần những tuyển tập tác giả được biên soạn chu đáo, thể hiện được một cách tập trung, cô đọng diện mạo tác giả, kèm theo những chỉ dẫn, dẫn nhập được chuyên gia có uy tín biên soạn, kèm theo những tư liệu liên quan ngoài sáng tác. Từ góc độ đó, việc biên soạn một tuyển tập Tản Đà là cần thiết.

Căn cứ vào những gì được trình bày trong đề cương chi tiết của đề tài, có thể thấy, đây là một tuyển tập được biên soạn công phu. Nó không chỉ cho thấy một cách tập trung di sản sáng tác đa dạng, toàn diện của Tản Đà, cung cấp một “lối vào” hết sức cần thiết giúp bạn đọc định vị được vị trí của Tản Đà trong đời sống đương thời cũng như trong tiến trình văn học sử, đồng thời cung cấp tư liệu cho thấy được ảnh hưởng của Tản Đà đối với người đương thời, người thời sau, đồng thời cho thấy lịch sử tiếp nhận di sản văn học của Tản Đà từ phía giới nghiên cứu và phê bình. Mặc dù đã có toàn tập nhưng tuyển tập vẫn thể hiện được tính mới thông qua việc bổ sung những tư liệu mới chưa xuất hiện trong toàn tập, việc có một bài tổng luận giới thiệu toàn diện diện mạo của Tản đà và những tư liệu phi sáng tác. Bố cục của tuyển tập là hợp lí trên bình diện tổng thể cũng như cấu trúc phần sáng tác của Tản Đà. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu là hợp lí và khoa học.

Bên cạnh đó, tiến sĩ cũng đưa ra một số điểm góp ý:

- Về phương pháp nghiên cứu, để tìm ra một văn bản khả tín nhất để đưa vào tuyển tập, tốt nhất nên tìm văn bản gốc. Việc đối chiếu các bản biên soạn cũng chỉ nên coi là một phương pháp mang tính bổ sung trong điều kiện bất khả kháng, không tìm được văn bản mà thôi.

- Nên dành dung lượng của phần ba cho các hồi ức, kỉ niệm về Tản Đà. Những nghiên cứu về Tản Đà, nên trình bày dưới dạng một thư mục nghiên cứu có phân loại thì tốt hơn là trích in vì những nghiên cứu này rất đa dạng, từ một bài báo cho đến một cuốn sách.

- Đề cương được trình bày rất kĩ về mặt khoa học nhưng theo tôi nên có một phần là kinh phí thực hiện trong đó, người viết nên tính tới kinh phí cho tất cả mọi đầu việc từ sưu tầm, in sao tài liệu, biên soạn bài dẫn nhập đến biên soạn tuyển tập

* Ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, đề tàiTuyển tập Tản Đà” kèm theo một tổng luận nghiên cứu chuyên sâu thuộc một trong số đề tài nghiên cứu có tính chuyên biệt, đòi hỏi sự am hiểu cả về hoạt động sưu tập văn bản, khảo chứng, chú giải cũng như sự hiểu biết thực sự chuyên sâu về văn bản và lịch sử nghiên cứu Tản Đà trong suốt gần một thế kỷ vừa qua.
Nói về định hướng nghiên cứu mới của đề tài, phó giáo sư đã chỉ ra một số điểm sau:

- Về kết cấu, đề tài có ba phần khác biệt nhau. Có thể hình dung đây là loại sách triển khai theo mô hình “Tác phẩm và dư luận”, tức là có phần chính yếu bao quát văn bản tác phẩm và phần sưu tập các công trình nghiên cứu về tác giả - tác phẩm đó.

- Phần một - Tổng luận (60 trang) được diễn giải theo hướng cung cấp một công trình nghiên cứu tổng quan và chuyên sâu về tác giả - tác phẩm Tản Đà (có khác so với cách viết Lời nói đầu ở cả loại sách “Tác phẩm và dư luận” (thường viết ngắn gọn, chỉ có tính định hướng) cũng như loại sách “Về tác gia và tác phẩm” (thường bao quát, hệ thống hóa và phân tích chuyên sâu quá trình tiếp nhận tác giả - tác phẩm). Theo cách diễn giải ở đề cương thì bài tổng luận được viết theo đúng tinh thần một công trình nghiên cứu mới, do đó cần lưu ý về sự ăn nhập cơ hữu với nội dung sách.

- Phần hai - Tuyển chọn tác phẩm (900 trang). Thuận lợi lớn nhất ở đây là đã có Tản Đà toàn tập (5 tập, 2002) do Nguyễn Khắc Xương biên soạn thì rất yên tâm. Yêu cầu đặt ra chủ yếu là cách chọn lọc, rút gọn, giản lược số trang văn bản như thế nào để có được tuyển tập ngắn gọn hơn, cô đúc hơn, tinh lọc hơn mà vẫn theo sát chân dung Tản Đà. Công phu hơn là việc có thể bổ sung những gì, đính chính những gì, chỉnh lý, tổng hợp và nâng cao được những gì để làm nên đóng góp thực sự mới mẻ trong tiến trình lịch sử khảo chứng văn bản Tản Đà? Chẳng lẽ cái mới/cái khác chủ yếu lại là sự rút gọn từ công trình văn bản tác phẩm Tản Đà của Nguyễn khắc Xương?

- Phần ba - Tuyển các bài bình luận, nghiên cứu Tản Đà (200 trang). Thuận lợi lớn nhất ở đây là đã có Tản Đà - về tác gia và tác phẩm do Trịnh Bá Đĩnh - Nguyễn Đức Mậu tuyển chọn, giới thiệu thì cũng khá yên tâm. Không có gì phải bàn nhiều khi tuyển lại 150 trang nghiên cứu tư tưởng và tác phẩm Tản Đà (khoảng 1/4 số trang từ sách Tản Đà - về tác gia và tác phẩm) nhưng về nội dung “Hồi ức, kỷ niệm về Tản Đà” (50 trang) có thể có thêm nét mới mới chịu khó tìm về những trang viết của người đương thời viết về Tản Đà (đầu thế kỷ đến 1945).
***
Tóm lại, bằng những góp ý hết sức chân thành của các nhà khoa học, bản đề cương đề tài “Tuyển tập Tản Đà” đã dần hoàn thiện. Chủ công trình - GS.TS. Trần Ngọc Vương là người có nhiều kinh nghiệm, đủ năng lực, tâm huyết và hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để hoàn thành tốt đề tài này. Hy vọng công trình sẽ sớm được ra mắt độc giả, đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc yêu mến nhà thơ của núi Tản sông Đà.
 


[1] Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Lời nói đầu, nhà xuất bản Nguyễn Đức Phiên, Huế, 1942.
[2] Tản Đà khối mâu thuẫn lớn, Tầm Dương, Nhà xuất bản Khoa học, 1964.


 

Phạm Trang tổng hợp

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá