Đề cương đề tài nhận được sự ủng hộ, đánh giá rất cao của Hội đồng thẩm định, nghiệm thu. Sau đây là một số ý kiến đánh giá cụ thể:
Theo PGS.TS. Hán Văn Khẩn trong suốt 40 năm qua, nhất là 10 năm gần đây, khảo cổ học đã phát hiện được hàng triệu hiện vật quý giá, hàng trăm nền móng kiến trúc, công trình xây dựng, phản ánh đời sống phong phú, tài trí sáng tạo và sự giao lưu rộng mở của người Việt trong xây dựng Kinh đô Thăng Long ngàn năm văn vật. Cho đến nay đã có một số công trình nghiên cứu được công bố về các di tích di vật phát hiện được tại Kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào tương xứng với tầm vóc to lớn của di sản Hoàng thành Thăng Long. Do đó, chủ trương biên soạn sách “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học” là rất cần thiết để giới thiệu khái quát về những dấu tích nền móng cung điện, những đền đài miếu mạo, những dòng sông cổ, những con đường lát gạch và Giảng Võ đường và tập hợp ngắn gọn, đầy đủ các kết quả nghiên cứu về lịch sử Thăng Long ngàn năm văn vật.
PGS.TS. Hà Văn Khẩn cho rằng đề tài gồm 3 chương, mỗi chương gồm có các mục khác nhau, được sắp đặt và thuyết minh cách giải quyết một cách hợp lý. Nhìn chung, các chương đã cố gắng trình bày khái quát đầy đủ về những khám phá khảo cổ học, đặc biệt tập trung làm nổi bật các địa điểm quan trọng nhất như trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và địa điểm khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Trên cơ sở đó, đề cương nêu ra các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa.
Một số trao đổi thêm với chủ biên và nhóm biên soạn của PGS.TS. Hán Văn Khẩn là trong bản đề cương, chương I (tr.3) có phần I, sao không có các phần II,… và nên chăng, ngoài 3 chương, sách nên có Lời nói đầu và Kết luận. Chương III đề cập đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản vậy các giá trị lịch sử - văn hóa khác thì sao. Và sách nên có đề xuất về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa?
Tóm lại, có thể thấy, đề cương được soạn thảo công phu, sách có thể biên soạn, sau khi chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định và nghiệm thu đề cương chi tiết
Không chỉ khẳng định đây là một đề tài hay, mang nhiều giá trị, PGS.TS. Hoàng Văn Khoán thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng bởi PGS.TS. Tống Trung Tín, chủ biên, là người chủ trì khai quật các địa điểm 18 Hoàng Diệu, Điện Kính Thiên, Đoan môn, Bắc môn, Hậu lâu, 11 Trần Phú, Văn Miếu, Đàn xã tắc, Nam giao, nút giao thông Văn Cao, Đào Tấn... nên sẽ có khả năng bao quát và tầm nhìn rộng về di tích Hoàng Thành qua các thời kỳ lịch sử. Ông cũng đồng ý với việc kết cấu sách chia làm 3 chương. Tuy nhiên đầu đề chương I “Thăng Long trong hình thế núi sông Việt Nam” nghe nên thơ nhưng hơi rộng. Có lẽ nên để đầu đề chương I là: “Lịch sử hình thành Thăng Long - Hà Nội”. Nội dung ở chương này trình bày địa hình, địa mạo, nhưng cần nhấn mạnh 2 mặt đối lập nhau của một vấn đề. Một mặt Thăng Long là vùng đất ở đồng bằng, có bề thế, sơn thủy hữu tình, có thuận lợi nhiều mặt. Cao Biền là người rất giỏi địa lý cũng chọn đây để xây thành Đại La. Suốt hàng ngàn năm Thăng Long là thủ đô không thay đổi. Mặt khác, Thăng Long nằm bên bờ sông Hồng bao quanh là thế giác nước hàng năm bị ngập lụt. Đặc điểm này để nêu ra giá trị kỹ thuật kiến trúc ở thời Lý, Trần, Lê. Các cột hiên chôn sâu xuống đất là định vị các lâu đài không trôi nổi khi bị ngập lụt. Các móng cột đều có nhiều lớp chắc chắn để nêu cao giá trị kỹ thuật xây dựng các lâu đài đã quan tâm đến một ngành khoa học xuất hiện sớm - ngành địa chất công trình. Tổng Công ty Địa chất công trình thuộc Bộ Xây dựng hiện nay có nguồn gốc từ thời Lý.
Chương IIvới đầu đề: “Thăng Long - những khám phá khảo cổ học” yêu cầu chương này được dự án xác định “Trình bày khái quát những khám phá khảo cổ học trên toàn bộ vùng đất thuộc Thăng Long xưa”. Xác định yêu cầu như trên là đúng. Nhưng nội dung lại trình bày tách bạch nên theo ông đầu đề chương II nên đổi là: “Kinh đô Thăng Long qua các triều đại”. Nội dung của chương này là trình bày kinh đô Thăng Long qua 3 triều đại: Lý, Trần, Lê chứ không cần lưu ý đến phần Tiền Thăng Long và thời Nguyễn (khi kinh đô được đặt tại Huế).
Cách trình bày như sau: Ví dụ Kinh đô thời Lý các di tích và di vật đã được xác định, không cần trình bày chi tiết từng địa điểm mà thống kê các di tích thời Lý: Điện Kính Thiên; Đoan môn; Bắc môn; Các mặt bằng kiến trúc; Đàn xã tắc; Đàn Nam giao; Văn Miếu... Lập một sơ đồ các di tích đó rồi lấy bản đồ Hà Nội do cục bản đồ xuất bản, ốp sơ đồ này vào thành bản đồ số. Các di tích này cần trình bày địa tầng và những di vật thời Lý tiêu biểu kèm theo.
Kinh đô thời Trần và thời Lê cũng làm như vậy. Trình bày như thế này người đọc rất dễ hình dung.
Chương III. Giá trị di sản
Như vậy nội dung của cuốn sách gồm có 3 chương như sau:
Chương I: Lịch sử hình thành Thăng Long - Hà Nội.
Chương II: Kinh đô Thăng Long qua các triều đại: Kinh đô Thăng Long thời Lý; Kinh đô Thăng Long thời Trần; Kinh đô Thăng Long thời Lê
Có 3 bản đồ và di vật tiêu biểu kèm theo
Chương III: Giá trị di sản
Đánh giá đề tài có tính cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn trong việc giới thiệu sự hình thành và phát triển của Kinh đô Thăng Long - Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử thông qua những bằng chứng sinh động khảo cổ học, PGS.TS. Trình Năng Chung cho rằngđối tượng đề cập chính của đề tài là Kinh đô Thăng Long được thể hiện bằng các kết quả nghiên cứu khảo cổ học. Qua đề tài, các tác giả sẽ giới thiệu khái quát các cuộc khảo cổ học trên mảnh đất Hoàng Thành xưa như: Các dấu tích thời Đại La (thế kỷ VII - IX), di tích thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X), kiến trúc cung điện lầu gác thời Lý (thế kỷ XI - XII), kiến trúc cung điện lầu gác thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), kiến trúc cung điện lầu gác thời Lê (thế kỷ XV - XVIII), kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Ngoài những chứng tích trên, những chứng tích khảo cổ học khác trong chỉnh thể cấu trúc Hoàng Thành Thăng Long như La Thành, Đàn Xã Tắc, Đàn Nam Giao, Giảng Võ đường, Văn Miếu, Tràng Tiền v.v…cũng được đưa vào nghiên cứu và giới thiệu. Qua hình ảnh Thăng Long - Hà Nội, các tác giả sẽ nêu bật được những thành tựu của người Thăng Long - Hà Nội trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bằng phương pháp trình bày trên, ông cho rằng đây là phương pháp tối ưu để các tác giả thực hiện tốt nội dung của đề tài.
Thêm vào đó, PGS.TS. Trịnh Năng Chung cũng tỏ ra tin tưởng bởi chủ nhiệm đề tài - PGS.TS. Tống Trung Tín - là một chuyên gia khảo cổ học lớn, làm việc lâu năm ở Viện Khảo cổ học, là người chủ nhiệm toàn bộ dự án lớn khai quật Hoàng Thành Thăng Long. Ông đánh giá rất cao năng lực chuyên môn của chủ nhiệm đề tài. Đội ngũ cán bộ cộng tác của đề tài cũng là những chuyên gia có năng lực giải quyết được các vấn đề liên quan. Về nguồn tài liệu được sử dụng trong đề tài, ngoài những ấn phẩm tham khảo có chọn lọc, còn có khối lượng khổng lồ các di tích, di vật quý từ lòng đất Kinh thành Thăng Long. Qua thẩm định cho thấy những tài liệu đưa ra trong công trình này đã được chắt lọc, và có độ tin cậy rất lớn.
Về kết cấu của đề tài, PGS.TS. Trịnh Năng Chung cũng nêu lên một số đóng góp trong từng phần chính của công trình:
Ông hoàn toàn nhất trí với tên gọi cũng như nội dung mà các tác giả sẽ trình bày ở chương I: Thăng Long trong hình thế núi sông Việt Nam. Tuy vậy, ngoài những yếu tố tự nhiên, ông cũng muốn các tác giả nhấn mạnh bản chất Kinh kỳ của vùng đất Thăng Long - Hà Nội như một thuộc tính lịch sử được hình thành từ thời Cổ Loa - Âu Lạc.
Theo PGS.TS. Trịnh Năng Chung chương II chủ yếu đề cập đến các loại hình di tích kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy mô và quy hoạch không gian kiến trúc của Kinh thành Thăng Long trong quá trình lịch sử. Nhưng để kết cấu cho chương này hợp lý hơn, theo ông cũng chia làm 2 mục.
1. Hoàng thành Thăng Long (chia làm 2 tiểu mục)
1.1. Trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
1.2. Địa điểm 18 Hoàng Diệu - Phát hiện khảo cổ học lớn nhất Việt Nam đầu thế kỷ 21
2. Những chứng tích khảo cổ học khác trong chỉnh thể cấu trúc Hoàng thành Thăng Long
- Dấu tích La thành, địa điểm Đàn Xã Tắc v.v...
Về chương III: Giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, PGS.TS. Trịnh Năng Chung tin tưởng với kinh nghiệm dầy dạn của các tác giả, người đọc sẽ nhận thức được đầy đủ giá trị nổi bật toàn cầu của Kinh đô Thăng Long - Hà Nội.
TS. Nguyễn Văn Sơn cho rằng đề cương đề tài được xây dựng công phu, cẩn trọng. Ông đánh giá đầy là một đề tài có giá trị to lớn trong việc bảo tồn các giá trị vật thể và phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội. Song ông có ý kiến nên bỏ từ “toàn cầu” trong tên chương III cho có sự bao quát (chỉ phần Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới).
Dưới góc nhìn lịch sử, PGS.TS Vũ Văn Quân đánh giá cao đề tài ở phương diện kết cấu, nội dung và người thực hiện.
Hơn một nghìn năm kể từ ngày Lý Công Uẩn định đô, kinh thành Thăng Long đã chứng kiến bao sự đổi thay, bao bước thăng trầm của đất nước, của bể dâu thế sự. Một đất nước nhọc nhằn, một kinh đô cũng nhọc nhằn, không chỉ trong sản xuất, trong sáng tạo, mà còn trong chiến đấu, để phát triển, để tồn tại… và nhiều nhiều lý do khác nữa, nên thế mà nay, phần hầu hết những dấu tích vật thể cổ xưa không còn thấy nữa, ít nhất là trên mặt đất. Chỉ còn phần rất ít được bảo lưu trong lòng đất. Ít nên trở nên quý giá. Nhưng không phải chỉ có thể: ít nhưng vẫn phần nào cho ta thấy được cái lớn lao về quy mô, cái giá trị đến vô giá về nhiều phương diện. Đó chính là những di tích, di vật khảo cổ học. Sách này, với tên gọi “Kinh đô Thăng Long - những khám phá khảo cổ học”, sẽ tái hiện phần nào phần còn lại vô cùng quý giá đó.
Công trình do PGS.TS. Tống Trung Tín làm chủ biên là đảm bảo rằng sách sẽ rất có chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ vì ông là chuyên gia hàng đầu về khảo cổ học lịch sử Việt Nam, đặc biệt là về khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội, người đã chuyên tâm nghiên cứu về địa phương này từ hơn một chục năm nay và đã có nhiều công trình nghiên cứu về cùng chủ đề được công bố rất có giá trị, được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao.
Nhận định những định hướng cấu trúc sách được thể hiện trong bản đề cương là hợp lý, PGS.TS. Vũ Văn Quân đánh giá cao chủ trương của Nhà xuất bản, đã quyết định sáng suốt trao đề tài này cho PGS.TS Tống Trung Tín.
Theo GS. Phan Huy Lê cuốn sách rất cần thiết và nội dung rất hay. Trong vấn đề tên sách, để đúng, tác giả chú ý phải xác định qua nội dung. Theo ông nên chốt phạm vi sách trong kinh thành Thăng Long. Riêng chương I nên bổ sung thêm vế “tiến trình lịch sử” để vừa khái quát được mặt tự nhiên vừa nói được khía cạnh lịch sử. Ở chương II, ông lưu ý với chủ biên và nhóm biên soạn làm thế nào vừa trình bày được theo không gian, vừa cho thấy tiến trình thời gian. Và tên chương III nên bỏ từ “toàn cầu” vì nó sẽ phản ánh toàn diện hơn giá trị của các tư liệu được khảo cứu.
GS. Phan Huy Lê cũng nhấn mạnh phần lời viết cần ngắn gọn, xoáy vào khám phá khảo cổ học qua hình ảnh; nên tăng số lượng ảnh vì giá trị thông tin của ảnh cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, ông cũng lưu ý với chủ biên và nhóm biên soạn nên chú ý thêm nội dung về phần bảo tồn, phát huy, biến cuốn sách thành ý kiến kêu gọi trách nhiệm bảo tồn của các cơ quan hữu quan.
***
Bằng những góp ý hết sức cụ thể và cẩn trọng của các nhà khoa học, bản đề cương đề tài “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học” đã dần hoàn thiện. Chủ công trình - PGS.TS. Tống Trung Tín là người có nhiều kinh nghiệm, đủ năng lực, tâm huyết và hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để hoàn thành tốt đề tài này. Hứa hẹn đây sẽ là một công trình hay, mang nhiều giá trị khoa học và thực tiễn.
Nguyễn Dung (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội