Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Đề tài Địa danh Hành chính Hà Nội: Thể hiện tính toàn diện địa lý hành chính Hà Nội
Thứ tư, 03/09/2014 05:14

 

Với địa thế “rồng cuộn hổ ngồi”, Thăng Long – Hà Nội từ ngày định đô cho đến nay luôn là đề tài hấp dẫn các nhà văn hóa nói chung và các nhà nghiên cứu nói riêng quan tâm khai thác, đặc biệt là vấn đề địa danh. Thực tế trong những năm vừa qua đã có nhiều đề tài nghiên cứu và công bố như: Lược sử tên phố Hà Nội của nhóm tác giả Lê Thước; Hà Nội: phố làng biên niên sử của tác giả Nguyễn Bắc và Nguyễn Vinh Phúc; Đường phố Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá; Phố và đường Hà Nội của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc… Để có một cuốn sách mang tính đầy đủ, toàn diện được xem như một cuốn từ điển thì thực tế lại chưa có, vậy nên đề tài Từ điển địa danh hành chính Hà Nội do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh đã ra đời. Từ bản đề cương, đề tài đã nhận được nhiều nhận xét, đánh giá cũng như góp ý cho đề tài của các nhà khoa học, chúng tôi trân trọng giới thiệu:

 


Ngoài những đánh giá, nhận xét chung cho đề tài cũng như đồng tình ủng hộ nhóm biên soạn, TS. Nguyễn Thúy Nga có nêu vấn đề về tên đề tài và nội dung trong đề cương là không ăn khớp nhau. Đề tài có tên là Từ điển địa danh hành chính Hà Nội,nhưng trong đề cương, tác giả lại giới hạn phạm vi nghiên cứu là “địa danh hành chính của Thăng Long - Hà Nội cổ truyền” và cụ thể là “không gian nghiên cứu là địa bàn huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận dưới thời Nguyễn, tương ứng với 4 quận (thực ra là 5) Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ.

Theo tiến sĩ Nga nếu đúng như tên của đề tài thì phải làm địa danh hành chính của tất cả 12 quận, 18 huyện và 1 thị xã của thành phố. Vì vậy, nếu chỉ làm như nội dung đề cương thì nhóm biên soạn nên sửa lại tên đề tài, tức là chỉ khuôn trong nội thành chứ không phải thành phố Hà Nội hiện nay.

Còn về phương pháp biên soạn: nếu tác giả muốn làm đề tài theo hướng nghiên cứu và phần II mới diên cách địa danh thì không gọi quyển sách này là từ điển, còn nếu biên soạn theo dạng từ điển thì nên bỏ phần nghiên cứu. Bởi ất cả các loại từ điển, tự điển tử ngữ hoặc sinh ngữ, các bảng tra đều được biên soạn theo nguyên tắc: giải thích từ điều (hoặc gọi là mục từ), xếp theo thứ tự ABC. Ở đầu mỗi cuốn từ điển, tự điển chỉ có lời nói đầu, nội dung nói lý do biên soạn và hướng dẫn cách sử dụng là chính chứ không có phần nghiên cứu. Các cuốn từ điển về địa danh Hà Nội đã nói trên cũng tuân theo nguyên tắc này (xin nói thêm, cuốn Địa danh hành chính Hà Nội thời Nguyễn do nhóm chúng tôi thực hiện, sở dĩ Phần I có hơn 200 trang nghiên cứu, đến phần II mới là diên cách địa danh vì nó không phải là từ điển).

Tiến sĩ Nga bày tỏ về việc chưa thấy tác giả nêu rõ đơn vị hành chính định lấy làm mục từ biên soạn là đơn vị gì (phường, phố hay thôn) và lấy mốc địa danh cổ hay địa danh hiện tại? Ví dụ thôn Trừng Thanh Thượng (1 trong 10 thôn có tên là Trừng Thanh) từ đầu TK XIX thuộc tổng Tả Túc (từ đời Tự Đức về sau đổi tên thành Phúc Lâm) huyện Thọ Xương - nay là phố Hàng Muối phường Lý Thái Tổ quận Hoàn Kiếm. Vậy khi biên soạn tác giả lấy mục từ là Trừng Thanh Thượng hay Hàng Muối? Có lẽ nhóm sẽ lấy đơn vị hành chính là phố Hàng Muối để diên cách ngược thời gian về trước, nhưng điều này nên nói rõ trong đề cương.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thúy Nga thì điều quan trọng của làm diên cách địa danh là phải đưa ra được lý do của sự thay đổi. Ví dụ như sáp nhập 2 hoặc 3 thôn thành một thì ghép tên 2 - 3 tên đó thành một tên mới (ví dụ 2 thôn Cung Tiên, Tứ Mỹ thành thôn Tiên Mỹ - nay thuộc các phố Đỗ Hạnh, Vũ Hữu Lợi, Ga Hàng Cỏ; thôn Nam Phụ hợp với thôn Nguyên Khánh thành thôn Phụ Khánh - nay thuộc các phố Dã Tượng, Hoả Lò, Bông Nhuộm v.v...). Nhưng nhiều nhất và quan trọng nhất là do lệ kiêng húy (ví dụ thôn Hoa Ngư đổi thành Nam Ngư, Kim Hoa đổi thành Kim Liên năm Thiệu Trị 1 (1841) do kiêng húy tên mẹ vua là bà Hồ Thị Hoa; phường Hồng Mai năm Tự Đức 1 (1847) đổi thành Bạch Mai do kiêng húy tên tiểu tự của vua Tự Đức; phường Văn Chương trước là Văn Hương, năm Thành Thái (1889 - 1907) đổi do kiêng húy tên mẹ nuôi vua Kiến Phúc là bà Nguyễn Thị Hương v.v…), khi biên soạn nên nêu rõ được điều này để người đọc biết địa danh đó tại sao đổi và đổi năm nào v.v...

* Chủ nhiệm khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Vũ Văn Quân bày tỏ ông là người thích làm sách công cụ (mặc dù thực tế thì thành tựu chưa được đáng là bao). Với địa phương Thăng Long - Hà Nội, từ lâu đã đề xuất làm một bộ từ điển tổng hợp, thậm chí gọi nó là Đại từ điển Thăng Long - Hà Nội, nhưng tiếc là cho đến nay, vì nhiều khó khăn, nó vẫn chưa được triển khai. May thay, dù chưa như ý, nhưng với việc Ban Quản lý Dự án, chủ trương biên soạn cuốn Từ điển địa danh hành chính Hà Nội, cũng đã phần nào đáp ứng được mong mỏi không chỉ của riêng ông mà cũng sẽ là mong mỏi của đông đảo bạn đọc, nhất là bạn đọc Hà Nội.

Đề tài được trao cho PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh, một người Hà Nội, một nhà ngôn ngữ học, cũng là người đã có những nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, rất cẩn trọng, nghiêm túc, là hứa hẹn cuốn sách sẽ hoàn thành đúng hạn, với chất lượng tốt.

Tuy nhiên, từ bản đề cương, PGS.TS. Vũ Văn Quân thấy chưa thật đồng nhất và rõ nghĩa, vậy nên có đề nghị:

- Xác định phạm vi không gian là vùng Hà Nội truyền thống thì tên sách phải là Từ điển địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội.

- Vậy thế nào là từ điển địa danh hành chính?

- Là từ điển, thì phần nghiên cứu không cần dài, và phần từ điển thì không thể chỉ là bảng tra. 

* Từ góc nhìn của một chuyên gia về ngôn ngữ học, GS.TS Đinh Văn Đức bày tỏ từ nhiều năm nay, nhất là vào dịp và sau dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố ta đã có nhiều cố gắng trong việc làm ra sản phẩm để giới thiệu thành phố trong quá khứ và hiện nay.

Theo dòng chung đó, đề tài này là một sản phẩm của ngôn ngữ học ứng dụng nhằm chế tạo sách công cụ hỗ trợ thông qua một từ điển địa danh hành chính Hà Nội. Đề tài đáng ủng hộ vì có tính thời sự, có ý nghĩa khoa học và thực tế. Hơn thế, nó còn có tính khả thi vì đ­ược thực hiện bởi một chuyên gia chuyên ngành làm việc ở một cơ sở có uy tín là Viện Việt Nam học và phát triển của ĐHQG Hà Nội.

Về nghiên cứu cụ thể:Nhóm tác giả đã chia nội dung tài liệu này thành hai nội dung nội dung cơ bản gồm một chuyên luận và một bảng tra cứu dạng từ điển. Nội dung thứ nhất liên quan đến việc tiếp cận các khía cạnh chung về việc nhân diện đối tư­ợng, sau đó là triển khai nghiên cứu. Những nội dung này đều h­ướng vào các mục tiêu cụ thể nhằm xác lập cơ sở cho vấn đề, cách thức tổ chức biên soạn cũng như­ khả năng vận dụng khái niệm địa danh hành chính cho việc biên soạn địa danh các giai đoạn cụ thể.

Với GS.TS. Đinh Văn Đức thì định hư­ớng cho khung nghiên cứu của công trình này như­ vậy là hợp lý và chấp nhận đ­ược, đề cư­ơng thể hiện sự cố gắng rất lớn của tác giả và các cộng sự, những ngư­ời nhiệt thành với công việc vốn đã có am hiểu và kinh nghiệm qua tiếp cận Việt Nam học. Khung nghiên cứu được định hướng và nh­ư vậy có tính khả thi trong triển khai. Đó là điều rất quan trọng về mặt phư­ơng pháp.

Thực ra trong đề c­ương tác giả đã bàn đến nhiều khía cạnh quan yếu của việc biên soạn này tr­ước hết là trên bình diện nhận thức, sau đó đã diễn giải rõ ràng các quan niệm cá nhân cho hai nội dung này. Theo đó, tôi tin là tác giả sẽ làm tốt các trách nhiệm học thuật trong xây dựng từ điển này. Đề c­ương này tác giả đã trình bày tư­ơng đối gọn và rõ.

Sau những nhận định, đánh giá giáo sư góp ý:

- Cần tập trung đầu t­ư  nhiều cho công tác điền dã (ngay chỉ trong phạm vi điều tra các văn bản). Bởi đây là đề tài rất phức tạp trên cả ba bình diện ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa.

- Cần quan tâm đến giai đoạn Pháp thuộc (Hòa ­ước Giáp Thân, 1884 đến Đảo chính Nhật, 9/3/1945) địa danh hành chính đô thị thay đổi nhiều (tiếng Pháp, chữ Hán, tên Nôm).

- Tuy là lát cắt ngang (đồng đại) nhưng lại theo thời đoạn (lịch đại) nên cần rất chú ý đến những biến động.

- Trên ph­ương diện lý luận ngôn ngữ cần làm rõ cụm từ địa danh hành chính để từ đó có tiêu chí nhận diện các địa danh.

Sau khi nghiên cứu bản đề cương GS.TS Trương Quang Hải đưa ra những nhận xét góp ý của mình. Ông đồng quan điểm với các nhà khoa học trong việc đánh giá ý nghĩa, mục đích ra đời của đề tài cũng như sự tin tưởng vào đội ngũ thực hiện đề tài. Xuất phát từ mong muốn nâng cao chất lượng của bản đề cương, GS Trương Quang Hải có những góp ý cụ thể:

- Đề nghị nên xem xét, đổi tên cuốn sách là Địa danh hành chính thành phố Hà Nội hoặc Địa danh hành chính Hà Nội truyền thống;

- Nên trình bày trong đề cương mục tiêu cuốn sách và đối tượng phục vụ.

- Nên bổ sung Chương có nội dung về Cơ sở lý luận nghiên cứu Địa danh đô thị và vận dụng nghiên cứu Địa danh thành phố Hà Nội;

- Trong đề cương đã trình bày Địa danh Hà Nội qua các giai đoạn 1831- 1887, 1888 - 1945, 1945 - 1975, 1975 - nay. Để người đọc có cái nhìn khái quát về đặc điểm và sự thay đổi địa danh Hà Nội từ đầu thế kỷ XIX đến nay, theo người đọc nên xem xét bổ sung chương hoặc mục.

*Qua những ý kiến nhận xét, góp ý của các nhà khoa học, cũng như cuộc họp nghiệm thu đề cương, chủ nhiệm đề tài có đề xuất tên gọi khác nhằm bám sát và thể hiện rõ nội dung, đó là “Địa danh hành chính khu vực Hà Nội truyền thống”. Mặc dù chưa thật ưng ý với tên gọi mới nhưng chủ nhiệm đề tài và các nhà khoa học đều tin tưởng những gì nội dung thể hiện sẽ thực sự phản ánh tính toàn diện về mặt địa chính Hà Nội khu vực truyền thống.
 
 
Đàm Ly (Tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá