Tuyển tập địa bạ - cẩm nang cho các nhà làm chính sách địa phương
* Khi tiếp cận với bản đề cương Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập địa bạ Thăng Long – Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Nhuậncho rằng việc công bố bộ sách (10 tập), toàn văn nguồn tư liệu địa bạ cổ Hà Nội (năm Gia Long thứ tư - 1805) là hết sức cần thiết, đây là một khu vực tư liệu Hán Nôm cổ rất quý liên quan tới các lĩnh vực ruộng đất, kinh tế nông nghiệp, văn hóa, phong tục tập quán của vùng đất Thăng Long - Hà Nội, một vùng đất tiêu biểu cả nước.
Tiến sĩ Ngọc Nhuận đánh giá đề cương chi tiết của đề tài Tuyển tập Địa bạ cổ Hà Nội do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ trì được viết một cách nghiêm túc, chi tiết, đã nêu được những ý nghĩa đặc biệt của tư liệu quan trọng khi tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.
Về tình hình nghiên cứu và sự cần thiết phải xây dựng đề tài, nhóm biên soạn đã liệt kê và nêu ra những tác phẩm, công trình liên quan đến đề tài đang thực hiện qua các tác giả tiêu biểu trong lĩnh vực này như: GS. Phan Huy Lê, GS. Vũ Minh Giang, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu...
Về cấu trúc từng tập, gồm:
+ Phần thứ nhất: Về địa bàn nghiên cứu qua nguồn tài liệu địa bạ
+ Phần thứ hai: Bản dịch toàn văn địa bạ
+ Phần thứ ba: Sách dẫn
Với cấu trúc từng tập như vậy là hợp lý, khi cầm quyển sách trên tay, người đọc sẽ dễ hình dung được nội dung cuốn sách để tra cứu và tìm hiểu giá trị của tài liệu.
Theo ý kiến của Tiến sĩ Nhuận thì trường hợp lấy huyện Thanh Trì làm ví dụ, thấy phần 1.2 và 2.1 có phần trùng nhau, tác giả nên gộp làm một và đưa lên trên là: Huyện Thanh Trì đầu thế kỷ XIX với cơ cấu hành chính. Ở mục 2.2.4 cần bổ sung là: Tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục.
Trong phần dịch nghĩa, nên Việt hóa những từ Hán Việt ở một số chỗ để giúp cho người đọc hiện nay dễ đọc, dễ hiểu. Ví dụ như từ Nhất sở nên dịch là Thửa ruộng, Thần từ Phật tự điền nên dịch là ruộng thờ thần Phật...
Về tên người, tên đất viết bằng chữ Nôm, cần lưu ý trong việc tra cứu và nếu có nghi vấn cần xuống thực địa điều tra thêm.
* Với PGS.TS. Trần Thị Vinh, một lần nữa khẳng địnhđịa bạ cổ là nguồn tư liệu quý, quan trọng để tìm hiểu và nghiên cứu về những vấn đề nông thôn, nông nghiệp của các địa phương nói riêng và trong cả nước nói chung. Từ trước tới nay đã có nhiều công trình nghiên cứu và dịch thuật về địa bạ cổ trong cả nước. Riêng Hà Nội đã có bộ Địa bạ cổ Hà Nội (2 tập) do Giáo sư Phan Huy Lê chủ biên được xuất bản lần đầu vào năm 1997 và lần 2 vào năm 2010. Đó là tập địa bạ lớn có giá trị được Nhà xuất bản Hà Nội công bố trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I. Nhưng bộ sách này mới chỉ khai thác những địa bạ của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Những địa bạ của các huyện ngoại thành nay tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn II là rất cần thiết.
Phó giáo sư đã bày tỏ sự tin tưởng việc tìm hiểu, tổ chức nghiên cứu và dịch thuật những địa bạ của một số huyện ngoại thành Hà Nội như: Thanh Trì, Thường Tín, Gia Lâm… là rất phù hợp bởi nguồn tài liệu này đã được PGS.TS. Vũ Văn Quân tiến hành từ nhiều năm trước. Hơn nữa, nhóm tham gia đề tài phần lớn đều là những thành viên đã từng cộng tác trước đây, góp phần tăng khả năng thực thi công việc dịch thuật.
Nội dung công trình chủ yếu là dịch thuật tất cả các địa bạ của 10 đơn vị huyện có địa danh vào đúng thời điểm lập địa bạ của năm Gia Long thứ 4 (1805), tương ứng với 10 tập Tư liệu văn hiến Thăng Long -Hà Nội mang tên Tư liệu địa bạ cổ: Thanh Trì, Thượng phúc, Phú Xuyên, Thanh Oai, Sơn Minh, Hoài an, Chương Đức, Từ Liêm, Đan Phượng và Gia Lâm. Tuy đề tài mới chỉ chọn 10 đơn vị huyện để xây dựng thành một Tuyển tập địa bạ gồm 10 tập, nhưng bộ sách 10 tập này được triển khai và hoàn thiện để xuất bản cũng sẽ là một đóng góp rất lớn.
Về cấu trúc các tập đều được phân thành 3 phần: Địa bàn có nguồn địa bạ, Bản dịch toàn văn địa bạ và Sách dẫn. Cấu trúc như vậy là hoàn toàn hợp lý, vì ở đây không chỉ dừng ở việc dịch địa bạ từ chữ Hán ra chữ Việt mà ít nhều phải có phần giới thiệu địa phương có địa bạ và đặc biệt phải có phần sách dẫn thì người sử dụng mới tra cứu được dễ dàng.
Cấu trúc của từng tập được chia theo địa bạ của địa bàn từng huyện và đều cấu trúc theo 3 phần như đề cương trình bày là hoàn toàn phù hợp.
Việc dịch địa bạ tuy không khó, vì các tiêu chí của từng địa bạ được lập vào cùng một thời điểm đều giống nhau, chỉ khác tên địa danh, tên người, số lượng ruộng đất công, tư v.v…nhưng đòi hỏi phải được dịch thuật một cách chuẩn xác và phần sách tra cứu cũng phải chuẩn xác thì việc sử dụng mới thuận lợi và có hiệu quả đối với loại tài liệu này.
* Người có nhiều năm nghiên cứu sử, giảng dạy sử, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - PGS.TS. Phạm Xuân Hằng - đánh giá: Với dung lượng 10 tập địa bạ được tuyển chọn (lần lượt được tổ chức biên soạn để công bố) là một nguồn tư liệu đồ sộ phục vụ tìm hiểu, nghiên cứu về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn Thăng Long - Hà Nội, đặc là vấn đề chế độ ruộng đất trong chế độ phong kiến.
PGS.TS.Phạm Xuân Hằng hoàn toàn nhất trí việc nhóm biên soạn lấy đơn vị huyện ở thời điểm lập địa bạ là hợp lý. Do địa giới hành chính được thay đổi qua các thời kỳ, nên địa bàn huyện trước đây có thể bao hàm một phần hay toàn bộ một số quận, huyện ngày nay (không lấy đơn vị hành chính cấp huyện hiện hành làm cơ cơ để tập hợp giới thiệu địa bạ). Dưới cấp huyện, địa bạ được giới thiệu theo thôn, xã, tổng). 10 tập sách được biên soạn, dịch thuật theo nguyên tắc trên.
Ông cũng hoàn toàn nhất trí với kết cấu ba phần mà nhóm biên soạn đưa ra. Ngoài phần giới thiệu chung về địa bạ, phần quan trọng nhất là dịch toàn văn theo nguyên tắc trung thành với nguyên bản. Bên cạnh đó, những chú thích về tên đất, tên người… cũng được nhóm tác giả coi như là nhiệm vụ không thiếu khi dịch thuật.
Cũng như các nhận định khác, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng đề cao nhóm tác giả thực hiện đề tài bởi họ là những người có quá trình nghiên cứu về vấn đề địa bạ, có trình độ Hán - Nôm tốt.
* Một lần nữa khẳng định giá trị to lớn trong việc nghiên cứu và công bố nguồn tài liệu địa bạ cổ Hà Nội, PGS.TS. Phạm Thị Thùy Vinh cho rằng: Địa bạ là nguồn tài liệu Hán Nôm rất có giá trị trên nhiều phương diện khác nhau như: tìm hiểu về vấn đề ruộng đất, kinh tế nông nghiệp và xã hội nông thôn Việt Nam, là tài liệu quan trọng để tìm hiểu về lịch sử văn hóa của từng địa phương trong cả nước ta. Địa bạ của Thăng Long - Hà Nội cũng là nguồn tài liệu phản ánh rất nhiều vấn đề về lịch sử xã hội của Thăng Long và các vùng phụ cận trong quá trình phát triển. Vì thế, để có một bộ tuyển tập Địa bạ Thăng Long - Hà Nội là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đề cương sách Tuyển tập địa bạ Thăng Long Hà Nội, gồm 10 tập đã bao quát được một số vấn đề như sau:
- Từ sự thống kê các đề tài trước đây đã nghiên cứu về địa bạ như Nghiên cứu điạ bạ triều Nguyễn, Địa bạ Hà Đông, Địa bạ Thái Bình, Địa bạ cổ Hà Nội… cho thấy địa bạ đang trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học để tìm hiểu về tình hình ruộng đất và đời sống nông dân, về cải cách ruộng đất đầu triều Minh Mạng. Địa bạ cổ của Hà Nội cũng đã được khảo cứu và công bố nhưng mới chỉ giới hạn ở khu vực trung tâm của Thăng Long là hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương, tương ứng với 4 quận nội thành cũ của Hà Nội. Trong khi Hà Nội ngày càng được mở rộng, có thêm những miền đất mới đã được nhập vào Hà Nội nên những thông tin về ruộng đất và kết cấu kinh tế làng xã trong quá khứ đang là mối quan tâm của các nhà khoa học, quản lý và văn hóa.
- Nguồn tài liệu điạ bạ Hà Nội theo địa dư hành chính ngày nay là khá rộng với 29 quận huyện, đề cương sách chỉ chọn 10 huyện, tương đương với 10 tập để hoàn thành trong năm 2014 cũng là tương đối nhiều, đòi hỏi nhóm đề tài phải làm việc hết sức mới có thể đáp ứng được.
- Tên huyện lưu giữ địa bạ lấy theo tên điạ danh cũ là hợp lý, vì nếu quy đổi theo địa danh hiện nay thì sẽ rất khó xử lý tư liệu, một huyện cũ có thể liên quan đến nhiều quận huyện ngày nay. Ví như huyện Từ Liêm cũ hiện nay liên quan đến cả quận Thanh Xuân, quận Đống Đa, quận Cầu Giấy và hai quận mới Nam Bắc Từ Liêm mới thành lập .
- Về cấu trúc của từng tập gồm ba phần như đề cương nêu cũng là phù hợp, nhưng phần sách dẫn phải có sự tra cứu, điền dã rất cụ thể mới có thể quy đổi địa danh cũ ra địa danh mới chính xác được. Đây cũng là điều mà nhiều nhà nghiên cứu rất mong muốn được kế thừa thành quả.
- Chủ nhiệm đề tài cũng nên nêu rõ hơn lý do vì sao lại chọn 10 huyện đã nêu để đưa vào tập sách này. Lý do vì có nhiều văn bản, dễ khai thác hay vì lý do nào để 10 huyện đó được khai thác địa bạ lần này. Bên cạnh đó cũng nên cho biết một vài thông tin về niên đại của văn bản, địa bạ của Thăng Long Hà Nội có niên đại sớm nhất là thời kỳ nào và muộn nhất là năm nào?
Việc công bố bản dịch các tài liệu địa bạ của Hà Nội là rất phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội hiện nay cũng như mong đợi của của các nhà khoa học được tiếp cận, khai thác nguồn tư liệu đó. Tuy địa bạ xuất hiện ở tất cả các làng xã Việt Nam nhưng lại mang tính quan phương vì quá trình hình thành địa bạ ghi lại chính xác tình hình ruộng đất của từng địa phương nhưng lại là chỉ thị của Nhà nước, phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy chuẩn của Nhà nước về việc phản ánh đó.
*Với phương thức tiến hành nghiên cứu, dịch thuật một cách khoa học lại được thực hiện bởi một đội ngũ có trình độ chuyên môn tốt, ham mê nghiên cứu khoa học là những điều kiện thuận lợi cho sự thành công của đề tài Tuyển tập địa bạ cổ Hà Nội. Cuốn sách sẽ là một cuốn cẩm nang hữu ích cho các nhà làm chính sách địa phương, từ xã, phường, thị trấn đến quận huyện và thành phố ở mọi thời đại.
Đàm Ly (Tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội