Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Văn sách thi đình - phản ánh tiến trình lịch sử có tính toàn diện.
Thứ tư, 03/09/2014 05:25

Kể từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919, danh sách các nhà khoa bảng được xác định đã trên 3.000 người. Qua rất nhiều kỳ thi đại khoa bậc cao nhất đã có biết bao nhiêu bài văn nghị luận tiêu biểu về các lĩnh vực chính trị xã hội, văn hoá, giáo dục... được đời sau khâm phục và sử dụng làm nguồn tư liệu quý cho công việc học tập, nghiên cứu và tu dưỡng của mình.


Việc tiếp tục biên dịch, giới thiệu những áng văn mẫu mực, những thành quả tinh hoa trí tuệ của người xưa cho hậu thế là rất cần thiết, hơn thế qua các áng văn này chúng ta còn thấy sự phản ánh tiến trình lịch sử có tính toàn diện. Năm 2010, Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội tập 1 và 2 do PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh đã ra mắt nhưng mới chỉ dừng lại ở việc biên dịch, giới thiệu văn bài của 24 nhà đại khoa quê hương Hà Nội. Vậy nên, cần tiếp tục ra thêm Tập 3 giới thiệu văn sách của những người dự thi Đình ở kinh đô Thăng Long là việc nên làm và mang ý nghĩa lớn. Từ bản đề cương, đề tài đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ cũng như góp ý của các nhà khoa học, sau đây chúng tôi tổng hợp và giới thiệu.

* Chuyên gia Hán Nôm PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ cho rằng: Văn sách thi Đình là những thành tựu của kỳ thi cao nhất trong khoa cử thời phong kiến. Tác giả của các bài văn sách Đình đối thực sự là những người tài ba đã trải qua rất nhiều kỳ thi mới đến được kỳ thi Đình nên văn bài của họ thực sự là những áng văn bất hủ, là niềm tự hào của tri thức và tài năng Việt Nam trong lịch sử.

Nội dung của đề tài được thể hiện dưới dạng một công trình, một cuốn sách với kết cấu gồm 3 phần chính:

Phần 1: Nghiên cứu, giới thiệu khái quát về thi Đình.

Phần 2: Giới thiệu các bài văn sách thi Đình được tuyển chọn của 13 nhà khoa bảng. Trong đó, gồm các mục theo thứ tự:

- Giới thiệu tiểu sử tác giả của bài văn sách

- Phiên âm Hán Việt.

- Dịch nghĩa, chú thích

- Nguyên bản chữ Hán.

Phần 3: Phụ lục

Với đề tài Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội như chủ nhiệm đề tài trình bày thì kết cấu và nội dung các phần, các mục cơ bản phù hợp với yêu cầu về nội dung của đề tài, phù hợp với yêu cầu của một công trình xuất bản, công bố.

Dưới góc độ Hán Nôm và cũng là người có kinh nghiệm trong nghiên cứu và biên soạn sách, PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ có những góp ý cho bản đề cương:  

- Về văn bản: Với 13 tác giả và văn sách của họ rất cần được xác định rõ về mặt văn bản vì các bài văn này được sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau, có thể được sao chép ở nhiều văn bản khác nhau nên khả năng có dị văn, dị bản là nhiều. Đối với loại văn bài cao cấp, mẫu mực thì từng câu từng chữ cũng đều thể hiện văn tài của tác giả nên khi phiên dịch vấn đề xác định văn bản là công đoạn đầu tiên để có một văn bản đáng tin cậy. Điều này rất cần thiết cho việc học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về tác gia tác phẩm văn học trung đại Việt Nam.

- Đề tài là tiếp tục của tập 1 và tập 2 đã xuất bản bởi vậy chủ nhiệm đề tài tất sẽ có sự nhất quán trong việc biên soạn nhưng về nội dung đòi hỏi phải mới, hấp dẫn để phục vụ các loại đối tượng khác nhau. Theo nhà nghiên cứu có thể đưa thêm những giai thoại liên quan đến việc học tập, tu dưỡng, ứng xử, thi cử của các nhà đại khoa vào Phần mở đầu hoặc phần Tiểu sử, Tiểu dẫn của mỗi tác giả. Điều này không chỉ hấp dẫn mà còn có ý nghĩa nêu tấm gương đạo đức, hiếu học, khổ luyện của các nhà đại khoa đối với hậu thế.

* Ngoài sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao về tính khả thi, cách tiếp cận và trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của nhóm biên soạn đề tài Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội tập 3, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn có góp ý cho bản đề cương như sau:

- Về tên sách: Tên giống các tập I và II đã xuất bản, nhưng tập này đối tượng các tác giả chọn tuyển không phải người gốc Thăng Long - Hà Nội mà là người các địa phương khác, họ chỉ thi tại Thăng Long. Các kỳ thi đại khoa thời Trần - Lê hầu hết đều thi ở Thăng Long, do vậy việc chọn đối tượng là Văn sách thi đình Thăng Long thì chưa sát hợp, có thể điều chỉnh tên cho phù hợp.

- Cần có thêm phần lý giải tại sao chọn những bài này mà không phải các bài khác trong phần mở đầu sách.

- Phần tiểu dẫn cho từng bài, ngoài các nội dung đã đề cập trong đề cương nên có thêm phần giới thiệu vắn tắt về khoa thi mà tác giả tham gia.

* Là một chuyên gia văn học cổ trung đại, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh đánh giá:Văn sách sách Thi Đình Tập 3, theo Nhóm Biên soạn "là tập tương đối độc lập" với hai tập đã được xuất bản. Quan niệm như thế cũng hợp lý, nhưng theo phó giáo sư, có thể coi là "phần nối tiếp" cũng được. Vì vậy, mục đích và đối tượng phục vụđã được xác định, không có điều gì cần bàn thêm. Nếu có điều gì muốn nói thêm thì chính là những người đọc còn muốn được tiếp cận sự kiện văn hóa này một cách toàn diện. Chẳng hạn không chỉ là 1 hoặc nhiều bài văn sách mà những sự kiện văn hóa chính trị liên quan đến mỗi khoa thi, thể lệ có gì khác, tại sao lại khác, các quan Giám khảo, Chủ khảo… Những điều ấy cho phép hiểu được các vấn đề lớn của các triều đại, mục đích của nhà vua hoặc chúa khi ra đề, cũng như đề thi Tốt nghiệp phổ thông và Đại học của chúng ta vậy. Mặt khác cũng có thể xét đoán thêm về chất lượng các khoa… Theo ý kiến của PGS.TS Trần Thị Băng Thanh cũng chưa rõ hai tập trước đã giải quyết được những vấn đề gì, nếu có thể thì đề nghị Nhóm biên soạn cố gắng giải quyết trong phần mở đầu tập 3 này.

Thực ra tuyển tập văn sách cũng không giống như những tuyển tập văn thơ khác, nó như một thể loại đặc biệt của văn luận đàm thời chính. Như mục 1 của phần A, nhóm biên soạn đã nêu, là "những áng văn nghị luận tiêu biểu có giá trị về văn học, sử học, chính trị…". Nếu triệt để áp dụng tiêu chí này thì e là chỉ chọn bài của các vị tam khôi có thể vẫn còn sót những áng văn hay, thực sự có giá trị cả về 3 tiêu chí; đặc biệt là sự chênh lệch giữa 3 vị trong cùng 1 khoa.

Mặc dù có chút băn khoăn trong tiêu chí lựa chọn nhưng PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh tin tưởng ở Nhóm biên soạn. Bởi lẽ trong khoa cử Việt Nam, có nhiều khoa không lấy tam khôi, mà những khoa đó lại tập trung vào thời kỳ đất nước có nhiều vấn đề, hơn nữa văn hóa cũng phát triển, lịch sử và văn học đều phải công nhận, như thời nhà Mạc và thế kỷ XVIII. Suốt gần 300 năm từ 1496 đến 1787, Tuyển tập chỉ chọn có 4 người! Trong đó có những nhân vật rất lừng lẫy như Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Công Trứ, Phạm Khiêm Ích… đều không được chọn mà không rõ lý do. Ngoài ra, nhiều khoa không lấy tam khôi, nhưng trong đó có những người vô cùng sắc sảo trên đường chính trị sau này như gia đình họ Ngô, họ Phan, họ Nguyễn… lẽ nào trong đó không tìm được những bài hay, hoặc nêu được những vấn đề sắc sảo về thời chính? Tôi hiểu rằng ở đây còn có điều kiện của văn bản, còn những tác giả người Thăng Long đã tuyển ở những tập trước, nhưng tôi và bạn đọc chắc chắn sẽ cần một sự giải thích, giới thuyết. Nhìn vào nội dung tác phẩm tuyển của Tập 3 thấy như đây là Tuyển tập văn sách thời Hồng Đức có phụ lục, mà chưa thấy phản ánh ý trong mục 2.2 ở tr.1 Đề cương "từ triều Trần qua Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng".

PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh có ý kiến đóng góp cho đề tài:

Ở phần mở đầu: Ngoài dự định của Nhóm biên soạn, xin lưu ý thêm ý kiến đã nêu ở trên. Trước nhất là cụ thể hóa về tiêu chí tuyển chọn. Mô tả tổng quát tư liệu và nêu rõ Nhóm biên soạn chọn dùng những văn bản nào, lý do. Nếu có thể các tác giả có nhận xét khái quát "hành trình" của thể loại văn đình đối này.

Phần tuyển chọn: Trong phần viết tiểu sử nên cho biết rõ hơn vấn đề thời sự của đề ra, người đối, quan hệ hay hậu quả của quan điểm giữa vua và sĩ tử, chẳng hạn trường hợp Lương Thế Vinh, ông rất liên quan đến vấn đề cuộc đấu tranh hai giáo Nho và Phật, tầm nhìn, con người Lê Thánh Tông …

Nhóm biên soạn cần bảo đảm sự cân đối trong kết cấu của tập sách. Bổ sung những tác phẩm sau thời Hồng Đức.

* Với PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ,thi Đình, kỳ thi đặc biệt, kỳ thi cao nhất của khoa thi Tiến sĩ do Hoàng đế trực tiếp chỉ đạo từ ra đề, chấm bài và xét đỗ. Những vấn đề Hoàng đế hỏi là những vấn đề quốc gia đại sự. Việc trả lời không còn là bài thi thông thường về kiểm tra kiến thức mà quan trọng hơn là độ uyên sâu của kiến thức được vận dụng để đưa ra, gợi mở các kế sách để Hoàng đế thâu lượm, từ đó mà chọn người, ban cho chức quyền. Việc tiếp tục sưu tầm, tuyển dịch giới thiệu cùng bạn đọc các bài văn sách thi Đình của các sĩ tử dự các kỳ thi Đình tại Thăng Long - Hà Nội là việc làm thực sự có nhiều ý nghĩa.

Tập 3 khác với tập 2 có phần mở đầu. Phần mở đầu này cần chú ý để không phá vỡ logic của tập 1 và 2, bởi tại tập 1 của bộ sách đã có trên 70 trang giới thiệu về văn sách Đình đói trong giáo dục khoa cử. Thăng Long - Hà Nội với tư cách là phần tổng quan của Bộ sách. Đây là điều xin được tác giả lưu ý và trao đổi thêm.

* Đồng quan điểm với nhiều nhà nghiên cứu khoa học về tính khả thi cũng như cách thực hiện đề tài của nhóm biên soạn PGS.TS. Trần Nho Thìn cho rằng đây là đề tài có giá trị khoa học về nhiều mặt, không chỉ liên quan đến truyền thống văn hóa văn hiến của Hà Nội mà còn phục vụ các nghiên cứu lịch sử, văn hoá, văn học, khoa học Việt Nam nói chung.

Nội dung sách: việc tuyển chọn 13 tác giả đỗ cao trong các kỳ thi Đình tại Thăng Long - Hà Nội là có cơ sở khoa học. Rất cần có sự phiên dịch, chú giải, nghiên cứu toàn diện các tác giả tiêu biểu này.

Góp ý: Phần chính của công trình tất nhiên là phiên âm, dịch, chú giải các bài văn sách thi Đình. Nhưng theo tôi, nên có thêm phần nghiên cứu về các mặt văn hóa, chính trị, lịch sử được đặt ra từ các bài văn sách này, để phát huy giá trị học thuật của các bản dịch, chú. Bởi vì trong khi dịch, nhóm đề tài bắt buộc phải đọc và nghiên cứu kỹ những vấn đề văn hóa, xã hội, lịch sử liên quan.

*

Văn sách thi Đình không chỉ là những áng văn mẫu mực, những thành quả tinh hoa trí tuệ của người xưa cho hậu thế mà nó còn phản ánh tiến trình lịch sử có tính toàn diện. Bởi nội dung những bài văn sách thi Đình bao quát lĩnh vực chính trị xã hội, văn hóa, giáo dục… Sự ra đời của đề tài Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội tập 3 một lần nữa khẳng định việc biên dịch, giới thiệu những bài văn sách thi Đình có ý nghĩa quan trọng và rất cần thiết.


Đàm Ly (tổng hợp)

Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá