“Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” từ những góc nhìn đa chiều
Đề tài được biên soạn bởi những nhà kiến trúc sư có tên tuổi như: KTS. Đặng Thái Hoàng, KTS. Trần Hùng… và đứng chủ biên là KTS. Lê Văn Lân. Đó là những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm, những nhà giáo có uy tín với đầy kiến thức, đầy hiểu biết về kiến trúc. Do đó, đề tài có tính khả thi cao và sẽ có vị trí xứng đáng trong Tủ sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Cuốn sách dự kiến được chia làm 6 chương, trong đó có 5 chương mô tả 5 giai đoạn lịch sử khác nhau và chương VI như một chương tổng kết và bàn luận về di sản kiến trúc Thăng Long - Hà Nội. Cụ thể như sau:
Chương I: Từ những tụ cư bên sông Hồng tới Đại La thế kỷ XI
Chương II: Kiến trúc Thăng Long kỷ nguyên độc lập
Chương III: Kiến trúc Hà Nội thời kỳ cận đại
Chương IV: Kiến trúc với xu hướng xã hội chủ nghĩa
Chương V: Kiến trúc Hà Nội từ đổi mới đến mở cửa hội nhập
Chương VI: Di sản và bản sắc kiến trúc Thăng Long - Hà Nội
Bản đề cương chi tiết được biên soạn công phu nhưng không tránh khỏi những thiếu sót. Do đó, những ý kiến đóng góp của Hội đồng nghiệm thu cho cuốn sách ngay từ khâu đề cương là điều vô cùng quý báu. Sau đây là những ý kiến góp ý và cũng là những cách nhìn khác nhau về đề cương cuốn sách:
* Ý kiến của KTS. Nguyễn Tấn Vạn:
1. Đồng tình với chủ trương biên soạn và xuất bản cuốn sách “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” nằm trong Dự án đầu tư cho Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II.
2. Chọn nhóm tác giả (chủ trì đề tài) là các kiến trúc sư có nhiều kinh nghiệm trong sưu tầm lịch sử kiến trúc Hà Nội và có những ấn phẩm được xuất bản gắn với văn hóa kiến trúc Hà Nội là hợp lý.
3. Các ấn phẩm của các tác giả trong nhóm tham gia đề tài tiếp cận từng vấn đề, từng giai đoạn riêng lẻ. Chính vì vậy, Hà Nội cần một ấn phẩm được nghiên cứu, biên soạn hoàn chỉnh từ khi hình thành tụ cư bên sông Hồng đến giai đoạn hiện nay là cần thiết.
4. Kiến trúc là sản phẩm của xã hội. Bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội nào sẽ sản sinh ra kiến trúc tương ứng. Do vậy, mỗi thời kỳ cần nêu ngắn gọn bối cảnh lịch sử, tư tưởng triết học - văn hóa... để người đọc (nhất là thế hệ trẻ) nhận biết giá trị văn hóa của công trình kiến trúc của giai đoạn đó. Ngoài việc sưu tầm tư liệu gốc của những công trình kiến trúc chủ đạo, tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc (bản vẽ mặt bằng, mặt cắt) và ảnh (vẽ, chụp), cần có nhận xét giá trị của tác phẩm đối với quá trình phát triển của Hà Nội.
5. Hà Nội là Thủ đô, có sức lan tỏa và định hướng cho cả nước. Nhiều sự kiện quan trọng diễn ra ở Hà Nội nhưng ảnh hưởng sâu rộng và cơ bản cho nền kiến trúc Việt Nam. Việc ra đời Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội đã hình thành thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam. Kiến trúc sư Việt Nam lần đầu tiên vẽ công trình và xây dựng công trình có bản vẽ thiết kế. Sự thay đổi về chất này không chỉ ở Hà Nội mà lan rộng vào Sài Gòn và các vùng khác.
6. Sách kiến trúc nên không quá lệ thuộc vào sự kiện xã hội. Có nên chia nhỏ và phân đoạn theo diễn biến của xã hội hay lấy những giai đoạn lớn làm thay đổi tư duy và sự phát triển của Hà Nội để làm nền tảng cho nội dung cuốn sách.
- Xem lại cơ sở mốc 1888 - 1920. Nếu lịch sử kiến trúc, năm 1925 bắt đầu đào tạo lứa kiến trúc sư đầu tiên có ý nghĩa với nền kiến trúc Việt Nam và Hà Nội. Cũng như giai đoạn từ 1954 - 1986 đang bị chia vụn theo sự kiện chính trị - xã hội.
7. Hà Nội đã mở rộng. Di sản văn hóa kiến trúc có giá trị không chỉ gói trong nội thành cũ mà bao gồm vùng Hà Tây (cũ), Mê Linh v.v ...
Những di sản đó còn đi cùng với lịch sử văn hóa - nghệ thuật của Hà Nội, thiết nghĩ không nên bỏ sót.
* Ý kiến của PGS.TS. Doãn Minh Khôi
1. Tên cuốn sách là Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội. Nghĩa là bản thân nó gắn với 2 cái tên của Thủ đô đã gợi cho người ta những cảm nhận về kiến trúc của thời kỳ phong kiến mà thủ đô mang tên Thăng Long và một thời kỳ tiền thực dân, bao cấp và đổi mới mang tên Hà Nội. Nội dung kiến trúc, chính vì vậy cần nêu bật sự đa dạng của kiến trúc Hà Nội xuất phát từ gốc Thăng Long và Hà Nội thời kỳ cận hiện đại. Vậy nên chăng tách ra thời kỳ Thăng Long (chương I - II) và thời kỳ Hà Nội (chương III-IV-V). Thời kỳ Thăng Long là kiến trúc của các đời vua mang tính niên luật kết hợp với dân gian biểu hiện trong các kiến trúc cổ của vua quan và kiến trúc dân gian của cộng đồng thôn quê. Thời kỳ Hà Nội là kiến trúc của thực dân, của sự hội nhập và tiểu thương với các mảng kinh tế đa dạng khác.
2. Đây không phải là cuốn sách đi sâu vào “Lịch sử Kiến trúc Hà Nội” mà nên đi sâu vào Kiến trúc Hà Nội. Vì vậy không nên quá chú trọng vào phân kỳ lịch sử mà bỏ qua các phân tích về đặc trưng và hình thái kiến trúc của từng giai đoạn mà người ta thường gọi là kiến trúc so sánh (Architecturecompareé ).Như vậy trong phần kiến trúc Thăng Long cần phải có một phần phân tích những nét đặc trưng của thời kỳ này, và tương tự như thế trong thời kỳ Hà Nội.
3. Không nên quá chú trọng vào các mốc và sự kiện chính trị như điều kiện tiên quyết trong phân kỳ, mà cần lưu ý nhận dạng và đánh giá của từng giai đoạn kiến trúc Việt Nam. Các tên đề mục nên nhấn mạnh các thời kỳ cổ đại, phong kiến, thuộc Pháp, bao cấp và đổi mới. Không nên quá nhấn mạnh các sự kiện chính trị trên các đề mục, mà nên chú trọng các yếu tố văn hóa, lịch sử. Ngoài ra, các tư liệu kèm theo (hình vẽ, ảnh, bản đồ) cũng nên chú trọng hơn về về chủ đề kiến trúc - quy hoạch.
* Ý kiến của GS.TS.KTS. Nguyễn Lân:Rất hoan nghênh và ủng hộ việc nghiên cứu đề tài “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội”. Đây sẽ là một tài liệu quý trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Rất nhiều người Việt Nam và nước ngoài rất muốn tìm hiểu nội dung này.
Kết quả nghiên cứu của đề tài cung rất cần cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
- Nội dung và khối lượng nghiên cứu xứng đáng là một đề tài khoa học.
- Lực lượng tác giả gồm nhiều đồng chí đã có kinh nghiệm nghề nghiệp, hiểu sâu về vấn đề này chắc sẽ thực hiện tốt nội dung nghiên cứu.
Với các lý do trên, tôi hoàn toàn ủng hộ việc nghiên cứu đề tài “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội”.
GS.TS.KTS. Nguyễn Lân cũng đóng góp một số ý kiến nhỏ về đề cương nghiên cứu để các tác giả tham khảo:
- Cần quan tâm đúng mức mối quan hệ giữa kiến trúc công trình và quy hoạch đô thị. Với cái tên “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” độc giả sẽ hy vọng hiểu sâu về kiến trúc công trình còn vấn đề quy hoạch tuy có mối quan hệ hữu cơ với kiến trúc công trình nhưng theo tôi được biết thì các nhà quy hoạch đô thị cũng đang biên soạn tập sách về quy hoạch, nên ở đề tài “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” nên nghiên cứu chủ yếu vào phần kiến trúc công trình với các đề mục nêu ra từ chương I đến chương V có thể viết sâu về kiến trúc công trình cũng có thể viết sâu về quy hoạch.
Do đó giáo sư đề nghị nên nghiên cứu chủ yếu về mặt kiến trúc công trình nên nội dung như chương VI là phù hợp:
Nghe cái tên “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” chắc nhiều người sẽ hy vọng sẽ hiểu được sâu sắc về các công trình kiến trúc đã hình thành và tồn tại qua các thời kỳ lịch sử. Do đó đề nghị cần tập trung về vấn đề này.
Chương I chỉ nêu sơ lược không nhất thiết phải đi quá sâu. Phần cuối nên nêu định hướng cho tương lai.
* Theo y kiến của KTS. Nguyễn Quốc Thông: Về cơ bản đồng ý với cấu trúc chương mục của đề cương vì đã bao quát toàn bộ quá trình phát triển của Kiến trúc Thăng Long-Hà Nộị.
Bên cạnh đó KTS. Nguyễn Quốc Thông cũng đưa ra một số ý kiến cụ thể mang tính cá nhân để tác giả tham khảo:
- Nên tập trung và đi sâu vào vấn đề nghệ thuật và văn hóa kiến trúc Thăng Long- Hà Nội. Vì cách đặt tên chương, mụctrong đề cương chưa toát lên bản chất và cách tiếp cận về nghệ thuật và văn hóa của cuốn sách.
- Không nên có chương VI về Di sản và bản sắc kiến trúc Thăng Long-Hà Nội mà đây là một phần nội dung của từng chương.
- Vì thế mỗi chương cần có mục về ảnh hưởng và tiếp biến văn hóa trong kiến trúc. Đồng thời cuối chương có nhận xét, như là chính kiến của tác giả về đặc điểm hay bản sắc kiến trúc Thăng Long-Hà Nội.
- Tóm lại là sách chuyên nghề cần thiết hơn là sách giới thiệu.
* Theo ý kiến của TS. Phạm Sỹ Liêm: Đây sẽ là cuốn sách tiếp theo cuốn “55 năm kiến trúc Hà Nội” của Lê Văn Lân do Nhà xuất bản Thời đại in năm 2010 nhân dịp nghìn năm Thăng Long. Cuốn sách sẽ là tài liệu giảng dạy tốt cho các trường đại học, là tài liệu tham khảo bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu kiến trúc Hà Nội và kiến trúc Việt Nam, là công cụ cần thiết cho công tác bảo tồn và kế thừa di sản lịch sử và văn hóa của Thành phố Hà Nội. Các thành viên tổ nghiên cứu đề tài đều là những kiến trúc sư lão thành nổi tiếng rất am tường kiến trúc Hà Nội.
1. Về mục đích biên soạn cuốn sách
Phần Mở đầu chưa nói rõ mục đích biên soạn cuốn sách. Cuốn sách có thể có hai mục đich sau:
- Tổng kết lịch sử hình thành và phát triển của nền kiến trúc Thành phố Hà Nội từ xưa tới nay để đóng góp vào sự bảo tồn và phát huy các giá trị của nền kiến trúc Việt Nam;
- Giúp cho công tác bảo tồn và phát huy di sản và bản sắc kiến trúc Hà Nội trong quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô Hà nội đến 2030, tầm nhìn 2050.
Để đạt mục đích đó, tổ biên soạn gặp phải hai thách thức sau đây:
- Làm rõ đây là cuốn sách về lịch sử kiến trúc Hà Nội, hay nghiên cứu bản sắc kiến trúc Hà Nội qua các thời đại, hay lịch sử hình thành Thành phố Hà Nội;
- Địa bàn nghiên cứu hẳn là địa giới hiện tại của Thủ đô Hà Nội, và nếu thế thì phải bao quát cả kiến trúc Hà Đông và Sơn Tây nữa. Trong tổ biên soạn tôi chưa rõ có ai am hiểu kiến trúc các nơi này không?
Nếu nội dung bao quát được tất cả là rất tốt, nếu không thì phải xác định rõ phạm vi nghiên cứu đến đâu để người đọc khỏi thắc mắc. Cuốn sách có khuôn khổ không lớn, chỉ khoảng 300 trang, cần khoanh định rành mạch nội dung của đề tài.
2. Về kết cấu cuốn sách:
Về cơ bản là hợp lý, chỉ không biết có gì nhiều để viết vào Chương 1 hay không hay chỉ nên đưa vào phần mở đầu.
Chương cuối cùng thực ra là chương đánh giá di sản kiến trúc Hà Nội. Đây là chương quan trọng nhất của đề tài, đòi hỏi phải có năng lực khái quát cao, nhưng rất dễ nhắc lại nội dung các chương trên. Mục đích viết sách là để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, vì vậy chương này nên đưa ra các chỉ dẫn cần thiết.
3. Về tư liệu có liên quan: Xin lưu ý cuốn sách “Hà Nội, một chốn rong chơi” của Martin Rama do Nhà xuất bản Thế giới vừa mới phát hành có chứa đựng nhiều nội dung có ích về kiến trúc Hà Nội, và có danh mục các tài liệu tham khảo khá tốt…
Để viết Chương VI, đề nghị người viết nên tham khảo các văn bản của Hội đồng quốc tế về các công trình di sản và cố chỉ. (International Council on Monuments and Sites- ICOMOS), đặc biệt là “Nghị định thư Hội An năm 2001 về thực tiễn bảo tồn tốt ở Châu Á” (Hoi An Protocols for Best Conservation Practice in Asia) và “Các nguyên tắc Valletta về Gìn giữ và Quản lý các Thành phố, Thị xã và các Khu vực đô thị lịch sử” (2011) (The Valletta Principles for the Safeguarding and Management of Historic Cities, Towns and Urban Areas).
* Theo ý kiến của Nhà thơ Bằng Việt: Đây là một cuốn sách rất được chờ đợi trong Tủ sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tiếc là trong giai đoạn I, Nhà xuất bản Hà Nội cũng như Hội đồng tư vấn khoa học chưa thể tổ chức được bản thảo, nên trong đợt II này của Tủ sách, chúng ta phải rất nỗ lực để hoàn thành được công trình biên soạn quan trọng và hữu ích này, đồng thời đảm bảo được tiến độ và có chất lượng cao.
Nhà thơ cũng xin được góp một vài ý kiến với Đề cương:
1. Cuốn sách phân nhỏ ra đến 6 chương ( ngoài phần Mở đầu) trong toàn bộ số trang chỉ là 300 trang, kể cả phần ảnh minh họa, theo tôi, như vậy có phần hơi bị cắt vụn về nội dung, khó theo dõi, và lại quá lệ thuộc vào những biến đổi chính trị - xã hội đất nước, chứ không được phân định theo sự chuyển hóa của các phong cách kiến trúc, những trường phái kiến trúc có ảnh hưởng lớn đến Hà Nội.
Nên chăng, có thể gộp 2 chương I và II lại với nhau, xem đó là phần Kiến trúc Hà Nội truyền thống từ khởi thủy đến hết thời Nguyễn. Tiếp đó, chương II là phần kiến trúc thời Pháp, và chỉ nên kéo dài đến hết 1945.
Thời kỳ từ 1945 đến 1954 nên gộp vào chương III, nối liền vào kiến trúc của cả 40 năm, từ 1946 đến 1986, trong đó có hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xây dựng trong chiến tranh và xây dựng suốt thời kỳ sau chiến tranh, còn nặng tư duy kinh tế bao cấp, với cả các ảnh hưởng của kiến trúc truyền thống Việt Nam, Pháp, Liên Xô cũ, Đông Đức, Triều Tiên… trong việc xây dựng nhà ở, các khu tập thể và các công trình phúc lợi công cộng, trụ sở cơ quan,v.v…
Sau đó, chương IV mới dành cho thời kỳ Đổi Mới, mở cửa và hội nhập.
Chương V, vẫn giữ nguyên là phần viết về Di sản và bản sắc kiến trúc Thăng Long - Hà Nội từ xưa đến nay, với cả các đoạn viết về kiến trúc truyền thống Thăng Long xưa, khu phố cổ và khu phố cũ, cảnh quan và danh thắng đặc thù.
2. Với cách phân chia như trên, rõ ràng, mỗi thời kỳ kiến trúc sẽ có những điểm nhấn cần thiết, thể hiện được những nét khác biệt đặc trưng cho từng thời kỳ, khá lý thú và dễ theo rõi cho bạn đọc hơn. Tuy nhiên, với tổng số trang chỉ có 300 trang, tôi ngại là các tác giả sẽ không nói hết được những điểm nhấn và các nét đặc thù cần thiết cho từng thời kỳ, vì vậy, tôi xin mạnh dạn đề nghị tổng số trang của cuốn sách sẽ phải nâng lên khoảng 400 trang (kể cả các tranh ảnh minh họa). Thực ra, với một cuốn sách về lịch sử kiến trúc, các trang minh họa và ảnh cũng sẽ phải chiếm đến 2/5 toàn bộ cuốn sách, vì vậy, phần diễn giải và trình bày bằng chữ cũng chỉ chưa đến 250 trang in, trung bình mỗi chương chỉ khoảng 80 trang in.
***
Có thể nói, với những ý kiến đóng góp trên, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng đề cương đề tài “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” sẽ đáp ứng được các yêu cầu đề ra, xứng đáng là một đề tài không thể thiếu của Ban Văn học - Nghệ thuật thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Trang Phạm tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội