Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Nét thanh lịch người Hà Nội qua trang phục Thăng Long - Hà Nội
Thứ sáu, 07/11/2014 04:35

Nếu muốn tìm hiểu và nghiên cứu về đời sống, kinh tế, xã hội, thiên nhiên... thì mảnh đất Thăng Long - Hà Nội luôn là một mảnh đất màu mỡ cần được cầy xới khai thác một cách triệt để mà trong đó đặc biệt nét ăn, ở, mặc, đi lại của người Trang An là một nét nổi bật thể hiện nét thanh lịch mà ít nơi có được. Chính vì vậy trong kho tàng văn hóa dân gian có câu ngạn ngữ “ăn Bắc mặc kinh” để chỉ nét đẹp của người kinh đô Thăng Long từ xưa đến nay qua trang phục mang đậm dấu ấn Hà thành cổ kính, thanh lịch được thể hiện khá đậm nét qua cuốn sách “Trang phục Thăng Long - Hà Nội” của tiến sĩ Đoàn Thị Tình.

 

Trải qua hàng năm lịch sử trang phục của Thăng Long - Hà Nội rất đa dạng phong phú do ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hóa khác nhau, tuy nhiên mảnh đất ngàn năm văn vật vẫn mang trong mình những nét đặc trưng mà ít đâu có được. Trong thời phong kiến trang phục của người Thăng Long - Hà Nội khá đa dạng và phong phú cả về màu sắc lẫn thể loại và phù hợp điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của đất kinh kỳ.
 
Trước thời nhà Lý trang phục khá thô sơ đơn giản, người Việt dệt vải bằng bông, sợi cây đay, gai và tơ chuối. Đồ trang sức cũng khá phong phú và đa dạng trang sức đeo tai, chuỗi hạt đeo cổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn... phong phú kiểu dáng đa dạng về chất liệu như đá, đồng, xương, vỏ ốc... đến thời Thục Phán rời đô từ miền núi xuống đồng bằng (miền Cổ Loa), bắt đầu trồng dâu nuôi tằm cũng phổ biến và còn sản xuất ươm tơ dệt vải, nguyên liệu phong phú, sản phẩm cũng rất phong phú. Các họa tiết hoa tai, vòng cổ... cũng được làm bằng kim loại quý vàng bạc, ngọc ngà... Qua đó để thấy được sự đa dạng phong phú của trang phục thể hiện những nét tinh hoa cũng như sự sáng tạo của người kinh kỳ với bề dày lịch sử truyền thống. Người bình dân trang phục hết sức đơn giản phụ nữ mặc yếm váy kín, đàn ông vẫn chủ yếu đóng khố thuận lợi cho sản xuất và phù hợp với khí hậu nóng ẩm của nước ta.
 
Sự phát triển vượt bậc về trang phục của Thăng Long - Hà Nội từ khi Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra Đại La đổi tên là thành Thăng Long, trong thời kỳ nhà Lý vua rất quan tâm đến việc ăn mặc thực hiện chính sách phân phát gấm vóc của văn võ bá quan thì trang phục đã được hoàn thiện và bắt đầu có những cải biến đáng kể vua có nhiều loại trang phục khác nhau như lễ phục, long bào, long cuốn, hy phục, thường triều,... về phẩm phục của các quan văn võ như quan nhất phẩn, nhị phẩm đội mũ tiến hiền có năm cầu; quan tam phẩm ở các ty và tam phẩm Ngự sử đài, ngục quan phẩm ở hai sảnh đội mũ đội điêu thiền có hai đầu.
 
Đến thời nhà Lê thì trang phục được đề ra khá tỷ mỷ. Trang phục của quý tộc dựa trên phẩm hàm như võ từ nhất phẩm đến tam phẩm thì mặc áo màu hồng; tứ ngũ phẩm áo màu lục. Ngoài ra đều mặc áo xanh. Hoàng thân và quan văn, quan võ từ tam phẩm trở lên có tước công đội mũ phác đầu, cánh chuồn trang sức bằng vàng; không có tước công đội mũ phác đầu, cánh chuồn, trang sức bằng bạc. Các họa tiết như đai lưng cũng có sự khác biệt như hoàng thân trang sức bằng vàng. Quan văn, võ chức tam phẩm trang sức bằng bạc. Tam phẩm dùng đồ mồi trang sức bằng bạc, bao lưng dùng lụa đỏ... Trang phục có định rõ chất liệu may theo mùa.
 
Trong khi đó trang phục của nhân dân trong các thời kỳ trước khá đơn giản thì đến thời kỳ nhà Lê trang phục cũng đã được trang trí và họa tiết đẹp hơn trước. Sự phát triển vượt bật của thời kỳ này là do nhà Lê đã có những chính sách mở rộng ngoại thương giao lưu buôn bán với bên ngoài và sự phát triển nhiều ngành nghề trong đó có dệt lụa của các làng nghề truyền thống tạo ra nhiều sản phẩm đẹp để trao đổi buôn bán. Thăng Long lúc này được so sánh “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến” với cái tên quen thuộc Kinh kỳ hay Kẻ Chợ.
 
Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến là một trong những Thủ đô có lịch sử văn hóa lâu đời trên thế giới. Điều đặc biệt là trải qua thăng trầm của lịch sử, phần lớn thời gian Thăng Long - Hà Nội là kinh đô của nước Việt thời kỳ phong kiến, Thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bởi thế Thăng Long - Hà Nội luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước. Trang phục Thăng Long Hà Nội mang bản sắc Thăng Long - Hà Nội, nhưng nó cũng mang dấu ấn của một vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng rộng lớn. Trang phục Thăng Long - Hà Nội là một phần của đời sống vật chất và tinh thần của con người Thăng Long - Hà Nội. Nó thể hiện cốt cách, phẩm chất của con người nơi đây, trong đó đặc biệt là chiếc áo dài nhẹ nhàng thướt tha thể hiện nét thanh lịch đặc trưng khác hẳn với áo dài Thượng Hải, Hồng Kông. Chính vì vậy trang phục Thăng Long - Hà Nội là một phần cấu thành của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
 
Công trình nghiên cứu trang phục Thăng Long - Hà Nội, với những trang viết dày dặn cùng tranh, ảnh minh họa tạo sự cuốn hút đối với người đọc và là tài liệu hữu ích với những người quan tâm tìm hiểu và các nhà nghiên cứu về trang phục, đặc biệt là những nhà thiết kế thời trang của Việt Nam về trang phục Thăng Long – Hà Nội nghìn năm lịch sử.
 
 
Kim Ngân
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá