Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích
Thứ năm, 13/11/2014 02:48

Cuốn sách là sự kết thừa và phát huy kết quả của hạng mục “Điều tra sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” của Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, do Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, PGS.TS Vũ Văn Quân phụ trách đã cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích, có giá trị nhất của các văn bản Thần tích thần phả được tuyển dịch.

 

Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, sự tác động từ những mặt trái của quá trình đô thị hóa, cơ chế thị trường, sự du nhập thứ văn hóa, văn minh “hỗn độn” từ bên ngoài vào Việt Nam… đang từng ngày, từng giờ làm “lu mờ” phần nào “cốt cách” văn hóa dân tộc. Không gian của các công trình kiến trúc văn hóa cổ xưa đang bị xâm phạm nghiêm trọng, nạn “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài, thần tích thần phả thờ tự chốn linh thiêng bị mất mát, hư hỏng do công tác bảo quản… Từ thực tiễn đó, chúng ta cần nhận ra rằng phải xác định rõ hướng bảo quản, giới thiệu tới đông đảo người đọc những tư liệu có “một không hai” nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ về nguồn cội, lịch sử hào hùng, nét văn hóa thống nhất trong đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Hơn lúc nào hết, việc nghiên cứu, tuyển chọn, biên dịch những tư liệu về thần tích thần phả trên khắp mọi miền Tổ quốc Việt Nam nói chung, Thăng Long - Hà Nội nói riêng đang đặt ra vấn đề cấp bách: Gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa bản địa của dân tộc Việt Nam.
 
Dựa trên những tiêu chí tiêu biểu nhất về thể loại, sự tích các vị “Sơn thần”, “Thủy thần”, “Nữ thần”… cũng như giá trị ý nghĩa cao đẹp của nó, PGS.TS Nguyễn Tá Nhí, PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh cùng nhóm tác giả đã tuyển chọn ra 62 văn bản Thần tích thần phả tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại các Trung tâm lưu trữ, cơ quan Trung ương và địa phương giới thiệu trong “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích”. Đây còn là một trong những tập sách chuyên khảo đặc biệt, tuyển dịch rất nhiều tư liệu Hán Nôm khắc họa lịch sử văn hóa, lịch sử nhân văn của các di tích ở Thăng Long - Hà Nội, góp phần giúp người đọc có thể tiếp cận rất nhiều kiến thức về quá trình dựng làng, dựng và giữ nước của các thế hệ cha ông ta.
 
Địa bàn Thăng Long - Hà Nội - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, chính vì vậy, Thần tích thần phả là cả một thế giới thần linh (đôi khi là huyền bí, huyền ảo), với đầy đủ các vị thiên thần, vị đế vương, thành hoàng, các nữ thần… Qua khảo sát thực tế, với con số thống kê chưa thật đầy đủ thì hiện nay, vùng đất Thăng Long - Hà Nội hiện còn lưu giữ lên đến hơn 1.000 văn bản thần tích thần phả. Đây là một tài sản vô cùng quý giá, phản ánh kết quả lao động miệt mài của bao thế hệ người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Cuốn sách là sự bổ sung, đóng góp kịp thời làm phong phú thêm “Tủ sách Thăng Long 1000 năm văn hiến” chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
 
Về bố cục, nội dung tập sách được chia thành hai phần:
 
Phần thứ nhất: Khảo cứu tư liệu về Thần phả thần tích ở các di tích thuộc địa bàn Thăng Long - Hà Nội (sau khi mở rộng địa giới hành chính).
 
Phần thứ hai: Tuyển chọn và chú dịch 62 văn bản Thần tích thần phả hiện được lưu giữ trên địa bàn 29 quận/huyện của Thủ đô.
 
Chính những tiêu chí tuyển dịch các văn bản Thần tích, Thần phả đã phản ánh nội dung chủ đạo của cuốn sách. Chẳng hạn, chọn văn bản Thần tích ghi chép về các hàng tứ bất tử: Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Tản Viên Sơn Thánh, Linh Lang và Cao Sơn; hay ưu tiên việc lựa chọn các văn bản Thần tích giới thiệu về các Nữ thần: Ả Lã Nàng Đê, Lý Chiêu Hoàng, các nữ tướng của Hai Bà Trưng... Những công lao đóng góp đối với sự hình thành làng xã, tổ nghề, có công đánh giặc giữ nước đã được Nhà nước công nhận, ban cấp sắc phong thờ phụng. Tất cả đều được nhóm tác giả cố gắng xử lý, sắp xếp phù hợp, trong đó, có nhiều Thần tích kèm theo nguyên bản Hán Nôm giúp các nhà nghiên cứu, các độc giả khi tìm hiểu có thể so sánh, đối chiếu tính chân thực, khoa học mà văn bản Thần tích phản ánh.
 
Khai thác tư liệu Thần tích trên đất Thăng Long - Hà Nội, các nhà nghiên cứu sử học, văn học, dân tộc học, triết học, xã hội học, văn hóa học... đều có thể tìm được những tư liệu quý giá phục vụ đắc lực cho quá trình nghiên cứu. Không những vậy, giới độc giả nói chung, độc giả Hà Nội nói riêng khi tiếp cận khối văn bản được tập sách sưu tầm, tuyển chọn sẽ mở rộng, nâng cao tầm hiểu biết về các phong tục tập quán tốt đẹp như nghi lễ tế thần, hội hè đình đám, tục kết chạ giữa các địa phương, làng xã trong quá trình sản xuất, đối phó với thiên tai, lũ lụt...
 
Bằng phương pháp tiếp cận đề tài khoa học, trực tiếp tiến hành điều tra, sưu tầm các văn bản Thần tích thần phả được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Thông tin Khoa học xã hội… kết hợp đi thực tế, khảo sát tại một số địa phương của Hà Nội, sau đó, tiến hành phân loại theo nội dung, hình thức, văn bản chữ Hán, chữ Nôm rồi phiên âm, dịch nghĩa, chú giải… Qua đó, tập thể tác giả đã cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích, có giá trị nhất của các văn bản Thần tích thần phả được tuyển dịch.“Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích” là tập sách có giá trị trong nghiên cứu về văn hoá, lịch sử, tư liệu, và là công cụ tra cứu hữu ích đối với người nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội.
 
 
Đặng Thị Tình
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá