Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954, Tập 1
Thứ sáu, 21/11/2014 04:41

Sau khi hoàn thành xâm lược và đặt ách thống trị ở Nam Kỳ, thực dân Pháp tiến hành mở rộng đánh chiếm ra Trung Kỳ và Bắc Kỳ, trong đó Hà Nội là một trong những mục tiêu trọng tâm của chúng. Kể từ đó, tiến trình lịch sử thành phố Hà Nội từ khi trở thành “đất bảo hộ” cho đến ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng là những “nấc thang” thăng/trầm hòa chung dòng chảy lịch sử dân tộc với một khối tài liệu và tư liệu đồ sộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Số dữ liệu này được lưu giữ và bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tất cả được tập hợp và giới thiệu trong cuốn sách: Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954 do Tiến sĩ Đào Thị Diến làm chủ biên.

 
Ngược dòng thời gian, lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử Hà Nội nói riêng từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam đến ngày Hiệp định Giơnevơ về “đình chỉ chiến sự”, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết, thực dân Pháp phải “khăn gói” về nước là một quá trình lịch sử vừa đau thương, nhưng cũng rất hào hùng. Chính vì vậy, nguồn tài liệu và tư liệu lưu trữ về Hà Nội đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I rất phong phú và đa dạng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng, giao thông, công chính… Với mong muốn giới thiệu tới đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu, bạn đọc trong và ngoài nước tìm đọc và khai thác, nghiên cứu khối tư liệu lớn, có giá trị này, Tiến sĩ Đào Thị Diến cùng các cộng sự đã chủ động khắc phục khó khăn về tính chất tư liệu, tài liệu, về thời gian… dày công sưu tầm, bóc tách khối tư liệu, tài liệu, biên soạn: Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873 - 1954, Tập 1.
 
Sách được biên soạn dưới dạng sách tra cứu có tính chất chuyên sâu, có tóm tắt nội dung tài liệu và tư liệu lưu trữ đang được lưu trữ và bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Bằng việc sử dụng kết hợp các biện pháp liên ngành, đặc biệt là việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai biện pháp chủ đạo: phương pháp nghiên cứu của Bộ môn Sử học và phương pháp công bố tài liệu của Bộ môn Lưu trữ học, nhóm tác giả đã tách ra từng tài liệu và sắp xếp theo chủ đề rồi trình bày theo trình tự thời gian. Theo đó,
 
Tập 1 cuốn sách được kết cấu gồm hai phần chính:
 
Phần I: Địa giới – Tổ chức hành chính.
 
Phần II: Quy hoạch – Xây dựng.
 
Ngoài ra, cuốn sách còn bố cục Phần phụ lục, Phân Từ điển chú giải, nhằm giúp người đọc có cái nhìn rộng hơn và tra cứu dễ dàng hơn.
 
Với hai phần được bố cục rõ ràng, nội dung chính của cuốn sách được biên soạn trên các khối tài liệu Hán - Nôm và tài liệu tiếng Pháp, khối tư liệu (tiếng Pháp và tiếng Việt). Các nguồn tư liệu và tài liệu này đã góp phần khắc họa những nét lớn trong tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển của thành phố Hà Nội, từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng của Hà Nội trong quá trình đô thị hóa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đồng thời làm rõ được quá trình biến đổi diện mạo của Hà Nội từ một thành phố còn mang dáng dấp nông thôn trở thành “Thủ đô” của xứ Bắc Kỳ, và của cả Liên bang Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) thuộc Pháp do thực dân Pháp tự quy hoạch và lập nên.
 
Qua cuốn sách tra cứu này, các học giả, nhà nghiên cứu có thể tiếp cận một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất về các khối tài liệu, tư liệu có giá trị về Hà Nội 1873-1954. Khối tư liệu tiếng Pháp: Các sắc lệnh, nghị định, quyết định do chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương ban hành có liên quan đến Hà Nội được tập hợp từ một số ấn phẩm định kỳ xuất bản trước năm 1954. Khối tư liệu tiếng Việt: Các sắc lệnh, nghị định, quyết định do Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành có liên quan đến Hà Nội đăng trên “Việt Nam Dân quốc công báo”, từ số 1 (29/9/1945) đến số 47 (23/11/1946). Khối tài liệu Hán - Nôm: chủ yếu giới thiệu 2 phông tài liệu: Nha huyện Thọ Xương và Nha Kinh lược Bắc Kỳ, phản ánh rõ nét lịch sử ra đời của tỉnh và thành phố Hà Nội (từ năm Tự Đức thứ 28 đến năm Thành Thái thứ 7). Khối tài liệu tiếng Pháp: Chủ yếu giới thiệu các phông: Phủ Thống sứ Bắc kỳ là phông có nhiều tài liệu liên quan đến thành phố Hà Nội nhất, phản ánh quá trình xây dựng và thay đổi về nhiều mặt của xã hội Bắc Kỳ (1873-1954); Tòa Đốc lý Hà Nội, Tòa Thị chính Hà Nội, Sở Địa chính và Công thổ Hà Nội, Tòa Công sứ Hà Đông, Sở Địa chính Bắc Kỳ…
 
Cuốn sách được hoàn thành vào đúng dịp Hà Nội và cả nước đang chuẩn bị tích cực cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó quả thực là một món quà vô cùng ý nghĩa chúc mừng sự kiện trọng đại này. Cuốn sách còn là đóng góp của TS Đào Thị Diến cùng nhóm tác giả, làm phong phú thêm kho tư liệu của “Tủ sách Thăng Long 1.000 năm”, “hòa mình” vào dòng chảy lịch sử Thăng Long - Hà Nội “ngàn năm văn hiến”. Đối với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, những bạn đọc ham mê tìm hiểu, nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội thì cuốn sách: Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873 - 1954 là một “bách khoa thư”, cuốn sách “gối đầu giường”, là công cụ tra cứu vô cùng hữu hiệu.
 
 
Đặng Tình
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá