Cuốn sách được hoàn thành trên cơ sở kết quả nghiên cứu của hạng mục “Điều tra, sưu tầm tư liệu” do PGS.TS Vũ Văn Quân phụ trách, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển- Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, thuộc Dự án “Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Cuốn sách hoàn thành ở thời điểm rất có ý nghĩa, đúng vào dịp Thăng Long - Hà Nội cùng quân và dân cả nước tổ chức Đại lễ 1000 năm tuổi.
Thăng Long - Hà Nội - trung tâm chính trị - hành chính của đất nước ta trải dài hàng nghìn năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đã trở thành nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Những giá trị “lắng hồn núi sông ngàn năm” đó luôn luôn là nguồn cảm hứng nghiên cứu vô tận không những của các thế hệ người Việt Nam, mà còn là hướng “gợi mở” đối với nhiều học giả nước ngoài. Trên cơ sở đó, những nghiên cứu về Hà Nội, ở khía cạnh tự nhiên - tự phát hoặc có thể ở góc độ “quy hoạch”, là chủ đề, từng bước trở thành một ngành học mang tính chất đặc thù: “Hà Nội học”.
“Thăng Long - Hà Nội: Thư mục công trình nghiên cứu” là cuốn sách đầu tiên tập hợp rộng rãi và tương đối đầy đủ các công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, vùng đất ngàn năm văn hiến, địa linh nhân kiệt. Căn cứ vào những tiêu chí lựa chọn khác nhau đảm bảo tính thống nhất, khoa học, tập hợp thư mục công trình nghiên cứu trong cuốn sách giới thiệu 6.014 đầu mục nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội được công bố dưới dạng sách, các bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành và các kỷ yếu khoa học, bao gồm cả các luận án tiến sĩ đã bảo vệ thành công. Trong số đó, có 5.746 nghiên cứu bằng tiếng Việt và 268 nghiên cứu bằng tiếng nước ngoài. Đây thực sự là một công trình đồ sộ, cũng có thể coi là một “bách khoa thư” về Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Cuốn thư mục được cấu trúc thành hai phần:
Phần thứ nhất: Thư mục nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội.
Phần thứ hai: Sách dẫn.
Trên cơ sở hai phần được chia tương đối rõ rệt, mỗi bài viết, công trình, cuốn sách giúp người tra cứu có được các thông tin cụ thể:
- Đối với công trình nghiên cứu được công bố dưới dạng tạp chí: tên tác giả, tên tác phẩm, tên tạp chí, số tạp chí, năm xuất bản tạp chí và số trang bài được đăng.
- Đối với công trình nghiên cứu được công bố dưới dạng sách, kỷ yếu hội thảo khoa học: tên tác giả, tên sách, tên nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản và tổng số trang sách.
- Cuốn sách cung cấp cho người đọc, đặc biệt là các nhà nghiên cứu Hà Nội những thông tin chỉ dẫn cần thiết và chính xác về các công trình nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội trên tất cả các phương diện: Địa lý tự nhiên, Địa danh (hành chính), Lịch sử, Kinh tế, Khoa học - Giáo dục, Văn học - Ngôn ngữ, Nhân vật, Di tích lịch sử văn hóa và Cách mạng. Với bảng chỉ dẫn trên (được hệ thống hóa và chi tiết đến từng vấn đề cụ thể), độc giả có thể tra cứu các bài viết, các công trình của các tác giả vè các vấn đề mà mình quan tâm, trên cơ sở đó có thể tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu. Cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc liệt kê các tài liệu, mà giá trị hơn, là một cuốn sách công cụ để nghiên cứu và giới thiệu về Thăng Long - Hà Nội. Đây là một công trình khoa học, bổ ích và cần thiết, vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuốn thư mục thông thường.
Cuốn thư mục dựng lại trước thời điểm Hà Nội mở rộng (8/2008), Hà Nội hiện nay được mở rộng thêm rất nhiều, nghiên cứu về Hà Nội sẽ được mở rộng về phương diện và nội dung khoa học. Do đó, có thể sau 10 năm, 20 năm sau, cuốn thư mục sẽ tiếp tục dày thêm, sẽ hứa hẹn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của Thủ đô.
Với sự cẩn trọng, công phu trong từng khâu sưu tầm, xử lý, hệ thống hóa tư liệu… kết hợp nhiều phương pháp tiếp cận vấn đề một cách khoa học, đặc biệt ban biên soạn đã trực tiếp thực hiện điều tra, sưu tầm các văn bản khác nhau đang được lưu trữ tại các tủ sách, thư viện gia đình của nhiều tác giả, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Thư viện Thông tin Khoa học xã hội… kết hợp đi thực tế, khảo sát tại một số địa danh của Hà Nội… Qua đó, tập thể tác giả đã cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích, có giá trị nhất của các văn bản về hệ thống các thư mục công trình nghiên cứu tổng quát. Cần phải khẳng định rằng: “Thăng Long - Hà Nội: Thư mục công trình nghiên cứu” là một trong những cuốn sách hữu ích để tham khảo, có thể coi như một từ điển tra cứu hữu ích về Hà Nội xưa và nay mà trong tủ sách của mỗi nhà nghiên cứu nên có.
Đặng Tình
Nhà xuất bản Hà Nội