Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Thứ sáu, 26/12/2014 05:01

Cuốn sách “Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội” do PGS.TS. Trần Lâm Biền và PGS.TS. Trịnh Sinh đồng chủ biên là một đầu sách thuộc “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành dịp kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội. Cuốn sách góp phần làm phong phú hơn kho tàng văn hóa của mảnh đất ngàn năm và giúp độc giả có thể tiếp cận gần hơn với những di sản văn hóa của tổ tiên để thêm yêu, trân trọng những giá trị văn hoá truyền thống mà bảo tồn và gìn giữ những biểu tượng văn hoá của dân tộc.

 
Trong tạo hình của người Việt, yếu tố biểu tượng đã phát triển rất cao. Biểu tượng Việt gắn rất chặt với bước đi và xã hội Việt, đặc biệt là lịch sử văn hóa. Cuốn sách nhằm hệ thống hoá và đánh giá giá trị biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa, từ đó nhằm giải mã những giá trị trong di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

“Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội” là một đề tài khó và rất rộng nhưng với tâm huyết của người làm khoa học, PGS.TS. Trần Lâm Biền và PGS.TS. Trịnh Sinh - những chuyên gia am hiểu về nhiều lĩnh vực lịch sử, tâm linh, xã hội, văn hóa... đã dành thời gian và tâm sức tập hợp được nhiều nguồn tư liệu và hiện vật phong phú về các giá trị biểu tượng một cách cụ thể xuyên suốt từ thời tiền sử và sơ sử đến thời quân chủ dân tộc cho đến ngày nay. Cuốn sách được chia làm 3 phần.

Phần 1: Những tiền đề tiếp cận giá trị biểu tượng

I. Địa lý cảnh quan một Hà Nội cổ

II. Cư dân thời đại đồ đá ở Hà Nội với các biểu tượng văn hoá nghệ thuật

III. Cư dân thời đại đồng thau và sắt sớm với các biểu tượng văn hoá nghệ thuật

IV. Phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ Hà Nội thể hiện trên các biểu tượng

Phần 2: Giá trị biểu tượng Hà Nội dưới thời quân chủ dân tộc

I. Giá trị biểu tượng trong kiến trúc chung và Hà Nội

II. Về giá trị biểu tượng trong điêu khắc tượng tròn, đồ thờ ở Hà Nội

IV. Giá trị biểu tượng trong chạm khắc trang trí trên địa bàn Hà Nội

Phần phụ lục là các bài viết của nhiều tác giả về các giá trị biểu tượng cụ thể của từng thời kỳ từng triều đại qua dòng lịch sử của dân tộc, thể hiện rõ hơn và nhiều chiều trong nghiên cứu biểu tượng văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Để hiểu một cách đầy đủ về thế giới biểu tượng độc giả hãy tìm hiểu định nghĩa cụ thể về giá trị biểu tượng nghệ thuật văn hóa mà cuốn sách giới thiệu, đó là sự kết tụ tinh hoa từ bàn tay khối óc của cha ông ta, chúng được hình thành bởi tư duy nông nghiệp, để phản ánh về một ý niệm truyền đời là cầu no đủ và mọi điều hạnh phúc. Qua định nghĩa này độc giả có thể hiểu biểu tượng là một chứng cớ cụ thể để nói lên quá trình phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt vốn bắt nguồn từ những thời đại xa xưa.

Với ngòi bút sắc xảo tinh tế và sự am hiểu sâu rộng về lịch sử, tín ngưỡng, xã hội, văn hóa... hai tác giả đã cho bạn đọc thấy được một hệ thống giá trị biểu tượng văn hóa Việt từ thời tiền sử đến thời quân chủ. Các biểu tượng văn hóa của thời kỳ trước là nền tảng cơ sở vững trắc cho văn hóa thời kỳ sau này. Tuy nhiên, mỗi một nền văn hóa nó có sự phát triển khác nhau theo tư duy phát triển của con người. Ví dụ: thời tiền sử có các nền văn hóa nổi bật như Sơn Vi, Hòa Bình... với các sản phẩm là các hòn cuội có chức năng để phục vụ cuộc sống của con người đến thời đồng thau ngoài các biểu tượng phục vụ cuộc sống thì còn có trống đồng Đông Sơn nó là một biểu tượng thể hiện quyền lực.

Khi cuộc sống con người ngày càng phát triển thì con người chú ý nhiều đến nhu cầu hưởng thụ văn hoá, không gian sinh sống và thờ tự, điều kiện sống, cảnh vật cây cối xung quanh. Trong đó đặc biệt chú ý đến các giá trị biểu tượng trong kiến trúc thể hiện khá rõ nét qua các công trình đình, chùa... Nó cũng là thể hiện sự phát triển tâm linh của người Việt ta từ xưa đến ngày nay. Các hiện vật chính được bài trí dưới nhiều hình thức khác nhau, bằng nhiều chất liệu khác nhau ở di tích. Trong cuốn sách này, tư liệu về biểu tượng chủ yếu thông qua kết quả của các đợt điền dã thực địa ở nhiều địa điểm khác nhau, mà địa bàn cơ bản là châu thổ Bắc Bộ, tức là địa bàn sinh tụ và định cư lâu đời củ người Việt với một trọng tâm là Hà Nội. Đề tài có đóng góp tích cực vào việc xác định giá trị tích cực của di tích.

Qua cuốn sách “Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội” thông điệp mà các tác giả gửi đến cho bạn đọc là cái nhìn cụ thể chính xác về các giá trị biểu tượng để tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta đã dày công xây dựng.


Kim Ngân

Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá