Bố cục cuốn sách gồm những nội dung sau:
1. Các ca khúc sáng tác trong các giai đoạn lịch sử của Hà Nội, từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến những năm đầu thế kỷ XXI, sắp xếp theo vần A, B, C...
2. Phụ lục “Sơ lược chân dung các nhạc sĩ - tác giả của các ca khúc” sắp xếp theo vần A, B, C...
3. Bảng tra cứu 300 ca khúc Hà Nội sắp xếp theo vần A, B, C...
4. Danh sách nhạc sĩ có tác phẩm in trong sách sắp xếp theo vần A, B, C...
Trong lĩnh vực thanh nhạc vào thế kỷ XX, ca khúc viết về Hà Nội chiếm một vị trí đáng kể. Những người viết về Hà Nội thời ấy, dù sinh ra hay không sinh ra, lớn lên hay không lớn lên trên đất kinh kỳ thì một Hà Nội thân thương và thuần khiết, dịu dàng và thanh lịch hay những cung bậc thăng trầm của lịch sử chống ngoại xâm, thực sự trở thành chất xúc tác mạnh mẽ chinh phục con tim của các thi sĩ và nhạc sĩ để họ có thể thổi hồn vào đó để cho ra những tác phẩm âm nhạc để đời và sống mãi với thời gian.
Đặc biệt trong thời kỳ đất nước đấu tranh chống thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ bảo vệ tổ quốc các nhạc sĩ sáng tác ra những bài ca hùng tráng chủ yếu phục vụ cổ vũ cho tinh thần yêu nước căm thù giặc để chống giặc ngoại xâm của dân tộc, tiêu biểu như: Cùng nhau đi Hồng binh (Đinh Nhu), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Du kích ca (Đỗ Nhuận), Mười chín tháng Tám (Xuân Oanh), Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Hà Nội giải phóng (Nguyễn Văn Quỳ)...
Những năm cuối thế kỷ XX những ca khúc về Hà Nội đã được bổ sung đáng kể vào nền âm nhạc Việt Nam với những tác phẩm vẫn còn sống mãi với thời gian. Trong đó đặc biệt phải kể đến những ca khúc viết về Bác Hồ kính yêu của dân tộc ta. Hình ảnh người luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Lấy nguồn cảm hứng từ hình tượng Hồ Chí Minh, các sáng tác này tập trung ca ngợi về Hồ Chí Minh như là một vị cha già dân tộc và là người có tấm lòng bao la đối với người Việt Nam, những tác phẩm này thường được lưu hành rộng rãi trong xã hội Việt Nam. Mỗi một việc Người làm, lời Người nói, nơi Người đến đều trở thành những di tích để người dân ghi nhớ và tôn thờ.
Hình tượng Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ, nhà thơ sáng tác nhiều tác phẩm. Nhạc sĩ Thuận Yên đã nói: “Trong mỗi chúng ta luôn sẵn có sự tôn kính, tình yêu thương, ngưỡng mộ và lòng biết ơn vô bờ bến đối với Bác nên chỉ cần một bài hát nào đó nói lên được những tình cảm ấy là họ chấp nhận... Đó là đề tài vô tận không bao giờ vơi cạn trong mỗi người sáng tác”.
Người đã hy sinh cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, người không chỉ được cả dân tộc tôn kính mà còn được cả thế giới kính phục.
Các sáng tác về Bác như: Những bông hoa trong vườn Bác của Văn Dung.
Những bông hoa trong vườn Bác.
Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người,
Mỗi mùa hoa một mùa quê hương.
Mỗi màu hoa một màu yêu thương,
gợi nhớ về bao nhiêu kỷ niệm (…)
hay Em mơ gặp Bác Hồ của Xuân Giao:
Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ
Râu bác dài tóc Bác bạc phơ
Em âu yếm hôn đôi má bác
Vui bên bác là em múa hát
Hát bài Hồ Chí Minh muôn năm
Múa bài Hồ Chí Minh muôn năm (...)
Mỗi một nốt nhạc, một dòng thơ hòa quyện vào nhau và cùng nhau thể hiện biết bao lòng kính yêu của người dân đối với Bác Hồ kính yêu. Tình cảm của Bác, hình ảnh Bác, nơi Bác yên nghỉ cũng đều biến thành những nốt nhạc dòng thơ mạng đậm chất lãng mạn với một tình cảm lớn lao, mênh mông, bát ngát, bao la như biển trời của Người: Ba Đình lịch sử của Doãn Nho, Ba Đình nắng của Bùi Công Kỳ - Vũ Hoàng Địch, Bác đã về Thủ Đô của Lê Yên, Bên lăng Bác Hồ của Dân Huyền, Con về thăm nhà sàn của Bác của Lân Cường, Dâng Người tiếng hát mùa xuân của Nguyễn Văn Thương, Mùa thu ở Ba Đình...
Cuốn Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI để lại dấu ấn khá mạnh mẽ trong lòng bạn đọc, những ca khúc Hà Nội được tuyển chọn, giới thiệu trong cuốn sách đã đem đến cho độc giả những cảm nhận sâu lắng về ngôn từ, nhạc điệu ý nhĩa và giá trị sẽ còn sống mãi với thời gian.
Đặng Tình
Nhà xuất bản Hà Nội