Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thăng Long – Hà Nội qua kiến trúc
Thứ hai, 09/02/2015 11:07

Đã có nhiều cuốn sách viết về Hà Nội dưới góc cạnh chính trị, xã hội, văn hóa, lịch sử… nhưng để có một cuốn sách viết riêng về kiến trúc và do kiến trúc sư viết về kiến trúc Thăng Long – Hà Nội lại chưa có. Vậy nên, sự ra đời của đề tài Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với Hà Nội. Đề tài Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội do KTS. Lê Văn Lân chủ biên ngay từ bản đề cương đã nhận được nhiều sự đồng tình, biểu dương và góp ý của các nhà khoa học. Sau đây, chúng tôi giới thiệu một số ý kiến nhận xét của các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu qua góc nhìn từ kiến trúc gắn với tiến trình lịch sử:

 
Theo PGS.TS. Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện quy hoạch kiến trúc đô thị Đại học Xây dựng Hà Nội đã bày tỏ sự tin tưởng vào sự thành công của đề tài bởi đội ngũ tác giả là những chuyên gia tên tuổi, những nhà giáo uy tín và đầy kinh nghiệm, đầy kiến thức, hiểu biết về kiến trúc. Đề tài được chia làm 6 chương trong đó có 5 chương mô tả 5 giai đoạn lịch sử khác nhau và chương 6 như một chương tổng kết và bàn luận về Di sản kiến trúc Thăng Long - Hà Nội. Với kết cấu và nội dung này, PGS. TS. Doãn Minh Khôi cho rằng cơ bản như thế là phù hợp. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một số góp ý với nhóm tác giả.
 
- Tên cuốn sách là Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội. Nghĩa là bản thân nó gắn với 2 cái tên của Thủ đô đã gợi cho người ta những cảm nhận về kiến trúc của thời kỳ phong kiến mà thủ đô mang tên Thăng Long và một thời kỳ tiền thực dân, bao cấp và đổi mới mang tên Hà Nội. Nội dung kiến trúc, chính vì vậy cần nêu bật sự đa dạng của kiến trúc Hà Nội xuất phát từ gốc Thăng Long và Hà Nội thời kỳ cận hiện đại. Vậy nên chăng tách ra thời kỳ Thăng Long (chương 1-2) và thời kỳ Hà Nội (chương 3-4-5). Thời kỳ Thăng Long là kiến trúc của các đời vua mang tính niên luật kết hợp với dân gian biểu hiện trong các kiến trúc cổ của vua quan và kiến trúc dân gian của cộng đồng thôn quê. Thời kỳ Hà Nội là kiến trúc của thực dân, của sự hội nhập và tiểu thương với các mảng kinh tế đa dạng khác.
 
- Đây không phải là cuốn sách đi sâu vào “Lịch sử Kiến trúc Hà Nội” mà nên đi sâu vào Kiến trúc Hà Nội. Vì vậy, không nên quá chú trọng vào phân kỳ lịch sử mà bỏ qua các phân tích về đặc trưng và hình thái kiến trúc của từng giai đoạn mà người ta thường gọi là kiến trúc so sánh (Architecturecompareé). Như vậy trong phần kiến trúc Thăng Long cần phải có một phần phân tích những nét đặc trưng của thời kỳ này, và tương tự như thế trong thời kỳ Hà Nội.
 
- Không nên quá chú trọng vào các mốc và sự kiện chính trị như điều kiện tiên quyết trong phân kỳ, mà cần lưu ý nhận dạng và đánh giá của từng giai đoạn kiến trúc Việt Nam. Các tên đề mục nên nhấn mạnh các thời kỳ cổ đại, phong kiến, thuộc Pháp, bao cấp và đổi mới. Không nên quá nhấn mạnh các sự kiện chính trị trên các đề mục, mà nên chú trọng các yếu tố văn hóa, lịch sử. Ngoài ra, các tư liệu kèm theo (hình vẽ, ảnh, bản đồ) cũng nên chú trọng hơn về về chủ đề kiến trúc - quy hoạch.
 
Cũng từ góc nhìn, quan điểm của người làm kiến trúc GS.TS. KTS Nguyễn Lân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Đô thị Việt Nam có ý kiến đóng góp cho bản đề cương:
 
Cần quan tâm đúng mức mối quan hệ giữa kiến trúc công trình và quy hoạch đô thị. Với cái tên “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” độc giả sẽ hy vọng hiểu sâu về kiến trúc công trình còn vấn đề quy hoạch tuy có mối quan hệ hữu cơ với kiến trúc công trình nhưng theo tôi được biết thì các nhà quy hoạch đô thị cũng đang biên soạn tập sách về quy hoạch, nên ở đề tài “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” nên nghiên cứu chủ yếu vào phần kiến trúc công trình với các đề mục nêu ra từ chương I đến chương V có thể viết sâu về kiến trúc công trình cũng có thể viết sâu về quy hoạch.
 
Ông đề nghị nên nghiên cứu chủ yếu về mặt kiến trúc công trình nên nội dung như chương VI là phù hợp. Nghe cái tên “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” chắc nhiều người sẽ hy vọng sẽ hiểu được sâu sắc về các công trình kiến trúc đã hình thành và tồn tại qua các thời kỳ lịch sử. Do đó đề nghị cần tập trung về vấn đề này.
*
Hà Nội ở một vị thế của một tỉnh thành, một kinh đô, một thủ phủ, một trung tâm kinh tế - văn hóa – chính trị của đất nước trải qua các thời kỳ lịch sử đều mang một dáng vẻ riêng biệt. Sự ra đời của đề tài Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội sẽ là dịp hệ thống lại, nhìn nhận, đánh giá để từ đó có kế sách giữ gìn và định hướng cho quy hoạch, phát triển của thủ đô Hà Nội ở hiện tại và tương lai dưới góc độ kiến trúc.
 
 
Đàm Ly (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá