Biên niên lịch sử Hà Nội (từ tháng 8 năm 2008 đến nay) - Đề tài có tính thiết yếu
Về tính cấp thiết của đề tài, theo PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc thì trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã ra mắt cuốn sách “Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội” do PGS.TS Phạm Xuân Hằng và PGS.TS Phan Phương Thảo làm Chủ biên gồm 4 phần (trước định đô; kỷ nguyên độc lập, thời kỳ Pháp thuộc và thời kỳ hiện đại tính từ 1945 cho đến đầu năm 2008) dày 1.260 trang, được bạn đọc hoan nghênh và đánh giá cao. Do đề tài thực hiện trong lúc chưa mở rộng địa giới hành chính còn khi sách ra lại trong bối cảnh kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên phần đất tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình mới được nhập vào Hà Nội, người đọc chưa cảm thấy trống và thiếu. Đến nay, sau hơn 5 năm mảnh đất này trở thành bộ phận hữu cơ của Hà Nội, Biên niên lịch sử Hà Nội không thể không bổ sung mảng Hà Nội mở rộng tính từ đầu cho đến ngày 1 tháng 8 năm 2008 và mảng của toàn bộ thành phố Hà Nội từ khi mở rộng cho đến nay.
Về mốc thời gian, theo PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc nên dừng lại ở thời điểm 2013, sau 5 năm mở rộng, vì khi đó có tổng kết, đánh giá bước đầu.
Đặt vấn đề, xác định nội dung, phạm vi không gian, thời gian cũng như phương pháp cách thức nghiên cứu, trình bày như bản đề cương này là hoàn toàn chính xác. PGS.TS. Quang Ngọc tin là với kinh nghiệm xây dựng bộ “Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội” trước, Chủ biên và các cộng tác viên có thể hoàn thành đề tài “Biên niên lịch sử Hà Nội” này với chất lượng còn cao hơn.
PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc cũng đưa ra một vài ý kiến đóng góp:
- Tên đề tài là “Biên niên lịch sử Hà Nội (từ T8/2008 đến nay”), không khỏi đem đến cho người đọc cảm nhận là cuốn biên niên này chỉ thuần túy chép về giai đoạn Hà Nội sau khi đã được mở rộng (như ở trong đề cương là chỉ có 4 năm 2008-2012). Dù Chủ biên có giải thích ở phần Lời nói đầu, thì người đọc vẫn thấy phần Hà Nội mở rộng trước tháng 8 năm 2008 mới là nội dung chính của cuốn sách. Như thế, tên sách không hoàn toàn tương thích với nội dung nên có lẽ cũng thử bàn đặt lại tên sách. Theo ông nên thay cụm từ giới hạn thời gian trong ngoặc đơn bằng hai chữ “mở rộng” và tên sách sẽ là “Biên niên lịch sử Hà Nội (mở rộng)” thì xem ra có vẻ hợp lý hơn. Phần đầu là nói về lịch sử của khu vực Hà Nội mở rộng cho đến trước ngày nó được tích hợp vào Hà Nội, còn phần tiếp theo là lịch sử của thành phố Hà Nội trong 5 năm được mở rộng.
Theo ông thì chủ biên hoàn toàn có cái lý của mình khi xây dựng kết cấu của phần một hoàn toàn dựa theo “Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội”, tuy thế cũng cần căn cứ vào thực tế lịch sử khu vực này mà phân kỳ thì hơn. Chẳng hạn có cần thiết phải lấy mốc định đô Thăng Long hay mốc năm 1873 làm chuẩn hay không. Theo lý thông thường thì năm 1010 không phải là mốc mở đầu và năm 1873 không phải là mốc kết thúc của thời kỳ độc lập tự chủ. Triều đình Huế phải sau Hiệp ước Hác-măng (1883) và Pa-tơ-nốt (1884) mới hoàn toàn mất quyền tự chủ, chứ không bị mất từ năm 1873. Khu vực này tính từ sau cải cách hành chính của Minh Mệnh cho đến hiện nay là khu vực có nhiều thay đổi về mặt hành chính nhất, luôn luôn bị tách ra nhập vào hết Sơn Tây, Sơn Nam Thượng, Phúc Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Cầu Đơ, Hà Đông, Hòa Bình, Hà Tây, Hà Sơn Bình, Hà Nội (lần 2) đến Hà Tây (lần 2), Hà Nội (lần 3)… có lẽ cũng cần được phản ánh một cách cụ thể. Phần 2 chỉ ghi 4 mục biên niên theo năm, người đọc không hình dung được nội dung cần giới thiệu.
Đồng quan điểm với các nhà nghiên cứu và khoa học, PGS.TS. Trần Thị Vinh cũng cho rằng sự ra đời của đề tài này là cần thiết và hoàn toàn tin tưởng vào chủ biên và nhóm tác giả thực hiện. Tuy nhiên, việc làm biên niên không đơn giản, ngược lại rất khó khăn, đòi hỏi phải có một sự tìm hiểu, khảo sát và lựa chọn thật kỹ lưỡng các nguồn thông tin để đi đến thống nhất các tiêu chí một cách nhất quán cho toàn bộ công trình ở cả hai giai đoạn. Công việc này cũng đòi hỏi một lực lượng cộng tác viên đông đảo được trang bị tốt các kỹ năng cần thiết cũng như vai trò của các cơ quan lưu trữ của Nhà nước trong việc cung cấp chính xác các nguồn tài liệu. Vì thế, công trình Biên niên ở giai đoạn II cần phải được đầu tư thích đáng cả về tài chính lẫn thời gian thì nhóm công trình mới có đủ điều kiện để thu thập, chỉnh lý và đối chiếu tốt các nguồn tài liệu giúp cho việc xây dựng và biên soạn một bộ Biên niên chất lượng cao.
PGS.TS. Trần Thị Vinh nhất trí với kết cấu của đề tài. Hơn thế, những tiêu chí về: Niên đại, tên sự kiện, nội dung sự kiện, nguồn trích dẫn vàsách dẫn được thống nhất giữa tập I và II là rất đúng, làm như vậy sẽ rất tiện cho người sử dụng khi tra cứu các vấn đề cần thiết của một địa phương trong những thời điểm lịch sử khác nhau.
Một bộ Biên niên ngoài những tiêu chí quan trọng về niên đại, sự kiện, nội dung sự kiện thì việc dẫn nguồn là hết sức quan trọng, nếu không dẫn nguồn thì bộ sách sẽ bị giảm giá trị. Trong dẫn nguồn, tài liệu gốc được ưu tiên xếp lên trước là rất khoa học. Việc đánh số thứ tự các sự kiện từ nhỏ đến lớn liên quan đến phần sách dẫn ở dưới cũng rất hợp lý giúp cho việc sử dụng được dễ dàng.
Linh Chi (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội