Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Giá trị của Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945
Thứ hai, 30/03/2015 02:18

Những năm gần đây, các nguồn tư liệu phương Tây viết về Hà Nội ngày càng trở nên quen thuộc với các nhà nghiên cứu trong nước, và có đóng góp lớn vào việc nâng cao nhận thức chung về lịch sử của thủ đô Hà Nội giai đoạn từ cuối thời kỳ trung đại đến cách mạng tháng Tám năm 1945. Thực tế cho thấy, việc sử dụng nguồn tư liệu quan trọng này vẫn chủ yếu giới hạn ở một bộ phận nhỏ các nhà nghiên cứu, nội dung nghiên cứu thường phiến diện, hướng về những chủ đề mà người nghiên cứu quan tâm tìm hiểu. Do đó, bức tranh toàn cảnh về đô thị cổ Thăng Long – Hà Nội qua khắc hoạ của người phương Tây chưa được thể hiện một cách hoàn chỉnh và rõ nét. Với cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây” do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên được xuất bản năm 2010 hệ thống tư liệu bước đầu về Thăng Long – Hà Nội thời kỳ trung - cận đại mới được công bố, cung cấp cho giới nghiên cứu và độc giả xa gần những thông tin bổ ích và hấp dẫn về nhiều mặt của chốn kinh đô xưa. Tuy nhiên, cuốn sách này mới chỉ là bước đầu vì với dung lượng lên tới nghìn trang, nhưng cuốn sách mới chỉ tập hợp được những khối tư liệu nhất định, chứ chưa thể bao quát hết những nguồn tư liệu phương Tây hiện có, trong đó có những tư liệu vô cùng đặc sắc về kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ thời tiền cận đại. Việc tổ chức biên soạn cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ và nhóm cộng sự trong cơ cấu đề tài thuộc mảng sách Tư liệu tổng hợp của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II là có ý nghĩa lớn trên cả phương diện nghiên cứu khoa học, thực tiễn xây dựng – phát triển Thủ đô.

 
Với cuốn sách lần này, bố cục được kết cấu logic, khoa học dung lượng hơn 1000 trang tư liệu: Phần tổng luận hơn 30 trang khái quát được lịch sử và tư liệu lịch sử về Thăng Long – Hà Nội. Phần nội dung: Những tư liệu được giới thiệu trong Tuyển tập này gồm 2 phần: Tư liệu phương Tây về Thăng Long trước 1884 và khối tư liệu phương Tây sau 1884. Chủ biên đã dành khoảng gần 300 trang giới thiệu về những bài du ký của các thương gia nước ngoài đến Thăng Long và tư liệu phản ánh hoạt động truyền giáo của giáo sĩ phương Tây, sinh hoạt tôn giáo ở Thăng Long cũng như những ghi chép về cuộc sống của cư dân Thăng Long trên các lĩnh vực giao thương, phong tục tập quán, tổ chức quân đội, quản lý hành chính… Còn lại khoảng 600 trang là giới thiệu tư liệu chữ Pháp về Thăng Long và hơn 100 trang phụ lục. Đây thực sự là một Tuyển tập tư liệu về Thăng Long trước 1945 đồ sộ, giàu tính tư liệu lịch sử về hoạt động của chính quyền thuộc địa và đời sống nhiều mặt của cư dân Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây.

Với tiêu chí chỉ chọn lọc những tư liệu mới, chưa có mặt trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã được xuất bản, hoặc chưa tác giả nào biên dịch, và khối tư liệu này chỉ phản ánh về Thăng Long, Hà Đông, Sơn Tây trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hơn nữa, mở đầu bằng bài đề dẫn công phu, mang tính khoa học cao, tác giả nêu rõ quan điểm và thái độ sưu tầm, biên dịch nguồn tư liệu nước ngoài với thông tin đa dạng, có giá trị đích thực về đời sống Thăng Long – Hà Nội phục vụ cho nghiên cứu trong giai đoạn hiện nay. Từ những tư liệu này sẽ giúp các nhà nghiên cứu quá khứ tiếp cận dần tới lịch sử đích thực để thoát dần khỏi tư duy về lịch sử biểu kiến. Từ quan điểm này cho thấy các nhà nghiên cứu phải sưu tầm, xử lý thông tin quá khứ từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, khẳng định sự cần thiết phải sưu tầm, giới thiệu tư liệu về Thăng Long xưa.

Qua Tuyển tập tư liệu này, giới độc giả có thể có cái nhìn và hình dung được lượng thông tin lịch sử thật phong phú từ chính trị, kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý, đền bù đất đai đến văn hoá, giáo dục, y tế… Ngoài ra, từ những tư liệu này người nghiên cứu tiếp cận gần hơn với đời sống thực của cư dân Thăng Long – Hà Nội thời trước. Chẳng hạn, tư liệu về các vụ thương lượng giá đền bù, đổi đất khi thu hồi xây dựng công trình hạ tầng chung, hay người Tây, người ta mua đất làm nhà trong lòng Hà Nội, giữa chính quyền Thành phố và người dân… Hay tư liệu về trường Lít-xê An-be-sa-rô, cho thấy khá đầy đủ các thông tin về hoạt động của trường, từ tiêu chuẩn nhập học, nội quy học tập, nghĩa vụ của phụ huynh đến trách nhiệm quản lý của trường đối với học sinh… cụ thể và minh bạch. Ra đời 1923, đến nay vẫn là mô hình quản lý học đường lý tưởng. Đương nhiên, đối tượng phục vụ lúc đó là con cái người Pháp, viên chức và những gia đình khá giả người Việt…

Về khoa học, cuốn sách cung cấp sâu hơn khối tư liệu quý - hiếm cho đến nay phần lớn giới nghiên cứu chưa được tiếp cận trực tiếp. Về thực tiễn, nhiều thông tin khoa học về phố phường, di tích, phong tục - tập quán… sẽ đóng góp hữu hiệu cho việc hoạch định phát triển thủ đô, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá vật chất và tinh thần…

Bản thảo cuốn sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về giá trị tư liệu và chất lượng biên dịch. Bản thảo được xuất bản là cuốn sách mở đầu cho Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Qua cuốn sách này, giới nghiên cứu và độc giả sẽ nhận thức sâu sắc hơn trong việc tìm hiểu, phát huy, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá của vùng đất Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến.


Bách Niên

Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá