Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không khá phát triển. Cảng Phà Đen và hệ thống giao thông đường thủy từ Hà Nội nối liền các tỉnh phía Bắc, về Hải Phòng và từ đó vào Sài Gòn, nối với mạng lưới hải thương quốc tế. Đường số 1 nối Bắc Nam, đường 6 lên vùng Tây Bắc, đường số 5 xuống mạn Hải Phòng và tuyến đường lên Lạng Sơn, Việt Bắc. Hệ thống cầu phà mới đã khắc phục được tình trạng giao thông đường bộ trước đây bị chia cắt phân liệt vì hệ thống sông ngòi.
Giao thông ở Hà Nội trong giai đoạn này ngoài một số ít ô tô của quân đội Pháp, còn lại chủ yếu là xe ngựa và xe kéo tay của người bản xứ. Năm 1915 đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với lịch sử xe kéo tay ở Hà Nội: “ngày 1-3-1915, Đốc lý Hà Nội đã ký một Nghị định thiết lập sự độc quyền khai thác xe kéo tay cho thuê tại Hà Nội thông qua việc hạn chế số lượng xe kéo tay lưu hành ở Hà Nội”. Những cố gắng của chính quyền thành phố trong giai đoạn này đã tạo ra cho Hà Nội “những xe kéo hiện đại nhất và sạch sẽ nhất vùng Viễn Đông”. Cho đến những năm 1950 những chiếc xe xích lô lại chiếm vị trí hơn vì trông nó “xứng đáng với con người hơn” hơn là kéo xe.
Đối với ngành giao thông đường sắt ở Hà Nội thời kỳ này đã phát triển hơn so với các nước trên bán đảo Đông Dương. Những tài liệu được biên soạn trong cuốn sách này sẽ giúp bạn đọc hình dung lại quá trình xây dựng “Trung tâm đường sắt quan trọng nhất của Bắc Kỳ và của toàn Đông Dương…” với mục đích là xây dựng Hà Nội thành “Thủ đô của Bắc Kỳ”, “Thủ đô của Liên Bang Đông Dương”. Hệ thống đường sắt được xây dựng với ga Hàng Cỏ (1902) là trung tâm của hệ thống đường sắt xuyên Việt, nối Hà Nội về phía Đông, phía Nam và phía Bắc (năm 1902, Pháp xây dựng xong đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng; Hà Nội - Hải Phòng; năm 1906, Pháp xây dựng xong Đường sắt Hà Nội - Lào Cai).
Trong nội phố, hệ thống tàu điện từ Bờ Hồ nối về mạn Hà Đông, Bưởi, chợ Mơ… “Báo cáo số 20/4/1899 của Giám đốc Khu Công chính Trung - Bắc kỳ về đơn ngày 1/7/1895 của ông Krung xin được nhượng quyền khai thác một mạng lưới tầu điện tại Hà Nội gồm 3 tuyến đường xuất phát từ quảng trường Cocotier đến làng Bạch Mai, làng Cầu Giấy (làng Thụy Khuê) và làng Kinh Lược(làng Thái Hà”) và “ngày 2/5/1899 giữa Chính quyền bảo hộ, thành phố Hà Nội và các ông Courret, Krung và Durand Freres đã ký kết bản giao ước nhằm thiết lập một mạng lưới đường tầu điện tại Hà Nội”.
Ngoài ra Hà Nội còn có 2 sân bay là Gia Lâm và Bạch Mã (1919), sân bay Gia Lâm vào loại lớn trong vùng Đông Nam Á, đạt những tiêu chuẩn quốc tế lúc đó.
Các loại phương tiện giao thông ở Hà Nội cũng phát triển và hiện đại hóa. Nếu trước có ba phương tiện giao thông chủ yếu là thuyền, xe ngựa, xe kéo…thì mấy thập kỷ đầu thế kỷ XX đã có thêm nhiều phương tiện giao thông có tốc độ cao và đi xa hơn. Đó là máy bay, tàu thủy, tàu hỏa, ôtô, xe đạp…
Ngoài chiêu bài phát triển ngành giao thông - công chính, thực dân Pháp còn chú trọng đến những chính sách về văn hóa trong đó có văn hóa xã hội và văn hóa tín ngưỡng. Điều đó thể hiện rõ qua tài liệu được tập hợp trong chủ đề văn hóa - giáo dục ở Hà Nội của cuốn sách này.
Về văn hóa, thực dân Pháp đã thi hành một chính sách đầu độc, ngu dân đồng thời truyền bá văn hóa và giáo dục của Pháp, mục đích của những chính sách đó là nhằm nô dịch tinh thần quần chúng, biến quần chúng thành đám đông tự kỉ, khiếp nhược trước sức mạnh của văn minh đại Pháp, mất tin tưởng vào khả năng và tiền đồ của dân tộc, cắt đứt với mọi truyền thống tốt đẹp, phục vụ trung thành cho quyền lợi của đế quốc.
Những tài liệu, tư liệu trong cuốn sách thể hiện rõ nét nhất về các chính sách của chính quyền thuộc địa trên nhiều mặt như tổ chức các hoạt động trong các ngày lễ, cho phép phát hành và kiểm duyệt đối với báo chí, qua báo chí, thực dân Pháp đã chuyển một hệ thống tư tưởng nô dịch, văn hóa duy tân thấm sâu vào xã hội Việt Nam; cổ động cho chủ nghĩa “Pháp - Việt đề huề”; tuyên truyền cho việc thu “thuế máu” đối với nhân dân, khuyến khích nhân dân gia nhập quân đội Pháp làm bia đỡ đạn. Cho phép thành lập và hoạt động của một số tổ chức văn hóa, xây dựng các công trình tưởng niệm các nhân vật lịch sử, bảo tồn các di tích lịch sử, đặc biệt trong cuốn sách này còn có tài liệu về việc thành lập Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương năm 1917 - nơi lưu trữ một khối lượng lớn tài liệu về các mặt hoạt động của chính quyền thuộc địa, là nguồn sử liệu vô giá cho các nhà nghiên cứu về Hà Nội nói riêng về Việt Nam nói chung. Theo tài liệu, tư liệu được dịch cho ta biết được vào trước năm 1900, việc quản lý các di tích lịch sử ở Đông Dương không do một tổ chức nào đảm nhiệm. Chính vì vậy, nhiều công trình lịch sử, trong đó có một số công trình tín ngưỡng ở Hà Nội đã bị xâm hại trong quá trình quy hoạch thành phố. Trước tình hình đó, Toàn quyền Đông Dương đã ký các Nghị định ngày 9/3/1900 và 15/4/1905 về việc bảo tồn các công trình lịch sử và xếp hạng một số công trình lịch sử của thành phố. Theo Nghị định ngày 15/4/1905 vào thời điểm đó, Hà Nội có 07 công trình được xếp hạng. (Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Đền Quán Thánh; Đền Ngọc Sơn cùng đài Tháp Bút; Ô Quan Chưởng; Chùa Hai Bà; Đình Bạch Mã; Chùa Một Cột).
Cuốn sách “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954, tập 2” do TS. Đào Thị Diễn chủ biên gồm hơn 1000 văn bản, tài liệu, tư liệu về các ngành giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không và sự phát triển của nền văn hóa giáo dục, văn hóa tín ngưỡng của Hà Nội trong giai đoạn từ năm 1873 đến năm 1954, được sắp xếp theo từng chuyên đề, hệ thống hóa theo thời gian nên người đọc, người nghiên cứu sẽ dễ dàng tra cứu. Đặc biệt, những văn bản này được dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt do vậy ngoài việc dễ dàng tra cứu thì đây còn là nguồn sử liệu quý, tài liệu gốc có thẩm quyền hoặc uy tín thể hiện rõ những chính sách của chính quyền thực dân và chính quyền cách mạng Việt Nam áp dụng ở Hà Nội đến bây giờ vẫn còn được lưu trữ. Vì thế đây là cuốn sách có giá trị tham khảo và trích dẫn quý phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Kim Ngân
Nhà xuất bản Hà Nội